Đề bài : Giới thiệu về tác phẩm: Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh
I/ Mở bài: Giới thiệu tác phẩm và ấn tượng của em về tác phẩm.
Tuổi thơ được mệnh danh là tuổi thần tiên, tuổi đẹp nhất trong cuộc đời con người. Đi qua tuổi thơ, con người khó tìm được khoảng trời nào bình yên, trong sáng đến thế. Truyện ngắn Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã phần nào lí giải về việc vì sao chúng ta ai cũng khao khát trở về với tuổi thơ hồn nhiên và đẹp đẽ.
II/ Thân bài:
1/ Giới thiệu về vị trí, chủ đề của tác phẩm:
– Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ là truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Tác phẩm là một trong những sáng tác thành công nhất của ông và nhận được Giải thưởng Văn học ASEAN của năm 2010. Cuốn sách như một cuốn nhật kí đáng yêu, những ngây thơ thời con nít của không riêng tác giả, mà cho bất cứ ai đọc cuốn sách đều không ít bắt gặp ít nhất một lần mình ở trong đó.
– Nguyễn Nhật Ánh viết ở mặt sau cuốn sách: “Tôi viết cuốn sách này không dành cho trẻ em. Tôi viết cho những ai từng là trẻ em“.
2/ Đặc sắc về nội dung và nghệ thuật
– Không gian truyện, nhân vật, sự việc chính: Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã mời người đọc lên chuyến tàu để trở về với tuổi thơ, trên cái sân ga 8 tuổi của thằng cu Mùi.
– Nhân vật và sự việc: Ở đó, những câu chuyện nhỏ xoay xung quanh 4 đứa trẻ trong cùng một khu xóm là con Tủn, con Tí sún, thằng Hải cò và thằng cu Mùi. Trong đó, người kể chuyện là cu Mùi dưới hình thức kể của “thằng cu Mùi” lúc bé và nhận xét, đánh giá của “ông Mùi” khi đã gần 50 tuổi. Song song đó còn có sự xuất hiện của các phụ huynh và những câu chuyện dở khóc dở cười khiến chúng như đang sống lại tuổi thơ tươi đẹp.
– Cuốn sách đã vẽ lại cuộc sống, tình yêu thương, suy nghĩ của những đứa trẻ. Và sau này, lúc chúng ta đã lớn, ta nghĩ lại mọi sai lầm, mọi việc ngốc nghếch ngày trước mà đã ta trải qua, ta đều không cảm thấy hối hận. Vì đó là tuổi thơ, đó là một phần của cuộc sống mà ta đã từng đi qua
– Chỉ là những câu chuyện nhỏ nhặt của cu Mùi cùng chúng bạn, nhưng Nguyễn Nhật Ánh đã đưa độc giả đi hết cảm xúc này đến cảm xúc khác, bồi hồi thương nhớ khôn nguôi… Với lời văn hồn nhiên, trong sáng, Nguyễn Nhật Ánh đã dẫn dắt độc giả đi theo dòng hồi tưởng của mình, trở về cái thời khi còn là cậu bé tám tuổi. Diễn biến câu chuyện rất nhẹ nhàng, khiến cho người đọc không thôi bồi hồi thổn thức. Độc giả sẽ như nhìn thấy chính mình ngày thơ bé qua những suy nghĩ, hành động, tâm tư, tình cảm của các nhân vật chính.
– Cách kể chuyện: Vẫn giọng văn trong vắt và dí dỏm, Nguyễn Nhật Ánh đã dẫn dắt độc giả đi theo dòng hồi tưởng của mình, trở về cái thời còn là cậu bé tám tuổi, mang đến cho người đọc một thế giới tuổi thơ hồn nhiên, đầy ắp tiếng cười. Nhưng lồng vào những ngày tháng hồn nhiên đó lại là những trăn trở của người lớn. Cái sân ga tám tuổi của nhân vật tôi – “thằng cu Mùi” – như là một điểm tựa ký ức để tác giả thả vào đó những triết lý, những suy ngẫm về cuộc đời.
3/ Kết luận: Khẳng định giá trị, ý nghĩa của tác phẩm:
Cuốn sách “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” đã gợi nhớ về cả một tuổi thơ mà mỗi người đã đi qua, khiến mỗi người chợt mong ước được mãi là một đứa trẻ hồn nhiên mà chẳng phải lo nghĩ như người lớn. Nếu có tấm vé hành trình về lại tuổi thơ, chắc chắn tôi và bạn cũng xin đi nhờ một chuyến để về lại những tháng ngày khó mà quên. “Để sống tốt hơn đôi khi chúng ta phải học làm trẻ con trước khi học làm người lớn”.