Site icon Lớp Văn Cô Thu

[Ngữ văn 12] QUAN NIỆM NGHỆ THUẬT VỀ CON NGƯỜI TRONG VHVN SAU 1975 ĐẾN NAY

“Văn học và cuộc sống là hai vòng tròn đồng tâm mà tâm điểm là con người”. Nhận xét trên của nhà văn Nguyễn Minh Châu nói lên được sứ mệnh cao cả của văn chương là phản ánh một cách sinh động và trung thực về con người.

Ngay từ những năm kháng chiến chống Mĩ, Nguyễn Minh Châu đã ghi vào nhật kí: “Hôm nay chúng ta chiến đấu vì quyền sống của cả dân tộc, nhưng sẽ đến một ngày chúng ta phải chiến đấu cho quyền sống của từng con người… Chính cuộc đấu tranh ấy mới là lâu dài”. Dự cảm sáng suốt của ông đã được minh chứng khi văn học có một sự chuyển mình mạnh mẽ từ quỹ đạo chiến tranh sang quỹ đạo hòa bình sau năm 1975. Các nhà văn dành tất cả tâm lực của mình cho một cuộc đổi mới toàn diện văn chương. Đổi mới quan niệm về nhà văn, đổi mới cách viết, đổi mới đề tài… và đặc biệt nhất là đổi mới quan niệm nghệ thuật về con người với nội dung dân chủ và nhân bản sâu sắc. Từ năm 1945 đến năm 1975, phát triển trong điều kiện chiến tranh, văn học nhìn con người bằng cái nhìn lý tưởng, “lấy lịch sử làm điểm quy chiếu con người”. Cho nên con người xuất hiện trong giai đoạn văn học này chủ yếu là con người cộng đồng, con người giai cấp, con người dân tộc. Những con người đơn giản, dễ hiểu được xây dựng theo những công thức nhất định. Nhưng từ sau năm 1975, yêu cầu đổi mới văn học đòi hỏi nhà văn phải nhìn con người trong những mối quan hệ đời thường đa đoan và phức tạp, khám phá con người ở khía cạnh đời tư bằng cặp mắt nhiều chiều và bằng cách viết đa thanh. Những đổi mới trong quan niệm nghệ thuật về con người trong văn học Việt Nam từ sau 1975 đến nay được biểu hiện qua một số nét lớn như sau:

1.   Con người cá nhân

Sau 1975, nhiệm vụ giải phóng dân tộc hoàn thành, nhường chỗ cho những nhiệm vụ thời bình bức thiết hơn. Nhu cầu cơm ăn, áo mặc, việc làm, nhu cầu hưởng thụ cá nhân ngày một tăng cao. Do đó, ý thức về quyền lợi cá nhân, về quyền sống của con người cũng trỗi dậy mạnh mẽ. Văn học đã bắt nhịp với thời đại và phản ánh chân thực điều đó. Quan niệm về con người cá nhân, ý thức cá nhân vốn đã là tiêu điểm của văn học trước 1945, nay trở lại với những tiếng nói sâu lắng, thiết tha nhưng cũng không kém phần quyết liệt.

Thơ ca sau 75 là mảng văn học đầu tiên cất lên tiếng nói khẳng định con người cá nhân. Cuộc sống thời hậu chiến có quá nhiều điểm khác biệt so với cuộc sống thời chiến tranh. Điều đó đòi hỏi nghệ sĩ phải xác lập vị thế của mình sao cho thích hợp với hoàn cảnh lịch sử mới. Từ chỗ là những ca sĩ ngợi ca đất nước và nhân dân bằng cái nhìn sử thi và cảm hứng lãng mạn, giờ đây các nhà thơ chuyển từ “bè cao” sang “giọng trầm”. Cái nhìn sử thi đã dần phai nhạt và thay vào đó là cái nhìn phi sử thi. Đây là yếu tố hết sức quan trọng khiến cho nghệ thuật giai đoạn này thể hiện tinh thần dân chủ hóa sâu sắc. Cảm hứng nhân bản và sự thức tỉnh ý thức cá nhân đã trở thành nền tảng và cảm hứng chủ đạo của văn học và thơ ca sau 1975. Nhà thơ không còn bị vướng bận với những kiểu hiện thực chủ yếu và hiện thực thứ yếu, không bị bó buộc trong những khung tư tưởng định sẵn mà cố gắng thể hiện tính đa chiều của hiện thực. Nói đúng hơn, hiện thực trong văn học phải là thứ hiện thực của suy tư. Chỉ một khi nhà thơ nhìn cuộc sống bằng đôi mắt cá nhân, nói lên tiếng nói cá nhân, lúc đó mới hi vọng anh ta tạo nên giọng điệu và tư tưởng nghệ thuật riêng. Tuy nhiên, trong những năm đầu sau khi chiến tranh kết thúc, cần chú ý đến hai mạch chính trong sự vận động của tư duy thơ. Thứ nhất, cảm hứng sử thi vẫn được tiếp nối như một quán tính nghệ thuật. Không phải ngẫu nhiên mà giai đoạn này xuất hiện hàng loạt trường ca có ý nghĩa như những bức tranh hoành tráng tổng kết cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc. Sự thay đổi trong cái nhìn nghệ thuật trong các trường ca này so với thơ ca thời chống Mỹ là ở chỗ, tuy vẫn mang chủ âm hào hùng, nhưng các nhà thơ đã bắt đầu chú ý nhiều hơn đến bi kịch của con người. Nói khác đi, trong khi cố gắng miêu tả sự lớn lao, kỳ vĩ của Tổ quốc, các nhà thơ đã quan tâm trực diện đến số phận của cá nhân, thậm chí nhiều khi số phận của đất nước được đo ướm bằng nỗi đau của cá nhân:

Một mình một mâm cơm Ngồi bên nào cũng lệch

Chị chôn tuổi xuân trong má lúm đồng tiền

(Hữu Thỉnh – Đường tới thành phố).

Trong những trường ca này, mặc dù cái bi chỉ là yếu tố để làm nổi bật cái tráng nhưng rõ ràng, cái nhìn về chiến tranh đã sâu hơn, gắn nhiều hơn với những suy tư cá nhân về số phận dân tộc và số phận con người. Thứ hai, trong những năm cuối thập kỷ 70 và đầu những năm 80 của thế kỷ XX, “thơ đời thường” xuất hiện nhiều. Chưa bao giờ các nhà thơ thấy nhiều bi kịch đến thế. Thậm chí, cảm giác bế tắc và chán nản là cảm giác khá nổi bật trong tâm trạng nhiều người: Thời tôi sống có bao nhiêu câu hỏi/ Câu trả lời thật chẳng dễ dàng chi (Nguyễn Trọng Tạo – Tản mạn thời tôi sống). “Từ xa” nhìn về Tổ Quốc, Nguyễn Duy đã thật lòng nói lên nỗi cay đắng của mình khi nhìn thấy sự khổ nghèo và bất hạnh của con người trong cuộc sống đầy khốn khó. Lưu Quang Vũ cũng cay đắng nghẹn ngào khi nghĩ về Tổ quốc. Các hình tượng nghệ thuật mang tính huyền thoại hóa về một hiện thực kỳ vĩ và cảm hứng sử thi không còn xuất hiện như là hiện tượng nổi bật của thơ ca giai đoạn này. Trái lại, bằng cái nhìn tỉnh táo và giàu màu sắc chiêm nghiệm, nhiều thi phẩm sau chiến tranh đã thể hiện một cách khá riết róng những mặt trái của đời sống, những thay đổi các thang bậc giá trị và không né tránh việc nói đến những bất công xã hội. Đây là những cảm hứng hiếm khi xuất hiện trong thơ 1945- 1975, khi mà số phận dân tộc và số phận cá nhân hòa làm một, cái tôi cái ta hoàn toàn thống nhất. Cái nhìn nghệ thuật trong thơ sau 1975 là cái nhìn suồng sã, đối tượng hiện lên như một sự thật không mang màu lý tưởng hóa.

Thơ Nguyễn Duy sau 1975 là một điển hình cho tiếng nói của con người cá nhân. Nhân danh con người cá nhân, ông nói về mình một cách chân thật và trào phúng. Là thi nhân, khi chân ướt chân ráo vào nghề ông đã tuyên ngôn dứt khoát: “là ta ta hát những lời của ta”, đã đau đáu một nguyện ước cất lên “những tâm tình ở đằng sau tâm tình”. Vào những năm 70, thời “minh họa” và “phải đạo” còn ngự trị, tâm nguyện thế này chẳng phải như một thứ tiên phong cho thức tỉnh và đổi mới sau này hay sao? Nói như nhà nghiên cứu Chu Văn Sơn: “Thơ Duy là thế, lúc nào cũng là “những tâm tình ở đằng sau tâm tình!” Điều rất đáng nói nữa là: cái tôi thi nhân kia thực là kẻ có đạo. Ấy là Đạo Chân Thành – “dù có sao cũng phải chân thành”. Cả trong thơ lẫn trong đời, Duy đều coi chân thành là cứu cánh và cứu tinh của mình. Không chân thành làm sao dám nói lên những tâm tình ở đằng sau tâm tình? làm sao có thể sẵn sàng tuẫn tiết viết những lời thơ đánh thức lương tri? sẵn sàng làm những bài thơ “hạng nặng” như “Nhìn từ xa… Tổ quốc”, “Đánh thức tiềm lực”, “Kim Mộc Thuỷ Hoả Thổ” để nói thật, nói thẳng, không hề tránh né những vấn đề bức xúc của thì hiện tại được? Rồi nữa: cái tôi thi nhân kia lúc cần tự họa mình thì cũng cứ chân thành đến đáy, chẳng hề làm dáng làm duyên, chẳng nề hà những nhếch nhác, bụi bặm. Là “một thằng dớ dẩn / ngồi làm thơ rưng rưng”. Là “thi nhân hoá phăm phăm ngựa thồ“. Là kẻ mắc bệnh thơ- “Con ơi cha mắc bệnh thơ / ú a ú ớ ù ờ thâm niên / lềnh phềnh thân phận chúng sinh / lênh phênh hồn xứ thần linh tít mù”. Là “gã hát rong chẳng xin tiền. Là xẩm ngọng, mà ngạo nghễ khúc đồng dao nhăng cuội”… Nghĩa là không phải cái tôi cao đạo, khoác áo tao nhân mặc khách. Không phải cái tôi triết nhân khệnh khạng táo bón. Không phải cái tôi quyền uy rao giảng phán truyền… Đó là tiếng nói của riêng Nguyễn Duy – một con người tự đáy lòng đã khắc cốt ghi tâm “dù ở đâu cũng Tổ quốc trong lòng / cột biên giới đóng từ thương đến nhớ” nhưng Nguyễn Duy cũng không quay lưng với chính trị: “ một nghệ sĩ mà anh đã đứng về phe Nhân Dân, Dân Tộc thì trong bất kì thời đại nào anh phải có thái độ chính trị của mình… Nhà văn có thái độ chính trị nhưng nhà văn không phải là cái đuôi của chính trị“. Bởi thế, ông thẳng thừng:

Ta dù lếch thếch lôi thôi

mong thơ sinh hạ cho đôi ba dòng…

Cứ bèo bọt bước thiên di

đưa chân lục bát mà đi loằng ngoằng…

Cứ là rượu của chúng sinh

cho ai nhắm nháp cho mình say sưa

Cứ như hoa cỏ bốn mùa

giọt sương giọt nắng giọt mưa vơi đầy”

Ông nhạy cảm với cái khổ, người khổ, bởi chính nhà thơ tâm sự:

“Tôi trót sinh ra nơi làng quê nghèo

quen cái thói hay nói về gian khổ

dễ chạnh lòng trước cảnh thương tâm”.

Chế Lan Viên cũng trăn trở về con người, về số phận cá phân trước cuộc đời. Hai tập Di cảo thơ chính là nỗi niềm ấy của tác giả Điêu tàn một thời. Nếu ở giai đoạn thơ chống Mỹ, Chế Lan Viên sung sướng tự hào biết bao khi nhà thơ có sứ mạng vinh quang của một nhà thơ – chiến sĩ: “Vóc nhà thơ đứng ngang tầm chiến luỹ / Bên những chiến sĩ ngoài đồng và hạ trực thăng rơi”, thì nay trở lại đời thường, vị trí của nhà thơ trở nên thật khiêm tốn:

“Tôi chỉ là một nhà thơ cưỡi trâu

Đánh giặc cờ lau…

Đã lâu ta không còn nghe hồn lau gọi nữa

Chỉ nghe danh vọng ầm ào

Vinh quang xí xố ….”

(Cờ lau Đinh Bộ Lĩnh)

Và trong một hoàn cảnh xã hội đầy biến động phức tạp, các thang giá trị thay đổi đến bất ngờ, có lúc ông đã phẫn uất thốt lên:

“Giờ là thế giới của xe cúp, tivi, phim màu ngũ sắc

Của quyền lực tuổi tên đốp chát

Vị trí nhà thơ như rác đổ thùng”

(Thời Thượng)

Nếu trước đây, ông đề cao, khẳng định và ước mong thơ mình thành “Tiếng sáo thổi lòng thời đại/ Thành giao liên dẫn dắt đưa đường”, thì nay ở những năm tháng cuối đời, ông thật sự xót xa, cay đắng nhận ra:

“Tôi chưa có câu thơ nào

Giúp người ấy nuôi đàn con nhỏ

Giữa buồn tủi chua cay vẫn có thể cười:

Ôi văn chương có lỗi với bao người”,

Nghìn lẻ câu viết ra

Người ta quên cả một nghìn”

“Chữ nghĩa thơ anh, nước ốc nhạt phèo”….

Chế Lan Viên cũng viết nhiều bài thơ có tính chất tổng kết về đời thơ mình. Nhưng khác với một số bài thơ “nhìn lại” thời “Ánh sáng và phù sa” trước đây (nhìn lại là để tự kiểm điểm, nhằm dứt khoát dứt bỏ một giai đoạn thơ lạc hướng trước cách mạng, để thêm tin tưởng vào hiện tại), những bài thơ sau này như đem toàn bộ thơ ông lên bàn cân để chính ông ngồi trầm tư cân đong thành những còn – mất, được – thua, để nhận ra những khiếm khuyết của thơ mình mà một thời khó có thể nói ra. Tổng kết lại thơ mình không phải để phủ nhận, quay lưng, chối bỏ quá khứ mà là sự phản tỉnh, tự vấn đầy ý thức trách nhiệm với thơ của mình hôm nay. Nhờ cái bất ổn, cái xôn xao, xáo động của tư tưởng và tâm hồn ấy mà Chế Lan Viên đã gợi mở biết bao điều thú vị, bất ngờ qua các trang di cảo:

Câu thơ phải luôn luôn bất ổn và xôn xao

Không thể nằm yên mà ngủ được nào.

(Bất hoàn toàn)

Góc nhìn, tầm nhìn của thơ ông giờ đây không còn ở tư thế cao vòi vọi – tư thế của cái ta cộng đồng đứng ở đỉnh cao của thời đại để phát ngôn cho toàn dân tộc mà chính từ đời thường, từ chính cuộc sống cá nhân với bao đa đoan, phức tạp của kiếp người. Trước đây, dù ông luôn tâm niệm nhà thơ “phải đào, phải xới, phải chắt, phải lọc” các chất liệu của đời sống, phải nhìn vào ba chiều của hiện thực để đưa vào trang thơ “hai mặt phẳng”, thì vẫn chỉ để đi đến một mục đích: tìm ra chất thơ cao đẹp của cuộc đời. Giờ đây, cuộc sống vào các trang thơ từ nhiều phía, nhiều góc độ: mặt phải và mặt trái, bề nổi và chiều sâu, niềm vui và nỗi đau, thế giới hữu hình và vô hình… Do đó, nhiều mặt còn khuất lấp của hiện thực và tâm trạng như được phơi trần trên các trang thơ di cảo. Đó cũng chính là hành trình đi tìm lại chính mình của Chế Lan Viên:

“Con rồng ôm hạt châu Rồi nhả ra

Rồi tìm lại

Ta là ta mà luôn bối rối? Tìm lại ta …

(Bất hoàn toàn)

Thơ hiện đại càng về cuối thế kỉ XX, càng lặn sâu vào khai thác ý thức cá nhân của con người. Cuộc sống càng hiện đại, càng toàn cầu hóa mạnh mẽ, con người càng có nguy cơ đánh mất mình. Vì vậy vấn đề bản ngã cá nhân- một yếu tố quan trọng trong ba yếu tố bản năng, bản ngã, siêu ngã, hơn bao giờ hết được coi trọng và gìn giữ, cái tôi trong thơ đương đại mang cảm quan của con người hiện đại, nỗ lực tìm kiếm, gìn giữ bản ngã trong một thế giới đầy bất an, phi lí. Ý thức con người cá nhân trỗi dậy khẳng định mình mạnh mẽ:

“Cha mẹ định quàng dây cương vào tôi

Hãy để con tự đi

Độc mã”

(Tôi – Vi Thùy Linh)

Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư, Nguyễn Quang Thiều, Mai Văn Phấn… là những cái tên “nổi loạn” thời kì cuối thế kỉ XX. Gốc rễ sâu sa vẫn nằm ở ý thức cá nhân, khao khát muốn thể hiện con người cá nhân trong mỗi nhà thơ. Trong đó, Vi Thùy Linh nổi lên như một nữ sĩ “ái quyền” (Chu Văn Sơn).

Có thể nói Vi Thùy Linh rất biết cách tự tỏa sáng để trở nên lộng lẫy. Chị đã lấy thơ để thể hiện chính mình. Khẳng định cái tôi, Vi Thùy Linh muốn khẳng định giá trị của bản thân. Đó là một cái tôi cá nhân đặc thù, không giống ai, không thể nhầm lẫn với bất cứ người nào. Linh đã viết rất nhiều bài thơ về mình: Tôi, Những người sinh tháng 4, Một mình tháng 4, Chân dung, Sinh ngày 4 tháng 4, Hai miền hoa Thùy Linh… Có thể thấy rằng trong những bài thơ đó cái tôi tự hiện rất mạnh mẽ, quyết liệt và cũng hiếm thấy trên thi đàn. Rất nhiều lần Vi Thùy Linh trực tiếp xưng tên mình ra: Thùy Linh (Thánh giá), nàng Vi (Lá thư và ổ khóa), họ Vi, Linh thị (Song mã), Vili… Có nhiều lúc Vi Thùy Linh cũng trăn trở, nhưng hầu như những câu thơ Linh viết về mình đều là những lời khẳng định, khẳng định một cái tôi bản thể: “Là mùa đầu cánh đồng Mẹ tôi sinh nở/ Là cơn gió của đại ngàn Cha/…/ Khi bị gọi nhầm tên./ Tôi không nói gì/…/ Khi ai đó nói rằng, tôi giống người họ đã gặp” (Tôi).

Đó là cái tôi tự do, tự lập, không chấp nhận sự gò bó, áp đặt: “Cha mẹ định quàng dây cương vào tôi/ “Hãy để con tự đi”/ Độc mã/ Quyết làm những gì mình muốn/…Tôi là tôi/ Một bản thể đầy mâu thuẫn!” (Tôi). Cái tôi của Vi Thùy Linh khi đọc lên khiến người ta dễ nhầm tưởng chị tự ti, khép kín. Nhưng thực ra Vi Thùy Linh như một con ngựa bất kham phản ứng một cách yên lặng nhưng quyết liệt trước sự nhầm lẫn của người đời: “không nói gì, bỏ đi, âm thầm khóc”…Thực chất chị là một cô gái đầy cá tính, bản lĩnh và độc lập. Vi Thùy Linh sinh ra đã có khuôn mặt riêng, tiếng nói riêng. Chị sống đúng như những gì mình có, nghĩ theo cách của riêng mình, rồi cất lên tiếng nói cũng của chính mình. Tất cả đều hồn nhiên và giản dị “không bao giờ hóa trang để nhập vai kẻ khác”.

Cái tôi cá nhân trong thơ Vi Thùy Linh còn muốn thâu tóm cả thế gian vào mình. Vì thế, ở khía cạnh nào đó, có thể nói thơ của Vi Thùy Linh là tiếng nói nữ quyền,là khát vọng “bắn nát sự cam phận” vốn đã ăn sâu vào tiềm thức của nữ giới. Độc giả thấy người phụ nữ trong thơ Vi Thùy Linh thường vượt lên trên mọi rào cản để chiếm lĩnh vùng yêu, thay đổi thế giới. Và cái tôi lúc này như một sự hóa thân, hòa quyện cùng vũ trụ để “tình yêu sinh ra con người”: Tôi thích cách sống cô Hồ/ Đêm đêm tôi vẫn thường trò chuyện/ Bằng thơ…/ Hỡi Hồ Xuân Hương, bây giờ ngày càng nhiều những người cô đơn” (Nửa đêm trò chuyện với cô Hồ).

Trong thơ Vi Thùy Linh thấy xuất hiện rất nhiều lần hình ảnh “hoa Thùy Linh”. Linh không ví mình với một loài hoa hương, sắc cụ thể nào đấy mà Linh thấy mình chính là một bông hoa. Người ta thường nói hoa có hương có gai (ví như hoa hồng), hoa đẹp thì khó trồng (như hoa lan)… hoa Thùy Linh thì sao? “Như con chim nhỏ/ Hoa Thùy Linh/ …Hình dung kéo dài triền miên, mảnh như tơ sen/ Cánh hoa Thùy Linh” (Hai miền hoa Thùy Linh). Hoa Thùy

Linh kia mong manh và đầy sự trinh khiết. Trong một thế giới hỗn độn đang quay đảo, con người như lạc vào sự triền miên vô tận của toan tính, thực dụng, sự “trượt dốc” về tâm hồn thì hoa Thùy Linh đã chọn cho mình một nơi đầy sự an nhiên. Đó là nơi ngự trị của tình yêu, nơi “Xuất thần một cuộc yêu chưa từng thấy”. Linh luôn hướng về tình yêu và dường như với Linh tình yêu có sức mạnh vạn năng che lấp được tất thảy mọi xô bồ của cuộc sống. Tình yêu là một phạm trù tình cảm đặc biệt và đòi hỏi con người phải có ý thức để mà cảm nhận sự tồn tại của nó, duy trì nó và nâng tầm nó lên. Nhưng với Linh thì cả trong vô thức “cơn mơ chập chờn, hình dung kéo dài triền miên” nó cũng vẫn sống động. Và ta thấy tình yêu đó vẫn đẹp, vẻ đẹp huyền ảo và thanh sạch.

Thích sống một cuộc đời “động” và luôn tự ý thức về mình, Linh đã tạo cho mình một lối sống riêng. Trong không gian ấy chỉ có Linh với sự tồn tại của một cái tôi rất độc lập. Làm được điều đó đâu phải dễ. Trong thơ Vi Thùy Linh cái tôi cá nhân được khẳng định một cách tự tin. Và phải có một cái tôi cá tính và tài năng thì mới tạo nên được sự khác biệt trong tiếng thơ của Linh. Có lẽ cái quan trọng của tài năng văn học là tiếng nói của riêng mình. Đó chính là đặc điểm để phân biệt chủ yếu một tài năng độc đáo.

Cái tôi Vi Thùy Linh dám bày tỏ một cách trực tiếp, thẳng thắn những tâm tư, tình cảm của mình: “Em/Sống hết mình từ tế bào nhỏ nhất/ Yêu dữ dội bằng sức mạnh phái yếu/ Lại khóc vì sắp khô nước mắt”(Những câu thơ mang vị mặn). Điều đó đã làm xóa xổ những thương vay khóc mướn, những vui buồn giả tạo, dễ dãi trong thơ trước đây. Chị đã bộc lộ một cái tôi thường nhật và giản dị của chính mình, do mình. Có lẽ, chỉ có Vi Thùy Linh mới lớn tiếng phê phán những phát minh khoa học nhân bản vô tính, công nghệ tin học, bởi Linh luôn hướng về các giá trị nhân văn, con người: “Không gì đẹp bằng con người/…Không có gì kỳ diệu bằng việc tạo thành CON NGƯỜI/ Cuộc sống bắt đầu bằng việc phôi thai những đứa trẻ.” (Thế giới hiện hữu)

Vi Thùy Linh dám chịu trách nhiệm, công khai thừa nhận những mất mát đau khổ, kể cả những điều trước đây kiêng kị không dám nói: “Âm du dương bọc lấy vết bi ai/ Buổi tối trầm thinh chúng ta gặp nhau, vẻ đẹp chưa ai thấy/ Anh bế em vừa tắm sông Hằng trở về ngôi báu/ Đôi bàn tay quấy lòng hồ trinh tĩnh/ Neo em vào Anh” (Teressa)…

Cái tôi ở đây là sự hóa thân chứ không phải bản thể thực tế, nó mạnh mẽ vì Vi Thùy Linh dám sống và thể hiện thái độ sống. Nếu Phan Thị Thanh Nhàn “Giấu một chùm hoa trong chiếc khăn tay/ Cô gái ngập ngừng sang nhà hàng xóm” (Hương thầm), thì Vi Thùy Linh thay vì nấp ngoài cửa sẽ đến thẳng bên người con trai và nói “Em yêu Anh và em sẽ chờ Anh về”, thay vì cô gái quê bứt cỏ phừn phựt và chạy ù trên đê khi người yêu hỏi “Em có yêu anh không?” Nhà thơ nữ trẻ này sẽ không bao giờ bỏ chạy mà nói “Em yêu Anh và khi nào chúng

ta làm đám cưới”. Táo bạo hơn chị còn viết: “Nếu Anh không đến với em/ Em sẽ đi tìm nơi trú ngụ của quỷ” (Liên tưởng). Khi đã đứng vững trên cái tôi cá nhân thì tất cả những gì là của con người, những tình cảm sâu sắc nhất, kín đáo nhất, huyền bí nhất và kể cả những lo lắng thường nhật, những uẩn khúc rắc rối đều không xa lạ với sự sáng tạo.

Quan tâm đến số phận cá nhân, văn học sau 1975 có nhu cầu khám phá, phản ánh số phận và đời sống nội tâm của con người. Những cảm xúc, suy nghĩ riêng tư, những khát khao, những trăn trở, những mối quan hệ cá nhân chồng chéo… khiến cho các nhân vật trở nên sinh động. Họ hiện thân cho tiếng nói cá nhân, số phận cá nhân. Họ cũng là hiện thân của đời sống hiện thực không giản đơn, ít bị tô vẽ, thi vị hóa.

Văn xuôi sau 75 là tiếng nói của con người cá nhân, số phận và ý thức cá nhân sâu sắc, quyết liệt. Tuy nhiên, mầm mống của nó cũng bắt đầu ngay từ những trang viết thời chống Mĩ. Nguyễn Minh Châu trong tiểu thuyết chiến tranh đã không nhìn con người đơn giản, sơ lược. Nhà văn cũng đã chạm vào được nỗi trắc ẩn của con người, đã khơi được phần chìm khuất của đời sống, “ngay giữa những trang viết đầy hào sảng của Cửa sông, Dấu chân người lính, người đọc đã mong manh cảm nhận dường như nỗi đau vẫn song hành tồn tại cùng niềm vinh quang, ngay dưới chân tượng đài chiến thắng, và những nỗi éo le, ngang trái trong đời tư, sự vênh lệch giữa số phận cá nhân với số phận cộng đồng là điều có thực, là điều không tránh khỏi”. Trong Dấu chân người lính, bi kịch mà ông Phang và Xiêm, con dâu ông phải trải qua cũng là nỗi đau của bao nhiêu người Việt Nam khi có người thân trong gia đình như con, như chồng cầm súng bắn vào đồng bào, phản bội quê hương. Thái độ có thể có trong tương lai của đứa con đi học ở nước ngoài cũng làm cho chính ủy Kinh trăn trở. Ngày mai, đứa con đó trở về khi tiếng súng đã dứt, những người anh hùng hôm nay đã trở lại với đời thường, liệu nó có biết ơn, có nhớ đến sự hi sinh xương máu của những người lính, trong đó có cả Lữ, anh em của nó. Những nhánh rẽ trong mạch văn hào hùng đã tạo cho tác phẩm của Nguyễn Minh Châu trước 1975 ít nhiều sự ám ảnh với giọng suy tư, triết lí.

Thời kì hậu chiến, Nguyễn Minh Châu đã có những tìm tòi và đổi mới sâu sắc trong quan niệm nghệ thuật về con người. Ông đã chú trọng khai thác nhiều khía cạnh khác nhau trong tính lưỡng diện, đa diện và luôn biến đổi của con người. Phải đến với truyện ngắn Bức tranh (1987), sự thay đổi quan niệm nghệ thuật về con người của Nguyễn Minh Châu mới được thể hiện trực tiếp, đầy đủ. Nhân vật người họa sĩ tự nhận thức “trong con người tôi đang sống lẫn lộn người tốt kẻ xấu, rồng phượng lẫn rắn rết, thiên thần và ác quỷ” . Con người trong sáng tác của Nguyễn Minh Châu sau 1975 đã được đặt ra ngoài bầu không khí vô trùng vốn có, vừa đi vừa vấp ngã trước thế giới đa chiều đầy biến động. Con người phải đối diện với chính mình, với số phận của mình, với tư cách là một con người riêng lẻ, không nhân danh ai, không dựa vào ai. Hàng loạt những thể nghiệm sau Bức tranh như Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành, Chiếc thuyền ngoài xa, Cỏ lau, Phiên chợ Giát đã làm cho quan niệm nghệ thuật về con người của Nguyễn Minh Châu càng thêm vẹn đầy và sự biểu hiện quan niệm nghệ thuật đó càng thêm đa dạng, phong phú.

Nguyễn Huy Thiệp, cây bút sắc sảo bậc nhất trong văn xuôi thời kì đổi mới đã miêu tả con người cá nhân trong nỗi cô đơn lạc lõng giữa cuộc đời. Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp khai thác nhiều về kiểu người này để phản ánh một sự thật rằng khi kinh tế thị trường, văn minh công nghiệp mở ra, lối sống thực dụng như một cơn gió lốc tràn vào từng ngóc ngách của cuộc sống. Con người trở nên bơ vơ, lạc loài vì không thể thích ứng được với nó. “ Sao tôi cứ mãi lạc loài”. Đó là sự trăn trở, day dứt trong tâm hồn ông Thuần – vị tướng về hưu trong kiệt tác cùng tên của Nguyễn Huy Thiệp. Ông từng là một người lính, một vị chỉ huy mẫu mực, một tấm gương sáng trong mắt mọi người: “ Ở trong gia đình, cha tôi bao giờ cũng là hình ảnh của niềm vinh dự, tự hào. Cả ở trong họ, trong làng, tên tuổi của cha tôi cũng được mọi người ngưỡng vọng”. Rèn luyện trong quân đội, ông có một lối sống trong sạch, ngay thẳng, không vụ lợi. Thế nhưng khi giã từ con đường binh nghiệp để trở về cuộc sống đời thường, ông phải đối mặt với bao nhiêu bộn bề, ngang trái. Ông không hòa hợp được với cái lạnh lùng của lối sống thực dụng. Cuộc sống không còn chỗ cho ông, ông trở thành người thừa, xa lạ với chính những người thân trong gia đình. Một khối cô đơn khổng lồ đè nặng lên tâm hồn vị tướng của một thời lửa đạn. Ông khóc khi chứng kiến các rau thai nhi trong nồi cám “ Khốn nạn, tao không cần sự giàu có này”. Ông luống cuống khổ sở trong một đám cưới ngoại ô lố lăng và dung tục. Ông ngán ngẩm trước việc đứa con dâu ngoại tình. Ông nhận ra một sự thật cay đắng rằng “ Đàn ông thằng nào có tâm thì nhục… tâm càng lớn càng nhục”. Sự cô đơn, lạc lõng của ông Thuần xuất phát từ sự mâu thuẫn của lý tưởng cao đẹp một thời và sự thật trần trụi của một thời khác. Một người như ông, từng được đặt trong “bầu không khí vô trùng” của thời trước chắc chắn không đủ sức đề kháng để đối chọi với sự thật của thời này.

Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh là một tác phẩm xuất sắc của văn xuôi sau 75. Với lối viết hiện đại, cách nhìn mới mẻ và chân thực về chiến tranh và con người. Bảo Ninh đã cho ta một góc nhìn mới về con người, số phận cá nhân trong và sau chiến tranh. Niềm khao khát của nhân vật Kiên cũng là khao khát chung của con người trong chiến tranh. Nhưng sau cuộc chiến, con người cộng đồng va vấp với con người cá nhân một cách đau đớn, nghiệt ngã: “Chính nghĩa đã thắng, lòng nhân đã thắng nhưng cái ác, sự chết chóc và bạo lực phi nhân cũng đã thắng. Cứ nhìn mà xem, cứ ngẫm nghĩ mà xem sự thực là như thế đấy. Những tổn thất, những mất mát có thể bù đắp, các vết thương sẽ lành đau khổ sẽ hóa thạch nhưng nỗi buồn về cuộc chiến tranh thì sẽ càng ngày càng thấm thía hơn, sẽ không bao giờ nguôi”.

Trong Nỗi buồn chiến tranh, kí ức chiến tranh và tình yêu không ngẫu nhiên trở về. Giống như con đường đi vào những tâm hồn bị tổn thương, tác nhân làm sống dậy tất cả những kí ức buồn đau và hạnh phúc trong tâm hồn người chiến binh được đặt vào tình huống tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Trong tâm thức của mỗi người Việt, đó là hành động hướng đến tâm linh, vì một cuộc sống bình yên cho những người đã khuất. Nhưng con đường tìm đến với những linh hồn đã chết lại khuấy đảo cuộc sống của người may mắn sống sót trở về, những người có cơ hội chứng kiến giờ phút chiến thắng. Trong ý thức của người kể chuyện và của chính nhân vật, “Những luồng sinh khí chết ấy đã đậm dần trong anh và hòa vào tiềm thức trở thành bóng tối của tâm hồn anh”. Và “âm vang của ngày tháng đã qua như những chuỗi sấm nguồn xa tắp làm tâm hồn anh từng lúc một hoặc sôi sục, hoặc nhói đau, hoặc ngưng lặng đi”. Ý thức được tác nhân của dòng tâm thức ngược trở về quá khứ ấy, con người được miêu tả như một nạn nhân dai dẳng của cuộc chiến, ý thức về mình, về chiến tranh, về những ám ảnh suốt đời của nó. Vì thế, Bảo Ninh chọn cách kể chuyện từ điểm nhìn của một cá thể mang những chấn thương tâm lí, hai yếu tố nổi bật liên tục hiện hữu trong dòng tâm linh của nhân vật, tạo thành thế đối lập trong cấu trúc văn bản là chiến tranh và tình yêu. Bộ mặt của chiến tranh được nhìn từ những cái chết, những kiểu chết và vô vàn những lí do chết khác nhau: chết vì lí tưởng, chết vì sự thương cảm, vì nhân tính chợt bừng tỉnh, chết khi đang làm nhiệm vụ, cả những cái chết khốn khổ, bạc phước và nhục nhã vì đảo ngũ do thực cảnh chiến tranh đầy ải tàn nhẫn, suy sụp sâu sắc về cả thể chất và tâm hồn. Và ở phía bên kia của sự thực khốc liệt này là tình yêu trong trắng đến mức thánh thiện, là đam mê đầy nhục cảm trong thế giới trần tục. Tình yêu ấy đã bị chiến tranh hủy hoại, nhưng vẻ đẹp và sức mạnh của nó thì bất chấp tất cả, bất chấp sự dã man, tàn nhẫn của chiến tranh, bất chấp sự bạo tàn và ô nhục, bất chấp sự rơm rác của những định kiến và những giáo điều. Ngọn lửa tình yêu ấy vẫn là một vệt sáng không thể nào dập tắt trong tâm thức của tình người: – “Tôi như sẵn sàng nhập thân trở lại cảnh lửa, cảnh máu, những cảnh chém giết cuồng dại, méo xệch tâm hồn và nhân dạng. Thói hiếu sát. Máu hung tàn. Tâm lí thú rừng. Ý chí tối tăm và lòng dạ gỗ đá. Tôi chóng mặt choáng hồn đi vì niềm hưng phấn man rợ khi bật sống dậy trước mặt một trận chiến bằng báng súng và lưỡi lê. Và trống ngực nện thùm thùm, tôi nhìn chằm chằm vào các góc tối cầu thang nơi các hồn ma rách nát thường vẫn hiện hình, ôm theo những vết thương đỏ lòm, toác hoác.”

Tiếng vọng trong tâm hồn và ý thức giữa người kể và nhân vật càng rõ ràng hơn khi tác giả để người kể chuyện Nỗi buồn chiến tranh lộ diện xưng “tôi”, cho chúng ta biết rằng anh cũng là một người lính, cũng “đã cùng chung số phận, chia nhau đủ mọi cảnh ngộ thăng trầm, thắng bại, hạnh phúc đau khổ, mất và còn”. Sự tự ý thức (ý thức về bản thân, về chiến tranh, tình yêu, về nhân tính và các giá trị sống) thu hẹp khoảng cách giữa người kể chuyện, người quan sát và nhân vật. Những ám ảnh chiến tranh như một căn bệnh thời hậu chiến mà mỗi người lính mang theo mình là sợi dây kết nối tất cả những kí ức bấn loạn, đau đớn trong tiểu thuyết thành một khối thống nhất của một cấu trúc lạ.

Cuộc đời Giang Minh Sài trong Thời xa vắng thực sự là một tấn bi hài kịch “nửa đời phải yêu cái người khác yêu. Nửa đời còn lại đi yêu cái mình không có”. Căn nguyên trực tiếp của bị kịch là anh ta thiếu bản lĩnh cá nhân: “Giá ngày ấy em cứ sống với tình cảm của chính mình, mình có thế nào cứ sống như thế, không sợ ai, không chiều ý ai, sống hộ ý định của người khác, cốt để cho đẹp mặt mọi người chứ không phải cho hạnh phúc của mình”. Nhưng căn nguyên sâu xa là sự áp đặt của cộng đồng lên cá nhân. Sài có ý thức phản kháng những anh ta bị gia đình, họ hàng, đơn vị – những cộng đồng nhỏ và lớn – đè bẹp. Cặp tình nhân trong Bước qua lời nguyền của Tạ Duy Anh cũng trở thành nạn nhân của một cộng đồng làng xã đầy thành kiến và “chủ nghĩa thành phần” dồn đuổi. Số phận của họ là số phận oan trái, bi kịch.

Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp có cái cô đơn của những con người mải mê đi tìm điều thiện, đi tìm cái cao đẹp của cuộc đời. Điều thiện ở đâu? Cái đẹp ở phương nào? Sao mong manh xa vời vậy? Thế giới “không có vua” và “biển không có thủy thần”. Con người lại chìm vào bi kịch cô đơn. Chương trong “ Con gái thủy thần” suốt đời bị ám ảnh bởi huyền thoại về mẹ Cả – kiểu nhân vật thường cứu nhân độ thế như Đức Mẹ trong Thiên Chúa giáo hay Phật Bà Quan Âm trong Phật giáo. Nhưng trên hành trình đi ra biển, anh chỉ thấy “những ngộ nhận giới tính và thói đạo đức giả giết chết vẻ diễm lệ trên các khuôn mặt thiếu nữ” để rồi nhận ra rằng thiên thần chỉ là trò phịa, thượng đế đã chết ở trần gian. Nhân vật chính trong “ Chảy đi sông ơi” ngây thơ đi tìm huyền thoại về con trâu đen nhưng chỉ chứng kiến được sự lạnh lùng và tàn nhẫn. “Hành trình tìm điều thiện lặng lẽ và cô đơn như con dã tràng xe cát”. Con đường đến với cái đẹp quá gian nan. Con người mãi đi để rồi mãi mãi bơ vơ, lạc lõng: “ Trước mắt tôi dòng sông đang thao thiết chảy. Sông chảy ra biển. Biển rộng vô cùng. Tôi chưa biết biển mà tôi đã sống nửa cuộc đời rồi đấy… Tôi đứng lên đi về nhà. Ngày mai tôi đi ra biển. Ngoài biển không có thủy thần”(Con gái thủy thần)

Phạm Thị Hoài là nhà văn thể hiện mạnh mẽ những đổi mới trong quan niệm nghệ thuật về con người. Tiếng nói của con người cá nhân trong truyện ngắn, tiểu thuyết và những bài phê bình, tiểu luận của bà là sự cất lên của tiếng nói cá nhân, con người cá nhân. Chân dung tiêu biểu hơn cả là Hồng (Marie Sến) – một trí thức, một công chức, đồng thời là một con buôn, một tiểu thị dân hoàn toàn, đủ nghĩa. Làm việc trong viện nghiên cứu lịch sử, Hồng là một công chức ăn lương theo giờ, cũng A.Q và ” mậu dịch quốc doanh”, làm ” con gà vững dạ giữa bầy gà” nhưng không như ông viện trưởng ” nhặt nhạnh khắp nơi trên thế giới và sống chen chúc với những vật dụng tuỳ tiện của mình”, và không giống đám trí thức ” hỗn độn và tạm bợ”, Hồng “thích sang trọng một lèo” và điển hình cho phương châm ” phi thương bất phú”; y mang tư tưởng tự do phá cách không theo một trật tự, một khuôn khổ nào của tầng lớp thị dân thời mở cửa ” phòng y trổ thêm ra ba mét từ ban công”, “y còn vươn tiếp lên mái hiên che lối vào cầu thang làm phòng cho hai cô con gái”, ...thậm chí độc giả được mẻ cười no bụng bởi chân dung điên điên khùng khùng của Hồng vào đêm giao thừa: “y nã pháo cấm, tay vung vẩy que hương. áo quần thủng lỗ chỗ. Tóc nhuộm xác pháo. Miệng hô đoành đoành. Mắt trợn. Răng nhe. Sặc mùi bản xứ. Coi trời bằng vung. Anh hùng như một kẻ tội phạm hạng bét. Bao nhiêu đạo đức giả trả cho vợ cất vào ngăn đá của tủ lạnh bốn sao Toshiba” – Bằng bút pháp phóng đại, giọng điệu hài hước không che dấu Phạm Thị Hoài để cho chân dung nhân vật tự bêu ra những cái xấu của tầng lớp mình – những cái đáng cười, đáng bị đem chế giễu.

Tuy nhiên, ngay trong chân dung biếm hoạ nhân vật này, tiếng cười của tác giả đã mang tính chất “lưỡng trị”. Hồng tuy tạp nham đặc điểm của công chức và thị dân tự do, song chính y lại là đại biểu cho tinh thần tự do và phá cách trong cái viện nghiên cứu lịch sử toàn trí thức bảo thủ và nhiễm những căn bệnh giống nhau không thuốc chữa. Y dám làm và không sợ dư luận. Y sống theo lối sống sạch sẽ, không hỗn độn của con người hiện đại văn minh, y không giấu im trong nhân cách và đạo đức giả tạo vốn là xu hướng chung của lớp trí thức muôn thủa… Y mang cái xấu của thời đại mở cửa, rầm rộ theo cơ chế thị trường, song chính y là một người dám “nổi loạn”. Mà tư tưởng nổi loạn, dám sống là mình luôn được Phạm Thị Hoài ủng hộ và đề cao. Do đó, tiếng cười của Phạm Thị Hoài vừa chế giễu, vừa đồng loã, tán thưởng.

Nhân vật Hoài (Thiên sứ) cũng là một kiểu người tự ý thức sâu sắc về mình. Ở Hoài và qua nhãn quan của nhân vật, con người là những homo A và homo Z, giống nhau hàng loạt từ ngoại hình đến tính cách. Số người tách ra được khỏi đám đông rất hiếm, hoặc là sống buông thả nổi loạn, hoặc phải thu mình khép kín trong ngoại hình của đứa bé vĩnh viễn ở tuổi 13 như Hoài. Cô bé Hoài (thực chất đã là một thiếu nữ) đã không được xếp vào thế giới của cả trẻ con và người lớn. Cảm giác đứng ngoài cho nhân vật một cái nhìn hết sức sâu sắc, khách quan và có phần nghiệt ngã về con người và cuộc đời. Nhưng Hoài chính là biểu tượng rõ rệt của con người cá nhân, không chịu là một trong số những đám đông ồn ào và bụi bặm, tìm đến sự thanh khiết bằng cả sự hi sinh. Hình ảnh bé Hon – Thiên sứ trong lòng Hoài, cũng là cái đích trong niềm khao khát hướng đến sự thanh khiết của nhân vật.

Đối với văn xuôi cuối thế kỉ XX, đầu thế kỉ XXI, những sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư, Võ Thị Hảo, Đỗ Hoàng Diệu… cũng rất đề cao con người cá nhân. Ở Nguyễn Ngọc Tư là tâm tư của những người nông dân Nam Bộ, những khao khát và ước vọng rất riêng tư. Ở Đỗ Hoàng Diệu là khao khát tính dục mạnh mẽ chưa từng có… Tất cả đều góp phần tạo nên diện mạo của của con người cá nhân trong văn học sau 75.

2.   Con người thế sự, đời tư

Ra khỏi chiến tranh, những đề tài lớn lao như Tổ quốc, chủ nghĩa xã hội nhường chỗ cho những đề tài thế sự. Những vấn đề nhân sinh, những vấn đề cơm áo gạo tiền, những lo toan vật chất, những mối quan hệ chằng chịt phức tạp của cuộc sống thường nhật trở thành mối quan tâm hàng đầu của văn học. Do đó, trong văn học hình thành kiểu con người thế sự, đời tư.

Từ sau năm 1975, khi cuộc sống dần trở lại với những quy luật bình thường của nó, con người trở về với muôn mặt đời thường, phải đối mặt với bao nhiêu vấn đề trong một giai đoạn có nhiều biến động, đổi thay của xã hội. Bối cảnh đó đã thúc đẩy sự thức tỉnh ý thức cá nhân, đòi hỏi sự quan tâm đến mỗi người và từng số phận. Ngay từ giữa những năm chiến tranh chống Mỹ, Nguyễn Minh Châu đã nghĩ rằng cuộc chiến đấu cho quyền sống của mỗi con người sẽ còn lâu dài và khó khăn hơn cả cuộc chiến đấu cho quyền sống của dân tộc. Cũng không phải ngẫu nhiên mà trong một truyện ngắn được viết ngay sau khi cuộc chiến tranh kết thúc – truyện Bức tranh – nhà văn đã mạnh mẽ phê phán và bác bỏ những luận điểm nhân danh cái chung, mượn cớ lợi ích cộng đồng mà bỏ qua, thậm chí chà đạp lên nỗi đau và số phận của mỗi cá nhân. Văn học cũng phát hiện ra rằng không ít khi có sự “lệch pha”, thậm chí trái ngược giữa số phận cá nhân và cộng đồng, nảy sinh những bi kịch của con người là nạn nhân của hoàn cảnh và số phận. Tiểu thuyết Thời xa vắng (1986) của Lê Lựu là tác phẩm đầu tiên đã phát hiện và cảm nhận thấm thía về điều đó.

Từ những năm 70, trong những sáng tác của mình, Nguyễn Minh Châu Trong tiểu thuyết Miền cháy sáng tác năm 1977, hình ảnh người anh hùng trở về từ chiến tranh hiện lên đầy tâm trạng. Đó là sự khắc khổ, dằn vặt, bất an trước mảnh đất miền Trung xác xơ sau khói bom lửa đạn. Người anh hùng kiên cường trong chiến đấu thì cũng phải bản lĩnh để đối mặt với ngổn ngang đổ nát, với bộn bề lo toan để quê hương nhanh chóng được hồi sinh. Tiểu thuyết Lửa từ những ngôi nhà (1977) của Nguyễn Minh Châu là sự phát triển của nguồn cảm hứng đã được khơi từ Miền cháy, vẫn là bộ mặt khắc khổ của những người lính từng là anh hùng nơi chiến trường nhưng xa lạ với lo toan đời thường sau chiến tranh, sống bất an trong hòa bình. Họ cởi bỏ bộ áo người anh hùng chiến trận, trở về đời thường với biết bao lo toan, trăn trở.

Điều cần phải khẳng định là con người trong sáng tác của Nguyễn Minh Châu sau 1975 vẫn tiếp nối đạo lí truyền thống của dân tộc, vẫn nuôi dưỡng hoài bão xây dựng quê hương giàu đẹp nhưng đã biết bám rễ trên mảnh đất hiện thực. Lực (truyện vừa Cỏ lau) đã hi sinh thời trai trẻ, hi sinh tình cha con, vợ chồng, anh em cho cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc. Ngày trở về, em mất, vợ đã có một gia đình mới, người cha già phải sống nhờ cô con dâu tái giá, tuy đau đáu nỗi niềm, song anh hiểu “cuộc sống đã an bài… chẳng dễ thay đổi được hoàn cảnh”, anh lựa chọn cho mình tương lai của “một người lính già sống suốt đời cùng với một ông bố”, nơi có “những hình người đàn bà bằng đá đầy cô đơn”. Lại một lần nữa, Lực nhận về mình phần thiệt thòi nhưng người đọc cảm nhận rõ hơn vẻ đẹp giàu chất nhân văn của tâm hồn người Việt Nam. Trước khi ra đi vĩnh viễn, Hòa (Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành) đã chia sẻ với người yêu về những dự định, những ước mơ của anh. Hòa từng “mơ tưởng sau này lớn lên sẽ chế tạo được một chiếc máy cày” để những ông già đầu bạc, những em bé không còn phải “giơ cao những chiếc cuốc rất nặng bổ xuống một cánh đồng đất rắn như gang”, để bàn tay mẹ không giống như một tấm da trâu sau mỗi vụ cày ải”. Ra khỏi chiến tranh, Quỳ (Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành) đã có mặt trên mặt trận kinh tế ở ngay tại mảnh đất mà người thân yêu và đồng đội của chị đã ngã xuống. Chị đã “cứu Ph ra khỏi sự lầm lạc, trả lại vị trí xứng đáng để người kỹ sư cơ khí phát huy năng lực sở trường”, “đã nhận ra được vai trò quan trọng của tài năng, của tri thức trong sự nghiệp xây dựng cuộc sống mới”.

 

Chiếc thuyền ngoài xa là tập truyện ngắn xuất sắc của Nguyễn Minh Châu, đi sâu vào khám phá cuộc sống và con người ở bình diện đời tư, thế sự. Truyện ngắn cùng tên được dạy trong chương trình THPT là một ví dụ tiêu biểu. Gia đình người đàn bà hàng chài được miêu tả trong tác phẩm với bao bi kịch ngổn ngang, những éo le, nghịch lí mà nếu không nhìn vào thực tế không ai lí giải nổi. Cuộc sống đói nghèo, tăm tối mà con người phải đối mặt sau chiến tranh là điều mà trước ngày giải phóng đất nước không ai có thể hình dung được. Cảnh bạo lực trong gia đình hàng chài diễn ra ngay trên bãi phá, cạnh chiếc xe tăng hỏng của địch để lại – dấu tích của thời oanh liệt mà Phùng và Đẩu đã tự hào trải qua. Phùng giờ đã là nghệ sĩ nhiếp ảnh có tiếng, Đẩu là chánh án một tòa án huyện vùng biển. Họ đều trở về đời thường với những địa vị xã hội nhất định, nhưng còn những người dân chài kia – đám đông vô danh và đông đúc kia – cuộc sống của họ có thực sự thay đổi? Cách mạng thành công rồi mà tại sao cuộc sống của họ vẫn chìm trong bạo lực, tăm tối, đói nghèo? Những đứa trẻ như thằng Phác sẽ ra sao trong tương lai của gia đình ấy? … Con người thế sự loay hoay trong việc tìm câu trả lời cho những vấn đề thường nhật. Nhà văn và bạn đọc cũng vậy. Những câu hỏi nhức nhối mà nhà văn đặt ra để bạn đọc tự tìm câu trả lời. Cuộc đời là thế, đám đông bụi bặm và đông đúc kia mới là nơi văn học cần tìm đến để khám phá, để rút ngắn khoảng cách giữa nghệ thuật thuần khiết với cuộc đời phức tạp, giữa người nghệ sĩ với con người…

Sự thức tỉnh trở lại ý thức cá nhân đã mở ra cho văn học nhiều đề tài và chủ đề mới, làm đổi thay quan niệm về con người. Văn học ngày càng đi tới một quan niệm toàn vẹn và sâu sắc hơn về con người mà nền tảng triết học và hạt nhân cơ bản của quan niệm ấy là tư tưởng nhân bản. Con người vừa là điểm xuất phát, là đối tượng khám phá chủ yếu, vừa là cái đích cuối cùng của văn học, đồng thời cũng là điểm quy chiếu, là thước đo giá trị của mọi vấn đề xã hội, mọi sự kiện và biến cố lịch sử. Cũng Nguyễn Minh Châu trong một lần trả lời phỏng vấn của báo Văn nghệ đầu năm 1986 đã phát biểu như sau: “Văn học và đời sống là hai vòng tròn đồng tâm mà tâm điểm của nó là con người. Người viết nào cũng có thể có tính xấu nhưng tôi không thể nào tưởng tượng nổi một nhà văn mà lại không mang nặng trong mình tình yêu cuộc sống và nhất là tình yêu thương con người. Tình yêu này của người nghệ sĩ vừa là một niềm hân hoan say mê, vừa là một nỗi đau đớn, khắc khoải, một mối quan hoài thường trực về số phận, hạnh phúc của những người xung quanh mình. Cầm giữ cái tình yêu lớn ấy trong mình, nhà văn mới có khả năng cảm thông sâu sắc với những nỗi đau khổ, bất hạnh của người đời, giúp họ có thể vượt qua những khủng hoảng tinh thần và đứng vững được trước cuộc sống”.

Con người trong văn học hôm nay được nhìn ở nhiều vị thế và trong tính đa chiều của mọi mối quan hệ: con người xã hội, con người với lịch sử, con người của gia đình, gia tộc, con người với phong tục, với thiên nhiên, với những người khác và với chính mình… Con người cũng được văn học khám phá, soi chiếu ở nhiều bình diện và nhiều tầng bậc: ý thức và vô thức, đời sống tư tưởng, tình cảm và đời sống tự nhiên, bản năng, khát vọng cao cả và dục vọng tầm thường, con người cụ thể, cá biệt và con người trong tính nhân loại phổ quát. Điều dễ nhận ra là trong phần lớn các tác phẩm văn học thời kỳ này, con người không còn là nhất phiến, đơn trị mà luôn là con người đa diện, đa trị, lưỡng phân, trong con người đan cài, chen lẫn, giao tranh bóng tối và ánh sáng, rồng phượng lẫn rắn rết, thiên thần và quỉ sứ, cao cả và tầm thường… Cố nhiên, một nền văn học dựa trên nền tảng tinh thần nhân bản không thể đưa đến sự hoài nghi, hạ thấp hay phủ nhận con người. Nó phải cảm thông, thấu hiểu và nâng đỡ con người nhưng đồng thời cũng đòi hỏi cao ở con người và luôn chú ý thức tỉnh sự tự ý thức của con người để hướng tới cái thiện, cái đẹp và sự hoàn thiện nhân cách.

Nguyễn Huy Thiệp lại miêu tả con người thế sự trong cái dung tục, tầm thường hóa của đời thường. Có người gọi Nguyễn Huy Thiệp là nhà văn của “ những cái trớ trêu”. Với sự mẫn cảm đặc biệt của một nhà văn có thực tài, ông đã thoát ra ngoài những chuẩn mực đạo đức, luân lý thông thường để xác định diện mạo thật của cuộc sống. Cuộc sống đâu chỉ có cái đẹp, cái cao cả như một thời văn học ta ngợi ca. Cuộc sống còn là một cõi tục hoang sơ, trì đọng, một thế giới hỗn tạp xô bồ “đất không có vua và biển không có thủy thần”. Ở đó có những con người bạc ác, đểu cáng. Ở đó có những con người vụ lợi, dối trá. Nguyễn Huy Thiệp dùng phần lớn dung lượng tác phẩm của mình để viết về kiểu người đê tiện, thực dụng. Đây là kiểu nhân vật bị thoái hóa về nhân cách, bị vấy bẩn về tâm hồn, sống độc ác và tàn nhẫn. Họ lấy đồng tiền, lấy quan hệ vật chất làm thước đo cho mọi giá trị. Họ tham lam, ích kỉ, thực dụng một cách tỉnh táo và vụ lợi một cách bỉ ổi. Gia đình lão Kiền trong “ Không có vua” là một thế giới thu nhỏ, một cõi nhân gian không còn trật tự tôn ti. Mọi chuẩn mực truyền thống của một gia đình Việt dường như bị triệt tiêu hoàn toàn khi lão Kiền – bố chồng bắt ghế lén xem con dâu tắm, lại hoàn toàn thản nhiên trước mâu thuẫn của các con “ Chúng mày giết nhau đi, ông càng mừng”, khi Đoài – em chồng chòng ghẹo, đòi ngủ với chị dâu, ghen cả với bố. Người đọc cứ rờn rợn trước cái lối biểu quyết bố chết của Đoài: “ Ai đồng ý bố chết giơ tay, tôi biểu quyết nhé”. Sự sa đọa về phẩm chất đã đẩy con người đến chỗ đốn mạt. “ Không có vua” như một tiếng chuông cảnh tỉnh cho sự xuống cấp trầm trọng của đạo đức con người.

Tác phẩm Nguyễn Huy Thiệp xuất hiện hàng loạt những nghịch lý : Ở hiền thì gặp chuyện bất trắc. Đi tìm cái đẹp thì gặp cái xấu xa, bỉ ổi. Đi tìm điều thiện thì gặp điều độc ác. Những kẻ trí thức có học thì dâm ô, dối trá, bịp bợm…Những nghịch lý ấy là sự thật về cái phi lý của cuộc sống và con người. Cuộc sống không đơn giản mà vô cùng phức tạp. Con người không dễ hiểu mà vô cùng rắc rối. Khám phá con người bằng cặp mắt nhiều chiều, xoáy sâu vào đời sống nội tâm chằng chịt của con người, nhà văn đã góp được một tiếng nói thành thật về con người mà suốt mấy mươi năm chiến tranh, vì nhiều lý do, văn học buộc phải giấu kín trong vỏ bọc chính trị, đạo đức, văn hóa. Cất lên tiếng nói thành thật ấy, Nguyễn Huy Thiệp từng bị chỉ trích một cách gay gắt. Biết làm sao được. Sự thật đôi lúc rất tàn nhẫn. Nhưng tàn nhẫn đến mấy cũng phải phơi bày nó ra để cảnh tính con người, hướng con người về chân – thiện – mĩ. Nguyễn Huy Thiệp với tác phẩm của mình đã “ lôi tuột chúng ta từ khoảng trống lơ lửng giữa trời và đất, buộc ta phải đối mặt với mình, với một thế giới không có vua, dạy chúng ta những bài học nông thôn, bắt chúng ta hiểu rằng trước khi muốn nhìn lên bầu trời thì phải nhìn mặt đất đã.”

Tạ Duy Anh trong Thiên thần sám hối đã chọn điểm nhìn độc đáo là bào thai còn nằm trong bụng mẹ để thể hiện quan niệm nghệ thuật về con người thời hậu hiện đại. Thế giới người lớn mà bào thai cảm nhận được qua kênh thính giác đã khiến nó không còn muốn chui ra khỏi bụng mẹ như khao khát của người mẹ nữa. Nó định sẽ ở mãi trong tổ ấm yên bình và vô sự ấy, tránh xa sự phức tạp, lừa lọc của thế giới bên ngoài. Đó là thế giới phức tạp mà con người thế sự phải đối mặt.

Văn xuôi giai đoạn hậu đổi mới lại quan tâm đến con người thế sự ở nhu cầu bản năng, nhu cầu tính dục rất rõ nét. Nguyễn Khải có lần nói: “không bị mất nghề cũng là chuyện quan trọng nhưng không sợ bị bỏ đói, bỏ chết còn quan trọng hơn” (Nghề văn cũng lắm công phu). Nguyễn Đình Thi thì tâm sự: “một chế độ nhân đạo là phải lo cho con người không bị bỏ đói để nó khỏi nhe răng ra với nhau”. Miếng ăn, cái đói vốn đã là đề tài nổi bật của văn xuôi hiện thực phê phán 30 – 45, nay tiếp tục được khai thác trong mối quan hệ với nền kinh tế thị trường. Ai kiếm được miếng ăn, người đó có quyền lực, cả trong gia đình và ngoài xã hội. Truyện vừa Tướng về hưu của Nguyễn Huy Thiệp đã thể hiện rõ điều này. Nhìn thẳng vào sự thật, Nguyễn Huy Thiệp vạch trần tâm lý thực dụng, vụ lợi một cách trắng trợn của con người. Nhân vật Hạnh trong “ Huyền thoại phố phường” để tạo được sự tin cậy của gia đình bà Thiều đã không ngần ngại “ xắn tay áo rồi đưa tay mò dọc theo cái rãnh đầy bùn, lõng bõng nước bẩn, thậm chí còn có cả cục phân người”. Ông Bổng trong “ Tướng về hưu” ở đám tang chị dâu tỏ vẻ tiếc rẻ “ Mất mẹ bộ xa lông. Ai lại đi đóng quan tài bằng gỗ dổi bao giờ. Bao giờ bốc mộ cho chú bộ ván”. Đặc biệt hơn cả, sự trục lợi tỉnh táo đến mức kinh tởm ở nhân vật Thủy trong “ Tướng về hưu”: “ Vợ tôi làm việc ở bệnh viện sản, công việc là nạo phá thai. Hằng ngày các rau thai nhi bỏ đi, Thủy cho vào phích đá đem về. Ông Cơ nấu lên cho chó, cho lợn… Cha tôi dắt tôi xuống bếp, chỉ vào nồi cám, trong đó có các mẩu thai nhi bé xíu. Tôi lặng đi. Cha tôi khóc…Vợ tôi đi vào nói với ông Cơ: Sao không cho vào máy xát? Sao để ông biết?”. Banzắc từng nói “ Khi túi tiền phình ra thì trái tim bị teo lại”. Chính tâm lý vụ lợi, thực dụng đã khiến con người đánh mất lương tri. Viết về kiểu người này, Nguyễn Huy Thiệp đã “ lột truồng con người ra và phơi bày toàn bộ sự đớn hèn của nó”.

Về nhu cầu tình dục, văn học sau đổi mới rất quan tâm đến vấn đề này. Con người tự nhiên có lúc chống lại con người đạo lí, tiếng nói của bản năng có khi mạnh hơn lí trí. Nguyễn Trí Huân đã viết về khao khát hạnh phúc đến nhức nhối của một nữ anh hùng, một cán bộ huyện: “Hầu hết những đêm thao thức bởi những khát vọng bình thường của người phụ nữ chưa hề được làm vợ làm mẹ, chị đã sống bằng mộng mị với Dũng. Những đêm như vậy, tỉnh dậy, người chị trở nên phờ phạc. Chị vội vã chạy lao ra ngoài, cố trấn tĩnh cho thật tỉnh táo”. Cuộc sống độc thân kéo dài khiến chị luôn phải kìm nén, nhưng có những lúc nhu cầu ái ân trở nên bức xúc: “Chị luống cuống tìm hộp quẹt trên bàn và đã gặp bàn tay của anh. Một bàn tay nóng hổi như biết nói. Người chị tê dại. Cái ước muốn được chia sẻ, được thỏa mãn đột ngột đốt cháy trái tim chị” (Chim én bay). Những sáng tác sau này của lớp nhà văn trẻ như Hồ Anh Thái, Tạ Duy Anh, Đỗ Hoàng Diệu đều chạm đến yếu tố tính dục như một phần tất yếu của con người đời thường.

Thơ ca sau 75 cũng là mảnh đất màu mỡ cho sự thể hiện của quan niệm con người thế sự, đời tư. Hướng về con người thế sự đời tư có thể xem là xu hướng nổi bật nhất trong thơ sau 1975. Những năm đầu thập kỷ 80 thơ ở giai đoạn chuyển giọng: nhà thơ nói nhiều hơn về nỗi buồn nhân sinh, về những cảm nhận của cái tôi trước một thực tại khắc nghiệt. Nếu như trước đây, các nhà thơ dường như e ngại nói về nỗi buồn thì trong thơ sau 1975, nhiều nhà thơ công khai bày tỏ nỗi buồn. Đó không hẳn là nỗi buồn kiểu thơ mới mà là nỗi buồn gắn chặt với một thực tại mới, một cảm quan nghệ thuật mới. Có nỗi buồn về thần tượng bị gẫy đổ, ảo tưởng bị tan vỡ khi nhận ra “Chúa chỉ bằng đất đá” (Nguyễn Trọng Tạo), có nỗi buồn vì cuộc sống mưu sinh làm cho con người chỉ chú ý chuyện tồn tại mà “xa dần truyện bớt dần thơ” (Nguyễn Duy) và có những trắc ẩn về riêng tư, đôi lứa: Em chết trong nỗi buồn – Chết như từng giọt sương – Rơi không thành tiếng (Lâm Thị Mỹ Dạ). Chất giọng tự thú, tự bạch trở thành gam giọng phổ biến. Cắt nghĩa về thực trạng này có thể nhìn từ hai phía: thứ nhất, đó là nỗi buồn xuất phát từ thời thế, sự khủng hoảng về niềm tin, sự bất an trước thời cuộc; thứ hai, trong nền kinh tế thị trường, quan hệ người trở nên lỏng lẻo, con người sống trong nhiều mối quan hệ hơn nhưng cũng cô đơn hơn. Câu hỏi Người sống với nhau thế nào thể hiện rất rõ tâm trạng của một thời đoạn lịch sử cụ thể. Nét nổi bật của xu hướng này là các nhà thơ rung động trước những biến thái tâm lý tinh tế, sâu kín, nhiều khi ngỡ như thật mong manh. Tuy nhiên cũng xuất hiện không ít nỗi đau giả, những tiếng khóc vờ vì cảm xúc hời hợt và thói triết lý vặt trong thơ. Thậm chí, việc nói quá nhiều đến nỗi buồn, kể lể dài dòng về chúng một cách nông cạn đã khiến cho không ít tác phẩm rơi vào tình trạng phản cảm. Ta biết rằng, buồn, cô đơn là một phạm trù thẩm mĩ và cũng là một đề tài nổi bật của thơ ca. Không hẳn nỗi buồn nào cũng nhất thiết phải có nguyên cớ. Tuy nhiên, điều quan trọng là nhà thơ phải thể hiện được những nỗi buồn sâu sắc và thấm đầy chất nhân bản. Đó phải là những giọt nước mắt có giá trị thanh lọc cảm xúc, khiến con người phải biết sống cao đẹp hơn, “Người” hơn. Thơ ca sau 1975 tuy viết nhiều về nỗi buồn nhưng dường như vẫn còn hiếm những nỗi buồn cao cả được thể hiện một cách sâu sắc và ám ảnh. Trong cảm nhận của Nguyễn Duy tượng đài chiến tranh là một kì quan hắc bóng xót xa mà đi mỏi gối kiếp người đâu cũng vậy:

Lịch sử giấu tro tàn trong cẩm thạch

Giấu cơn mưa nước mắt trên đồng

Người chết trận, chết oan, chết đói

Hồn trở về làm hoa dại ven sông

Ơi bà mẹ tìm gì trong bia đá

Hiu quạnh bên sông đổ dốc lưng già

Đi mỏi gối kiếp người đâu cũng vậ

y Kỳ quan nào chẳng hắc bóng xót xa

(Trước tượng đài Kiep)

Bởi nó được xây nên từ những giọt máu nặng như chùm quả của mấy thời chiến tranh.

Bên cạnh nhận thức lại về chiến tranh, lịch sử là những nhận thức mới về xã hội. Đó là lũy tre làng tưởng bao đời bình yên mà chứa bao điều bão tố ở bên trong (Võ Văn Trực); là những phận người thời hậu chiến, bị lãng quên, bội bạc trên chính mảnh đất họ hi sinh xương máu, cuộc đời để bảo vệ Mẹ liệt sĩ đội mồ con đi kiện; là một cuộc sống khốn nghèo, những mưu sinh bầm dập dẫn đến cảnh li tán trong hòa bình v: Chen nhau ra nước ngoài làm thuê/ Biển Thái Bình bồng bềnh thuyền định mệnh/ Những cuộc chia li toe toét cười (Nguyễn Duy)…

Sau 1975, nhà thơ tuy không đến mức toát mồ hôi chạy ăn từng bữa như thời trước 45, nhưng họ ý thức được về thơ và nhà thơ giữa cuộc đời rất rõ. Đứng trước một bàn tay chìa ra của người ăn mày trên ga Thanh Hóa, nhà thơ đau đớn bất lực:

Tôi giấu mặt vào giữa đám đông tay lần mãi cái hầu bao rỗng lép

chả lẽ moi ra một nhúm ngôn từ đẹp

trả vào cái lòng tay trũng như đồng chiêm đang ngửa lên?

Nhận về nuôi giúp mẹ đứa bé em?

chữ nghĩa tôi không sàng thành gạo trong túi chỉ còn lạo xạo dăm bài thơ

Như đứa con bất hiếu tôi quay đi xin nhận lấy tròn đen hai con mắt

hai con mắt trẻ thơ thành hai con ong đất đào thịt chui vào ngực tôi

Hai con ong tôi xin tự nguyện nuôi để cho mũi nọc ong độc địa

xâm lên vách tim tôi một dòng mai mỉa: “cảm ơn lòng nhân ái của nhà thơ”

(Thơ tặng người ăn mày)

Chế Lan Viên cũng trong hoàn cảnh tương tự, nhưng sự day dứt thì lớn hơn rất nhiều khi cảm thấy mình là kẻ xúi giục gây nên tội sát nhân:

Mậu Thân 2.000 người xuống đồng bằng

Chỉ một đêm, còn sống có 30

Ai chịu trách nhiệm về cái chết 2.000 người đó? Tôi!

Tôi – người viết những câu thơ cổ võ

Ca tụng người không tiếc mạng mình trong mọi cuộc xung phong.

Một trong ba mươi người kia ở mặt trận về sau mười năm

Ngồi bán quán bên đường nuôi đàn con nhỏ

Quán treo huân chương đầy, mọi cỡ,

Chả huân chương nào nuôi được người lính cũ!

Ai chịu trách nhiệm vậy?

Lại chính là tôi!

Người lính cần một câu thơ giải đáp về đời,

Tôi ú ớ.

Người ấy nhắc những câu thơ tôi làm người ấy xung phong

Mà tôi xấu hổ.

Tôi chưa có câu thơ nào hôm nay

Giúp người ấy nuôi đàn con nhỏ

Giữa buồn tủi chua cay vẫn có thể cười

(Ai? Tôi!)

Khi bước vào thời kinh tế thị trường, nhà thơ chua chát nhận ra:

Chả còn ai yêu vầng trăng và hương lúa ngoài đồng

Yêu bà Tiên hay đám mây trên lầu Hoàng hạc

Giờ là thế giới của xe cúp, tivi, phim màu ngũ sắc

Của quyền lực, tuổi tên, đốp chát…

Vị trí nhà thơ như rác đổ thùng!

(Thời thượng)

Chưa bao giờ các nhà thơ thấy nhiều bi kịch đến thế. Thậm chí, cảm giác bế tắc và chán nản là cảm giác khá nổi bật trong tâm trạng nhiều người: thời tôi sống có bao nhiêu câu hỏi/ câu trả lời thật chẳng dễ dàng chi (Nguyễn Trọng Tạo – Tản mạn thời tôi sống). “Từ xa” nhìn về Tổ Quốc, Nguyễn Duy đã thật lòng nói lên nỗi cay đắng của mình khi nhìn thấy sự khổ nghèo và bất hạnh của con người trong cuộc sống đầy khốn khó. Lưu Quang Vũ cũng cay đắng nghẹn ngào khi nghĩ về Tổ quốc. Các hình tượng nghệ thuật mang tính huyền thoại hóa về một hiện thực kỳ vĩ và cảm hứng sử thi không còn xuất hiện như là hiện tượng nổi bật của thơ ca giai đoạn này. Trái lại, bằng cái nhìn tỉnh táo và giàu màu sắc chiêm nghiệm, nhiều thi phẩm sau chiến tranh đã thể hiện một cách khá riết róng những mặt trái của đời sống, những thay đổi các thang bậc giá trị và không né tránh việc nói đến những bất công xã hội. Đây là những cảm hứng hiếm khi xuất hiện trong thơ 1945- 1975, khi mà số phận dân tộc và số phận cá nhân hòa làm một, cái tôi và cái ta hoàn toàn thống nhất. Cái nhìn nghệ thuật trong thơ sau 1975 là cái nhìn suồng sã, đối tượng hiện lên như một sự thật không mang màu lý tưởng hóa.

3.   Con người lưỡng diện, phức tạp và bí ẩn

3.1. Con người lưỡng diện, phức tạp

Văn học cách mạng 45-75 xây dựng những con người thuần nhất, lí trí. Họ có thể vượt qua bao khó khăn thử thách, thậm chí đối mặt với cái chết vẫn giữ vững phẩm chất, bản lĩnh của mình. Trên thực tế, đối diện với thế sự phức tạp, con người thuần nhất lí trí không thể tồn tại. Vì vậy, văn học đã phản ánh con người lưỡng diện, đa diện và phức tạp trong mối quan hệ với hiện thực đời sống.

Nếu trước 1975, các nhà văn có thiên hướng thể hiện con người theo tiêu chí giai cấp, lựa chọn nhân vật điển hình, chú trọng tính chung sao cho phù hợp với quan điểm về sự vận động tích cực và thuận chiều của đời sống, do đó đã bỏ qua hoặc coi nhẹ phương diện “riêng tư”, “cá biệt” của con người thì văn xuôi sau 1975 dần dần quan tâm con người ở tư cách cá nhân – một “nhân vị” độc lập. Xuất hiện con người “không trùng khít với chính mình”, con người phức tạp, nhiều chiều. Bức tranh của Nguyễn Minh Châu là con người đối diện với chính mình, là “tòa án lương tâm” sáng suốt nhất phân xử tư cách con người trong mối quan hệ với “số đông người” và với “cá nhân” anh thợ cắt tóc. Ở tư cách thứ nhất, người họa sĩ có lí “tôi là nghệ sĩ chứ đâu phải là một anh thợ vẽ truyền thẩn… Công việc của người nghệ sĩ là phục vụ cả số đông chứ đâu phải chỉ phục vụ một người”. Ở tư cách thứ hai, anh ta là kẻ ích kỉ, dối trá: “Vì mục đích phục vụ số đông của người nghệ sĩ cho nên anh quên tôi đi hả? Có quyền lừa dối hả?”. Nguyễn Khải từng triết lí: “cái thế giới tinh thần của con người là vô cùng phức tạp vì con người luôn nhắm tới cái thật cao và thật xa”. Ông ngạc nhiên thấy có người “ăn no mà buồn, không phải lo nghĩ mà lại buồn ” (Anh hùng bĩ vận), có người “hiển lành là thế, hồn nhiên là thế mà có ngày sẽ trở thành sát nhân ư” (Đổi đời), Nguyễn Minh Châu từ tập truyện ngắn Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành trở đi dường như liên tục làm những thử nghiệm, “đối chứng’’ về “tính chất kì lạ của con người”. Hạng, Cơn giông, Sắm vai, Chiếc thuyền ngoài xa, Dấu vết nghề nghiệp, Cỏ lau, Mùa trái cóc ở miền Nam… đều ít nhiều diễn tả cái phức tạp của đời sống, những giằng xé nội tâm khiến con người nhiều lúc như bị phân thân.

Phát hiện con người phức tạp, con người lưỡng diện, con người không nhất quán với mình, văn xuôi sau 1975 có vẻ như đã đi đúng quỹ đạo tư duy của những nhà khoa học nhân văn có tiếng trên thế giới. L.Tônxtôi từng ví “con người như dòng sông”. “Nước trong mọi con sông như nhau và ở đâu cũng thế cả nhưng mỗi con sông thì khi hẹp, khi chảy xiết, khi thì rộng khi thì êm, khi thì trong veo, khi thì lạnh, khi thì đục, khi thì ấm. Con người cũng như vậy. Mỗi con người mang trong mình những mầm mống của mọi tính chất con người và khi thì thể hiện tính chất này, khi thì thể hiện những tính chất khác và thường là hoàn toàn không giống bản thân mình tuy vẫn cứ là chính mình”. Sau này M.Bakhtin nói: “Con người không thể hóa thân đến cùng vào cái thân xác xã hội – lịch sử hiện hữu. Chẳng có hình hài nào có thể thể hiện được hết mình cho đến lời nói cuối cùng như nhân vật bi kịch hoặc sử thi, chẳng có khuôn hình nào để có thề rót nó vào đầy ắp mà lại không chảy tràn ra ngoài. Bao giờ cũng vẫn còn phẩn nhân tính dư thừa chưa được thể hiện”. Ý kiến này vừa chỉ ra tính chất phong phú, phức tạp của con người với tư cách cá nhân, vừa cho thấy cả tính “nhân loại” với tư cách giống loài mà tự nhiên nhào nặn.

Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp dựng lên một cõi người đa dạng, có người tốt kẻ xấu, có người cao thượng kẻ đê hèn. Lại có kẻ suốt đời mang trong mình nỗi cô độc khủng khiếp. Tuy nhiên bản thân mỗi con người không hề đơn giản một chiều mà sâu kín, rối rắm, nhiều chiều kích. MiLan Kundra nói: “ Con người là hiển minh của lưỡng lự”. Bên trong mỗi bản thể nhỏ nhoi ấy bao giờ cũng tồn tại hai mặt đối lập: đẹp – xấu, thiện – ác, cao cả – thấp hèn, trong sáng – tăm tối, hạnh phúc – khổ đau… Con người có lúc là thần thánh song cũng có lúc là quỷ dữ. Ai dám bảo một người lương thiện không có lúc suy nghĩ đê tiện? Ai dám bảo một người độc ác lại không có lúc lấp lánh trong tâm hồn ánh sáng của thiên lương. Cho nên “ không nên chỉ đơn giản phân loại con người theo hai khu vực rạch ròi: tốt và xấu”. Kiểu nhân vật đan xen giữa trắng và đen, thật và giả ấy văn học gọi là nhân vật lưỡng diện.

Nguyễn Huy Thiệp tỏ ra là người rất thành công trong việc xây dựng con người lưỡng diện. Ông len lỏi vào những nẻo sâu kín nhất trong nội tâm nhân vật, nhìn thấy những biểu hiện dù nhỏ nhất lóe lên trong tâm hồn họ. Ông Bổng trong “ Tướng về hưu” lỗ mãng, táo tợn là vậy mà bật khóc vì được gọi là người: “ Thế là chị thương em nhất. Cả làng cả họ gọi em là đồ chó. Vợ em gọi em là đồ đểu. Thằng Tuân gọi em là đồ khốn nạn. Chỉ có chị gọi em là người”. Lão Kiền trong “ Không có vua” đốn mạt đến chứng nào khi rình xem con dâu tắm, nhưng khi lão đánh bài ngửa “ Tao chẳng cần. Đàn ông chẳng nên xấu hổ vì con buồi” thì ta hoàn toàn có thể thông cảm và thấy lão đáng thương hơn đáng ghét. Nhân vật Bường trong “ Những người thợ xẻ” điêu trá, thủ đoạn đúng như lời mai mỉa dân gian “ kéo cưa lừa xẻ”. hắn hiếp dâm con gái lão Thuyết, bị Ngọc phát hiện lại trơ trẽn mở mồm triết luận: “ Mày chẳng hiểu gì. Ai lại đi tính tuổi bướm bao giờ”. Vậy mà có lúc chính hắn lại nói những câu đầy nhân tính: “ Bà chị không coi chúng em là súc vật! Chúng em phận hèn của cải chẳng có. Chúng em mắc nợ nghĩa tình thì khốn nạn lắm”.

Ngòi bút Nguyễn Huy Thiệp không dừng lại ở đó. Ông nhìn các danh nhân lịch sử mà xưa nay văn học đưa lên bệ để thờ, để xưng tụng ở khía cạnh đời tư phàm tục. Trong chùm truyện “ lịch sử giả” gồm: Kiếm sắc, Vàng lửa, Phẩm tiết, người ta nhìn thấy vua Quang Trung, người anh hùng áo vải cờ đào cũng có lúc có những cảm xúc rất người trước sắc đẹp của cô Vinh Hoa: “ Nhà vua thấy Vinh Hoa, thốt nhiên rùng mình, hoa mắt, đánh rơi cốc rượu quý cầm tay” ( Phẩm tiết). Nhà văn đã để cho vua Gia Long bộc lộ một cảm xúc rất thật: “ Sứ mệnh đế vương thật là sứ mệnh khốn nạn, chỉ được quyền cao cả, không được quyền đê tiện” ( Phẩm tiết). Cách viết, cách nhìn của Nguyễn Huy Thiệp có lúc chịu sự phê phán gay gắt từ dư luận. Nhưng phải nhận thấy rằng, xây dựng thành công kiểu người lưỡng diện, Nguyễn Huy Thiệp đã chạm được đến chỗ trung thực nhất trong bản chất con người. Đã khám phá được con người ở chiều sâu nhân bản nhất.

Cho đến tận hôm nay, cuộc tranh luận về Nguyễn Huy Thiệp vẫn chưa kết thúc. Có người ca ngợi ông như một nhà văn đại tài, đề nghị tặng giải Nôben cho ông. Nhưng cũng có người đòi bỏ tù ông vì đã bôi nhọa cuộc sống, “ hạ bệ thần tượng”. Thái độ phê phán đối với Nguyễn Huy Thiệp không có gì khó hiểu. Đó là do “ lối viết đa âm đụng phải lối đọc thánh thư”. Mặc cho người đời khen hay chê, ca ngợi hay nguyền rủa, Nguyễn Huy Thiệp vẫn tỏa sáng trên văn đàn Việt Nam như một tên tuổi lớn, như một nhà văn có chân tài. Điều đáng quý ở Nguyễn Huy Thiệp là lòng dũng cảm. Dũng cảm nhìn vào sự thật để trình bày hiện thực đúng theo những gì mình thấy, những gì mình nghĩ. Tác phẩm của ông đã dạy chúng ta rằng “Cuộc sống như một dòng sông, có cả sự trong veo tinh khiết đến ngỡ ngàng của nước, có cả rác rưởi đang trôi”. Từ đó “ ông giúp chúng ta hiểu hơn về nước, về rác bằng một cái nhìn tỉnh táo và sâu sắc. Từ đó ông thức tỉnh một khao khát, bỏ rác đi ta sẽ gặp sự trong trẻo của dòng sông”. Những trăn trở của nhà văn về con người, những suy tư của ông về thiện và ác, sáng và tối, cao thượng và thấp hèn, người và quỷ… bên trong con người khiến chúng ta có thể kết luận rằng Nguyễn Huy Thiệp đã viết được những áng văn “ giản dị và trung thực về con người”. Nguyễn Huy Thiệp mượn lời của một nhân vật để triết lí về cái đẹp có giá trị phổ quát và trường tồn của “cái bình thường”: “Quãng đời bình thường cuối cùng mà ta sống ở bản Hua Tát như mọi người mới chính là sự tích phi thưởng nhất mà ta lập được” (Truyện thứ tám: Sạ – trong “Những ngọn Hua Tát”).

Con người vốn phức tạp như thế nên không thể dùng một tiêu chí cố định mà đo đếm nó. Mọi sự lý tưởng hóa con người đều làm cho nó trở nên giả dối, không thật. Nhân vật của văn xuôi sau 1975 rõ ràng ít tính lí tưởng, không hoàn hảo, “sạch sẽ”, không được “bao bọc trong bầu không khí vô trùng” như trước đây thường thấy. Trong văn học vẫn có nhân vật đẹp nhưng là cái đẹp trong bụi bặm của cuộc đời thường nhật. Sáng tác của Nguyễn Minh Châu vẫn là cuộc săn tìm “những hạt ngọc” đạo đức ẩn dấu trong con người, nhưng đồng thời cũng để chứng minh điều tác giả trải nghiệm: “Quan sát những người ở xung quanh mình, tôi thấy người tốt vẫn chiếm đa số. Nhưng hình như họ luôn phải cưỡng lại một thứ gì đó ở bên trong bản thân, thiện và ác, lý trí và dục vọng, cái riêng và cái chung ở bên trong từng con người. Người ta vẫn tốt nhưng cái tốt hình như ít đi hơn xưa. Người ta phải luôn giữ mình để khỏi làm điềú xấu và ác” (Báo Văn nghệ 6/7/1985). Trình bày con người như nó vốn có, không lí tưởng hóa, thần thánh hóa nó là đặc điểm nổi bật trong quan niệm về con người của văn xuôi từ sau 1975. Quan niệm con người đời thường, con người phàm tục, không hoàn hảo vừa giống như một sự đối thoại với quá khứ, khước từ những lối biểu hiện công thức, vừa đề xuất hệ giá tri mới để đánh giá con người: giá trị nhân bản. Có thể xem đây là sự “đổi mới chất liệu” văn xuôi theo hướng tăng cường hiện thực hóa và dân chủ hóa. Không ít người trong khi tìm kiếm ý nghĩa triết lí phổ quát về con người đã tìm thấy chân lí ở cái nhìn phi thiêng liêng hóa con người và họ dũng cảm chấp nhận con người thường tình, thậm chí tẻ nhạt, khiếm khuyết, không hoàn thiện. Thí dụ trong Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành, Nguyễn Minh Châu để cho nhân vật Qùy trả giá và tỉnh ngộ: “Em sẽ không đòi hỏi ở anh một con người tuyệt đối hoàn mĩ… Anh hãy sống tự nhiên”. Hòa Vang để cho loài người được bộc lộ bản tính qua cuộc tuyển chọn “Nhân sứ” (truyện cùng tên): “nhạt nhẽo là thuộc tính thứ nhất của con người “gồng gánh là thuộc tính thứ hai của con người” và “khi bị hãm vào cảnh cùng cực đói khát” thì “Đau đớn thay! Có thể ăn thịt người khi đói khát cùng cực cũng lại là một thuộc tính của con người”. Loài người đã chọn Sa Tăng làm vị Nhân sứ bởi chính vị La Hán này biết mơ ước “về lại sông Lưu Sa xưa làm một người thường chài lưới trên sông”.

Nhân vật người đàn bà hàng chài trong Chiếc thuyền ngoài xa vừa đáng thương vừa đáng trách bởi sự nhẫn nhục của chị vừa là sự hi sinh vì các con vừa tiếp tay cho tội ác ở ông chồng. Nhân vật lão đàn ông hàng chài vừa là tội nhân, vừa là nạn nhân của bạo lực gia đình và cuộc sống tăm tối đói nghèo…

3.2.   Con người tâm linh

Đi sâu khám phá con người tâm linh là một nét riêng trong quan niệm nghệ thuật về con người của văn học sau 75. Con người duy lí hành động theo lí trí, ý thức song hành cùng với con người hành động theo bản năng và cõi tâm linh, tiềm thức, vô thức. Con người tâm linh là phần sâu thẳm đằng sau con người ý thức mà không phải nhà văn nào cũng có khả năng nhận diện và khám phá, miêu tả. Chỉ ở những cây bút có ít nhiều thiên tính bẩm sinh, tâm hồn mẫn cảm, nói như Sigmund Freud thì đó là cảm nhận được năng lượng libido trong chính bản thân mới có thể diễn tả cõi tâm linh, vùng mờ của ý thức trong các nhân vật của mình.

Với thơ ca, xu hướng đi sâu vào những vùng mờ tâm linh khiến cho những câu thơ mang đậm chất tượng trưng siêu thực. Về thực chất, đây là sự phát triển sâu hơn của khuynh hướng thứ hai. Nhân thân tiểu vũ trụ, đi sâu vào vũ trụ người, khám phá chiều sâu không cùng của nó bao giờ cũng là một thách thức đối với nghệ sĩ. Nỗ lực đào sâu vào cái tôi ẩn giấu, cố gắng phát hiện chiều sâu tâm linh của con người là nét nổi bật của xu hướng này. Sự khác biệt giữa khuynh hướng này và khuynh hướng thứ hai chủ yếu nằm ở cấp độ và cách khai thác sự đa chiều của cái tôi. Nếu như xu hướng thứ hai chủ yếu tìm hiểu bản thể cái tôi trong các quan hệ đời sống, sự tương tác giữa cá nhân với hoàn cảnh thì ở xu hướng thứ ba này, các nhà thơ tập trung tìm hiểu cấu trúc cái tôi trong quan hệ với chính nó. Tại đây, tính “tự động tâm lý” đậm màu siêu thực và sự “ú ớ” trong cảm thức nghệ thuật được đề cao. Muốn thế, nhà thơ, theo cách nói của Đặng Đình Hưng, phải “nhập – thấy”. Trong trường hợp ấy, thơ là hình ảnh nội tâm về thế giới nội tâm, là ý thức chống lại các quy tắc có sẵn trong thơ, là sự khước từ sự có mặt của tư duy duy lý trong nghệ thuật. Về thực chất, các cây bút đi theo hướng này muốn trình loài người hình ảnh về con người tâm linh. Đây là một đoạn thơ của Đặng Đình Hưng trong Ô mai: Cơn thể niệm đầy triển vọng hoàn thành, thì một hôm (có lẽ tại thời tiết, jở jời) bỗng phát sinh một số biến chứng, biến chứng từ trong ra. Hôm ấy trời se se – mùa chuyển, anh lại thấy người gai gai khó nói – như man mác – như mây trôi – lại như trống trải cô li – như tiếng gọi mùa:

xuân hạ thu đông

đi jiữa mùa em jó lộng thu cùng

đi jiữa mùa xuân jó lạnh xuân mùa thay áo

mùa sương em sương ngượng ngỡ ngàng ngấp nghé

Đoạn thơ trên đây không tuân thủ cấu trúc cú pháp thông thường, sự thay đổi tâm trạng được hình dung như một biến chứng bất thường, kiểu ký tự của tác giả cũng khác so với từ ngữ quen dùng (jiữa, jó…)… Xu hướng này có thể tìm thấy trong thơ “vụt hiện” của Hoàng Hưng, một số thi phẩm của Hoàng Cầm, Lê Đạt, Dương Tường… Tất nhiên không phải nhà thơ nào chủ trương phải đi sâu vào con người tâm linh và đề cao lối viết tự động, tìm mọi cách đưa ngôn ngữ thơ ca khỏi phạm trù tiêu dùng cũng đều đều “ú ớ” và tắc tị như có người lên tiếng phủ nhận. Một số câu thơ của họ khá hay nhưng nếu đẩy quá xa, xu hướng này rất dễ rơi vào bế tắc như trước đây Xuân thu nhã tập từng một lần thất bại.

Một trong những cây bút xuất sắc trong thể hiện con người tâm linh là Hoàng Cầm với những tập thơ đậm chất Kinh Bắc: Về Kinh Bắc, Mưa Thuận Thành… Ở Hoàng Cầm, cõi tâm linh đi liền với ý thức về văn hóa lâu đời của đất Kinh Bắc.

Nhớ mưa Thuận Thành Long lanh mắt ướt

Là mưa ái phi

Tơ tằm óng chuốt Ngón tay trắng nuột

Nâng bồng Thiên Thai

Mưa chạm ngõ ngoài

Chùm cau tóc xoã

Miệng cười kẽ lá

Mưa nhoà gương soi

Phủ Chúa mưa lơi

Cung Vua mưa chơi

Lên ngôi hoàng hậu

Cứ mưa Thuận Thành

Hạt mưa chưa đậu

Vai trần ỷ Lan

Mưa còn khép nép

Nhẹ rung tơ đàn 

Lách qua cửa hẹp

Mưa càng chứa chan

Ngoài bến Luy Lâu

Tóc mưa nghiêng đầu

Vành khăn lỏng lẻo

Hạt mưa chèo bẻo

Nhạt nắng xiên khoai

Hạt mưa hoa nhài

Tàn đêm kỹ nữ

Hạt mưa sành sứ

Vỡ gạch Bát Tràng

Hai mảnh đa mang

Chiều khô lá ngải

Mưa gái thương chồng

Ướt đằm nắng quái

Sang đò cạn sông

Mưa chuông chùa lặn

Về bến trai tơ

Chùa Dâu ni cô

Sao còn thẩn thơ

Sao còn ngơ ngẩn

Không về kinh đô

Ơi đêm đợi chờ

Mưa ngồi cổng vắng

Mưa nằm lẳng lặng

Hỏi gì xin thưa

Nhớ lụa mưa lùa

Sồi non yếm tơ

…………………..

Thuận Thành đang mưa…

́i văn xuôi sau 75, Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành (Nguyễn Minh Châu), Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh) với kĩ thuật dòng ý thức đã khám phá chiều sâu của con người tâm linh. Quỳ đi đi về về trên chuyến tàu tốc hành tâm tưởng giữa quá khứ với thực tại, giữa hiện thực và những ảo mộng. Kiên cũng tương tự, nhưng những ám ảnh của Kiên thể hiện rõ nét hơn, ám ảnh hơn về chiến tranh và tình yêu, tình đồng đội và hiện thực sau cuộc chiến. Đã hơn một lần, Kiên và đồng đội anh đã nghe thấy tiếng chuyện trò, đàn hát, những tiếng khóc dội lên từ dưới tầng sâu của cánh rừng đại ngàn. Những ám ảnh về những cô gái thanh niên xung phong hóa điên hóa dại trong rừng già, những chàng trai thành người rừng khi đảo ngũ… cứ trở đi trở lại trong tâm trí Kiên và tình yêu dành cho Ph.

Nguyễn Huy Thiệp trong Thương nhớ đồng quê bộc lộ một niềm tin chắc chắn: “Tôi tin chắc ở lực lượng siêu việt bên trên tôi kia, đang chuyển vận rầm rộ kia thấu hiểu tất cả, phân minh lắm, rạch ròi lắm, chắc chắn bảo dưỡng tính thiện trong tâm linh con người, có khả năng an ủi, âu yếm đến từng số phận”. Những tiểu thuyết Việt Nam thời kỳ đổi mới đã “mở cánh cửa vào thế giới tâm linh” với những mức độ và biểu hiện khác nhau. Trước hết, đó là thế giới tồn tại trong những con người có “thân tâm” không “an lạc” – “thân” tạm gửi trong hiện tại mà “tâm” lại hướng về quá khứ. Đó là những nhân vật người lính từng sống sót qua hai cuộc chiến tranh (Quy trong Chim én bay, ông Dần trong Góc tăm tối cuối cùng, Kiên trong Nỗi buồn chiến tranh, Hai Hùng trong Ăn mày dĩ vãng…). Với họ, quá khứ luôn là cõi thiêng liêng, được hòa trộn bằng máu, bằng nước mắt và bằng cả những kỷ niệm yêu thương. Quá khứ ấy luôn gọi họ tìm về, không phải để ru mình trong tháp ngà của những vinh quang chiến thắng mà để chiêm nghiệm, để dằn vặt, trở trăn về lẽ đời. Đó là lẽ sinh – diệt, tồn – vong, là sự khổ – lạc… trong “chư hành vô thường” (Kinh Đại Niết Bàn). Chiến tranh xảy ra gây nên biết bao nông nỗi đời người. Nhưng khi chiến tranh đã được “diệt” thì những khúc đoạn khác lại khởi sinh. Cái còn lại trong hiện tại không đủ đem lại niềm vui, hạnh phúc cho những con người đã từng “trở về từ cõi chết”. Vì vậy, người lính lại sống với những gì đã mất bằng đời sống tâm linh.

Với Quy: “Có một cái gì đó ngoài lý trí bắt chị suy nghĩ, trăn trở. Cái gì? Hình như nó ở đâu đó trong con người chị, trong mọi con người chị hàng ngày tiếp xúc. Hình như nó ở trong đất, trong nước…”. Và người phụ nữ ấy đã từng hành động theo “sự mách bảo bí ẩn của tâm linh” – tìm lại nhà những tên ác ôn ngày xưa mình đã giết… Với Kiên, thế giới tâm linh hầu như thường trực trong đời sống của anh. Con người ấy không thể tìm được “phép an trú trong hiện tại” (hiện tại lạc trú) như lời Phật dạy. Nghĩa là anh không thể “sống tỉnh thức trong từng giây phút, biết quý trọng từng giây phút của đời sống” (Nhất Hạnh). Đây là trạng thái tinh thần của con người bị khủng hoảng niềm tin một cách trầm trọng. Ứ đọng một cảm giác “buồn nôn” khi đối diện với cuộc sống hiện tại mà “các mặt nạ người ta đeo trong những năm trước rơi hết. Mặt thật bầy ra gớm chết”, Kiên chỉ còn cách rút vào thế giới tâm linh, sống với quá khứ. Trong Ăn mày dĩ vãng, thế giới tâm linh trở thành nơi “nương tựa” cho người lính khi trở về với cuộc sống thời bình. Cũng như Kiên, Hai Hùng “không nguôi hướng về dĩ vãng”. Anh chưa kịp chuẩn bị cho mình tâm thế sống trong hòa bình, lại luôn bị hút theo tiếng gọi bi thương, da diết của quá khứ nên tâm hồn phải “nương” vào cõi tâm linh. Chỉ khi sống trong cõi ấy, anh mới lắng nghe được mọi tiếng nói vang lên trong cõi lòng mình. Đó là tiếng thảng thốt của chính anh; là tiếng trách móc, mai mỉa, oán thương… của đồng đội, vang lên từ những nấm mồ trong nghĩa trang; là tiếng oán trách của Viên; tiếng lên án nặng nề của Bảo; tiếng an ủi của Khiển; cả tiếng thương hại của người đã khuất khi trông thấy dáng vẻ tiều tụy của anh… Thì ra, cái cõi tưởng như là chập chờn, mông lung ấy lại nói được biết bao điều đang ngày

đêm giày vò trái tim người lính. Đó là tình yêu thương, nỗi xót ám ảnh khi được sống sót trên sự hy sinh của đồng đội. Đó là sự bất mãn đến cùng cực khi đối mặt với “thời buổi tham nhũng đầy trời”… Mức độ cảm thông của bạn đọc đối với tác giả và nhân vật có thể khác nhau. Nhưng sự thật về những mảng hiện thực được khám phá và tái hiện trong đời sống tâm linh nhân vật khiến người đọc không thể không suy ngẫm.

Khi rơi vào trạng thái “bất an”, con người cũng thường trở về với thế giới tâm linh. Ở đó, họ sẽ hé mở những bí ẩn của lòng mình. Thế giới tâm linh mà ông Hàm (Mảnh đất lắm người nhiều ma) hướng đến là những giấc mơ về người vợ đã chết: “Bà ấy ghé sát vào màn, nhìn vào tận mặt tôi mà hỏi: Vậy cuối cùng ông được những gì? Hả? Tôi chết đi để xem ông được những gì?”. Sự xuất hiện và những lời cật vấn của bà trong giấc mơ đã trở thành nỗi ám ảnh đối với ông. Nếu có thể giải đoán được giấc mơ, người ta sẽ hiểu được nỗi oan ức tột cùng của người đàn bà bị biến thành vật hy sinh cho những kẻ ham mê quyền lực đến đánh mất nhân tính. Và cũng hiểu được nỗi ám ảnh tội lỗi và khát vọng được tha thứ của người đang sống (ông Hàm). Cuối cùng, ông trưởng họ Trịnh Bá vốn “ghê gớm” là thế lại đi tìm sự yên tĩnh trong tâm hồn ở một bóng ma yếu đuối và tội nghiệp. Ông đã thắp hương khấn vái trước vong linh vợ, tâm sự với vợ, mong vợ về báo mộng. Vì ông tin rằng: “Khói hương sẽ đánh thức “người” đang ở chốn âm sâu lập tức vượt khỏi sự bịt bùng của ba thước đất mà cưỡi mây vượt gió trở về nơi cư gia của nhân thân đang thì thầm nhắn gọi!”.

Tin vào sự ngự trị của những đấng siêu hình quyền năng hay những bậc “thánh nhân” theo tín ngưỡng tôn giáo (Đức Phật, Đức Chúa Giê su…) cũng là cách để con người tìm về với đời sống tâm linh. Ở đó, họ bộc lộ sự hiền minh của trí tuệ khi vừa xem tôn giáo như một chỗ dựa tinh thần, vừa dũng cảm đối diện với thực tại theo sự dẫn dắt của tâm linh. Mục đích của họ không phải để được “hài xinh” như cô Tấm, được “tre trăm đốt” như anh Khoai hay được những túi vàng như người em khi cho khế… Họ cần niềm tin và sức mạnh tinh thần để hướng về phía trước. Hay nói như Socrate: “Có một “vị thần hộ mạng”, một tiếng gọi trong tâm linh xui dạy ta làm điều phải. Làm điều phải tức là đạt được đạo đức. Và đạo đức tức là hạnh phúc, tức là chân lý”. Vì vậy, trong nỗi đau khổ tột cùng vì chồng lâm bệnh nặng, đứa con trai lại “lếu láo”, vợ ông Kỳ (Ngày thứ bảy u ám) từ bệnh viện trở về gần như đi theo sự dẫn dắt của tâm linh. Bà tưởng như Trời Phật đã đẩy đưa bà tới trước chùa Quán Sứ cô tịch và lạnh lẽo. Ý thức được mối liên hệ với thế giới tinh thần ấy, bà “sợ hãi và chết lặng”, rồi quỳ xuống khấn vái một cách thành khẩn. Tác giả đã tạo nên “không gian tâm linh” để nhân vật đối diện với sự thật trần trụi (tội ác của chồng bà) và đối diện với sự yếu đuối của bản thân mình (trốn chạy cuộc sống hiện tại). Cuối cùng, bà đã trút được gánh nặng trên vai và trở lại trạng thái thăng bằng.

Đặc biệt, vấn đề này đã được Nguyễn Khải thể hiện qua nhiều sáng tác từ sau 1975 (Cha và con và…, Gặp gỡ cuối năm, Thời gian của người, Điều tra về một cái chết, Sư già chùa Thắm và ông đại tá về hưu…). Trong Thời gian của người, nhà văn đã nhìn thấy nhu cầu tâm linh của con người qua việc hướng đến những “lãnh vực siêu nhiên”, trong đó có tôn giáo: “Tôi vẫn suy ngẫm rằng con người là một sinh vật không bao giờ tự hạn chế trong những cơ cấu sinh lý. Luôn luôn nó muốn vươn tới cái tuyệt đối, cái vô biên, cái vĩnh cửu” Trong những lãnh vực siêu nhiên này, con người đã tạo ra bằng chính nó và cho nó một hình ảnh lý tưởng về Thượng Đế, về Đấng sáng tạo ra vạn vật, về Vũ Trụ, về Vĩnh Cửu, thoát khỏi những chiều kích thông thường về không gian và thời gian…” . Vì vậy, nhân vật của ông đã thể hiện niềm tin mãnh liệt vào tôn giáo: “Xác phàm cần lúa gạo, tâm linh cần Thượng Đế. Đói ăn thì chết nhưng đói Thượng Đế sẽ thành thú vật” (Điều tra về một cái chết). Nhưng điều quan trọng là những con người ấy không tin một cách mù quáng vào tôn giáo, để biến nó thành một thứ “độc dược” và bản thân mình thành một “quái tượng”. Với họ, tôn giáo chính là nơi ngự trị của thế giới tâm linh, tạo nên sức mạnh tinh thần cho con người, hướng họ đến với “nền thần học cách mạng”. Đây cũng là vấn đề mới mẻ mà tiểu thuyết thời kỳ này muốn khám phá và thể hiện.

Thế giới tâm linh cũng là nơi có khả năng phát ra những tia sáng bất ngờ. Đó là những khả năng kỳ lạ của con người mà ngày nay khoa học rất quan tâm. Không ít trường hợp, con người có “linh tính” trước khi xảy ra những việc hệ trọng hoặc cảm nhận được những “điềm báo” kỳ lạ từ đâu đó bên ngoài lý trí của mình. Dũng trong Chim én bay có những linh cảm thật lạ. Trên đường đi thực hiện nhiệm vụ (giết tên ác ôn Hai Đích), cậu ta đã tranh thủ lao xuống biển tắm một cách “mê mải”, tắm như chưa bao giờ được tắm với lời giải thích: “Nóng quá, phải tắm một cái, kẻo chẳng bao giờ được tắm nữa”. Chỉ ít phút sau, Dũng trúng pháo và chết một cách thảm thương. Sau này nhớ lại, Quy “cứ ngạc nhiên mãi”: “Hình như lúc đó, Dũng đã linh cảm trước một điều gì và việc Dũng đột ngột bỏ xuống tắm giống như một sự từ giã…”.

Nhân vật Viên trong Ăn mày dĩ vãng có năng lực tâm linh đặc biệt hơn. Cậu ta thường “có một linh cảm hoặc trực giác trận chiến gì đó rất kỳ quái”. Nghĩa là có thể biết trước điều sắp xảy ra, không chỉ đối với mình mà còn đối với những người khác (trường không gian tâm linh rộng hơn), không chỉ một lần mà nhiều lần (mật độ dày đặc hơn). Điều này đã được kiểm chứng qua thực tế: “Trận nào mà hắn ta tươi tỉnh, thích nói thích cười thì trận đó dứt khoát sẽ xuôi chèo mát mái. Ngược lại, hôm nào hắn tỏ ra lì xì, hỏi không nói, gọi không thưa, động một tí cũng gắt gỏng là y như rằng hôm đó không gặp trục trặc này cũng đụng tình huống khác, có khi cha con ôm đầu máu trở về”.

Quy trong Mảnh đất tình yêu (Nguyễn Minh Châu) muốn tìm lại hình bóng của người bà qua mối dây gắn kết với thiên nhiên: “Tôi đứng nghe tiếng lá reo quanh ào ào. Tôi nhìn lên vòm lá, muốn hỏi từng cái cây trong vườn – loài thảo mộc từng sống cùng thời với bà tôi – những cây nào đã từng đổ bóng xuống cái dáng đi đứng một mình trong vườn của bà tôi, đã từng để rơi lá xanh hay lá vàng xuống vai bà tôi?”. Cõi tâm linh với sự hiện hữu của bóng dáng người bà chỉ có thể được gợi nên từ không gian thực với ngôi vườn đầy gió ấy. Bởi khi còn sống, người bà đã thổi tình yêu và linh hồn của mình vào từng cái cây, từng vòm lá. Có thể nói, sự giao cảm, giao hòa ở đây đã đạt đến cõi hòa đồng tuyệt diệu. Với niềm tin yêu và những nỗi âu lo về con người trong cuộc sống hiện tại, Nguyễn Minh Châu luôn hướng con người đến thế giới tâm linh. Vì “thế giới ấy đối trọng với tất cả những gì phàm tục, phản trắc. Nó là chỗ cho con người lấy lại lòng tin, lấy lại thế cân bằng, thoát khỏi sự cô đơn” (Tôn Phương Lan). Có thể tìm thấy điều này trong rất nhiều truyện ngắn khác của ông: Sống mãi với cây xanh, Cơn giông, Bến quê, Cỏ lau, Mùa trái cóc ở miền Nam … Con người ấy khi sắp lìa bỏ cuộc đời vẫn còn có một niềm tin: “Hình như có một đấng Chí tôn nào đó cầm tay dắt cho tôi đi qua hết cái khổ, cái nhục vô cùng của những đời người, những kiếp người”.

Ông Hai Riềng trong Thời gian của người (Nguyễn Khải) luôn hướng về những cây cao su mà cả cuộc đời mình ông đã gắn bó. Không chỉ hiểu đặc điểm sinh trưởng, cách chăm sóc cây cao su, ông còn hiểu cả tâm tình của nó. Chính tâm linh đã giúp ông nhận biết: “Con người có quan hệ mật thiết với vườn cây. Người buồn cây có vui đâu bao giờ. Mà cây đã buồn là hay đau bệnh, mủ ứa ra mỗi ngày một ít dần đi” . Và chính tâm linh đã mách bảo cho ông biết niềm vui, nỗi buồn của cây trong mối quan hệ tương giao với con người. Đó cũng là cách gọi con người trở về với thiên nhiên. Vì vậy, người ta không gọi ông là chuyên viên, chuyên gia hay nhà khoa học về cây cao su mà gọi là “phù thủy”. Chính ông đã làm cho cây cao su, vườn cao su phát triển một cách nhiệm mầu.

Với Nguyễn Minh Châu, những sắc màu xanh, vàng, đỏ xuất hiện với tần số cao. Đó là màu của “cỏ lau đồi hoang xanh biếc mơn mởn với những bông hoa như giát bạc vào nền trời mây giông” (Cơn giông). Đó là màu đỏ nhạt của dòng sông Hồng khi vào thu, là màu của vùng phù sa “vàng thau xen với màu xanh non – những màu sắc thân thuộc quá như da thịt, hơi thở của đất mầu mỡ” (Bến quê). Đó là màu của “cả một khung trời vừa trở sắc vàng thau” (Sống mãi với cây xanh); là màu xanh, màu vàng của lá từng rơi xuống vai bà trong ngôi vườn đầy gió (Mảnh đất tình yêu)… Với Nguyễn Khải, đó là màu xanh bạt ngàn của rừng cao su và màu đỏ của vùng đất quê hương. Màu xanh của rừng cao su gắn với tình yêu thiêng liêng của ông Hai. Màu đỏ của đất đã trở thành thế giới tâm linh của Quân (Thời gian của người). Tình yêu của Quân với vùng đất đồn điền bỗng hóa thiêng liêng là nhờ cái màu đỏ đầy ấn tượng và cũng đầy ám ảnh ấy. Với anh, “đẹp nhất là những mặt đường dướn lên một vùng đất cao hơn, tươi đỏ như vỏ tôm luộc vào lúc hoàng hôn…” (tr.200). Nếu không có cái màu “tươi đỏ” thiêng liêng đó, liệu Quân có “thiêng liêng hóa” vùng đất này như anh đã thú nhận hay không: “Với tôi, vùng đất này là tất cả, là đất nước, là dân tộc, là gian nan hôm nay và hy vọng mai sau”…

Về xu hướng trở về với tâm linh, nhà văn Xuân Cang khẳng định: “Con người tâm linh chính là một hiện thực, nguồn gốc mọi sự sáng tạo của con người hành tinh” Tôi tâm đắc với dự báo rằng cơ chế tâm linh sẽ tạo ra sự phục hưng nghệ thuật thế kỷ sắp đến, cả ở Việt Nam”. Và tác giả khuyến khích văn học “trở về với cơ chế tâm linh”. Vì đó chính là “một hành trình văn học về nguồn, một cuộc về nguồn đầy hứa hẹn”.

 

Exit mobile version