Phong cách truyện ngắn Nam Cao (Trước cách mạng tháng Tám):
-
Vài nét về quan điểm sáng tác của Nam Cao :
Các quan điểm sáng tác, tuyên ngôn nghệ thuật của Nam Cao được ẩn chứa dưới nhiều hình thức trong một số tác phẩm của ông:
- Trong truyện ngắn “Trăng sáng”, Nam Cao viết:”Nghệ thuật chính là cái ánh trăng xanh huyền ảo, nó làm đẹp đến những cảnh thật ra chỉ tầm thường xấu xa”.
Nhưng rồi, chính ngay ở đấy, lại xuất hiện một quan điểm ngược lại: “Chao ôi! Chao ôi! Nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối; nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia thoát ra từ những kiếp lầm than” và người nghệ sĩ chẳng cần trốn tránh mà “cứ đứng trong lao khổ mở hồn ra đón lấy tất cả những vang động của đời”.
Với quan điểm này, Nam Cao đã phân biệt rạch ròi hai loại nghệ thuật căn cứ vào bản chất nội tại của chúng. Đó là thứ nghệ thuật giả dối tô vẽ làm đẹp cho cái vốn không đẹp, và thứ nghệ thuật chân thật như là âm vang của cuộc sống – một cuộc sống đau khổ tối tăm.
Và Nam Cao đã xác định dứt khoát chỗ đứng của mình, là viết về sự thật – sự thật của những kiếp lầm than.
- Trong truyện ngắn “Đời thừa”, Nam Cao viết: “Một tác phẩm thật có giá trị, phải vượt lên bên trên tất cả các bờ cõi và giới hạn, phải là tác phẩm chung cho cả loài người. Nó phải chứa đựng được tất cả những gì lớn lao mạnh mẽ, vừa đau đớn, lại vừa phấn khởi. Nó ca ngợi lòng thương, tình bác ái và sự công bình… Nó làm cho người gần người hơn“.
Nam Cao đã bày tỏ một quan điểm sâu sắc về giá trị nhân đạo và tính nhân loại phổ biến của một tác phẩm văn chương chân chính. Đồng thời, nhà văn cũng khẳng định một thái độ sống được thể hiện trong nghệ thuật sao cho người hơn.
- Cũng trong “Đời thừa”, Nam Cao nói: “Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay, làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những ai biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những cái gì chưa có“.
Quan điểm này của nhà văn bày tỏ một thái độ không chấp nhận kiểu sáng tác theo lối mòn có sẵn, theo công nghệ dây chuyền. Một người nghệ sĩ chân chính phải có thái độ lao động nghệ thuật nghiêm túc, và sáng tạo, biết đi vào chiều sâu bản chất đời sống để dựng lên một bức tranh cuộc đời chân thực và sâu sắc nhất.
- Quan điểm nghệ thuật của Nam Cao tiến bộ, sâu sắc. Nó là tiền đề và là nền tảng vững chắc để nhà văn đạt được những thành công xuất sắc trong sự nghiệp sáng tác của mình. Đặc biệt, tạo được một phong cách riêng, độc đáo.
2.Phong cách truyện ngắn của Nam Cao trước cách mạng :
Nam Cao được coi là đại diện của văn học hiện thực phê phán Việt Nam trong giai đoạn cuối. Ông được coi là người đã đặt những mảng màu cuối cùng hoàn chỉnh bức tranh của văn học hiện thực cả về mặt phản ánh xã hội cũng như khả năng biểu hiện nghệ thuật. Dầu không phải là nhà cách tân truyện ngắn, chỉ là người bồi đắp cho thể loại này, nhưng sự bồi đắp ấy phong phú đến nỗi, cho đến ông, truyện ngắn giàu có thêm rất nhiều về cách thăm dò những chiều sâu mới, khẳng định thêm sự hàm súc của nó.
Trước Nam Cao đã có một Vũ Trọng Phụng tả chân sắc sảo, một Nguyễn Công Hoan trào phúng pha chút kịch hề, một Thạch Lam trầm lặng tinh tế… Nam Cao góp vào đó một phong cách riêng, một chất giọng riêng. Văn Nam Cao là phức hợp, là tổng hòa của những cực đối nghịch: bi và hài, trữ tình và triết lý, cụ thể và khái quát.
- Về đề tài :
Hiện thực trong sáng tác của Nam Cao là một hiện thực cụ thể, đặc thù: Xã hội Việt Nam vào những năm 40 đang xáo trộn, quằn quại trong chặng cuối của quá trình bần cùng hóa. Những cơn đói triền miên, những làng xóm tiêu điều xơ xác đến thảm hại, những số phận tàn lụi, sự tan tác rời rã của những mối quan hệ người, sự tuyệt vọng đổ vỡ của những cá nhân, sự tha hóa nhân cách…
Văn học hiện thực giai đoạn trước nhìn chung chưa phải đối mặt với hiện thực này. Với tâm niệm “cứ đứng trong lao khổ, mở hồn ra đón lấy những vang động ở đời“, Nam Cao đã chọn cho mình một chỗ đứng mới, khác với các nhà văn hiện thực đàn anh. Từ cái nhìn quan sát, phân tích bên ngoài quen thuộc của văn học hiện thực, nhà văn chuyển sang cái nhìn từ bên trong. Ông không khai thác mối quan hệ giàu nghèo mà chăm chú và kinh hoàng nhận ra cái chết thể xác và tinh thần của con người. Và hiện thực từ bên trong đó trở thành âm điệu chủ đạo của các truyện ngắn Nam Cao. Chủ âm này lan tỏa vào mọi cấp độ, liên kết mọi yếu tố nội dung và hình thức, qui định cả thi pháp, cấu trúc và sự lựa chọn chi tiết trong truyện ngắn Nam Cao.
- Thi pháp truyện ngắn Nam Cao: được xây dựng trên nỗi ám ảnh về cái tàn lụi, tan rã.
Gần như không một kết thúc nào có hậu, không một mảnh đời nào yên lành. Tất cả đã và đang đến điểm tận cùng của cái chết về thể xác và tinh thần. Kết thúc mỗi một truyện ngắn là một ám ảnh vơi người đọc:
+ Hộ (Đời thừa) khóc như chưa từng bao giờ được khóc. Khóc cho sự tan vỡ của lý tưởng, hoài bão của một đời người. Khóc cho sự xuống dốc thê thảm của đời mình. Khóc cho sự luẩn quẩn, bế tắc không lối thoát. Tiếng khóc nức nở của Hộ hòa lẫn trong lời ru con nghẹn ngào của Từ:
Ai làm cho khói lên giời
Cho mưa xuống đất cho người biệt ly
Ai làm cho Nam Bắc phân kì
Cho đôi hàng lệ đầm đìa tấm thân…
làm người ta không khỏi ngậm ngùi, day dứt. …….
+ Anh đĩ Chuột (Nghèo) thắt cổ chết trong tiếng đòi nợ léo xéo ngoài ngõ và tiếng kêu khóc van lạy khất nợ của vợ con.
+ Người bà (Một bữa no) chết sau khi ăn chực được một bữa no.
+ Cái Dần (Một đám cưới) về làm dâu nhà người trong cảnh năm đói, đám rước dâu buồn thê thảm như đi đưa đám vậy.
+ Dì Hảo (Dì Hảo), cả một đời người đàn bà chỉ biết có hai việc: nhẫn nại cung phụng một kẻ bạc ác, đê tiện phải gọi là chồng và khóc cho những nỗi đắng cay, nhục nhã chất chồng. Cuối cùng khi hắn bỏ đi, dì cũng chỉ còn cách nhẫn nại chờ đợi trong nỗi nhục nhã ê chề.
+ Cái chết của ba con người (Quái dị) khiến cho người ta rợn người.
+ Cái chết của Chí Phèo (Chí Phèo) là tiếng kêu cứu tuyệt vọng của con người tột cùng đau khổ không có lối thoát…
Ngay trong hình thức truyện Nam Cao cũng đọng lại bóng dáng của thời đại. Tư duy nghệ thuật của Nam Cao đã diễn tả một cách thật chân xác và nhất quán dạng vận động ở thời đại ông.
+ Nếu như với Nguyễn Công Hoan, đời là mảnh ghép của những nghịch cảnh, với Thạch Lam, đời là miếng vải có lỗ thủng nhưng vẫn còn nguyên vẹn, thì với Nam Cao, cuộc đời là tấm áo cũ bị xé rách tả tơi, từ cái làng Vũ Đại đến mỗi gia đình, mỗi số phận.
+ Cái làng xã Việt Nam tù đọng, trì trệ, cũng chia ra năm bè bảy cánh, lưu tán bốn phương: đi tù, đi lính bên tây, chửa hoang bỏ đi, bị gọt đầu bôi vôi đuổi đi, ra tỉnh đi ở, đi phu Sài Gòn, bỏ lên rừng kiếm sống, tự tử… Nhiều người trở về, như một thứ dị vật cấy ghép vào, làm rữa nát thêm cái cơ thể làng xã, phá nốt chút yên ổn còn lại. Đó là những Năm Thọ, Binh Chức, Chí Phèo…
+ Cái đơn vị cơ bản của xã hội là gia đình cũng thế, trong tình trạng tan tác chia lìa: Từ ngày mẹ chết, Điếu văn, Mua nhà, Một đám cưới, … đều là cảnh tan đàn xẻ nghé. Nó diễn tả một cảm nhận chua chát của nhà văn về một lẽ đời khó hợp dễ tan.
Thi pháp truyện ngắn Nam Cao cũng rất tập trung làm nổi bật sự biến dạng của hoàn cảnh, của con người. Cả nhân hình lẫn nhân tính. Không có gì còn nguyên vẹn, tròn trịa, đẹp đẽ trong văn Nam Cao. Tác phẩm của ông xuất hiện một hệ thống hình tượng về cái méo mó, dị dạng. Từ tên người: đĩ Chuột, lang Rận, Trương Rự, ông Thiên Lôi, Trạch Văn Đoành, Chí Phèo cho đến cái mặt người (Chí Phèo, Thị Nở, lang Rận…). Từ cái bóng người méo mó, xệch xạc, xé rách, quần quật (Chí Phèo)… cho đến tâm trạng, lòng người cũng vậy: bực tức, bức bối, tự đay nghiến, dằn vặt, tới tận cùng sâu thẳm của nỗi buồn…. (Đời thừa).
- Chi tiết trong truyện ngắn Nam Cao cũng rất đặc biệt.
Có những chi tiết trở đi trở lại như một ám ảnh: miếng ăn, cái đói, cái chết và nước mắt. Chúng là một nốt nhấn thê thảm trong cả chuỗi tác phẩm của nhà văn, để tạo cho người đọc một ấn tượng khó phai mờ về chuyện đời, chuyện người của một thời lịch sử.
Thời gian, không gian nghệ thuật cũng được xây dựng qua những chi tiết đã thành một ấn tượng:
Ví dụ:
+ Kiểu thời gian hàng ngày, trong đó các nhân vật của ông dường như bị giam hãm, tù túng, luẩn quẩn trong vòng những lo âu thường nhật như nhà cửa, miếng cơm, manh áo, thuốc men… (Đời thừa, Trăng sáng, Những chuyện không muốn viết…).
+ Các nhân vật của Nam Cao cũng luôn bị ám ảnh, dày vò, hành hạ bởi cái đói “lúc nào cũng lo chết đói, lúc nào cũng lo làm thế nào cho không chết đói”. Cả thế giới nhân vật bị áo cơm ghì sát đất của ông như xuôi đi trong cái vòng luẩn quẩn của thời gian hàng ngày mòn mỏi. Hệ thống những chi tiết về cái đói, về sự đày ải, dằn vặt… trong lo âu, kiếm kế sinh nhai, trong suy tư, trăn trở… đã góp phần tạo nên một không gian cuộc sống đặc biệt trong tác phẩm Nam Cao – sống mòn.
Ví dụ:
+ Không gian trong truyện ngắn Nam Cao ít được sử dụng làm nền cho những xung đột xã hội mà chủ yếu là không gian riêng tư, cá nhân, không gian sinh tồn của một làng quê cổ hủ. Trong cái không gian như bị vây hãm bởi những lũy tre xanh, biết bao nhiêu kiếp người không chỉ bị đày đọa bởi cái đói mà còn bị giam hãm, cầm tù, nếu không cam phận sống thiệt thòi, tủi nhục như một kẻ tôi đòi (Ở hiền) thì cũng sống âm thầm nhẫn nại trong đắng cay, chua xót (Dì Hảo), nếu không bị chết vì đói, vì bệnh tật (Nghèo, Điếu văn) thì cũng chết khốn chết khổ vì bả chó (Lão Hạc), hay bội thực vì một bữa quá no hiếm hoi (Một bữa no)…
Không gian nhà ở, căn buồng là không gian trung tâm trong sáng tác của Nam Cao. Nó là không gian tạo điều kiện để Nam Cao khai thác triệt để cái hàng ngày, và những bí mật trong tâm tư của mỗi cá nhân con người (Ví dụ: trong nhà, trong căn buồng, Phúc – Điếu văn – nằm trên giường “như một cái xác trong mả lạnh, chua chát nghĩ rằng: mình không ăn nhập gì với cảnh đùa vui của người“, Hộ – Đời thừa – ngẫm về tất cả những sự khốn nạn của mình khi hắn biết hắn chưa làm được gì cho đời Từ đỡ khổ, và cũng biết hắn chính là một kẻ đê tiện trong văn chương, … trong Nước mắt, về chỉ khi về tới nhà “quăng mũ, quăng áo, quăng cái thân xác mệt mỏi xuống giường” mới suy nghĩ một cách sâu sắc, thấm thía về cái khổ, nối uất ức của mình sau một ngày nhịn đói, về cái lý do làm cho người vợ hay mắng chửi con, hay đay nghiến, gắt gỏng vơi chồng… ). Nó được gọi là không gian suy tưởng.Chính trong không gian ấy, Nam Cao đã lắng nghe được tất cả những vang động của đời thường, những tiếng khóc lóc và nguyền rủa, những tiếng kêu than, tiếng nghiến răng, diếc lác, dằn vặt, hắt hủi…
- Với không gian nghệ thuật ấy, hơn ai hết, Nam Cao đã phản ánh chân thật và sâu sắc cuộc sống tù đọng, ngột ngạt đến mức không chịu nổi của xã hội Việt Nam đêm trước cách mạng tháng Tám.
- Câu văn Nam Cao cũng là thứ câu “bị xé rách” (Vũ Tuấn Anh – Nghĩ tiếp về Nam ..) về ngữ điệu, chúng nhấm nhẳn, đứt nối, cắn rứt,chì chiết, nghẹn ngào và đầy kịch tính. Dường như không phải ông viết mà ông đang sống cùng mỗi câu chuyện được viết ra.
- Cấu trúc truyện ngắn Nam Cao có nhiều nét khác lạ và mới mẻ so với truyện ngắn trước đó và đương thời.
Truyện ngắn của Thạch Lam gần với thơ, truyện ngắn Nguyễn Công Hoan gần với kịch, còn truyện ngắn Nam Cao là một dòng xám buồn của chất văn xuôi – đời thường. Nó tiềm ẩn nhiều lớp ngữ nghĩa. Mỗi cảnh, mỗi người, mỗi tâm trạng có đời sống cụ thể và rất cá thể, nhưng phản chiếu của chúng lên những tầng triết lý và cảm xúc phía sau khiến chúng mang nhiều kích thước và luôn có tầm vóc phổ quát của những trạng thái nhân thế.
Nam Cao, chính vì thế, cũng là người đã soi sáng, đã tìm lại nhân cách, nhân phẩm cho nhân vật của mình. Nhìn lại một lượt, thế giới nhân vật đầy đau khổ, bất hạnh của Nam Cao, ngay trong lúc bị cuộc đời vùi dập, tước đoạt đi cái quyền được sống như một con người bình thường, vẫn toát lên những khát vọng làm người mạnh mẽ, toát lên một tình thương sâu sắc. Chí Phèo, Lão Hạc, Dì Hảo, Lang Rận, Điền, Hộ… đều là những phương diện khác nhau của sự đề cao sức mạnh của tình thương và khát vọng làm người chân chính.
Văn Nam Cao, với tất cả những nét độc đáo ấy, đã và vẫn đang mở ra những ngẫm suy về lẽ đời, về hôm qua và hôm nay. Tính không vơi cạn của văn Nam Cao cũng chính là sức sống của phong cách Nam Cao.