Site icon Lớp Văn Cô Thu

[Ngữ văn 12] Phân tích 14 câu đầu bài Tây Tiến

 

Đề bài : Phân tích 14 câu đầu bài thơ Tây Tiến

Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!
Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi.
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi,
Mường Lát hoa về trong đêm hơi.

Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm,
Heo hút cồn mây, súng ngửi trời.
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống,
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi.

Anh bạn dãi dầu không bước nữa,
Gục lên súng mũ bỏ quên đời!
Chiều chiều oai linh thác gầm thét,
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người.

Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói,
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi.

I/ Mở bài

Ra đời trong thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, cùng với “Nhớ” của Hồng Nguyên, “Đồng Chí” của Chính Hữu, “Bên kia sông Đuống” của Hoàng Cầm, “Tình sông núi” của Trần Mai Ninh, “Tây Tiến” của Quang Dũng đã làm nên bộ “Ngũ tư bất tử’ trong thơ ca thời kì kháng chiến chống Pháp. “Tây Tiến” là bài thơ của người lính nói về người lính – anh Vệ quốc quân thời chín năm kháng chiến chống Pháp gian khổ, hào hùng. Những kỉ niệm thời cầm súng chiến đấu, những tình cảm dành cho mảnh đất miền Tây, cho đồng đội cùng dầm mưa dãi nắng biết bao tháng ngày đã  được Quang Dũng gửi qua nỗi nhớ mênh mang, da diết . Men theo nỗi nhớ đong đầy ấy, bức tranh thiên nhiên miền Tây Bắc hùng vĩ, dữ dội đã được khắc họa thật đậm nét qua những câu thơ mở đầu bài thơ:

Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!

……

Mai Châu mùa em thơm nếp xôi

II/ Thân bài

1/ Khái quát chung

Một tác phẩm ra đời đôi khi là sự thai nghén, thôi thúc của cả nội tâm và ngoại cảnh. “Tây Tiến” cũng vậy, là kết tinh của tình yêu, nỗi nhớ, niềm thương mà Quang Dũng  gửi về cho binh đoàn Tây Tiến máu thịt, thân yêu của mình . Đoàn quân Tây Tiến được thành lập vào mùa xuân năm 1947, gồm phần đông là những chàng trai trẻ của đất Hà thành, hào hoa, thanh lịch:

Những chàng trai chưa trắng nợ anh hùng

Hồn mười phương phất cờ đỏ thắm

Nên tâm hồn họ lãng mạn, bay bổng, nhiều mộng và cũng lắm mơ. Đây là điểm khác biệt rõ nét làm nên chất lãng mạn và trữ tình cho bài thơ cũng như hình tượng người lính trong thơ Quang Dũng. Họ ra đi chiến đấu mang trong mình lí tưởng: Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh, quyết tử cho tổ quốc quyết sinh. Một lí tưởng sáng ngời chân lí của thế hệ thanh niên thời đại Hồ Chí Minh. Địa bàn hoạt động của đoàn binh Tây Tiến là một khu vực rộng khắp kéo dài từ Mai Châu – Hòa Bình cho đến tận Thanh Hóa, kéo sang cả Sầm Nứa của Lào. Đó là vùng địa hình đồi núi phía Tây Bắc hiểm trở của tổ quốc. Nơi rừng thiêng, nước độc, nơi thâm sơn cùng cốc với điều kiện tự nhiên khắc nghiệt. Những người lính Tây Tiến có nhiệm vụ chiến đấu, bảo vệ vùng biên giới phía Tây Bắc của tổ quốc, kết hợp cùng với bộ đội Pa-thét Lào đánh tiêu hao sinh lực địch. Cuộc sống chiến đấu vô cùng thiếu thốn, khó khăn gian khổ. Điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt. Chính vì thế mà những người lính Tây Tiến hi sinh vì mũi tên hòn đạn thì ít mà vì ốm đau, bệnh tật thì nhiều. Chỉ sau một năm chiến đấu, binh đoàn Tây Tiến đã hi sinh gần hết, đơn vị tan rã, đại đội trưởng Quang Dũng được chuyển sang một đơn vị khác và Tây Tiến sát nhập vào Trung đoàn 52. Một lần, ngồi bên dòng sông Đáy hiền hòa thuộc tỉnh Hà Đông cũ,  kỉ niệm, kí ức về những tháng năm gắn bó cùng đồng đội thân yêu, vào sinh ra tử lại ùa về. Tây Tiến được viết lên trong nỗi nhớ trào dâng, da diết Quang Dũng gửi đến cho đất và người trọn vẹn một tình yêu.

Tác phẩm văn học có thể coi như đứa con tinh thần của nhà văn, nhà thơ. Chính vì thế đặt tên cho tác phẩm cũng là nỗi băn khoăn, trăn trở của mỗi tác giả. Có những tác phẩm tên được đặt đi, đặt lại. “Tây Tiến”  của Quang Dũng mới ra đời nó có tên là “Nhớ Tây Tiến”. Nhưng có lẽ sau này Quang Dũng hiểu rằng, thơ là “ý tại ngôn ngoại”, không nói nhớ mà nỗi nhớ cứ như sóng trào dâng qua từng lời, từng câu, từng chữ, từng nhịp thơ. Đấy mới là cái tài hoa của người nghệ sĩ. Nhan đề đã được tinh giản chỉ còn “Tây Tiến” mà nỗi nhớ vẫn chơi vơi, như mạch ngầm và là nguồn cảm hứng của cả bài. Bài thơ được in trong tập “Mây đầu ô” xuất bản năm 1948.

Cảm xúc chủ đạo của đoạn thơ đầu tiên chính là nỗi nhớ về thiên nhiên miền Tây Tổ quốc hùng vĩ, dữ dội, bí hiểm mà thơ mộng, trữ tình. Qua đó làm hiện lên hình ảnh người lính trên chặng đường hành quân đầy gian nan, nguy hiểm; tuy vất vả, hi sinh nhưng vẫn ngang tàng, trẻ trung, lãng mạn.

2.Phân tích đoạn thơ                           

Hai câu thơ mở đầu gợi nhớ, gợi thương, nhớ miền Tây, nhớ núi rừng, nhớ dòng sông Mã thương yêu:

Sông Mã xa rồi, Tây Tiến ơi!

Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi

Hành hương về quá khứ, Quang Dũng đã nhắc tới sông Mã như một biểu tượng đầu tiên của nỗi nhớ. Đây là dòng sông chạy dọc theo địa bàn biên giới Việt Nam với nhiều ghềnh thác dữ dội, một mình băng băng giữa núi rừng hùng vĩ. Sông Mã còn là dòng sông gắn liền với chặng đường hành quân vất vả của trung đoàn , từng chứng kiến và sẻ chia những buồn vui, những mất mát, hi sinh của người lính. Sông Mã không còn là dòng sông vô tri trên bản đồ địa lí, nó đã trở  thành người bạn, người thân, là nhân chứng lịch sử đi theo  bước quân hành của người lính Tây Tiến, ghi dấu bao nhiêu kỉ niệm. Hai tiếng  “xa rồi” gợi nhắc về thời gian, tất cả những kỉ niệm với đoàn quân Tây Tiến nay đã lùi xa vào dĩ vãng. Nhịp thơ 4/3 với dấu ngắt ở giữa dòng như một phút ngừng lặng để nhận ra sự trống trải, mênh mông trong thực tại , để sau đó, hiện tại mờ đi, nỗi nhớ ùa vào trong tiếng gọi tha thiết hướng về quá khứ. Tây Tiến ơi! Tiếng gọi tha thiết, khắc khoải. Dường như Tây Tiến không còn là tên của một đơn vị bộ đội nữa mà thân thiết, gắn bó như anh em máu thịt. Qua đó nói lên tình cảm gắn bó sâu nặng của nhà thơ với một thời, một vùng miền đã đi qua. Từ “ơi” thật thân thương được hiệp vần tinh tế với từ láy ” chơi vơi” ở câu sau khiến tiếng gọi như âm vang, đập vào vách đá, dội lại lòng người, da diết, bâng khuâng,…

Biện pháp điệp ngữ được tác giả vận dụng thật tinh tế để khắc sâu nỗi nhớ day dứt, miên man, ám ảnh không thể nguôi ngoai: Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi.  Nhịp ngắt 4/3 chia câu thơ thành hai vế : vế đầu xác định đối tượng của nỗi nhớ “nhớ về rừng núi” – đó là không gian mênh mông của miền Tây với những địa danh như Sài Khao, Mường Lát, Pha Luông,…Những địa danh vừa gợi lên con đường hành quân vất vả, gian lao vừa gợi lên sự heo hút, hoang vu của thiên nhiên Tây Bắc. Và vì thế , nỗi nhớ không chỉ dừng lại ở rừng núi  miền Tây mà còn hướng về những năm tháng quá khứ gian lao với những người đồng đội, vế sau của câu thơ miêu tả sắc thái của nỗi nhớ  “nhớ chơi vơi”. ” Chơi vơi ” là từ láy vần với hai thanh không (thanh ngang) gợi độ cao phiêu du, bay bổng, gợi cảm giác về một nỗi nhớ vô hình, vô lượng, không thể đo đếm, một nỗi nhớ mơ hồ, đầy ám ảnh, nỗi nhớ ăm ắp, khôn nguôi.

Hằn sâu trong kí ức của người chiến binh Tây Tiến, thiên nhiên miền Tây với hình thế sông núi hiểm trở nhưng không kém phần thơ mộng của miền Tây trên đường hành quân của người lính lại được hiện lên rõ nét và đầy sức gợi:

Dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm

Heo hút cồn mây sũng ngửi trời

Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống

Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi

Ba câu thơ đầu miêu tả sắc nét khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ và hiểm trở  qua đó làm hiện lên cuộc hành quân vất vả, gian lao và ý chí bất khuất, kiên cường của những người chiến binh Tây Tiến. Sự phối hợp của năm thanh trắc trong câu thơ “Dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm ” đã tạo nên âm hưởng gồ ghề, gập ghềnh cho câu thơ 7 chữ, giúp người đọc phần nào hình dung ra cuộc hành quân gian truân của người lính Tây Tiến. Điệp từ “dốc” lặp lại ở đầu hai vế câu để thể hiện sự trùng điệp, chồng chất của những con dốc như muốn thử thách ý chí, nghị lực của người lính. Các từ láy “khúc khuỷu” (diễn tả sự gồ ghề, gập ghềnh), “thăm thẳm” ( diễn tả độ cao hun hút, độ xa vời vời) giàu giá trị tạo hình đã khắc họa sự hiểm trở của dốc núi và qua đó làm hiện lên sự nhọc nhằn trên con đường hành quân của người lính.

Cái hoang vu, bí hiểm, dữ dội của thiên nhiên còn hiện lên qua hình ảnh “Heo hút cồn mây súng ngửi trời. Từ láy “heo hút” vừa gợi độ cao, vừa gợi độ xa, vừa gợi sự vắng lặng lại được đảo lên đầu câu để nhấn mạnh sự hoang sơ, hoang vắng, thăm thẳm như vô tận vô cùng. “Cồn mây” là một hình ảnh ẩn dụ cho thấy mây núi miền Tây bộn bề, chồng chất, tạo thành dốc, thành cồn, con đường như bị lấp vào trong mây, con đường hành quân của người lính vô cùng cheo leo và hiểm trở. Hình ảnh nhân hóa . “Súng ngửi trời” là một cách nói tếu táo, hóm hỉnh, đầy chất lính, cho thấy tâm hồn trẻ trung của những người lính phong trần, coi thường gian lao, hiểm trở.  Câu thơ không chỉ gợi lên sự hiểm trở của dốc núi mà còn cho thấy tâm hồn tươi trẻ, lạc quan của những người chiến sĩ.

Nét dữ dội, hiểm trở như muốn thử thách ý chí, nghị lực của người lính lại được tô đậm hơn ở câu thơ thứ ba . Điệp từ “ngàn thước” kết hợp với phép tương phản của các động từ lên – xuống trong hai vế câu đã tạo ra cảm giác về một nét gấp đột ngột, dữ dội cho câu thơ, gợi tả độ cao của dốc, độ sâu của vực: bên này, đường lên núi dựng đứng, vút cao; bên kia vực đổ xuống heo hút, hiểm trở.

Cảm hứng lãng mạn trong thơ Quang Dũng lại đưa người đọc trở về với cảm giác yên bình, nhẹ nhàng sau bao trải nghiệm về sự dữ dội của cảnh trí miền Tây. Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi – Câu thơ toàn thanh bằng với âm tiết mở đã tạo ra một không gian mênh mông, dàn trải, nhạt nhòa trong mưa. Hình ảnh ẩn dụ “mưa xa khơi” gợi cảm nhận về cả thung lũng mờ mịt như loãng tan trong biển mưa. Sau những chặng đường hành quân vất vả, người lính như dừng lại ở đâu đó ngắm nhìn núi rừng trong mưa. Sắc thái phiếm chỉ của đại từ “ai” khiến cho những ngôi nhà trở nên mơ hồ, xa xăm, huyền ảo . Sắc thái nghi vấn “nhà ai”gợi nỗi bâng khuâng, trăn trở trong lòng người. giữa mưa rừng buốt lạnh, giữa núi rừng mênh mông, hình ảnh ngôi nhà gợi cảm giác ấm áp, bình yên đã làm trào dâng nỗi nhớ nhung, xao xuyến trong lòng người chiến sĩ.

Cảnh núi rừng hoang sơ, hùng vĩ tiếp tục được tái hiện qua đó làm nổi bật hình ảnh người chiến binh Tây Tiến trong sự vất vả, gian lao nhưng đậm chất kiêu hùng.

Anh bạn dãi dầu không bước nữa

Gục lên súng mũ bỏ quên đời

Chiều chiều oai linh thác gầm thét

Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người

Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói

Mai Châu mùa em thơm nếp xôi

Kí ức về người lính Tây Tiến đã hiện lên thật lãng mạn nhưng cũng thật bi hùng. Từ láy “dãi dầu” diễn tả sự nhọc nhằn, vất vả của các anh khi hành quân qua miền Tây, khi vượt qua những núi cao, vực sâu, thác ghềnh dữ dội, qua những nắng mưa, sương gió,….Với cách diễn đạt chủ động “không bước nữa”, “bỏ quên đời”, tác giả đã làm hiện lên sự kiêu bạc, ngang tàng của những người chiến binh dãi dầu mưa nắng. Cách viết của nhà thơ mang đến cho ta hai cách hiểu: Có thể hiểu, trên chặng đường hành quân gian lao, vất vả, người lính kiệt sức  nên ngủ thiếp đi trong chốc lát để rồi lại tiếp tục chặng đường dài; và cũng có thể hiểu rằng người lính đã hi sinh một cách nhẹ nhàng, thanh thản như vừa hoàn thành xong nhiệm vụ với Tổ quốc. Hiện thực khắc nghiệt của chiến tranh đã được Quang Dũng biểu hiện bằng cách nói thật lãng mạn. Qua đó, nhà thơ làm hiện không phải khó khăn mà là tinh thần vượt qua mọi khó khăn, đó chính là vẻ đẹp hào hùng của những người chiến sĩ.

Sau câu thơ gợi lên hình ảnh người lính, sự hùng vĩ, hiểm trở của núi rừng miền Tây lại được hiện lên qua những nét vẽ đầy ấn tượng. Biện pháp nhân hóa “thác gầm thét”, “cọp trêu người” đã làm tăng thêm sự dữ dội, hoang sơ, đầy bí hiểm của núi rừng miền Tây. Nghệ thuật tương phản, đối lập của cảm hứng lãng mạn đã được Quang Dũng sử dụng trong phép đối thanh rất tinh tế: nếu như câu thơ trên với các tiếng “thác”, “thét” mang âm vực câu gợi âm thanh tiếng nước man dại ở vòm cao thăm thẳm thì câu dưới là những tiếng Hịch, cọp  mang thanh trắc ở âm vực thấp như mô phỏng bước chân nặng nề của thú dữ, gợi sự thâm u, bí hiểm, đầy đe dọa của núi rừng. Chiều chiều, đêm đêm là những trạng ngữ chỉ dòng chảy của thời gian lặp lại miên viễn, vĩnh hằng. Những sức mạnh thiên nhiên khủng khiếp ngự trị ở núi rừng miền Tây không phải là một chiều, một đêm mà là chiều chiều, đêm đêm – ngự trị muôn đời. Miêu tả những ấn tương về núi rừng miền Tây lại càng làm nổi bật chân dung người lính Tây Tiến hào hùng, mạnh mẽ: họ đã hành quân qua những vùng đất hoang sơ, dữ dội, vắng bóng con người ; họ đã vượt qua những gian truân vất vả bằng khí phách kiên cường và lòng dũng cảm đáng khâm phục, đáng ngợi ca.

Tuy vậy, con đường hành quân của các chiến sĩ Tây Tiến không chỉ có gian lao, vất vả mà còn có cả những kỉ niệm ngọt ngào, thắm thiết ân tình:

Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói

Mai Châu mùa em thơm nếp xôi

Hai câu thơ đã làm hiện lên không gian miền Tây Bắc vô cùng nên thơ với những bản làng quện trong khói lam chiều ấm áp bên sườn núi , với hương thơm quyến rũ của xôi nếp nương, với những sơn nữ tình tứ và xinh đẹp. Cụm từ cảm thán “Nhớ ôi” đứng ở đầu câu đã bộc lộ cảm xúc nhớ nhung, dâng trào mãnh liệt về miền Tây, về những bản làng Mai Châu, về những chị, những em ,… trong mùa lúa chín. Sau những chặng đường hành quân giữa mưa rừng buốt lạnh, giữa núi cao, vực sâu, giữa những bước chân thú dữ rập rình đe dọa, phút dừng chân bên một bản làng miền Tây với bát cơm thơm ngào ngạt làn khói bếp đã mang đến cho các anh cảm giác thanh bình thật hiếm hoi, quý giá trong cuộc chiến tranh tàn khốc.  Câu thơ “Mai Châu mùa em thơm nếp xôi” mang đến cho ta nhiều cách hiểu. Có thể hiểu các chiến sĩ dừng chân ở Mai Châu giữa mùa lúa chín, đón nhận bát xôi ngào ngạt hương nếp đầu mùa từ bàn tay dịu dàng của các cô gái Mai Châu. Cũng có thể hiểu câu thơ theo một nét nghĩa thật lãng mạn qua hai chữ “mùa em”. Đây là một kết hợp từ rất mới mẻ, người ta thường nói mùa hoa, mùa quả,… để chỉ thời điểm sung mãn, đầy ắp sắc hương của hoa trái. Cách dùng từ của Quang Dũng đã tạo ra một nét nghĩa táo bạo và thật đa tình khiến cho Mai Châu không chỉ là một địa danh gắn liền với kỉ niệm thơm thảo của xôi nếp đầu mùa thắm tình quân dân mà còn gợi tới hình ảnh của những cô gái Mai Châu duyên dáng, xinh đẹp, căng tràn sức sống làm xao xuyến lòng người chiến sĩ. Câu thơ nhiều thanh bằng gợi tả cảm giác bồng bềnh, xao xuyến, ngất ngây trong tâm hồn của những chàng trai Hà Thành hào hoa, lãng mạn.

3.Đánh giá chung

Sự kết hợp hài hoà giữa bút pháp hiện thực và lãng mạn; ngôn ngữ giàu tính tạo hình, giàu nhạc điệu,biện pháp tu từ đặc sắc, … đã làm nên thành công cho cả đoạn thơ – tuy chỉ là khúc dạo đầu của một bản nhạc về nỗi nhớ, song cũng đã kịp ghi lại những vẻ đẹp rất riêng của thiên nhiên núi rừng Tây Bắc . Trên nền của bức tranh thiên nhiên dữ dội ấy, những người lính Tây Tiến hiện lên thật đẹp đẽ, hào hùng. Thiên nhiên hùng vĩ, dữ dội, con người mạnh mẽ, lãng mạn, hào hoa. Sự gắn bó của nhà thơ với thiên nhiên và con người nơi ấy là biểu hiện của tấm lòng gắn bó với quê hương, đất nước. Đồng thời là tấm lòng trĩu nặng yêu thương với những người đồng đội, đồng chí của mình.

III/ Kết bài

Mười bốn câu thơ mở đầu cho một nỗi nhớ trải dài, mênh mang, vô tận. Lặn sâu mình vào trong nỗi nhớ ấy, người ta thấy yêu một khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, dữ dội của đất nước, thấy cảm phục, biết ơn một thế hệ anh hùng một thời đã quên thân mình vì Tổ quốc thân yêu. Chất lãng mạn và hiện thực, chất thơ và chất nhạc vốn là đặc trưng của hồn thơ Quang Dũng đã được thể hiện thật hay, thật giàu sức hút. Có lẽ nhờ vậy mà “Tây Tiến”  của Quang Dũng chưa bao giờ mất đi vị trí quan trọng trong lòng bạn đọc nhiều thế hệ.

🔻 Xem thêm:

Exit mobile version