Site icon Lớp Văn Cô Thu

[Ngữ văn 10 – Cánh diều] Thực hành đọc – hiểu : Ra – ma buộc tội

NGỮ VĂN 10 – CÁNH DIỀU

CHUYÊN ĐỀ : THẦN THOẠI VÀ SỬ THI

THỰC HÀNH ĐỌC – HIỂU : RA – MA BUỘC TỘI

I/ Chuẩn bị

1/ Tác giả Van-mi-ki (tu sĩ, nhà thơ nổi tiếng của Ấn Độ):

–         Sống trong khoảng thế kỉ V- IV TCN

–         Xuất thân trong một gia đình thuộc đẳng cấp quý tộc Bà-la-môn, mặc dù nề nếp gia phong nhưng thuở bé ông vẫn rơi vào con đường lêu lổng, không nghe lời cha mẹ. Vì vậy, ông đã bị gia đình ruồng bỏ, và trở nên càng hư hỏng, vào rừng làm cướp.

–         Ông may mắn gặp được bậc chí thánh Na-ra-đa đang tu trong rừng, được nghe những lời khuyên nhủ nên ông đã dốc chí tu luyện để rũ bỏ những tội lỗi mình đã mắc phải.

2/ Sử thi Ra-ma-ya-na:

–         Dung lượng: dài hơn 8000 câu thơ đôi (16000 dòng thơ).

–         Hoàn cảnh ra đời:

+ Sử thi hình thành vào khoảng TK V- IV TCN, được bổ sung, trau chuốt bởi nhiều thế hệ tu sĩ- thi nhân và đạt đến hình thức hoàn thiện cuối cùng nhờ đạo sĩ Van-mi-ki.

+ Thần Nadara kể cho Vanmiki nghe những kì tích của hoàng tử Rama,  ông nhập tâm kể lại bằng thơ cho các môn đệ .  Từ đó những nghệ nhân hát rong đem kể khắp xóm làng, phố phường ở Ấn Độ.

–         Nội dung: Ca ngợi chiến công và đề cao đạo đức của hoàng tử Rama; ca ngợi mối tình chung thủy của nàng Xita; đồng thời phản ánh sự phát triển của xã hội người Arian.

Câu chuyện là sự khúc xạ của thực tế lịch sử quá trình người Arian (gốc Âu, da trắng) từ Bắc Ấn tràn xuống chinh phục, đồng hóa người Đravida (da màu, bản địa) ở Nam Ấn . Thực tế ấy đã được thể hiện trong câu chuyện Rama liên minh cùng đoàn khỉ ở cao nguyên Đê-can kéo xuống đảo Lan-ka tiêu diệt quỷ Ravana giành lại Xita.

– Tóm tắt câu chuyện:

+ Câu chuyện diễn ra ở vương quốc Kô-sa-la. Vua Đa-xa-ra-tha có bốn người con trai do ba bà vợ sinh ra. Ra- ma là con cả, hơn hẳn các em về tài đức. Vua cha có ý định nhường ngôi cho chàng nhưng vì lời hứa với bà vợ thứ Ka-kêy-i xinh đẹp nên đã đày Ra-ma vào rừng và trao ngôi lại cho Bha-ra-ta, con của Ka-kêy-i.

+ Ra-ma cùng vợ là Xi-ta và em trai Lắc-ma-na vào rừng sống ẩn đật. Quỷ vương Ra-va-na lập mưu cướp Xi- ta đem về làm vợ. Mặc quỷ vương dụ dỗ và ép buộc, Xi-ta vẫn kịch liệt chống cự. Được tướng khỉ Ha-nu-man giúp đỡ, Ra-ma đã cứu được Xi-ta.

+ Nhưng sau đó, Ra-ma nghi ngờ tiết hạnh của Xi-ta và không muốn nhận lại nàng làm vợ. Để chứng tỏ lòng chung thuỷ của mình, Xi-ta đã nhảy vào lửa. Thần Lửa biết Xi-ta trong sạch nên đã cứu nàng. Ra-ma và Xi- ta trở về kinh đô.

3/  Đoạn trích Ra-ma buộc tội:

– Vị trí: Chương 79, khúc ca VI. Đoạn trích kể chuyện vợ chồng Ra-ma và Xi-ta gặp lại nhau trong không khí nặng nề, trang nghiêm như một phiên tòa phán xử.

– Diễn biến chương 78:

Rama nhờ tướng khỉ Hanuman giúp đỡ đã hạ được Ravana, cứu Xita. Thời hạn lưu đày 14 năm cũng hết. Nhưng Rama trì hoãn việc gặp lại vợ, sau đó cử người khác đến gặp, mời Xita đến gặp nơi công cộng. Chàng vừa đau xót, giận giữ vừa vui sướng, chàng nghi ngờ Xita không còn trọn vẹn danh tiết. Ý thức danh dự của nhà vua buộc chàng phải từ bỏ Xita. Trong khi đó Xita sung sướng, nôn nóng đến gặp chồng đến mức không nghĩ đến trang điểm và không thể ngờ rằng Rama lại có thể đối xử với mình như vậy.

– Tóm tắt:

+ Sau chiến thắng, Ra-ma nghi ngờ tiết hạnh của Xi-ta. Chàng nối cơn ghen dữ dội. Dù thấy đôi mắt đẫm lệ của Xi-ta, lòng Ra- ma như dao cắt nhưng sợ tai tiếng nên chàng vẫn buông những lời xúc phạm nàng.

+ Xi-ta đau đớn như cây dây leo bị vòi voi quật nát. Nàng lấy  tư cách mình ra thề, rồi giải thích, thanh minh trong tiếng nức nở nghẹn ngào nhưng không lay chuyển được Ra-ma.

+ Cuối cùng, nàng dành chứng minh phẩm hạnh, lòng thuỷ chung của mình trước mọi người bằng cách dũng cảm bước lên giàn lửa. Tất thảy mọi người, kế cả loài Rắc-sa-xa và Va-na- ra cùng bật lên tiếng khóc vang trời trước cảnh tượng đau đớn đó.

– Bố cục:

+ Phần 1: Lời buộc tội của Rama

+ Phần 2: Lời thanh minh và quyết định quyên sinh của Xita.

+ Phần 3: Xita bước lên dàn thiêu trong tiếng khóc thảm thiết của mọi người.

II/ Phân tích đoạn trích

1/ Bối cảnh Ra-ma và Xi-ta gặp lại nhau.

è Cả hai nhân vật đều được đặt trong tình huống thử thách về phầm chất:

–         Tình huống thử thách khắc nghiệt: Nếu việc chiến đấu với quỷ vương Ra-va-na là thử thách hướng ra bên ngoài thì đoạn trích là thử thách hướng vào bên trong, vào thế giới nội tâm của chính họ. Nếu vượt qua, nếu chiến thắng, họ mới trở thành những người kết tinh lí tưởng cộng đồng.

–         Thử thách về phẩm chất –  tiêu chí đạo đức mà cộng đồng đặt ra cho họ:

+ Nếu Ra-ma chấp nhận Xi-ta ngay mà không thử thách nàng, người đời sẽ chê trách chàng vì tình yêu thương mà bỏ qua tội lỗi (nếu có) của nàng, là không biết trọng danh dự cá nhân và cộng đồng (vì chàng là đức vua của một nước).

+ Nếu Xi-ta không tự chứng minh được mình trong sạch trước mọi người thì nàng không phải là người đức hạnh, nàng không xứng đáng là một Hoàng hậu cao quý.

2/ Nhân vật Ra-ma:

a/ Xuất hiện trong đoạn trích trong cảnh tái hợp vợ chồng với hai tư cách:

–         Một đức vua, một người anh hùng: đòi hỏi phải tuân thủ mọi quy ước của cộng đồng, đặc biệt là quy ước về danh dự cá nhân, danh dự cộng đồng.

+ Danh dự cá nhân: Cá nhân bị xúc phạm, bị lăng nhục thì cá nhân ấy buộc phải rửa mối nhục thù ấy. Người nào không biết bảo vệ danh dự, người đó chưa phải là anh hùng . Ra-ma ý thức rất rõ điều đó “Kẻ nào bị kẻ thù lăng nhục mà không đem tài nghệ của mình ra để trả thù là một kẻ tầm thường”.

+ Danh dự cộng đồng: Danh dự cá nhân trong thời đại sử thi luôn gắn với danh dự cộng đồng, dòng dõi. Bảo vệ danh dự cá nhân cũng là bảo vệ danh dự cộng đồng, đặc biệt là đối với một ông vua.

Ra-ma nhấn mạnh rằng “Ta làm điều đó vì nhân phảm của ta, để xóa bỏ hết ô nhục, để bảo vệ uy tín và danh dự của dòng họ lẫy lừng tiếng tăm của ta”.

Hành động của Ra-ma là hành động đại nghĩa. Ra-ma đã so sánh hành động của mình với hành động của đại đạo sĩ A-ga-xti-a “đã giải thoát cho các xứ phương Nam khỏi nỗi kinh khiếp đối với In-van và Va-ta-pi, ta cũng giải thoát cho cõi thế gian này khỏi mối lo sợ Ra-va-na”.

Mọi hành động của đấng quân vương phải được thể hiện rõ ràng, minh bạch trước thần dân, phải hành động vì lợi ích của thần dân. Ra-ma phải đứng trên lập trường của cộng đồng để xử lí quan hệ vợ chồng, nếu không sẽ dẫn tới những dị nghị khơi nguồn cho sự bất hoà giữa vua-tôi, giữa các thành viên của cộng đồng.

–         Một người chồng bị lăng nhục: Vừa yêu thương, vừa ghen tuông nghi ngờ.

+ Vì Xi-ta “bị quấy nhiễu khi ở trong vạt ao của Ra-va-na, đôi mắt tội lỗi của hắn đã hau háu nhìn khắp người nàng”.

+ Vì nàng “đã lưu lại lâu trong nhà một kẻ xa lạ”.

b/ Sự mâu thuẫn của Ra-ma.

Sự mâu thuẫn thể hiện giữa lời nói – biểu hiện bề ngoài và tình cảm – thực chất bên trong lòng.

–         Khẳng định tài năng và chiến tích của bản thân và đồng minh:

“Ta đã làm tất cả bằng khả năng của mình. Ta đã trả thù kẻ lăng nhục ta và cơn giận của ta đã hả… Ngày hôm nay, việc chàng Ha-nu-man hảo hán vượt biển đã kết thúc thành công… Ngày hôm nay, tài nghệ và những lời khuyên sáng suốt của Vi-phi – sa – na đã hoàn toàn được chứng tỏ.

–         Chỉ rõ hành động tiêu diệt quỷ vương Ra-va-na xuất phát từ những động cơ sau:

+ Để “trả thù kẻ lăng nhục” mình (Ra-va-na đã cướp vợ của chàng).

+ Để cứu Xi-ta, “gỡ cho nàng khỏi điều vu khống”.

+ Để tiêu diệt kẻ xấu, “giải thoát cho cõi thế gian này khỏi mối lo sợ Ra-va-na”.

Đặc biệt, chàng nhấn mạnh “chẳng phải vì nàng mà ta đã đánh thắng kẻ thù với sự giúp đỡ của bạn bè. Ta làm điều đó vì nhân phẩm của ta, để xoá bỏ vết ô nhục, để bảo vệ uy tín và danh dự của dòng họ lẫy lừng tiếng tăm của ta. Ta làm điều đó chính là để chứng tỏ ta không thuộc về một gia đình bình thường”. Không phải vì tình yêu mà vì bổn phận và danh dự của một người anh hùng, của một đấng quân vương có dòng dõi cao quý.

–         Buộc tội Xi-ta bằng những lời cay nghiệt, nặng nề:

+ Nghi ngờ quá mức: nay ta phải nghi ngờ tư cách của nàng…, trông thấy nàng, ta không chịu nổi, chẳng khác nào ánh sáng đối với người bị đau mắt.

+ Miệt thị nặng nề: người đã sinh trưởng trong một gia đình cao quý có thể nào lại lấy về một người vợ từng sống trong nhà kẻ khác, đơn giản chỉ vì mụ ta là một vật để yêu đương? Nàng đã bị quấy nhiễu khi ở trong vạt áo của Ra-va-na, đôi mắt tội lỗi của hắn đã hau háu nhìn khắp người nàng, vậy làm sao ta có thể nhận nàng về khi nghĩ tới gia đình cao quý đã sinh ra ta?

+ Ruồng rẫy bạc bẽo: Vậy ta nói cho nàng hay, nàng muốn đi đâu tuỳ nàng, ta không ưng có nàng nữa; ta không cần đến nàng nữa. Nàng muốn đi đâu tuỳ ý; nàng có thể để tâm đến Lắc-ma-na, Bha-ra-ta, Xa-tru-na, Xu-gri-va, hay nếu nàng thích, nàng có thể đi theo Vi-phi-sa-na cũng được.

=> Nguyên nhân:

+ Ra-ma nghi ngờ sự trong trắng của Xi-ta khi bị quỷ vương Ra-va-na bắt về xứ sở của hắn.

+ Vì danh dự của một người anh hùng, một đấng quân vương không cho phép chấp nhận một người phụ nữ đã từng chung chạ với kẻ khác làm Hoàng hậu (sợ người đời dị nghị chuyện Xi-ta ở xứ sở của quỷ vương, sau này khi thần lửa A-nhi trao Xi-ta cho Ra-ma và khẳng định “Nàng trong trắng. Nàng không phạm bất cứ tội lỗi nào, dù lời nói, việc làm hay ý nghĩ” – Ra-ma đã giải thích “Nếu tôi chấp nhận nàng mà không có sự thanh tẩy cho nàng, thiên hạ sẽ kết tội tôi, rằng con trai đức vua Đa-sa-ra-tha là kẻ ngu xuẩn và dâm đãng”).

–         Lòng Ra-ma đau như cắt. Nhưng vì sợ tai tiếng, chàng bèn nói với nàng, trước mặt những người khác.

à Ra-ma đang nói Xi-ta, nhưng không phải trên cương vị của một người chồng nói với vợ mà là đức vua với bề tôi – một thần dân đặc biệt (cách xưng hô xa cách: hỡi phu nhân cao quý). Ra-ma vì cộng đồng mà phải đưa ra lời phán quyết ấy nên chàng cũng đau đớn không kém gì Xi-ta.

–         Khi Xi-ta quyết định sẽ từ bỏ tấm thân này cho ngọn lửa, “chẳng có ai trong đám bạn hữu dám nói gì với Ra-ma, hoặc nhìn vào chàng; lúc đó nom chàng khủng khiếp như Thần Chết vậy”.

→ Cử chỉ, nét mặt của chàng đã giúp Lắc-ma-na hiểu được động cơ của anh, và từ chỗ giận dữ đã chuyển sang thông cảm…

=> Rama vào sinh ra tử, chiến đấu với yêu quỷ giành lại người vợ yêu quý nhưng cũng dám hi sinh tình yêu vì danh dự, bổn phận của một người anh hùng, một đức vua mẫu mực.

3/ Nhân vật Xita:

a/ Diễn biến tâm trạng:

–         Trước khi gặp chồng: Nàng nóng lòng muốn gặp lại người chồng yêu quý, thậm chí nàng không muốn trang điểm, bỏ qua tục lệ tắm rửa vì muốn tới gặp chồng thật nhanh à Tình yêu nồng nhiệt.

–         Khi gặp chồng:

+ Trái ngược với tưởng tượng và mong mỏi, nàng bước vào một không gian rất đông người, lại đè nặng một vẻ nghiêm trang, thần bí. Ở đó, Ra-ma không niềm nở đón tiếp nàng mà đi thẳng vào vấn đề với những lời phán xét và buộc tội cay nghiệt.

+ Xi-ta  từ bất ngờ này đến tình thế bất ngờ khác, nàng choáng váng “mở tròn đôi mắt đẫm lệ” và “đau đớn đến nghẹt thở, như một cây dây leo bị vòi voi quật nát”. Mọi hi vọng đã nhường chỗ cho sự tuyệt vọng hoàn toàn. Nàng “xấu hổ cho số kiếp” của mình, “nàng muốn tự chôn vùi cả hình hài thân xác của mình”, “mỗi lời nói của Ra-ma xuyên vào trái tim nàng như một mũi tên. Nước mắt nàng đổ ra như suối

b/ Các lí lẽ biện minh.

Sau giây phút đau đớn tột cùng, Xi-ta đã tự trấn tĩnh, lấy tà áo lau nước mắt, tự thanh minh cho mình bằng những lời lẽ dịu dàng mà đầy sức mạnh, rành mạch, đạt lí- thấu tình:

+ Trách Ra-ma đã không suy xét chín chắn mà đánh đồng nàng với hạng phụ nữ tầm thường, coi “những lời lẽ gay gắt khó tả” của Ra-ma giống như những lời lẽ của “một kẻ thấp hèn chửi mắng một con mụ thấp hèn”.

+ Phân biệt rành rẽ cái thân thiếp đây – điều tuỳ thuộc vào số mệnh, vào quyền lực của kẻ khác với trái tim thiếp đây – điều nằm trong vòng kiểm soát của nàng để khẳng định Ra-ma không có quyền buộc tội Xi-ta.

+ Khẳng định tư cách, phẩm hạnh của bản thân khác biệt với loại phụ nữ tầm thường, thấp kém: nàng thuộc về dòng dõi của thần linh “chỉ có nữ thần Đất là mẹ của thiếp thôi”. So với dòng dõi của Ra-ma thì sự xuất thân của Xi-ta là bội phần danh giá

=> Ý thức bảo vệ danh dự dòng dõi thần linh.

=>  Từ các lí lẽ đó, Xi-ta kết luận “chàng đã không hiểu được bản chất của thiếp”, “tình yêu, “lòng trung thành của thiếp nay xem ra hoàn toàn vô ích”.

c/ Hành động quyết liệt:

–  Xi-ta yêu cầu Lắc-ma-na chuẩn bị một giàn hoả thiêu. Một mặt, nàng muốn từ bỏ tấm thân này cho ngọn lửa, bởi với nàng, người chồng là tất cả ý nghĩa cuộc sống, khi bị chồng ruồng bỏ thì chẳng khác gì cái chết. Mặt khác, nàng lại muốn sống để khẳng định mình trong sạch – cầu xin thần lửa A-nhi “nếu con trước sau một lòng một dạ với Ra-ma thì cúi xin thần hãy tìm cách bảo vệ con”.

=>  Sự mâu thuẫn giữa con người cá nhân và con người cộng đồng trong Xi-ta. Nhưng ước muốn được sống để chứng minh sự trong sáng của bản thân còn mạnh hơn cái chết.

–  Xi-ta dũng cảm bước vào ngọn lửa trong sự xót thương vô bờ của tất cả những người có mặt (Lắc-ma-na cố nén giận nhìn Ra-ma; Ra-ma trông khủng khiếp như thần Chết, ngồi dán mắt xuống đất; ai nấy, già cũng như trẻ, đau lòng đứt ruột xem Xi-ta đứng trong giàn hoả; các phụ nữ bật ra tiếng kêu khóc thảm thương; loài Rắc- sa-xa lẫn loài Va-na-ra cùng kêu khóc vang trời)

=>  Cảnh Xi-ta bước vào giàn lửa là đỉnh điểm xung đột của đoạn trích, nó cho thấy quyết tâm khẳng định danh dự bản thân của nàng, cho dù phải đối mặt với cái chết.

III/ TỔNG KẾT

1/ Chủ đề, ý nghĩa:

Khắc họa vẻ đẹp của nhân vật mang tính mẫu mực, lí tưởng:

–         Rama vào sinh ra tử, chiến đấu với yêu quỷ giành lại người vợ yêu quý nhưng cũng dám hi sinh tình yêu cá nhân vì danh dự, bổn phận của một người anh hùng, một đức vua mẫu mực.

=> Nhân vật không chỉ được ca ngợi ở sức mạnh chiến đấu mà còn được ca ngợi ở phương diện đạo đức, nhân phẩm (một đặc điểm của sử thi Ấn Độ).

–         Xita sẵn sàng bước qua mạng sống, lấy cái chết để chứng minh tình yêu và đức hạnh thủy chung -> biểu tượng người vợ, người phụ nữ lí tưởng trọng danh dự và nhân phẩm.

2/ Đặc sắc nghệ thuật:

–         Nghệ thuật trần thuật giàu kịch tính à Tạo sức lôi cuốn, hấp dẫn (người kể chuyện dẫn dắt, minh oan cho Xi-ta và thiên về miêu tả khách quan khi khắc họa Ra-ma, chuyển điểm nhìn sang các nhân vật khác).

–         Dựng lên bức tranh đối thoại sinh động đầy màu sắc giữa Ra-ma và Xi-ta.

–         Miêu tả tâm lí nhân vật qua những biểu hiện bên ngoài: hành vi, cử chỉ, thái độ, lời nói… (3 lần khóc của Xi- ta: mở tròn đôi mắt đẫm lệ khi nghe kể về chiến tích – hạnh phúc, nước mắt đổ ra như suối khi bị kết tội – uất ức, và òa khóc sau khi tự biện minh – xót thương chính mình).

–         Biện pháp so sánh được sử dụng dày đặc (với trời đất)à  nhân vật hiện lên sống động, gợi cảm và mang tầm vóc lớn lao, đẹp đẽ.

 

 

 

Exit mobile version