I. Mở bài
– Dẫn dắt và nêu vấn đề cần bàn luận
– Ý kiến cá nhân người viết với hiện tượng/vấn đề
II. Thân bài
*Giải thích vấn đề:
– “Vô cảm”: “Vô” (tức “không”), “cảm” (tình cảm, cảm xúc), “vô cảm” có thể hiểu là không có tình cảm, cảm xúc → Căn bệnh này có thể hiểu là sự thờ ơ, không quan tâm đến những sự vật, sự việc xung quanh mình.
*Thực trạng, biểu hiện của căn bệnh vô cảm trong cuộc sống:
– Căn bệnh vô cảm ngày càng phổ biến, lan rộng trong xã hội (kết hợp lồng các dẫn chứng trong quá trình phân tích):
+ Thờ ơ, vô cảm với những hiện tượng trái đạo lí, những hiện tượng tiêu cực trong xã hội: Hiện tượng livestream trên mạng xã hội (hiện tượng học sinh cấp 2 tại Hải Dương), bắt gặp hiện tượng trộm cắp thì im lặng, học sinh thấy các hiện tượng tiêu cực như quay cóp, bạo lực học đường thì coi như không biết …
+ Thờ ơ, vô cảm với những nỗi buồn, nỗi đau của chính những người đồng bào: Gặp người tai nạn bị tai nạn giao thông xúm vào bàn bạc, quay phim, chụp ảnh. Bỏ qua những lời kêu gọi giúp đỡ của đồng bào miền Trung bão lũ…
+ Thờ ơ, vô cảm với những vẻ đẹp của thiên nhiên, đất nước: Thờ ơ với những cảnh đẹp quê hương, thiếu ý thức giữ gìn vệ sinh tại các điểm du lịch…
+ Thờ ơ, vô cảm với chính cuộc sống của bản thân mình: Hiện tượng học sinh đi học muộn, không chú ý học tập. Hiện tượng sinh viên thức rất khuya sử dụng smartphone, thể hiện sự thờ ơ với chính sức khỏe của bản thân…
*Nguyên nhân:
– Sự phát triển nhanh chóng của cuộc sống khiến con người phải sống nhanh hơn, không còn thời gian để ý tới những gì xung quanh.
– Sự bùng nổ mạnh mẽ của những thiết bị thông minh dẫn đến sự ra đời của các trang mạng xã hội ⇒ con người ngày càng ít giao tiếp trong đời thực
– Sự chiều chuộng, chăm sóc, bao bọc quá kĩ lưỡng cha mẹ đối với con cái ⇒ coi mình là trung tâm, không để ý đến điều gì khác nữa
– Sự ích kỉ của chính bản thân mỗi người.
*Tác hại:
– Hậu quả vô cùng to lớn: con người mất đi những chỗ dựa mỗi lúc khó khăn, xã hội tràn đầy những điều xấu, điều ác.
– Xa hơn, con người đánh mất đi những giá trị người tốt đẹp của dân tộc, ảnh hưởng, làm lệch lạc những suy nghĩ của thế hệ tương lai.
*Giải pháp:
– Lên án, phê phán những hành vi tiêu cực, thờ ơ vô cảm đối với đời sống xung quanh.
– Hạn chế phụ thuộc vào các thiết bị thông minh, thế giới ảo…
– Rèn luyện lối sống lành mạnh: Yêu thương, quan tâm, giúp đỡ mọi người…
– Tăng cường thực hành, trải nghiệm thực tiễn trong các môn học: Đạo đức, giáo dục công dân để học sinh học cách yêu thương, chia sẻ.
Liên hệ bản thân: Cần lưu ý liên hệ những hành vi, biểu hiện của căn bệnh vô cảm trong chính môi trường học đường để hiểu và tránh.
III. Kết bài
– Khẳng định lại vấn đề
Bài văn tham khảo Nghị luận về hiện tượng vô cảm (đầy đủ)
Cuộc sống là một bức tranh đầy màu sắc, một bức tranh được tạo nên bởi những giá trị tốt đẹp, của sự yêu thương sẻ chia trong cuộc đời. Thế nhưng có vẻ như khi xã hội đang ngày càng phát triển, các phương tiện công nghệ xuất hiện ngày càng nhiều thì khoảng cách của con người lại càng xa và sự vô cảm đã len lỏi đâu đó vào những kẽ hở ấy. Và chính những sự thờ ơ, vô cảm giữa người với người đã phần nào khiến cho bức tranh cuộc sống có những mảng màu xấu xí.
Trước hết, chúng ta cần phải hiểu được bệnh vô cảm là gì? Vô cảm có thể hiểu là việc không có cảm xúc, không có những sự quan tâm đến mọi người hay cuộc sống xung quanh mình như nào. Đôi khi vô cảm cũng chính là sự thờ ơ với bản thân mình. “Bệnh” vô cảm tuy không phải là một căn bệnh y học thế nhưng nó đang có một sự lây lan vô cùng mạnh mẽ, tạo thành một “dịch bệnh” nguy hiểm với cuộc sống hiện đại của chúng ta.
Tại sao xã hội đang phát triển, có rất nhiều cách thức để con người kết nối với nhau mà bệnh vô cảm lại xuất hiện mạnh mẽ, vậy nguyên nhân là do đâu? Có lẽ nguyên nhân lớn nhất tác động trực tiếp tới đó chính là do những áp lực của cuộc sống. Cuộc sống ngày càng hiện đại, giá cả ngày càng tăng cao cũng đồng nghĩa với việc mỗi ngày con người đều phải đối mặt với sức ép của tiền bạc, của cuộc sống. Lâu dần, những áp lực ấy vô hình chung khiến cho con người quên đi mọi thứ xung quanh mà chỉ tập trung vào việc kiếm tiền để lo cho cuộc sống gia đình, lo cho những nhu cầu về vật chất của bản thân. Một nguyên nhân khác dẫn tới sự vô cảm có thể kể tới chính là sự phát triển mạnh mẽ của internet. Giờ đây, con người bị thu hút vào thế giới ảo với vô vàn những điều mới mẻ, những điều thu hút chúng ta hơn rất nhiều so với những gì diễn ra ở cuộc sống thật ngoài kia. Ở trên thế giới ảo ấy, con người được tự do thể hiện ra những gì tốt đẹp nhất của mình, và dần dần những mối tương tác trong thế giới ấy đã thay thế những người bạn, những người thật quanh mình khiến cho con người trở nên xa cách với nhau hơn.
Từ xưa đến nay, dân tộc Việt Nam ta luôn tự hào với một tinh thần dân tộc sâu sắc cùng với truyền thống “lá lành đùm lá rách”. Thế nhưng ở xã hội hiện đại ngày nay dường như truyền thống ấy đang dần bị mai một bởi sự vô cảm. Và điều ấy càng nguy hại hơn khi mà những người trẻ đang ngày càng bị ảnh hưởng bởi điều này. Những người trẻ chính là tương lai của đất nước, là những đối tượng được gửi gắm để tạo nên những điều tốt đẹp cho xã hội. Thế những sự vô cảm xuất hiện ở giới trẻ đã trở nên đáng báo động. Khi đi trên đường, các bạn gặp một vụ đánh nhau hay tai nạn, thay vì việc đến can ngăn, giúp đỡ cho người gặp nạn thì họ đứng xem, đứng quay lại video để đăng lên mạng xã hội câu sự tương tác… Dường như họ chẳng mảy may nghĩ tới việc giúp đỡ cho những người đó bởi họ thấy đó là lo việc bao đồng. Điều này vô tình đã khiến xã hội hiện đại nhưng lại thiếu đi sự văn minh cần có. Bên cạnh những hình ảnh xấu mang đến cho xã hội ấy, sự thờ ơ, vô cảm còn để lại những hậu quả đối với mỗi cá nhân. Những người mang lối sống thờ ơ, vô cảm sẽ luôn sống trong cái vỏ bọc của mình tạo nên, họ không những không quan tâm tới thế giới ngoài kia mà thậm chí còn chẳng quan tâm tới bản thân mình. Họ sống như thể chỉ đang tồn tại, họ buông xuôi và chẳng chịu cố gắng vì một cuộc sống tốt đẹp hơn. Lâu dần, ở trong cái vỏ bọc ấy sẽ khiến cho họ trở nên tách rời khỏi xã hội thực tại, gây ra những căn bệnh như trầm cảm, tự kỷ – một trong những căn bệnh dẫn tới tỉ lệ tự tử lớn. Vậy tại sao chúng ta lại không chia sẻ, giúp đỡ những người xung quanh bởi “sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”. Có lẽ khi mà mỗi người biết sẻ chia, đồng cảm thì yêu thương sẽ được nảy mầm và lan tỏa muôn nơi.
Nói tóm lại, sự vô cảm, thờ ơ chính là thứ giết chết những giá trị tốt đẹp của cuộc sống một cách âm thầm nhưng đầy nguy hiểm. Điều này khiến cho con người ngày càng xa rời nhau và xã hội sẽ trở nên thật xấu xí. Chính vì vậy, mỗi chúng ta hãy tự thay đổi nhận thức của mình, cùng chung tay đẩy lùi sự vô cảm trong cuộc sống để bảo vệ cuộc sống của mình cũng như giữ gìn những điều tốt đẹp trong xã hội ngày nay.
Bài văn tham khảo Nghị luận về hiện tượng vô cảm (ngắn gọn)
Vô cảm là một trong những căn bệnh “ung thư tâm hồn” của một bộ phận người trong xã hội. Vậy vô cảm là gì? Vô cảm là thái độ sống thờ ơ, dửng dưng, không cảm xúc với tất cả sự việc và con người xung quanh. Vô cảm hiện nay không chỉ dừng lại ở thái độ sống mà cao hơn, nó đã trở thành lối sống tiêu cực của một bộ phận người. Biểu hiện rõ nhất của người có lối sống vô cảm đó là hành động ích kỉ, không quan tâm đến mọi người xung quanh, thờ ơ trước mọi nỗi đau của xã hội, thậm chí thờ ơ với chính người thân và bản thân của mình. Một cô gái bị bạn trai đánh đập giữa đường nhưng hành động của những người xung quanh lại chỉ dừng lại ở việc mở điện thoại ra quay phim, chụp ảnh rồi up lên các trang mạng xã hội cùng lời “bàn tán vô ích”.
Đáng trách hơn là những người chủ động chọn cho mình lối sống vô cảm, tự cô lập bản thân, tách biệt mình khỏi xã hội với những suy nghĩ tiêu cực, ích kỉ. Vậy thì nguyên nhân từ đâu mà họ lại chọn cho mình lối sống vô cảm? Có thể xét đến chính ý thức, lí tưởng sống lệch lạc, tiêu cực cùng những tham vọng ích kỉ của họ, nhưng cũng cần suy nghĩ đến sự tác động của xã hội, của đám đông vào tâm lí của họ, sự thiếu quan tâm của gia đình, người thân khiến cho họ trở nên trơ lì về cảm xúc.
Song, dù có vì bất kì nguyên do gì thì thái độ sống, lối sống vô cảm vẫn là mối lo ngại của xã hội khi nó không chỉ làm tha hóa, mai một về nhân cách con người mà còn ảnh hưởng đến xã hội, đến sự đoàn kết của tập thể.