Site icon Lớp Văn Cô Thu

Nghị luận xã hội bàn về “Ý nghĩa của lời khen đối với con người”

Nghị luận xã hội bàn về "Ý nghĩa của lời khen đối với con người"

Nghị luận xã hội bàn về "Ý nghĩa của lời khen đối với con người"

I – Mở bài

– Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: vai trò của lời khen trong cuộc sống.

II – Thân bài

a) Giải thích

– Lời khen: là lời ghi nhận, động viên, khích lệ tinh thần của người khác khi họ làm được điều gì đó tốt đẹp.

b) Phân tích ý nghĩa của lời khen trong cuộc sống

– Lời khen có tác dụng tiếp thêm sự tự tin, tự hào cho người khác, để họ biết họ đang đi đúng hướng và nên duy trì, tiếp tục.

– Tăng sự hưng phấn, tiếp thêm động lực để người khác tiếp tục cố gắng và gặt hái nhiều thành công hơn nữa.

– Lời khen chứng tỏ việc làm của họ được quan tâm, được theo dõi. Họ sẽ cảm thấy hạnh phúc, thấy mình không đơn độc và muốn cố gắng nhiều hơn.

– Nếu sự nỗ lực và thành quả không được ghi nhận và ghi nhận kịp thời, có thể làm người ta buồn tủi, nản chí, cảm thấy sự cố gắng của mình không có giá trị hoặc trở nên tự ti và dễ buông xuôi.

=>Khuyến khích những lời động viên, khen ngợi kịp thời, đúng lúc, đúng người, đúng sự việc.

c) Dẫn chứng

Tôi từng nghe một câu chuyện kể về một vị tướng tài ba, có khả năng lãnh đạo và chiến đấu xuất sắc. Ông thường chỉ huy các trận đánh và đều giành chiến thắng. Vì vậy, ông được tôn vinh là quốc vương của một vùng đất rộng lớn. Mặc dù ông được tung hô và khen ngợi, nhưng hiếm khi người ta khen ngợi ông thực sự. Thay vào đó, các quan lại và thần tướng xung quanh ông đều cố gắng bợ đỡ và khen ngợi ông để được nhận phần thưởng. Họ nịnh bợ ông và tỏ ra trung thành, mặc dù ông biết rằng họ đang nịnh bợ ông. Tuy nhiên, ông lại rất thích và tin tưởng vào những lời khen đó. Một ngày nọ, đất nước xảy ra biến cố và ông kêu gọi các thần tướng hợp sức để giải quyết tình hình nhưng tất cả đều từ chối và rời bỏ ông. Lúc ông nhận ra rằng mình đã mù quáng tin tưởng vào những lời nịnh bợ đó, đất nước đã trở thành tay kẻ khác.

d) Phản đề

– Lời khen không được giả tạo, nếu không sẽ gây ra chứng “ảo tưởng”cho người được khen. Điều đó, khiến họ không tiến bộ được, thậm chí còn chủ quan, tự mãn dễ vấp ngã, thất bại.

– Lời khen không chỉ dành cho người thành công mà còn cần cho những người dù chưa thành công nhưng đã có sự cố gắng và tiến bộ hơn chính họ của ngày hôm qua.

– Bên cạnh lời khen, cuộc sống vẫn rất cần những lời góp ý chân thành, mang tính chất xây dựng để giúp mỗi người khắc phục điểm yếu, hoàn thiện mình hơn.

e) Bài học nhận thức và hành động

– Con người có tính cách thích được khen và do đó không nên kiếm chế lời khen, tuy nhiên cũng không nên lạm dụng chúng.

– Để sử dụng lời khen một cách hiệu quả, chúng ta nên học cách khen một cách chân thành và thông minh, và xem lời khen như một món quà quý giá trong cuộc sống.

– Tuy nhiên, chúng ta cũng nên tỉnh táo và cảnh giác khi nhận lời khen, để tránh hiểu nhầm hoặc bị ảo tưởng về bản thân.

III – Kết bài

– Bài học: Đừng tiết kiệm lời khen nhưng cũng đừng lạm dụng và nói những lời khen sáo rỗng; người nghe cần biết phân biệt đâu là lời khen thật, đâu là những lời sáo rỗng

– Liên hệ bản thân.

Bài văn tham khảo 1

“Không gì có thể thay thế tốt cho một vài lời khen khéo léo, đúng lúc và chân thành”. Câu nói của Sam Walton đã phần nào khẳng định vai trò của lời khen trong cuộc sống chúng ta. Lời khen là món quà tinh thần giàu ý nghĩa. Lời khen là những lời công nhận, tán thưởng, thể hiện sự đánh giá tốt về một người, sự vật hay hành động.Và một lời khen đến đúng lúc, đúng chỗ thì sẽ tạo ra những tác động tích cực.Lời khen là lời động viên, truyền cảm hứng cho người được khen, làm người được khen tự hào về những cố gắng của mình. Lời khen chân thành giúp cho người được khen có động lực để cống hiến, tin tưởng vào khả năng của mình. Lời khen chính là liều thuốc tinh thần khiến con người hào hứng, vui vẻ hơn.Khen ngợi không chỉ là nghệ thuật giao tiếp mà còn đem lại niềm vui cho người khác và làm cho cuộc sống trở nên hạnh phúc hơn. Khi biết khen ngợi người khác đúng lúc, chính là ta đã thể hiện sự chân thành, sẻ chia và hiểu biết của mình, góp phần tạo nên các mối quan hệ xã hội tốt đẹp hơn. Lời khen như tia nắng mặt trời, nó mang lại nang lượng và cảm giác ấm áp. Vậy mà nhiều người trong chúng ta rất kiệm lời khen, thậm chí không bao giờ khen người khác. Họ rất ngần ngại tặng người khác những lời nói chân tình. Nhận thức được ý nghĩa của lời khen, em luôn có ý thức khen ngợi đúng lúc và đúng cách. Đừng bao giờ sợ sự dịu dàng, đừng tiếc lời khen tặng nếu điều đó là xứng đáng. Trao đi một lời khen chân thành chính là bạn trao đi niềm tin, trao đi tình cảm yêu thương chia sẻ, sự khích lệ động viên cho người khác để làm cuộc sống tươi đẹp hơn.

Bài văn tham khảo 2

Nếu những thành công của con người không có những lời khen, những lời động viên từ người khác thì sẽ trở nên vô cùng buồn tẻ, hụt hẫng. Chính vì thế, chúng ta có thể khẳng định lời khen có vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc sống con người. Lời khen là những lời nói tốt đẹp nhằm mục đích động viên, khích lệ con người khi người đó làm được việc tốt hoặc tạo được thành quả cho bản thân, gia đình, xã hội… để khiến cho con người có động lực làm nhiều việc có ý nghĩa hơn nữa. Lời khen phải là những lời khen chân thành, không nhằm vụ lợi cho bản thân mà tâng bốc đối tượng một cách quá đáng. Mục đích của lời khen ấy chỉ là xuất phát từ việc bày tỏ sự ngưỡng mộ, hay khích lệ người được khen. Khi chúng ta tạo được thành tích, giá trị, lợi ích cho tổ chức hay xã hội, những lời động viên, tuyên dương không chỉ giúp thông điệp tốt đẹp đó được lan tỏa mạnh mẽ hơn mà bản thân ta cũng nhận thức được điều mình làm là hoàn toàn đúng đắn. Ngoài giá trị thúc đẩy con người, lời khen còn gắn kết con người lại gần nhau hơn. Cùng nhau chia sẻ niềm vui, khen ngợi, chúc mừng những người thân yêu xung quanh khi họ đạt được một giá trị tốt đẹp góp phần làm cho mối quan hệ thêm thân thiết, khăng khít hơn. Tuy nhiên, vẫn còn có nhiều người sử dụng lời khen với mục đích xấu như xu nịnh, tâng bốc người khác nhằm mục đích tư lợi cá nhân, lấy lòng,… lại có những người sống phụ thuộc vào lời khen, nếu không được khen sẽ không làm việc đến nơi đến chốn,… những người này đều đáng bị chỉ trích và cần phải thay đổi bản thân mình nếu muốn tránh khỏi những trường hợp tiêu cực trên. Học sinh chúng ta cũng cần rèn luyện cho bản thân mình, nói lời khen đúng lúc đúng chỗ để thúc đẩy người khác cũng như chê trách, góp ý cho người khác thẳng thắn và đúng đắn để cùng nhau tiến bộ hơn. Hãy giữ cho lơi khen đúng ý nghĩa đẹp đẽ của nó và gắn kết con người với nhau để xã hội phát triển tích cực, tốt đẹp hơn.

Exit mobile version