Đất nước của chúng ta có được như ngày hôm nay đều là nhờ vào sự hy sinh âm thầm, lặng lẽ của mỗi thế hệ người tiếp sức. Trong bất kỳ thời đại nào thì sự hy sinh cũng đáng được trân trọng và phát huy bởi nó đem lại những điều tuyệt vời cho cuộc đời, cho đất nước. Câu nói : “Đức khiêm nhường đến từ tri thức; sức mạnh đến từ sự hy sinh.” của nhà văn, nhà thơ, nhà báo người Anh Rudyard Kipling như giúp ta hiểu sâu hơn về đức hi sinh cao quý.
Hy sinh là một cách sống đẹp, vậy nên ta cần hiểu hơn về lối sống hy sinh đích thực. Đức hi sinh là sẵn sàng xả thân vì người khác một cách tự nguyện, không vụ lợi, toan tính, sẵn sàng san sẻ đời sống vật chất, tinh thần của mình cho người khác khi họ gặp khó khăn, bất hạnh, đặt quyền lợi của người khác lên trên quyền lợi của mình. Sống hy sinh cũng là những cống hiến của bản thân, những sự đóng góp công sức cho cộng đồng, nguyện đem hết tất cả các tài năng, trí tuệ, sức lực, năng lượng để đóng góp hết sức cho lợi ích chung để phục vụ, cống hiến cho cái lớn hơn.
Lối sống hi sinh được thể hiện ra rất phong phú theo từng hoàn cảnh, thời điểm. Gần gũi nhất là sự hi sinh của cha mẹ cho con cái, cha mẹ thức khuya, dậy sớm, chịu vất vả, gian khổ để lo cho con. Trong chiến tranh, đức hi sinh là sẵn sàng xả thân vì đất nước, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng. Trong thời bình, đức hi sinh là sẵn sàng đấu tranh với cái xấu, cái tiêu cực, dũng cảm cứu người khi họ gặp nguy hiểm. Đức hi sinh là một đức tính tốt đẹp, quý báu của dân tộc ta. Phẩm chất tuyệt vời này làm cho con người cao thượng, thánh thiện và vĩ đại hơn, khơi dậy những nghĩa cử cao đẹp, đánh thức những lòng yêu thương chân thành trong mỗi con người. Ngoài ra, nó cũng giúp cho xã hội trở nên tốt đẹp hơn, người với người sống chan hoà nhân ái và biết yêu thương nhau hơn.
Khi đất nước chìm trong khói lửa chiến tranh, dân tộc ta đã có một thế hệ thanh niên vô cùng dũng cảm, cống hiến, hy sinh hết mình cho đất nước. Các cô gái thanh niên xung phong, các chú bộ đội hăng hái, xung phong vào trận mạc, không ngại đối mặt với khó ngăn, hy sinh thân mình để quyết bảo vệ chủ quyền độc lập của đất nước. Họ là những đồng chí của nhau chiến đấu đến cùng trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Họ là những người lính trong cuộc kháng chiến chống Mỹ lái chiếc xe “không kính” trên tuyến Trường Sơn để tiếp viện cho “miền Nam phía trước”. Họ là những thanh niên xung phong không ngại gian khổ xung phong đi quan sát địch ném bom, đo khối lượng đất đá phải san lấp do bom địch gây ra, đánh dấu vị trí các trái bom chưa nổ và phá bom. Chính tinh thần hy sinh nhiệt thành đã tạo nên thành công của đất nước ngày nay, vẽ nên một trang lịch sử vô cung vẻ vang của dân tộc..
Cho đến hôm nay, khi tiếng bom khói súng không còn nữa thì tinh thần ấy lại được thể hiện hết mình trong công cuộc dựng xây, phát triển đất nước giàu đẹp, văn minh. Dịch bệnh COVID 19 bùng phát chính là phép thử lí tưởng cho tinh thần hy sinh quên mình, hết lòng vì nhiệm vụ chung của tất cả những “chiến sĩ thời bình”. Những nhà khoa học đang ngày đêm tìm ra phương thuốc chữa trị Covid, điều chế ra rất nhiều loại vắc xin ngăn ngừa sự lây lan. Các vị bác sĩ, y tá hằng ngay đều làm việc không ngừng nghỉ, thậm chí xuyên đêm để chữa bệnh cho biết bao người. Những cá nhân không quan tâm đến lợi ích của riêng mình mà ngày đêm miệt mài nghiên cứu, sáng chế ra những giải pháp hỗ trợ người dân trong dịch bệnh như anh Hoàng Tuấn Anh, cha đẻ của ATM gạo và khẩu trang, đã làm giảm đi một phần khó khăn cho đất nước,… Đó đều là những gương sáng tuyệt vời về đức hy sinh, họ chính là những nhành hoa đẹp điểm tô cho đời thêm sắc, thêm hương.
Đức hi sinh cao đẹp là vậy nhưng cũng thật đáng tiếc khi bên cạnh những con người vô danh hy sinh, cống hiến bằng tất cả nhiệt huyết của mình cho người khác, cho cộng đồng thì trong xã hội ngày nay vẫn còn có vô số người sống ích kỉ, nhỏ nhen hẹp hòi chỉ biết lo cho bản thân mà không quan tâm, giúp đỡ người khác, thờ ơ trước mất mát, đau khổ của người khác. Họ tham lam, chỉ muốn hưởng thụ, luôn muốn nhận nhưng không bao giờ cho đi. Đây là lối sống sai lệch và cần được lên án, phê phán một cách nghiêm trọng.
Tuy nhiên cũng cần phân biệt sự hi sinh đúng đắn và sự hi sinh mù quáng. Có những người cha, người mẹ quá nuông chiều con cái mà tạo cơ hội cho cái xấu, cái ác. Đó là sự hi sinh sai lầm không đáng để học tập. Hi sinh là quý nhưng hi sinh cũng cần dẫn dắt bởi một trái tim tỉnh táo để tránh mù quáng, gây ra những hậu quả không đáng có.
Đức hi sinh là đức tính cao đẹp của con người. Vậy nên, mỗi chúng ta cần ý thức được ý nghĩa của đức hi sinh để từ đó rèn luyện đức hi sinh góp phần xây dựng một xã hội tốt đẹp. Là một người học sinh, chúng ta có thể rèn luyện đức hi sinh từ những việc làm nhỏ như nhường nhịn em bé, giúp đỡ cha mẹ, ông bà những việc nhỏ hàng ngày, luôn nghĩ đến niềm vui và hạnh phúc của những người xung quanh. Đối với một học sinh cuối cấp thì việc làm thiết thực nhất lúc này đó chính là cố gắng học tập thật tốt và thi đỗ kỳ thi sắp tới để không phụ lòng, sự hy sinh của cha mẹ, thầy cô và nhà trường.
Đất nước là của tất cả mọi người. Vì vậy, mỗi người hãy bằng những đóng góp nhỏ bé của mình xây dựng và bảo vệ đất nước, đưa đất nước đi lên, khẳng định vị thế nước nhà trên trường quốc tế. Mỗi người hãy là một đóa hoa nhỏ trong vườn hoa ngập tràn hương sắc, hòa cái tôi nhỏ bé của mình vào cái ta rộng lớn của cuộc đời chung. Có như vậy thì sự có mặt của ta trên thế gian này mới thực sự lớn lao ý nghĩa.