Đề: Viết bài văn nghị luận để trình bày suy nghĩ của bản thân về ý kiến: “Cuộc sống không phải để sợ, mà là để hiểu. Đây chính là lúc chúng ta cần phải tìm hiểu nhiều hơn về cuộc sống để làm vơi bớt mọi nỗi sợ hãi.” (Marie Curie)
I – Mở bài
– Dẫn dắt và nêu vấn đề cần bàn luận
II – Thân bài
a. Giải thích vấn đề nghị luận:
– “Cuộc sống không phải để sợ mà là để hiểu”: cuộc sống của chúng ta luôn chứa đựng những điều bí mật, những bất ngờ, bất ổn khiến con người nhiều khi không thể lí giải được, không đối phó và cũng không chống đỡ được. Những lí do đó dẫn đến thái độ sợ hãi của rất nhiều người.
– Nhưng “cuộc sống .. là để hiểu”: Chúng ta cần phải có những hiểu biết, những cách lí giải về sự bí ẩn, phức tạp của cuộc sống.
→ ý nghĩa cả câu nói: Cuộc sống vốn vô cùng phong phú và phức tạp; nó có thể khiến cho con người sợ hãi và lo lắng. Vì vậy mà mỗi con người chúng ta cần phải “tìm hiểu nhiều hơn về cuộc sống” để có khả năng“chung sống”, chủ động trước những tình huống, biến cố xảy ra và làm chủ cuộc sống của mình.
b. Giải quyết vấn đề nghị luận
Ý kiến của nhà bác học Marie Cuire đúng đắn, sâu sắc, bởi vì:
– Thực tế cuộc sống luôn luôn có những bí ẩn, bất ngờ, biến động phức tạp, nhất là trong giai đoạn hiện nay (thiên tai, biến động kinh tế, tranh chấp, xung đột vũ trang, những nguy cơ mất an toàn về an ninh…) khiến mọi người luôn sống trong tâm lí lo sợ.
– Để đối diện với thực tế đó, cách tốt nhất theo Marie Cuire là phải hiểu và hiểu nhiều hơn với cuộc sống. Đó là giải pháp đúng đắn vì chỉ khi hiểu, ta mới có tâm lí bình tĩnh, chủ động để có thể lí giải, xử lí, giải quyết hay thuận theo nó, có cách chống lại nó … một cách có hiệu quả được.
– Mục đích của cuộc sống không chỉ dừng lại ở việc làm vơi bớt nỗi sợ hãi mà còn làm chủ và cải thiện cho cuộc sống tốt đẹp hơn.
– Mục tiêu giáo dục của tổ chức Unesco cũng là “học để biết, học để làm, học để chung sống và học để khẳng định mình”. Vì vậy, để hiểu nhiều hơn về cuộc sống, cần phải không ngừng học hỏi, tìm hiểu cuộc sống ở mọi phương diện, bằng một thái độ sống bình tĩnh, tích cực.
(Trong quá trình bình luận, các em phải lấy dẫn chứng để chứng minh)
c. Bàn luận:
– Nếu không nỗ lực tìm hiểu, khám phá quy luật của cuộc sống thì chúng ta sẽ chẳng bao giờ làm chủ được cuộc đời của mình, luôn lo sợ và ở trong thế bị động trước những biến đổi khôn lường của nó. Như vậy nhìn ở mặt tích cực thì những bí ẩn, những bất trắc của cuộc sống luôn khiến con người sợ hãi nhưng chính nó lại là phép thử để con người vươn lên và vượt qua chính mình, thấu hiểu lẽ đời và quy luật của cuộc sống.
– Tuy nhiên để vượt qua nỗi sợ hãi để làm chủ hoàn cảnh, làm chủ cuộc sống của mình không phải là điều dễ dàng bởi năng lực của con người không phải là vô hạn mà có những giới hạn nhất định hoặc còn tiềm ẩn; con người cần dấn thân, trải nghiệm qua những nghịch cảnh, những tình huống khác nhau thì mới khám phá, bộc lộ, bản thân, hiểu mình và hiểu rõ những gì mình đang muốn vươn tới; càng muốn đạt được những cái quý giá con người càng phải nỗ lực gấp bội.
=> Như vậy, để làm chủ cuộc sống, để không sợ mà thấu hiểu nó thì con người phải chấp nhận những bất trắc, những biến động khôn lường của nó. Qua đó, con người mới có thể hiểu rõ mình, hiểu rõ sức chịu đựng cũng như được rèn luyện, hoàn thiện thêm bản thân.
d. Bài học nhận thức:
– Câu nói khuyến khích, nhắc nhở con người cần có thái độ dấn thân nhập cuộc, rèn luyện cho mình bản lĩnh dám đối mặt với khó khăn thử thách, đặc biệt là khi còn trẻ.
– Câu nói khuyên ta phải biết chủ động, luôn luôn khám phá, tìm hiểu cuộc sống để tự xây dựng cho mình một cuộc sống tốt đẹp.
– Nỗi sợ hãi cũng có thể được vơi đi nhờ việc xây dựng những mối quan hệ, giúp đỡ mọi người để cùng có cuộc sống tốt đẹp.
– Bản thân cần có những định hướng rõ ràng và sự chuẩn bị tốt về mặt kiến thức và tâm lí cho mọi tình huống trong cuộc sống.
Trong cuộc sống con người cần hình dung, hiểu rõ mục tiêu cũng như cái mình muốn trước khi định làm việc, có như vậy mới mang tâm thế chủ động, sẵn sàng hoặc ít nhiều có sự chuẩn bị tốt hơn.
III – Kết bài
– Khẳng định lại vấn đề
Bài văn tham khảo 1
Cuộc sống là một hành trình đầy khó khăn và thử thách, đôi khi nó khiến bạn sợ hãi, rơi vào bóng tối của tuyệt vọng, hoảng loạn. Tuy nhiên, thế giới của chúng ta là một bức tranh muôn màu muôn vẻ, có biết bao điều để tìm hiểu, khám phá mỗi ngày như câu nói của nhà bác học Marie Curie: “Cuộc sống không phải để sợ, mà là để hiểu”. Có lẽ bất kì ai trong chúng ta cũng đều có những nỗi sợ hãi. Nỗi sợ là cảm xúc, phản ứng tự nhiên của con người trước những mối nguy hiểm, đó có thể là sự hoảng loạn, sự chần chừ, sự e ngại… Trong hành trình cuộc sống, nỗi sợ là điều luôn thường trực bên trong mỗi chúng ta, nhưng chính ta cần thắp lên ngọn lửa niềm tin, dũng cảm để vượt qua nỗi sợ, để tìm hiểu về bản chất, nhận thức đúng về giá trị đích thực của cuộc sống. Nhà thơ Kahlil Gibran cũng từng viết rằng:
“Người ta kể nhau nghe
Trước khi hòa vào biển
Dòng sông run rẩy sợ”.
Con người cũng như dòng sông vậy, có những lúc ta cảm thấy sợ hãi trước những khó khăn, gian khổ trên đường đời chông gai. Ngay cả khi hiện thực của bạn đã nhuộm một màu đen, thì hãy luôn nhớ rằng cuộc sống chính là mảnh đất màu mỡ để mỗi ngày chúng ta khám phá và tìm hiểu. Sự thiếu hiểu biết khiến bạn sợ thay đổi, sợ những điều mình chưa biết, sợ những điều mới và những điều khác biệt. Tìm hiểu nhiều hơn về cuộc sống giúp bạn thu thập được nhiều thông tin, nâng cao khả năng, trình độ, sự tự tin, sự dũng cảm để xử lý với bất cứ điều gì xảy ra trong cuộc sống. Ấy vậy mà, trong cuộc sống vẫn còn tồn tại những người luôn sống trong sợ hãi, trốn tránh, thu mình, không có bản lĩnh, không dám đối mặt với cuộc sống. Với tôi, tìm hiểu về cuộc sống, khám phá và trải nghiệm giúp ta thấu hiểu được bản thân mình hơn. Mạnh mẽ bước qua nỗi sợ hãi và hiểu về cuộc sống xung quanh, đặc biệt chính là bước ra khỏi vùng an toàn và phát triển bản thân. Khi ấy, bạn sẽ thấy mình dũng cảm đến nhường nào!
Bài văn tham khảo 2
Cá mập là một loài sinh vật có sức sống mạnh mẽ. Thế nhưng, nếu như sống trong môi trường nuôi nhốt chiều dài tối đa mà cá mập có thể đạt được chỉ là 1m. Nhưng nếu được sống trong môi trường hoang dã thì chiều dài mà nó đạt được có thể lên tới 10m. Giống như nhà vật lý nổi tiếng Marie Curie đã từng nói: “Cuộc sống không phải để sợ, mà là để hiểu. Đây chính là lúc chúng ta cần phải tìm hiểu nhiều hơn về cuộc sống để làm vơi bớt mọi nỗi sợ hãi”. Bởi vậy, chúng ta phải biết cách sử dụng giới hạn của bản thân làm sao cho thật hợp lí. Vậy thì giới hạn của mỗi người là gì? Giới hạn là ngưỡng cao nhất của mỗi người mà ta có thể cảm nhận hoặc tự đặt ra cho mình. Giới hạn là điều mà con người cũng không được phép vi phạm, cũng không thể bước qua. Chính giới hạn là điều giúp con người ta giữ vững được bản thân mình, qua đó dễ dàng chinh phục được thành công. Giới hạn có vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc sống của mỗi người chúng ta. Có giới hạn sẽ giúp con người nhận biết được bản thân mình đang ở đâu và làm được những gì, đồng thời cũng như là lời cảnh tỉnh người khác không được vượt qua những quy tắc mà bản thân mình đã tự đặt ra cho mình. Việc đặt ra giới hạn tuy sẽ làm cho những mối quan hệ bị hạn chế, đôi khi sẽ làm mất lòng người khác, thế nhưng sẽ làm cho bản thân ta cảm thấy thoải mái hơn. Việc đó cũng giúp chúng ta có được nhiều thời gian để học tập cũng như là để phát triển bản thân. Thế nhưng, nếu như ta quá phụ thuộc vào giới hạn, hay quá khuôn mẫu thì thật khó để có thể dẫn đến thành công. Bởi vì, khi đã đặt ra giới hạn đôi khi chúng ta không thể biết được khả năng thật sự của mình mạnh mẽ tới đâu, từ đó chúng ta lại vô tình làm bản thân bị giới hạn trong một khoảng nhất định, không bật lên được khỏi những điều mà ta vô tình giới hạn bản thân mình. Giống như nhà phát minh Thomas Edison khi ông phát minh ra một trong những phát minh vĩ đại nhất thế giới. Không ngần ngại vượt qua những lời bàn tán xung quanh, ông vẫn luôn nỗ lực hết mình, thậm chí vượt qua những giới hạn đã được biết tới để phát minh ra được bóng đèn dây tóc. Biết giới hạn bản thân không sa ngã, không làm những điều xấu là tốt thế nhưng đôi lúc, chúng ta cũng phải vượt qua giới hạn an toàn của mình để biết rằng bản thân mình là ai. Trong cuộc sống vẫn còn có nhiều người sống trong vòng an toàn, không chịu nỗ lực vươn lên để bứt phá, tạo ra giá trị tốt đẹp cho bản thân, cho xã hội. Thậm chí, có những người lại sống thụ động, sợ phải đối mặt với khó khăn, thử thách, hay đơn giản là họ sợ bản thân phải hứng chịu những lời nhận xét của người khác. Hay đáng lên án hơn, là những người xâm phạm tới những giới hạn đạo đức, gây ra những sự việc nghiêm trọng cho cộng đồng, cho xã hội. Mỗi người chúng ta hãy hiểu đúng về giá trị, ý nghĩa của “giới hạn”, biết đặt ra giới hạn cho bản thân đúng lúc, đúng chỗ, biết bứt phá khỏi giới hạn đúng trường hợp để có được một cuộc sống tốt đẹp, thành công, bền vững hơn.