I – Mở bài:
Giới thiệu và dẫn dắt vào vấn đề cần nghị luận: Sức mạnh của sự lương thiện.
Lưu ý: các em tự lựa chọn cách dẫn mở bài trực tiếp hoặc gián tiếp tùy thuộc vào năng lực của bản thân mình.
II – Thân bài:
Giải thích
Lương thiện được hiểu là không làm điều gì trái pháp luật và đạo đức. Lương thiện là không tham lam, ích kỉ; là biết giữ mình, biết kìm nén dục vọng. Như vậy, lương thiện là một phẩm chất, một phạm trù thuộc về đạo đức mà con người cần phải tự rèn luyện, phải giữ gìn suốt cả cuộc đời.
Phân tích các biểu hiện sống lương thiện
Người lương thiện là những người có tấm lòng thật thà, bao dung với mọi người. Lương thiện làm cho con người biết đồng cảm, yêu thương, giúp đỡ những người xung quanh, quan tâm, chia sẻ, chăm sóc những số phận bất hạnh hơn mình…
Ý nghĩa và sức mạnh của lương thiện
Các em tự lấy dẫn chứng về tác dụng, ý nghĩa của những việc làm lương thiện để minh họa cho bài làm văn của mình.
– Sống lương thiện giúp ta được sống an nhiên và hạnh phúc, thanh thản cho tâm hồn.
– Lương thiện có thể giúp ta thay đổi số mệnh, đem đến cho con người may mắn, phúc đức (Nêu dẫn chứng về câu chuyện Hạnh phúc lan tỏa – sự giúp đỡ của những người xa lạ với nhau cuối cùng lại đem lại hạnh phúc cho chính người khởi đầu).
– Tấm lòng lương thiện của mỗi người còn có sức mạnh lan tỏa, cảm hóa, thay đổi người khác theo chiều hướng tích cực. (Nêu dẫn chứng: Những người khốn khổ của V. Huy gô – khi Giăng Van Giăng được vị linh mục cảm hóa, từ một tên tù vượt ngục thành một ông thị trưởng hết lòng giúp đỡ người nghèo). Chỉ có tấm lòng lương thiện mới có thể thay đổi cuộc sống, thay đổi tương lai hay số phận của con người. Xã hội nhân văn, tốt đẹp hơn vì có những người sống lương thiện.
Phản đề
– Tuy nhiên, trong cuộc sống, không phải ai cũng nhận thấy sức mạnh từ sự lương thiện. Nhiều người quan niệm sống lương thiện làm cho bản thân bị thiệt thòi, thua thiệt so với người khác. Họ cổ vũ cho lối sống lạnh lùng, ích kỉ để bản thân trở nên mạnh mẽ. Họ coi lương thiện là vẻ ngoài phù phiếm, hời hợt. Trong khi đó, về bản chất, lương thiện chân chính lại xuất phát từ nội tâm, từ sâu xa trong lòng mỗi người; là sự bao dung, sự tử tế, chính trực… khi đối đãi với người khác.
– Thậm chí nhiều kẻ còn đánh mất đi sự lương thiện của bản thân, gây hậu quả nghiêm trọng đến người khác. Những kẻ đó càng đáng lên án, phê phán và phải bị trừng trị thích đáng.
III – Kết bài
Khái quát lại vấn đề nghị luận: sức mạnh của sự lương thiện, liên hệ bản thân.
Bài văn tham khảo
Sự lương thiện là nói về những cái thiện và là một đức tính tốt lành. Lương thiện còn là một kỹ năng sống cần thiết trong quá trình học làm người để trở thành một công dân tốt, được hiểu với nghĩa không làm điều gì trái với đạo đức và pháp luật. Người sống có đức tính lương thiện luôn được mọi người xung quanh yêu mến và kính trọng, thậm chí đức tính tốt ấy còn khiến cho con người họ trở nên sáng sủa và tràn đầy sức sống. Trong cuộc sống hằng ngày xung quanh ta, chỉ cần những quan tâm bình thường, những hành động nhỏ nhặt như là đồng cảm, giúp đỡ cho hoàn cảnh khó khăn của người khác cũng làm cho cuộc sống của chúng ta thêm phần ý nghĩa hơn. Sống chan hòa với mọi người, đối xử tốt với mọi người xung quanh cũng là đang đối xử tốt với chính bản thân chúng ta. Khi ai đó chẳng may lâm vào nghịch cảnh, sai trái, nếu chúng ta đối đãi, giao tiếp và chia sẻ với họ bằng sự lương thiện của mình, thì chắc chắn họ sẽ thay đổi theo hướng thiện.
Một tấm lòng lương thiện mang một sức mạnh to lớn, có thể cảm hóa được biết bao nhiêu con người đang bị vùi sâu vào bóng tối của tâm hồn, làm thay đổi con người của họ dần tốt lên theo chiều hướng tích cực. Khi ta sống lương thiện, tức khắc những đều may mắn hay những điều kì diệu bất ngờ sẽ đến với ta, còn có thể giúp ta thay đổi số mệnh. Một xã hội nhân văn cần có những người có đức tính lương thiện thì mới trở nên tốt đẹp.