Đề: Đọc truyện ngắn:
Cuốc xe ôm và ổ bánh mì
Chạy thận xong, mệt quá, nhìn thấy anh xe ôm đầu tiên ở cổng viện nó bèn gọi ngay. Lúc xuống xe nó móc ví ra trả tiền nhưng anh xe ôm nhất định không lấy, bảo rằng nó bị bệnh trọng nên anh giúp. Nói rồi anh phóng xe đi. Nó quyết định sẽ nhớ mặt anh để không bao giờ gọi nữa.
Hôm sau nghe dân quanh bệnh viện nói anh xe ôm đó từng nghiện ma túy, đi tù mấy lần, chạy xe ế lắm, chỉ người lạ không biết mới gọi thuê anh, nó đổi ý, tìm anh đề nghị anh chở nó cả năm. “Đồng ý, nhưng mỗi cuốc anh lấy công bằng một ổ bánh mì thôi, hơn anh không chở”. Không thể thuyết phục nổi anh, nó ứa nước mắt lật đật trèo lên xe.
Nguồn: http//tuoitre.vn – Chùm truyện cực ngắn của NGUYỄN BÍCH LAN
Anh/Chị hãy viết một bài văn nghị luận (khoảng 500 chữ) trình bày cảm nhận về sức hấp dẫn của truyện ngắn trên.
I – Mở bài
Giới thiệu về truyện ngắn và vấn đề nghị luận
II – Thân bài
– Sức hấp dẫn từ vẻ đẹp của tình người toát ra từ nội dung truyện:
+ “Nó” bệnh tật, mệt mỏi, bất ngờ được anh xe ôm giúp. Mặc dù bệnh trọng nhưng “nó” không muốn người khác chịu thiệt vì mình.
+ Anh xe ôm (vốn hoàn cảnh éo le) sẵn sàng, tự nguyện giúp đỡ người anh thấy khổ cực hơn mình, và nhất định không nhận sự đền đáp.
Truyện có sức lay động người đọc ở vẻ đẹp của tình người, khơi dậy sự thấu hiểu, cảm thông với những mảnh đời cơ cực quanh ta.
– Sức hấp dẫn từ nghệ thuật: Câu chuyện giản dị, đời thường được kể với giọng văn nhẹ nhàng, ngôn từ hàm súc. Tình huống truyện bất ngờ, sâu sắc, giàu ý nghĩa.
III – Kết bài
Khái quát sức hấp dẫn của tác phẩm
Bài văn tham khảo
Truyện ngắn “Cuốc xe ôm và ổ bánh mì” của tác giả Nguyễn Bích Lan là một câu chuyện đầy cảm động và ý nghĩa về sự giúp đỡ và tình người. Truyện được viết dưới dạng câu chuyện ngắn, không quá dài nhưng lại vô cùng sâu sắc, lôi cuốn người đọc bởi cách xây dựng nhân vật và tình huống đầy tình cảm.
Tác giả đã khéo léo xây dựng hai nhân vật chính trong truyện là góc nhìn của nhân vật “nó” và anh xe ôm. Nó là một người đang bị bệnh và phải đến viện để điều trị, chạy thận mỗi tuần. Trong lúc vô tình ra về gọi xe thì gặp phải anh xe ôm, khi muốn trả tiền thì anh không chịu nhận tiền. Đặc biệt, việc anh từ chối tiền công và chỉ yêu cầu được nhận một ổ bánh mì thể hiện sự tinh tế và đơn giản trong việc giúp đỡ người khác. Đây cũng là thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm đến độc giả về sự chia sẻ và tình người.
Tác giả cũng đã tạo ra tình huống đầy kịch tính khi nhân vật chính “nó” tìm hiểu về quá khứ của anh xe ôm và lại đổi ý là tiếp tục nhờ vả anh. Tuy nhiên, việc anh xe ôm đồng ý chở cả năm nhưng chỉ yêu cầu một ổ bánh mì thể hiện sự cao quý, đạo đức và lòng tự trọng của một người lao động. Không quan trọng trước đây anh xe ôm là một người như thế nào nhưng hiện tại anh có tính cách cao cả và đáng quý. Nhân vật nó không kỳ thị, không tránh né mà thậm chí còn chủ động tạo công việc cho anh, bởi chắc chắn nó cũng hiểu rằng, quá khứ của một người không đáng để họ bị cả xã hội xa lánh như vậy. Câu chuyện vừa thể hiện được mặt trái của xã hội là việc con người kì thị những người có quá khứ không tốt, vừa đề cao lòng thương người từ cả hai phía của nó và anh xe ôm. Từ đó, truyện không chỉ gây xúc động mà còn gợi cảm hứng để mỗi người chúng ta suy ngẫm và đặt câu hỏi về giá trị thực sự của cuộc sống và những điều mà chúng ta đang làm.
Trong cách xây dựng nội dung, tác giả đã sử dụng một cách kể chuyện đơn giản, không dùng nhiều từ ngữ hoa mỹ hay quá màu mè nhiều điểm nhấn, nhưng đó lại chính là điểm mạnh của tác phẩm. Với sự tinh tế, tác giả đã giúp cho những câu chuyện giản dị trở nên sống động và lôi cuốn hơn. Điều đó khiến Cuốc xe ôm và ổ bánh mì trở thành một câu chuyện ngắn vô cùng xuất sắc.