I – Mở bài
– Dẫn dắt và nêu vấn đề cần bàn luận
II – Thân bài
a. Giải thích vấn đề nghị luận:
– Sống là chính mình là lối sống mà ở đó con người đạt được sự hài hòa giữa lời nói, hành động bên ngoài với suy nghĩ và tính cách bên trong của bản thân.
b. Bàn luận lợi ích của việc được sống là chính mình:
– Giúp con người thể hiện được sự thống nhất giữa suy nghĩ, tính cách bên trong và hành động bên ngoài, không phải đeo mặt nạ, không phải diễn, từ đó mà có đời sống thoải mái, hạnh phúc.
– Sống là chính mình giúp con người toàn tâm toàn ý để làm việc mình thích, theo đuổi cái mà mình đam mê, hành động vì những điều mà lương tri mình kêu gọi.
– Sống là chính mình sẽ tạo nên bản sắc riêng cho mỗi con người, tạo được ấn tượng trong lòng người khác, từ đó mà được ngưởi khác tôn trọng.
– Khi sống là chính mình, tức là ta sống trung thực với bản thân, những cái hay cái dở sẽ được bộc lộ rõ ràng, từ đó mà ta có thể nhận ra hoặc được người khác đánh giá để mà phát huy cái hay, khắc phục cái dở.
c.Tác hại của việc không được sống là chính mình:
– Con người sẽ rơi vào sự dằn vặt, dằng xé do cái bên trong và cái bên ngoài không tìm được sự thống nhất, bên trong một đằng bên ngoài lại phải sống một nẻo
– Khi không được sống là chính mình, tức là con người không dám thể hiện bản chất thật của mình, từ đó tạo nên lối sống giả dối, nhu nhược
– Khi không được sống là chính mình trong một thời gian dài, con người có khả năng đánh mất con ngưởi thực của mình, trở nên ba phải, a dua, đánh mất bản sắc
– Người không được sống là chính mình, khi bị phát hiện, sẽ khiến người khác coi thường, xa lánh.
d. Bài học nhận thức:
– Nhận thực được rằng chỉ khi sống đúng là chính mình, con người mới có được sự thanh thản và hạnh phúc.
– Xác định những giá trị cốt lõi của cuộc sống mà mình cần theo đuổi, từ đó hình thành nên một nhân cách độc đáo, một bản sắc riêng biệt và sống một cách trung thực với nhân cách và bản sắc đó.
– Dũng cảm sống đúng với bản chất của mình trong mọi hoàn cảnh, mọi tình huống, mọi mối quan hệ.
– Mở rộng: Sống là chính mình không có nghĩa là bộc lộ mọi thói hư tật xấu, hiện thực hóa mọi suy nghĩ tiêu cực ra bên ngoài. Con người phải luôn biết hoàn thiện nhân cách, vươn tới những điều cao đẹp, và sống là chính mình chính là khi ta sống đúng với bản tính cao đẹp đó.
III – Kết bài
Khái quát lại vấn đề nghị luận: hãy sống là chính mình; đồng thời rút ra bài học, liên hệ đến bản thân mình.
Bài văn tham khảo
Mỗi người chúng ta sinh ra là một cá thể riêng biệt, mang một cá tính riêng, màu sắc riêng, không ai giống ai và cũng không có ai sống để làm bản sao của người khác. Vì vậy, “Sống là chính mình” là một quan niệm sống rất đúng đắn trong hành trang của chúng ta.
“Sống là chính mình” ở đây giống với một khái niệm trong tâm lý học là “sống thật”. Tức là nó xuất phát từ việc bạn thực sự là ai. Khi bạn sống được là chính mình tức là bạn đang sống với những gì tự nhiên vốn có trong con người bạn, không cần phải gò bó hay ép buộc mình phải sống giống bất kỳ ai.
Vậy tại sao chúng ta phải sống thật với chính mình? Thật ra câu hỏi này rất dễ để trả lời. Đáp án của câu hỏi trên nằm ở đây: liệu bạn có muốn trở thành bản sao của người khác? Trên thực tế, không ai muốn bị nói rằng mình giống người này, người kia bởi mỗi người đều có cái tôi của họ. Và thử nghĩ mà xem, nếu không được sống là chính mình bạn sẽ phải mang một chiếc mặt nạ đối diện với rất nhiều người. Chắc chắn rằng điều đó sẽ khiến bạn mệt mỏi vô cùng bởi bạn không thể làm vừa lòng được tất cả mọi người.
Chối bỏ bản thân mình là bạn đang đánh mất đi cơ hội để bạn được hoàn thiện mình hơn. Bạn có thể không học giỏi nhưng bạn lại có tài vẽ đẹp, hát hay. Bạn có thể gầy nhưng bạn lại có gương mặt xinh đẹp. Bạn có thể không xinh nhưng bạn lại có giọng nói ấm áp. Bạn có thể không giỏi cầm, kỳ, thi, họa nhưng bạn lại biết nấu ăn ngon… Bất kỳ ai sinh ra cũng có những điểm mạnh nhất định của mình mà chính bản thân ta phải tự mình tìm lấy nó. Tôi từng xem một bộ phim kể về cuộc thi âm nhạc quốc tế dành cho các idol. Để có thể dành quán quân các bạn trẻ trong phim phải vượt qua rất nhiều thử thách nhưng một trong số đó phải nói được ba ngôn ngữ. Rất nhiều người đã bỏ cuộc nhưng cuối cùng quán quân của cuộc thi là người chỉ nói được một ngôn ngữ duy nhất. Điều mà ban tổ chức đòi hỏi ở đây không phải là một người có thể nói được ba thứ tiếng mà là một người dám vượt lên những thiếu sót của mình.
Nhưng cũng phải đặt câu hỏi rằng có bao nhiêu người ngoài kia chấp nhận bản thân thật sự của những người xung quanh họ? Tôi từng đọc một bài báo với tựa đề “Body shaming và cách thức giết người bằng lời nói”. Không phải ai chúng ta cũng chấp nhận vẻ ngoài không hoàn hảo của những người xung quanh mình. Chính điều này đã khiến họ trở nên tự ti vì thế mà chúng ta mới xuất hiện những con người ngày nào cũng phải đeo những chiếc mặt nạ để tránh đi ánh mắt dò xét của mọi người. Xung quanh ta có quá nhiều hay phán xét người khác chỉ qua vẻ bề ngoài hoặc qua những hành động rất nhỏ của họ. Mọi người cần phải hiểu rằng ai cũng có những ưu điểm và khuyết điểm riêng và chẳng có ai là hoàn hảo cả. Vì vậy, chúng ta cần phải tôn trọng chính những người xung quanh mình cho dù bản thân họ có thiếu sót như thế nào đi chăng nữa.
Nói vậy không có nghĩa là bạn được thể hiện cái tôi cá nhân của mình một cách quá mức. Hãy lắng nghe người khác nói khi họ góp ý cho mình. Hãy biết nhận lỗi khi làm sai. Sống là chính mình không có nghĩa là bảo thủ không chịu lắng nghe góp ý của người khác. Giá trị của bạn không phải bạn sinh ra ở đâu, bạn bắt đầu như thế nào mà ở cái đích bạn đạt được có bao nhiêu sự cố gắng nỗ lực của bạn.
Để đi đến được thành công chưa bao giờ là dễ dàng và quá trình bạn đi trên con đường đó sẽ giúp bạn tìm ra giá trị đích thực của bản thân. Hãy tự nhìn nhận đúng đắn giá trị của bản thân mình, biết mình là ai và mình muốn gì để có thể phát triển bản thân tốt nhất.