Site icon Lớp Văn Cô Thu

[NGHỊ LUẬN XÃ HỘI] Khiêm tốn

Đề:   Trình bày suy nghĩ của em về lòng khiêm tốn sau khi học xong “Lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long

Bài làm:

Từ nhân vật anh thanh niên của tác phẩm “Lặng lẽ Sa Pa”, tác giả Nguyễn Thành Long đã gợi nhắc chúng ta về sự đẹp đẽ của phẩm chất khiêm tốn.

Khiêm tốn chính là một lối sống không tự đề cao mình, đánh giá đúng mực về bản thân, không khoe khoang thành công và không ngừng học hỏi ở những người khác. Lòng khiêm tốn là một đức tính đáng quý, cần phát huy của mỗi con người. Khiêm tốn luôn đem lại cho bạn tình cảm của mọi người.

Khiêm tốn là một trong những phẩm chất quan trọng của thành công. Vì sao vậy? Trước hết là bởi người khiêm tốn là người luôn biết mình đang ở đâu và biết mình phải làm gì. Họ không vì thành công trước mắt mà ngủ quên trên chiến thắng, tự mãn với bản thân. Như chúng ta đã biết, thành công luôn là thành quả của một quá trình gian nan, vất vả mới có được. Khi thời gian đủ chín và mọi việc đủ thành thì bạn sẽ nắm trong tay phần thắng. Nếu như lúc đó bạn không khiêm tốn, không biết cách kiềm chế cảm xúc thì có lẽ bạn sẽ chìm ngập trong “mùi vị” vinh quang mà quên mất còn có biết bao khó khăn, trở ngại phải vượt qua trong cuộc sống để đạt được thành công. Trong xã hội phong kiến có rất nhiều bậc danh nhân vì chán ghét cảnh tranh chấp quan trường mà cáo quan về ở ẩn. Họ luôn giữ cho lòng mình luôn sáng, tinh thần khiêm tốn, thanh cao. Tinh thần ấy được phát huy ở Bác Hồ – con người ưu tú của dân tộc, con người được năm châu chân lí nhìn theo. Vậy mà cả một đời Bác sống “thanh bạch chẳng vàng son” và không quên dặn cháu con phải “khiêm tốn, thật thà, dũng cảm”. Xã hội có nhiều người tài giỏi mà chúng ta ngưỡng mộ và học giỏi. Khiêm tốn sẽ giúp cho bản thân mình nhận ra những thiếu sót của bản thân để học hỏi từ người khác hướng đến sự hoàn thiện. Lòng khiêm nhường luôn đi liền với sự hòa nhã, hòa đồng với mọi người, vì tinh thần không ngừng cố gắng học hỏi. Còn đối với những kẻ tự thỏa mãn bản thân thì luôn thấy người khác là thấp hơn mình, không đáng học hỏi. Vậy là tự họ tạo nên khoảng cách cho mình với mọi người. Họ thành kẻ cô lập. Anh thanh niên trong “Lặng lẽ Sa Pa” khiến ông họa sĩ cảm phục chính vì phẩm chất khiêm tốn của mình. Phẩm chất ấy đã hoàn thiện vẻ đẹp của nhân vật khiến mỗi suy nghĩ của anh đều để lại những vang âm.

Tuy nhiên, trong cuộc sống vẫn có không ít người sống tự kiêu, tự mãn, tự cho mình là tài giỏi, hơn người. Đừng biến mình thành kẻ tự mãn, hãy chứng minh năng lực của mình qua hành động và sống khiêm cung, nhường nhịn.

Khiêm tốn không có nghĩa là hạ thấp mình xuống mà khiêm tốn chính là một phẩm chất đẹp đẽ mà mỗi học sinh chúng ta cần rèn luyện cho mình để hoàn thiện nhân cách và không ngừng cố gắng mỗi ngày trong cuộc sống và học tập.

Exit mobile version