- Viết đoạn văn diễn dịch khoảng 12 câu nêu cảm nhận của em về khổ thơ đầu tiên bài “ Sang thu” của Hữu Thỉnh.
Khổ thơ đầu tiên bài “Sang thu” đã diễn tả sự cảm nhận tinh tế của nhà thơ Hữu Thỉnh về thiên nhiên, đất trời trong khoảnh khắc giao mùa từ hạ sang thu trong một không gian gần và hẹp. Không như những nhà thơ khác cảm nhận mùa thu qua sắc vàng của hoa cúc, của lá ngô đồng hay qua tiếng lá khô xào xạc, Hữu Thỉnh đón nhận mùa thu bằng một hương vị đặc biệt – đó chính là hương ổi: Bỗng nhận ra hương ổi / Phả vào trong gió se. Cụm từ “Bỗng nhận ra” diễn tả rất đúng cái cảm giác ngỡ ngàng, ngạc nhiên khi tác giả bất chợt nhận ra hương vị nồng ấm của hương ổi nơi làng quê mộc mạc. Giữa những âm thanh, màu sắc và hương vị đặc trưng của mùa thu đang lan toả, chỉ có hương ổi làm nhà thơ bất chợt xao lòng. Đó là một thứ hương vị không dễ dàng nhận ra bởi lẽ hương ổi không phải một hương thơm ngào ngạt, nồng nàn, mà nó thoảng đưa êm dịu trong gió đầu thu nhưng cũng đủ đánh thức xúc cảm trong lòng người. Động từ “phả” cho thấy hương ổi không chỉ lan toả mà còn vận động rất mạnh trong không gian, theo làn gió se se lạnh đưa hương đi khắp chốn. Cùng với hương ổi chín, gió thu se lạnh, tín hiệu thu về còn được cảm nhận qua làn sương sớm đang giăng mắc khắp ngõ xóm vườn quê: “Sương chùng chình qua ngõ”. Nghệ thuật nhân hóa và từ láy tượng hình “chùng chình” gợi ấn tượng thị giác về làn sương thu mềm mại giăng mắc nhẹ nhàng, chuyển động chầm chậm trong không gian như cố ý đi chậm lại chờ đợi bước đi của thời gian. Cứ như thế, thật dịu êm, mơ màng và bất chợt, mùa thu đến từ lúc nào không hay để rồi nhà thơ giật mình bối rối : “Hình như thu đã về”. Hình như là thành phần tình thái ở đầu câu thơ gợi cảm giác mơ hồ, mong manh, chưa rõ ràng, diễn tả cảm xúc bâng khuâng, ngỡ ngàng, xao xuyến trong tâm hồn thi nhân trước thoáng đi bất chợt của thời gian. Như vậy, bằng việc huy động nhiều giác quan từ khứu giác, xúc giác tới thị giác và bằng tâm hồn tinh tế, nhạy cảm, nhà thơ đã ghi lại những tín hiệu đầu tiên của phút giao mùa thật nhẹ nhàng, êm ái, gợi bao xuyến xao trong lòng người đọc.
2. Khổ 2.
Khổ thơ đã diễn tả sự cảm nhận tinh tế của nhà thơ về thiên nhiên, đất trời trong khoảnh khắc giao mùa từ hạ sang thu trong một không gian cao và rộng:
Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu
Nếu như khổ thơ thứ nhất, thu mới chỉ là sự đoán định, còn nhiều mơ hồ, băn khoăn thì đến đây, dấu hiệu mùa thu đã dần rõ nét. Cũng như sương thu, dòng sông dường như cũng thong thả, chậm chạp hơn. Nghệ thuật nhân hóa trong từ láy “dềnh dàng” gợi dòng sông trôi thanh thản, êm đềm, khác hẳn dòng sông của mùa hạ, mùa mưa lũ , luôn cuồn cuộn, chảy xiết, bức tranh thu mang vẻ êm dịu. Trên khung trời rộng mở, những cánh chim vội vã hơn vào những chiều hoàng hôn buông sớm. Sự vận động trái chiều của cảnh vật làm cho bức tranh thu trở nên sống động hơn và cho thấy cái nhìn vô cùng tinh tế của tác giả. Điểm nhìn của nhà thơ như được nâng dần từ dòng sông, cánh chim đến bầu trời cao rộng với hình ảnh của “đám mây mùa hạ” đã “vắt nửa mình sang thu” . Lại một sự biến chuyển khác trong khoảnh khắc giao mùa khiến lòng ta rung động. Dường như hạ chưa qua hẳn và thu cũng chưa thực sự đến nên đám mây vẫn còn vương chút nắng vàng tươi sáng của mùa hạ. Đám mây mỏng, nhẹ, kéo dài như tấm khăn voan của người thiếu nữ duyên dáng, thảnh thơi, nhẹ nhàng vắt ngang qua bầu trời. Nghệ thuật nhân hóa khiến đám mây mùa hạ ấy như có hồn, như lưu luyến, vấn vương không nỡ rời xa, gianh giới hạ – thu vốn vô hình, bỗng trở nên hữu hình, cụ thể. Nhà thơ đã rất tài hoa khi miêu tả hình ảnh mang tính tạo hình trong không gian để nói bước chuyển của thời gian phút giao mùa cuối hạ đầu thu. Trong thời khắc giao mùa đó, không gian, đất trời bỗng trở nên khác lạ. Bức tranh mùa thu thật trong sáng, đẹp đẽ đã thể hiện cảm xúc say sưa, tâm hồn tinh tế và khả năng liên tưởng đầy mới lạ, độc đáo của nhà thơ Hữu Thỉnh.
3. Khổ 3.
Khổ thơ thứ ba diễn tả rất rõ sự biến chuyển của không gian và cũng là một thoáng suy tư của nhà thơ trước cảnh vật, đất trời :
Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi
Vẫn là nắng, mưa, sấm, chớp của mùa hạ vương lại đâu đây , song chỉ là “vẫn còn” , “đã vơi dần”, “ cũng bớt bất ngờ” bởi mùa thu đã đến . Không còn cái nắng chói chang, gay gắt của những ngày hè rực lửa; những cơn mưa rào – tín hiệu đặc trưng của mùa hạ cũng dần vơi bớt. Hai câu thơ cuối gợi cho ta nhiều suy nghĩ, liên tưởng thú vị: “Sấm cũng bớt bất ngờ/ Trên hàng cây đứng tuổi“. Giọng thơ trầm hẳn xuống, câu thơ không đơn thuần chỉ là giọng kể, là sự cảm nhận mà còn là sự suy nghĩ chiêm nghiệm về đời người. Mùa thu của thiên nhiên hay “mùa thu” của mỗi con người? Nhìn cảnh vật biến chuyển khi thu mới bắt đầu, Hữu Thỉnh nghĩ đến cuộc đời khi đã “đứng tuổi“. Phải chăng mùa thu của đời người là sự khép lại những tháng ngày sôi nổi với những bất thường của tuổi trẻ và mở ra một mùa mới, một không gian mới, yên tĩnh, trầm lắng hơn. Hai hình ảnh “sấm” và “hàng cây đứng tuổi” vừa có ý nghĩa tả thực vừa có ý nghĩa ẩn dụ. Những tiếng sấm của mùa thu đã bớt dần sự vang động không còn đủ sức làm “bất ngờ” những hàng cây đã bao mùa thay lá ; con người từng trải, từng qua những biến cố thăng trầm của cuộc đời thì sẽ luôn vững vàng trước những biến động bất thường của ngoại cảnh. Có thể thấy, đất trời sang thu khiến lòng người cũng bâng khuâng xúc cảm, gợi bao suy nghĩ về đời người lúc sang thu.