I – Mở bài
*Giới thiệu chung về tác giả, văn bản, nhận định
– Nguyễn Thành Long là cây bút chuyên viết truyện ngắn và kí. Thành công trong sáng tác của Nguyễn Thành Long không phải ở cốt truyện giàu kịch tính, dữ dội mà là sự nhẹ nhàng, trong trẻo, thấm đẫm chất trữ tình.
– Truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa được sáng tác 1970, trong chuyến đi thực tế của tác giả ở Lào Cai.
– Bàn về nét đặc sắc của tác phẩm, có ý kiến cho rằng: Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long là truyện ngắn mang đậm chất thơ.
II – Thân bài
1. Giải thích khái niệm chất thơ
Chất thơ là tiếng nói của tình cảm. Khái niệm chất thơ trong tác phẩm văn xuôi để chỉ tác phẩm có thiên hướng bộc lộ tình cảm, cảm xúc trước vẻ đẹp cuộc sống và con người, thông qua ngôn ngữ giàu hình ảnh, giọng văn nhẹ nhàng, êm ái,…
2. Chất thơ thấm đượm trong bức tranh phong cảnh thiên nhiên:
– Sa Pa, miền Tây Bắc xa xôi của Tổ quốc hiện lên trong những trang văn của Nguyễn Khánh Long không hề hoang vu mà đẹp một cách trữ tình, tráng lệ.
– Sa Pa bắt đầu bằng núi cao, trùng điệp, thác đổ trắng xóa, đường núi uốn lượn quanh co,…
– Sa Pa bắt đầu bằng những rặng đào bạt ngàn, những đàn bò lang cổ đeo chuông,… đủng đỉnh ăn cỏ trong thung lũng hai bên đường, bằng sự sống yên ả, thanh bình.
– Sa Pa còn đẹp huyền ảo bởi “nắng bắt đầu len tới, đốt cháy rừng cây”, “ nắng mạ bạc cả con đèo, hừng hực như một bó đuốc lớn”, đẹp bởi những làn cây tinh nghịch như con trẻ “Mây bị nắng xua, cuộn tròn lại từng cục, lăn trên những vòm lá ướt sương, rơi xuống đường cái, luồn vào cả gầm xe.”
3. Chất thơ toát lên từ cuộc sống, từ vẻ đẹp tâm hồn của mỗi nhân vật. Nhân vật nào hiện ra dù trực tiếp hay gián tiêp cũng đẹp, cũng mang màu sắc lí tưởng.
– Cô kĩ sư nông nghiệp trẻ vừa ra trường, sức xuân phơi phới, sẵn sàng từ bỏ chốn phồn hoa đô hội để đến với nơi núi rừng sâu thẳm nhận công tác. Khi gặp và chứng kiến cuộc sống một mình dũng cảm tuyệt đẹp của anh thanh niên làm khí tượng, cô tự tin hơn về quyết định của mình. Trong lòng cô dội lên sự hàm ơn không phải vì bó hoa to đẹp mà anh thanh niên tặng cho cô mà vì một bó hoa khác – bó hoa của lí tưởng sống cao đẹp, của những háo hức, mơ mộng ngẫu nhiên anh trao cho cô để cô tiếp tục hòa mình vào đất trời Tây Bắc, để sống đẹp như anh.
– Ông họa sĩ cầm bút vẽ đã đi đến cuối hành trình của cuộc đời làm nghệ thuật nhưng mới nhận ra sự bất lực của hội họa trước cuộc đời rộng lớn, muôn màu. Ông sẵn sàng xin anh em hoãn bữa tiệc chia tay đến cuối tuần sau để đi thực tế lên Lào Cai trước khi nghỉ hưu. Tuổi đã cao nhưng ông vẫn đam mê hội họa, vẫn cháy bỏng một khao khát nghệ thuật khi bắt gặp cái đẹp trong bức chân dung anh thanh niên. Ngồi trước chàng trai trẻ, ông thấy như có thêm một quả tim nữa, ông thấy “người con trai ấy đáng yêu thật, nhưng làm ông nhọc quá”.
– Anh thanh niên:
+ Sống một mình trên núi cao giữa mênh mông đất trời sương tuyết, giữa núi cao rừng thẳm, ai cũng tưởng anh là người “cô độc nhất thế gian” nhưng chưa bao giờ anh thấy mình cô độc. Tâm hồn anh lúc nào cũng trong sáng, cũng phong phú. Làm công việc lặng thầm giữa chốn lặng lẽ non xanh, quanh năm chỉ làm bạn với cỏ cây, với mây mù lạnh lẽo nhưng anh luôn thật tình, trách nhiệm, luôn coi công việc là bạn, là nguồn vui, lẽ sống. Dù cho thời tiết có khắc nghiệt đến đâu, anh cũng chẳng bao giờ bỏ trễ một giờ “ốp” nào bởi anh ý thức rõ công việc của mình có vai trò quan trọng trong sản xuất và chiến đấu.
+ Cuộc sông riêng tư của anh cũng tuyệt đẹp, giàu chất thơ. Một vườn hoa rực rỡ sắc màu, một căn nhà ba gian gọn gàng xinh xắn, một giá sách, một đàn gà,… là kết quả của tình yêu cuộc sống thiết tha, bỏng cháy.
+ Cách cư xử của anh với mọi người cũng thật đẹp, thật đáng trân trọng. Những ngày đầu mới lên Sa Pa nhận công tác, anh kiếm cớ gặp người cho vơi bớt nỗi nhớ. Anh đón khách thân tình, cởi mở đến nồng nhiệt, anh cư xử với khách theo cách lịch sự của chàng trai có học thức. Một bó hoa anh cắt trong vườn dành tặng cô kĩ sư, một ấm trà nóng anh mời ông họa sĩ, một củ tam thất anh gửi biếu vợ bác lái xe, một làn trứng dành cho người đi đường… là tình đời, tình người cao quý không dễ gì có được.
– Thông qua anh thanh niên, Nguyễn Thành Long còn tôn vinh cả tập thể những người lao động trí óc đang lặng thầm làm việc, sống đẹp như anh nơi mịt mù sương tuyết. Họ cũng như anh, cũng đang ngày đêm lặng lẽ hiến dâng cả tuổi xuân, sức lực để làm đẹp cho cuộc đời quên cả hạnh phúc riêng tư.
=> Mỗi con người, mỗi nhân vật hiện ra trực tiếp hay gián tiếp trong truyện cũng là những bông hoa rừng tươi đẹp góp vào vườn qua muôn sắc màu của cuộc sống mới khiến cho người đọc không khỏi ngưỡng mộ, yêu tin.
4. Chất thơ đến từ tình huống truyện
– Tình huống truyện không gay cấn, không có tình tiết cao trào, thắt nút, mở nút như các tác phẩm tự sự thông thường. Tình huống truyện chỉ là cuộc gặp gỡ tình cờ, ngắn ngủi giữa ba nhân vật. Diễn biến truyện thật nhẹ nhàng, tự nhiên.
5. Chất thơ, chất trữ tình thấm đẫm trong những câu văn giàu nhịp điệu, giàu hình ảnh, nhẹ nhàng êm ái như bài thơ.
Truyện viết về những con người lao động, về đề tài lao động mà không hề khô khan, rất trữ tình, mềm mại với nhiều chi tiết giàu chất thi ca khiến người đọc tưởng như nhà văn xây dựng một câu chuyện về tình yêu đang chớm nở ….
III – Kết bài
Khẳng định: Chất thơ là một trong những yếu tố đặc sắc tạo nên thành công cho truyện ngắn Lặng lẽ Sapa
🔻 Xem thêm:
- Lặng lẽ Sa Pa – “Bài thơ về vẻ đẹp trong cách sống và suy nghĩ của con người lao động bình thường mà cao cả”
- Anh thanh niên trong Lặng lẽ Sa Pa là hiện thân của những con người bình thường mà cao đẹp
- Phân tích nhân vật anh thanh niên trong Lặng lẽ Sa Pa – Nguyễn Thành Long
- Cảm nhận vẻ đẹp thiên nhiên và con người qua đoạn trích truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa
- Cảm nhận của em về vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật anh thanh niên trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long.
- “ánh sáng riêng” từ Lặng lẽ Sa Pa
- Vẻ đẹp của thế hệ trẻ Việt Nam trong “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” và “Lặng lẽ Sa Pa”
- “Lặng lẽ Sa Pa” là truyện ngắn giàu chất thơ