Site icon Lớp Văn Cô Thu

Kể lại nội dung câu chuyện được ghi trong một bài thơ có tính chất tự sự theo những ngôi kể khác nhau.

Kể lại nội dung câu chuyện được ghi trong một bài thơ có tính chất tự sự ( Lượm, Đêm nay Bác không ngủ) theo những ngôi kể khác nhau.

 

Năm 1950, quân ta mở chiến dịch Biên giới để giữ thế chủ động tấn công quân địch. Năm ấy, Bác Hồ trực tiếp ra mặt trận chỉ huy và theo dõi cuộc chiến đấu của bộ đội và nhân dân ta. Bác cũng cùng ban chỉ huy trận đánh áp sát chiến trường để chỉ đạo các trận đánh. Tôi là một chiến sĩ trong đội bảo vệ Bác tại chiến dịch này vì vậy, tôi cùng đội mình hành quân theo Bác.

Đêm đó, Bác cháu tôi nghỉ lại trong một cái lán nhỏ vách nứa, mái lá dựng xơ xác ở giữa rừng. Sau một ngày hành quân vất vả, giấc ngủ đến với tôi thật nhanh và thật say. Sau phút trở mình, tôi chợt thấy có bóng người lặng lẽ ngồi bên bếp lửa. Đó chính là Bác.

Lửa cháy rừng rực và Bác Hồ ngồi đó im lặng, trầm ngâm. Gương mặt Người tĩnh lặng, đôi mắt nhìn sâu vào bếp lửa, chòm râu im phăng phắc. Tôi bàng hoàng như trong một giấc mơ kì lạ, hình ảnh Bác như đang được tạc vào đêm. Chợt, Bác đứng lên, bước thật nhẹ nhàng tới chỗ chúng tôi đang nằm. Người rất nhẹ nhàng kéo chăn lên đắp cho từng người một. Như sợ các anh em dật mình, Bác nhón chân nhẹ nhàng, thật nhẹ .Lòng xúc động khôn nguôi, tôi nghẹn ngào không nói thành lời. Tôi ngước mắt nhìn Bác, càng nhìn tôi càng thấy thương Bác hơn. Bác như một người cha vậy. Người cha ấy đang nhóm lửa cho tôi và đồng đội nằm ấm.Chăm cho các cháu xong, Bác lại về chỗ cũ ngồi gần bếp lửa. Ánh lửa bập bùng soi rõ bóng Bác trên vách nứa. Bóng Người cao lồng lộng như bao trùm lên các tất cả chúng tôi và đem thêm hơi ấm cho mỗi người. Tôi có cảm giác mơ màng, cái bóng của Bác như làm chúng tôi ấm áp hơn cả ngọn lửa hồng đang cháy hừng hực kia. Tôi khẽ cất tiếng nho nhỏ hỏi: “Thưa Bác, Bác có lạnh lắm không ạ?

Bác nhìn tôi, mỉm cười rồi trả lời bằng một giọng ấm áp:

-Ừ, Bác chưa ngủ đâu. Chú cứ việc cho đẫy giấc, để mai còn đi đánh giặc nữa chứ!

Vâng lời Bác, tôi nhắm mắt, nhưng vẫn bồn chồn. Tôi nằm mà vẫn lo Bác ốm, lòng tôi cứ bề bộn. Chiến dịch còn dài lắm! Rừng Việt Bắc lắm giốc, lắm ụ. Nếu Bác cứ không ngủ suốt thế này, thì Bác lấy sức đâu để mà đi ? Thế rồi tôi ngủ thiếp đi lúc nào không hay.

Lần thứ ba tôi thức giấc thì đã canh tư. Nhìn thấy Bác vẫn đang ngồi, tôi hoảng hốt, giật thót mình. Bác vẫn chưa ngủ ư ? Trời sắp sáng rồi !!! Tôi vội vã:

– Bác ơi, trời sắp sáng rồi, Bác hãy ngủ để sáng mai có sức mà đi !

Vẫn bằng giọng dịu dàng, Bác nói với tôi:

– Chú cứ ngủ đi, Bác thức thì mặc Bác. Bác có ngủ cũng chẳng yên lòng được. Khi Bác nằm trong lán trại bên ngọn lửa ấm thì hàng ngàn dân công, hàng ngàn chiến sĩ đang phải ngủ giữa rừng khuya, gió lạnh, mưa rơi, chỉ có lá cây thay chiếu, manh áo mỏng thay chăn. Tôi lặng mình xúc động…! Vậy là tôi đã biết rõ vì sao Bác cứ thức mãi trong đêm. Tôi cũng không thể nào ngủ thêm được nữa vì những tình cảm yêu thương, kính trọng dành cho Bác cứ xốn xang trong trí. Tôi nhẹ trở dậy, khe khẽ đến bên Người những mong “Con bỗng lớn ở bên Người một chút”. Tôi đã thức luôn cùng Bác trong đêm ấy và tôi còn hiểu thêm điều này:

“Đêm nay Bác ngồi đó

Đêm nay Bác không ngủ

Vì một lẽ thường tình

Bác là Hồ Chí Minh”.

Một đêm giá rét, mệt mỏi và dài lê thê Bác đã không ngủ. Vì Bác đã dành tình thương yêu và sự quan tâm của mình cho tất thảy mọi người. Tôi nghẹn lòng nhớ đến lời thơ của Tố Hữu:

“Ôi lòng Bác vậy cứ thương ta

Thương cuộc đời chung, thương cỏ hoa

Chỉ biết quên mình cho hết thảy

Như dòng sông chảy nặng phù sa”

 

 

Exit mobile version