“Anh em nào phải người xa
Cùng chung bác mẹ một nhà cùng thân
Yêu nhau như thể tay chân
Anh em hoà thuận, hai thân vui vầy”
Bài làm
Bài ca dao “Anh em nào phải người xa…” đã để lại trong em biết bao xúc động về tình cảm anh em ruột thịt. Bằng cách sử dụng thể thơ lục bát nhịp nhàng, uyển chuyển, ngôn ngữ bình dị và cách so sánh, ví von độc đáo, tác giả dân gian đã gửi đến mỗi chúng ta lời nhắn nhủ thấm thía về tình anh em. Dùng cách nói phủ định “Anh em nào phải người xa”, lời ca đã nhắc chúng ta hiểu rằng anh em vốn không phải người xa lạ, tình anh em là tình cảm gần gũi, thiêng liêng, trân quý vô cùng. Điệp ngữ “cùng” được nhắc lại hai lần trong một câu ca “Cùng chung bác mẹ, một nhà cùng thân” càng khẳng định hơn nữa mối quan hệ gắn bó, không thể tách rời của anh em ruột thịt bởi có cùng chung nguồn cội, cùng một mẹ cha, cùng sống trong một mái ấm gia đình, cùng nếm trải những buồn, vui, cùng có với nhau nhiều kỉ niệm. Và hơn thế nữa, cách so sánh “Anh em như thể tay chân” giàu sức gợi hình lại càng cho ta thấy được tình cảm gắn bó, thắt chặt keo sơn. Anh và em cũng như chân với tay, là những bộ phận không thể tách rời của cơ thể sống. Khép lại bài ca là lời khuyên ý nghĩa về cách cư xử của anh em trong gia đình: “Anh em hoà thuận hai thân vui vầy”. “hai thân” ở đây chính là cha và mẹ, anh em có hoà thuận, có yêu thương nhau thì cha mẹ mới vui lòng, hạnh phúc. Bài ca dao ngắn ngủi nhưng đã đem đến cho mỗi chúng ta bài học thật ý nghĩa về hạnh phúc gia đình, giúp cho ta thêm trân trọng và có ý thức vun đắp tình cảm gia đình, tình anh em máu mủ.