1. Mở đoạn
– Nêu cảm nghĩ chung về yếu tố nội dung hay nghệ thuật đặc sắc ở dòng, khổ, đoạn thơ hoặc bài thơ.
2. Thân đoạn
– Nêu cụ thể cảm nhận chung về những yếu tố nội dung hay nghệ thuật đặc sắc của đoạn thơ, bài thơ.
3. Kết đoạn
Khái quát lại cảm xúc, suy nghĩ của bản thân về yếu tố nội dung hoặc nghệ thuật đặc sắc đã trình bày.
BÀI LÀM THAM KHẢO
Bài số 1 : Viết đoạn văn cảm nhận bài thơ “Đường về quê mẹ” của Đoàn Văn Cừ.
U tôi ngày ấy mỗi mùa xuân,
Dặm liễu mây bay sắc trắng ngần,
Lại dẫn chúng tôi về nhận họ
Bên miền quê ngoại của hai thân.
Tôi nhớ đi qua những rặng đề,
Những dòng sông trắng lượn ven đê.
Cồn xanh, bãi tía kề liên tiếp,
Người xới cà, ngô rộn bốn bề.
Thúng cắp bên hông, nón đội đầu,
Khuyên vàng, yếm thắm, áo the nâu
Trông u chẳng khác thời con gái
Mắt sáng, môi hồng, má đỏ au.
Chiều mát, đường xa nắng nhạt vàng,
Đoàn người về ấp gánh khoai lang,
Trời xanh cò trắng bay từng lớp,
Xóm chợ lều phơi xác lá bàng.
Tà áo nâu in giữa cánh đồng,
Gió chiều cuốn bụi bốc sau lưng.
Bóng u hay bóng người thôn nữ
Cúi nón mang đi cặp má hồng.
Tới đường làng gặp những người quen.
Ai cũng khen u nết thảo hiền,
Dẫu phải theo chồng thân phận gái
Đường về quê mẹ vẫn không quên.
1942
Đoạn văn tham khảo
Bài thơ “Đường về quê mẹ” của Đoàn Văn Cừ cho người đọc cảm nhận được những kí ức đẹp đẽ khi mỗi độ xuân về ta lại thấy hình ảnh người mẹ lại dẫn đàn con về quê nhận họ. Theo bước chân của mấy mẹ con, thiên nhiên và con người quê ngoại dần hiện lên. Khung cảnh thiên nhiên mùa xuân thật đẹp với những rặng đề, dòng sông trắng, bãi tía, cồn xanh… Cảnh vật vừa sinh động, tràn đầy sức sống, hiện lên như một bức tranh thôn quê với những màu sắc và đường nét được phối hài hòa. Con người nơi đây đang rộn ràng trong khung cảnh lao động quen thuộc: Người xới cà, ngô rộn cánh đồng. Khung cảnh bình yên, ấm áp quá. Qua những cảm nhận của người con, quê ngoại là cả một vùng kí ức êm đềm và thơ mộng. Người mẹ chính là nhân vật trung tâm của bài thơ. Dấu ấn của con về mẹ là một người phụ nữ đẹp người, đẹp nết. Hình ảnh về người mẹ với khuyên vàng, yếm thắm, áo the nâu, mắt sáng, môi hồng, má đỏ…vẫn in đậm trong tâm trí con, có lẽ bởi mẹ xinh đẹp, đằm thằm quá khiến con phải thốt lên ngỡ ngàng: Trông mẹ chẳng khác thời con gái. Qua lời khen của những người dân quê, mẹ hiện lên với nết “thảo hiền” dễ mến. Dù lấy chồng xa xứ nhưng mẹ vẫn không quên đường về quê mẹ. Bài thơ đã diễn tả được tâm trạng vui mừng, háo hức của người con mỗi lần cùng mẹ về quê ngoại. Đồng thời còn thể hiện tình cảm yêu mến, niềm tự hào của con về vẻ xinh đẹp, nết na của mẹ.