I – Mở bài.
– Giới thiệu khái quát về chuyến tham quan di tích lịch sử, văn hoá.
– Bày tỏ cảm xúc của em khi được trực tiếp tham gia chuyến đi.
II – Thân bài.
– Kể lại cụ thể diễn biến của chuyến tham quan ( trên đường đi, lúc đến điểm tham quan, trình tự các điểm đến thăm, những hoạt động chính trong chuyến đi,…).
– Thuyết minh, miêu tả và nêu ấn tượng của em về những nét nổi bật của di tích lịch sử, văn hoá đó (khung cảnh của điểm tham quan có gì nổi bật? (cảnh thiên nhiên, các công trình kiến trúc, những hiện vật được trưng bày ở khu di tích,…).
III – Kết bài
Nêu cảm xúc, suy nghĩ của em về chuyến tham quan di tích lịch sử, văn hoá (Nêu ấn tượng về chuyến đi; hiểu biết mới về văn hoá, lịch sử của đất nước; tình cảm với quê hương,…).
Bài làm tham khảo
Viêt bài văn kể lại một chuyến đi tham quan đền Hùng – Phú Thọ
Việt Nam được biết đến là một quốc gia với nét đặc trưng về văn hóa, phong tục tập quán độc đáo, lâu đời. Trải nghiệm về văn hóa luôn được coi là những trải nghiệm thú vị. Em cũng đã có lần được tìm hiểu thêm về văn hóa của Việt Nam thông qua chuyến đi đến đền Hùng. Chuyến đi ấy đã để lại trong em cảm xúc tự hào cùng những ấn tượng khó phai.
Như mọi gia đình, vào mỗi dịp đầu xuân, nhà em lại cùng nhau đi du xuân. Năm nay, địa điểm được gia đình em chọn đó là đền Hùng. Ngay sau khi biết tin, em cảm thấy rất vui và háo hức. Chuyến đi lần này được diễn ra nhằm mục đích để cầu may cho gia đình, hiểu biết thêm về các văn hóa dân tộc, tham quan các di tích lịch sử và cũng như để học thêm và các phong tục tập quán. Càng nghĩ về nó, em càng hứng khởi mong chờ.
Như dự kiến, chuyến đi bắt đầu từ tờ mờ sáng. Lúc này, những giọt sương sớm vẫn còn đọng trên lá cành. Tiết trời se lạnh của mùa xuân đã tạo cho em cảm giác thích thú. Hai bên đường, những hàng cây cao vút đứng yên, dang cánh tay ra đón những hạt sương rơi. Theo ánh đèn pha ô tô, những cây hoa đào đua nhau nở rộ, chúng đưa những cành cây thanh mảnh lên rung rinh như những người thiếu nữ đang đứng chào đón gia đình em. Dưới ánh đèn phố lung linh đặc trưng của ngày xuân, những làn xe cộ tấp nập chạy qua. Trên đường, không khí nhộn nhịp biết chừng nào. Theo những ánh đèn lung linh đó, từng tòa nhà cao tầng đứng nghiêm trang như những người lính gác trông thật oai vệ. Một lúc sau, mặt trời đã ló rạng. Qua khung cửa sổ, từng tia nắng chiếu vào như những tia hi vọng của một năm mới tốt lành.
Mọi thứ như thổi bùng lên trong em niềm háo hức mãnh liệt, mong sớm được đến đền Hùng để được trải nghiệm khung cảnh nơi ấy.
Sau khoảng một tiếng đồng hồ ngồi trên xe, cuối cùng gia đình em cũng tới nơi. Quần thể đền Hùng thuộc địa phận xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, đây là nơi các vua Hùng xưa đã chọn làm kinh đô của nước Văn Lang. Vừa đặt chân đến, ấn tượng đầu tiên của em là nơi đây vẫn còn giữ được nhiều nét hoang sơ, cổ kính với nhiều đền thờ. Có khá nhiều khách du lịch thập phương quy tụ về đây để thăm thú, tưởng nhớ đến công lao dựng nước của các vị vua Hùng. Gia đình em được đi cùng một cô hướng dẫn viên du lịch để có thêm những hiểu biết khi đến thăm đền. Dưới sự hướng dẫn của cô, gia đình em được lần lượt đi thăm những địa điểm thăm quan nổi tiếng.
Địa điểm đầu tiên mà gia đình em ghé thăm đó chính là đền Hạ. Tương truyền đây là nơi xưa kia mẹ Âu Cơ đã sinh ra trăm trứng, ý nghĩa “đồng bào” cũng bắt đầu từ đó, em được biết ngôi đề được xây dựng vào khoảng thế kỉ 17-18 với kiến trúc thuần Việt gồm hậu cung và tiền bái, trang trí bằng các bức phù điêu, một bên ngựa, một bên voi. Sau đền vẫn còn dấu tích “Mắt Rồng” chính là khu vực mẹ Âu Cơ ấp trứng. Quang cảnh xung quanh đền yên tĩnh với nhiều loại cây cổ kính. Thăm đền Hạ, được nghe lời giới thiệu của cô hướng dẫn viên, lòng em tràn ngập cảm giác tự hào về nguồn gốc con Rồng cháu Tiên của mình.
Rời đền Hạ, gia đình em tiếp tục được đi thăm chùa Thiên Quang, đây là một ngôi chùa có tên cổ là Sơn Cảnh Thừa Long Tự. Chùa được xây với nhiều gian, bên ngoài sơn màu đỏ, các tòa theo kiểu cột trị, mái con, bên trên có hai chú rồng chầu ngọc trắng, trước đền có lư hương, sân chùa rộng rãi phục vụ du khách đến dâng hương. Thăm chùa, em thầm ngưỡng mộ về những nét kiến trúc độc đáo của dân tộc.
Tiếp đến, theo chân cô hướng dẫn viên, gia đình em đến thăm quan đền Trung, tương truyền đây là nơi xưa kia Vua Hùng bàn việc nước và ngắm cảnh thiên nhiên, sông núi cùng các lạc tướng, lạc hầu. Khung cảnh hoang sơ, cổ kính. Trước khi đến lư hương cần bước qua bậc tam cấp. Sau khi thăm đền Trung, đi tiếp lên cao, gia đình em đến Đền Thượng nằm cao nhất trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh. Theo em được biết, thì Đền Thượng có tên chữ là “Kính thiên lĩnh điện” còn có tên là “Cửu trùng tiên điện”. Tương truyền thời xưa, vua Hùng thường lên trên đỉnh núi để thực hiện nghi lễ cầu mong trời đất, thần lúa phù hộ mưa thuận gió hòa, nhân khang vật thịnh, vì thế đền được dựng ở đây. Tương truyền, đây còn là nơi vua Hùng thứ 6 tiến hành lập đàn cầu trời ban cho người tài giỏi đánh giặc Ân giúp nước, cứu dân. Dâng nén hương thành kính mà lòng em trào dâng niềm xúc động, em thấy mình đứng giữa ranh giới, gạch nối giữa quá khứ hào hùng của lịch sử cha ông và hiện tại.
Tiếp theo, cô hướng dẫn viên dẫn đoàn gia đình em đến tham quan bảo tàng Hùng Vương, nơi lưu giữ và trưng bày nhiều hiện vật quý. Mọi thứ đều ẩn chứa trong đó một câu chuyện, một bài học riêng. Đó là các chiến tích hào hùng của vua Hùng đánh đuổi quân xâm lược. Đó là tấm gương sáng của người chiến sĩ hy sinh quên mình để bảo vệ vua chúa. Một thời khói lửa có nhiều mất mát, đớn đau nhưng cũng để lại bài học quý giá. Đó là người con gái Mị Châu vì trao nhầm tin yêu cho Trọng Thủy để rồi mất nước và tay giặc ngoại xâm. Còn nhiều lắm những câu chuyện gia đình em được nghe kể về các vua Hùng. Xa xa kia là hình ảnh Bác Hồ- vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc đang trò chuyện với chiến sĩ thuộc Đại đoàn quân tiên phong. Câu nói của Bác vẫn mãi vang vọng bên tai: “Các vua Hùng đã có công dựng nước/ Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Đến thăm đền Hùng, không thể bỏ qua được những món ăn đặc sắc. Gia đình em được giới thiệu và thưởng thức bánh tẻ, bánh tai, bánh sắn. Các loại bánh này tuy dân dã nhưng dưới bàn tay tài tình của người dân địa phương đã trở nên thơm ngon, dẻo bùi ngon miệng. Không chỉ thế, trong chuyến tham quan này, em được khám phá và trải nghiệm nhiều lễ hội vui của đền Hùng như lễ rước kiệu vua với những lá cờ nhiều màu, hoa và được khoác lên mình những bộ trang phục truyền thống cực đẹp. Lễ dâng hương, em và mọi người trong gia đình thành kính kính cẩn nghiêng mình, thắp nén nhang thơm lên bàn thờ để cảm tạ sự hi sinh, vất vả của vua Hùng để giờ đây người con đất Việt có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.Ngoài ra, em cũng được trải nghiệm cảm xúc khi xem các trò chơi như thi đấu vật, thi kéo co, thi bơi….
Thời gian thăm quan trôi qua rất nhanh, cũng đến lúc gia đình em phải quay trở về dù rất nuối tiếc. Trên đường về, em nhớ mãi về những địa danh tại đền Hùng gia đình em được đi thăm. Có lẽ đây là chuyến đi em không bao giờ quên. Những trải nghiệm tại đây đã giúp em hiểu thêm về văn hóa, lịch sử, truyền thống dân tộc được lưu giữ suốt bao đời nay. Bởi vậy mà nó làm cho em thêm tự hào về dân tộc mình hơn…
Chuyến đi kết thúc đã để lại trong em biết bao ấn tượng sâu sắc bởi nó đã cho bản thân em những bài học đáng quý. Em hiểu mình cần phải biết tự hào, hãnh diện khi được làm con cháu vua Hùng, biết trân trọng những nét đẹp của văn hóa dân tộc, giữ gìn và bảo vệ những bản sắc tươi đẹp ấy,… Em tự nhủ phải chăm chỉ học tập, cố gắng rèn luyện, nối tiếp đường cha ông, bảo vệ đất nước, góp phần quảng bá đất nước với các cường quốc năm châu,…