BÀI TẬP LÀM VĂN SỐ 3
Đề bài: Vào vai bé Thu kể lại câu chuyện “Chiếc lược ngà”
Nếu cho tôi một điều ước, tôi sẽ ước thời gian quay trở lại. Khi ấy, tôi sẽ không bướng bỉnh, ngang ngạnh; tôi sẽ mang lại cho ba tôi niềm vui, nụ cười thay vì những nỗi khổ tâm. Người ta vẫn thường nói thời gian sẽ làm lành mọi vết thương nhưng có lẽ với riêng tôi thì không đúng. Mỗi lần cầm chiếc lược ngà – kỉ vật cuối cùng còn lại của ba tôi, lòng tôi lại dấy lên những nỗi ăn năn, day dứt và cả sự hối hận. Tôi thấy thương ba nhiều, tôi thấy mình thật đáng trách.
Má tôi kể rằng, khi tôi chưa đầy một tuổi, ba tôi phải thoát li đi kháng chiến theo tiếng gọi của Đảng, của Bác Hồ. Tuổi thơ tôi sống trong sự đùm bọc, chở che và dưỡng dục của má, tôi thèm lắm giọng nói trầm ấm của ba, thèm được ba ôm vào lòng và vuốt ve mái tóc. Má tôi cũng đã mấy lần đi thăm ba nhưng vì đường xá gian nan, nguy hiểm nên không lần nào mang tôi theo được. Vậy là ba chỉ thấy tôi qua tấm ảnh nhỏ và tôi cũng chỉ thấy ba qua một tấm ảnh ba chụp với má. Ba tôi trông thật đẹp và hiền. Cuộc sống cứ thế trôi qua cho đến năm tôi lên tám tuổi, một điều bất ngờ đến với tôi và cũng từ đây tôi luôn phải ân hận về bản tính ngang bướng của mình. Một buổi sáng, hôm tôi đang chơi đánh đáo dưới tán cây trứng cá trước nhà thì bỗng nghe có tiếng gọi. Tôi ngoái cổ về phía trước xuồng đang gần cập bến. Một người đàn ông có vẻ vội vã, không đợi xuồng vào bờ đã vội đưa chân xuống, đôi tay chới với về phía tôi và luôn miệng gọi tên tôi:
– Thu, con!
Tôi đứng ngây nhìn người lạ đang gọi tên mình. Đó là một người đàn ông với một vết thẹo dài trên má. Vết thẹo ấy đỏ ửng lên, dần giật, trông thật đáng sợ. Người đàn ông cứ đưa tay ra, chầm chậm bước về phía tôi, giọng lặp bặp run run :
– Ba đây con !
– Ba đây con !
Mọi chuyện quá bất ngờ, tôi chẳng hiểu gì cả, tôi nhìn người đàn ông bên cạnh như để dò hỏi : đây là ba tôi sao? Không, không phải !, có lẽ người kia đã nhầm. Tôi biết rõ ràng ba tôi không giống thế. Tôi chạy vụt đi tìm má. Tiếng gọi thất thanh “ Má ! Má !” của tôi có lẽ khiến ông buồn, ông đứng sững lại, mằt tối sầm, hai tay đưa về phía tôi lúc nãy giờ buông thõng xuống.
Nghe tiếng tôi gọi, má chạy ra. Trái với những gì tôi nghĩ, rằng má sẽ bảo vệ tôi, má sẽ đuổi người đàn ông lạ mặt kia đi. Má chạy nhanh đến chỗ chiếc xuồng vừa cập bến, hỏi hỏi han han người đàn ông những điều gì tôi không rõ. Chỉ thấy má kêu tôi gọi ông ấy là ba, tôi không chịu. Người đàn ông ấy ở nhà tôi ba ngày. Suốt thời gian ấy, ông chẳng đi đến đâu, chỉ quanh quẩn trong nhà mong được gần gũi tôi. Tôi càng tìm cách lẩn tránh thì ông ấy lại càng vỗ về tôi. Tôi đâm ra giận má và giận cả người đàn ông xa lạ ấy. Sao má cứ ép tôi phải gọi một người hoàn toàn xa lạ là ba? Tôi chỉ có một người ba duy nhất trong bức hình chụp chung với má, tôi không thể san sẻ lòng kính yêu của mình cho một người khác không phải là ba. Cái suy nghĩ ấy cứ đeo đẳng, bám riết trong tâm trí ngây thơ, non nớt của tôi. Tôi kiên quyết cự tuyệt mọi sự quan tâm từ người đàn ông đáng thương ấy. Má bảo tôi gọi ba vào ăn cơm thì tôi nói trổng “ vô ăn cơm”; má đi vắng kêu tôi thổi cơm, có gì khó thì nhờ ba giúp, nồi cơm to quá tôi không thể chắt nước được, dù đã được bác Ba “mở đường” là kêu ba giúp mà tôi cũng không nghe. Cái sự kiêu ngạo trẻ thơ đã không cho tôi được phép khuất phục trước khó khăn, tôi không được phép gọi tiếng ba thiêng liêng thiếu căn cứ như vậy được. Tôi có ngờ đâu rằng, những hành động, lời nói thiếu lễ phép của mình đã khiến ba vô cùng khổ tâm và cũng vì lẽ ấy, tôi phải day dứt suốt đời.
Sự vô tình có thể sẽ kéo dài mãi nếu như không có một tình huống bất ngờ xảy ra. Bữa cơm hôm ấy, người đàn ông lạ kia đã gắp cái trứng cá to vàng thật ngon để vào chén tôi. Bình thường tôi rất thích ăn trứng cá nhưng ngay lúc này thì khác. Tôi hất vội cái trứng ra làm cơm văng tung toé khắp mâm. Có lẽ vì quá tức giận, ông vung tay đánh tôi và hét lên :
– Sao mày cứng đầu vậy hả ?
Tôi đã quen cảm giác chiều chuộng nên cứ tưởng mọi hành động , việc làm của mình không ai dám lên tiếng. Nhưng tiếng quát của ông ấy khiến tôi thức tỉnh , tôi chợt nhận ra hành động vừa rồi của mình thật vô lễ, tôi thật là hư đốn. Tôi gắp lại cái trứng cá vào chén, lặng lẽ đứng dậy, bước ra khỏi mâm. Xuống bến, tôi nhảy xuống xuồng, mở lòi tói cố làm cho dây lòi tói khua rổn rảng, khua thật to, rồi lấy dầm bơi qua sông. Tôi sang nhà ngoại. Tôi sẽ kể cho ngoại nghe về người đàn ông lạ ấy đáng ghét như thế nào. Tôi cảm thấy ấm ức trong lòng. Má tôi có sang dỗ tôi về, nhưng tôi không về. Có lẽ biết tôi về cũng sẽ làm cả nhà không vui nên má tôi cũng chẳng ép. Đêm đó, tôi nằm ngủ cùng ngoại, ngoại hỏi tôi: “ Ba con, sao con không nhận”, tôi trả lời ngoại rằng không phải. Ngoại nghĩ cha tôi đi lâu nên tôi quên, nhưng đâu phải thế, những ngày ba đi, lúc nào tôi cũng lôi ảnh ba ra xem. Làm sao tôi quên cơ chứ. Tôi bảo ngoại : “Ba không giống cái hình chụp với má” vì trên mặt ba có vết thẹo dài. Nghe tôi trả lời vậy, ngoại cười lớn, cái cười làm tôi ngơ ngác và tò mò. Ngoại kể lại tội ác của mấy thằng Tây ở đồn. Hoá ra vết thẹo ấy là ba tôi đi đánh Tây, Tây bắn bị thương. Bọn Tây độc ác. Tôi chợt thấy thương ba, suốt đêm hôm ấy tôi trằn trọc không sao ngủ được, tôi ân hận về thái độ ngang bướng của mình với ba những ngày qua. Tôi mong chóng cho đến sáng để được về nhà gọi ba, được nói với ba lời xin lỗi.
Hôm sau, ngoại đưa tôi về sớm. Đã đến lúc ba phải trở lại chiến trường rồi. Mọi người đến đông quá. Ba cũng đang phải tiếp khách. Má thì lo sửa soạn hành lí cho ba. Mọi người ai cũng có việc của mình. Còn tôi, tôi cứ đứng lặng ở một góc. Tôi nhìn kĩ người đàn ông tôi đã từng lạnh lùng, trốn tránh. Ngoài vết thẹo dài ra, tất thảy những điểm trên gương mặt ông đều giống hình ba trong ảnh. Đó đúng là ba rồi. Vậy mà mình lại làm ba buồn. Suốt bao nhiêu năm tôi chờ đợi ba, thế mà đến lúc ba đi tôi mới nhận ra ba … Ba ơi … Trời, ba vác ba lô lên vai rồi … Ba đã bắt tay mọi người rồi … Ba nhìn tôi … Ba ơi … Từ trong sâu thẳm, tiếng ba cứ thúc giục tôi nhưng cứ đến miệng là nghẹn đắng. Ba sắp đi rồi. Không biết ba có về không. Không, tôi phải giữ ba lại. Ba nhìn tôi bằng đôi mắt buồn rầu, khe khẽ nói :
– Thôi ! Ba đi nghe con !
Vậy là ba tha thứ cho tôi. Ba vẫn nhận tôi là con. Ba thật hiền, tôi không thể mất ba thêm lần nữa :
– Ba … a … a … ba !
Tôi đã kêu thét lên sau bao nhiêu sự đè nén. Tôi lao đến ôm chặt lấy ba. Tôi khóc :
– Ba ! Không cho ba đi nữa ! Ba ở nhà với con!
Ba bế tôi lên. Vòng tay ba thật ấm. Tôi hôn khắp mặt ba, hôn cả vết thẹo nữa. Cái gì của ba tôi cũng quí. Tôi hôn tất cả như muốn xin lỗi tất cả, nhất là vết thẹo.
– Ba đi rồi ba về với con.
– Không.
Tôi hét lên. Tôi sợ ba khó giữ được lời hứa của mình. Tôi quắp chặt lấy người ba. Má tôi bảo :
– Thu ! Để ba con đi. Thống nhất rồi ba con về.
Bà ngoại dỗ tôi :
– Cháu ngoại giỏi lắm mà ! Cháu để ba cháu đi rồi ba sẽ mua về cho cháu một cây lược.
Tôi biết là tôi không thể giữ ba lại được nữa, liền mếu máo :
– Ba về ! Ba mua cho con một cây lược nghe ba. Nói vậy chứ tôi chẳng cần một cây lược làm gì. Tôi chỉ cần ba mà thôi. Thế rồi ba đi. Trong tâm trí non nớt của một đứa bé tám tuổi,tôi không hề nghĩ đây lại là lần gặp mặt cuối cùng của cha con tôi. Ba tôi đã đi và không bao giờ trở lại…
Tiếp bước cha tôi đi theo con đường cách mạng,tôi đã trở thành cô giao liên dũng cảm,kiên cường. Một lần chặn địch tôi đã gặp được bác Ba. Sau một vài lời làm quen, bác đã nhận ra tôi. Bác run run đưa cho tôi cây lược ngà, bác đã thực hiện lời hứa với ba tôi. Lúc ấy tôi ngạc nhiên và xúc động lắm. Tôi biết ba đã mất nhưng tôi không ngờ ba vẫn giữ lời hứa với tôi – một cây lược. Tôi đón nhận cây lược ngà như đón nhận một kỉ vật. Đó là tấm lòng của ba tôi, là tình phụ tử thiêng liêng. Bác Ba nói dối tôi rằng ba tôi còn sống. Tôi biết bác sợ tôi buồn nên nói vậy. Lòng tôi đau thắt khi nhớ tới ba. Dòng chữ “Yêu nhớ tặng Thu con của ba” được khắc tỉ mỉ, cẩn thận trên sống lược khiến tôi bật khóc. Tôi thương ba, nhớ ba nhiều. Cuộc gặp gỡ với bác Ba chỉ diễn ra trong phút chốc rồi tôi và bác mỗi người lại đi mỗi ngả.
Sau ngày đất nước thống nhất, tôi gặp lại bác Ba. Bác kể cho tôi về ba. Bác bảo ba từ khi làm được cây lược cho tôi, lúc nào cũng lấy ra chải cho cây lược thêm bóng, và cho đỡ nhớ tôi. Trước khi ra đi, ba không nói được gì. Nhưng ánh mắt của ba làm bác Ba hiểu rằng cần phải mang cây lược cho tôi. Trước khi mất, ba vẫn nghĩ đến tôi. Bọn giặc kia có thể giết chết ba nhưng tình thương yêu mà ba dành cho tôi thì không bao giờ chết.
Giờ đây tôi đã khôn lớn,đã trưởng thành không còn là đứa trẻ bướng bỉnh khi xưa nữa mà biết suy nghĩ,biết giúp ích cho đời.Trong tim tôi vẫn tôn thờ hình bóng ba kính yêu và dành một khoảng trống để chất chứa tình yêu thương dạt dào ấy. Tôi không đơn độc,lẻ loi giữa cuộc đời bởi tôi luôn có ba bên cạnh. Nhớ ba, yêu ba, tôi biết mình cần phải sống có ích.