Site icon Lớp Văn Cô Thu

[Học văn 9] Nghệ thuật miêu tả nội tâm trong “Kiều ở lầu Ngưng Bích”

Đề bài:

Có ý kiến cho rằng: “Một trong những phương diện thể hiện tài năng của người nghệ sĩ ngôn từ là am hiểu và miêu tả thành công thế giới nội tâm của nhân vật trong tác phẩm văn học”.

Bằng những kiến thức đã học về đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích (trích Truyện Kiều của Nguyễn Du) em hãy làm sáng tỏ điều đó.

HƯỚNG DẪN LÀM BÀI

  1. Mở bài

Dẫn dắt và nêu vấn đề nghị luận (trích dẫn ý kiến, nêu tên đoạn trích, tên tác phẩm và tác giả).

2. Thân bài

a. Giải thích ý kiến

– Văn học phản ánh cuộc sống bằng hình tượng nghệ thuật, chủ yếu là hình tượng nhân vật trong tác phẩm. Một trong những phương diện thể hiện tài năng của nhà văn – người nghệ sĩ ngôn từ là am hiểu và miêu tả thành công thế giới nội tâm nhân vật.

– Miêu tả nội tâm trong tác phẩm văn học là tái hiện những suy nghĩ, cảm xúc, những băn khoăn trăn trở, những day dứt, suy tư, những nỗi niềm thầm kín và cả diễn biến tâm trạng của nhân vật.

– Đó là biện pháp quan trọng để xây dựng nhân vật, làm cho nhân vật hiện lên sinh động, có hồn hơn. Nhà văn có thể trực tiếp miêu tả nội tâm nhân vật hoặc miêu tả gián tiếp bằng cách miêu tả qua cảnh vật, nét mặt, cử chỉ, trang phục,…  của nhân vật.

b. Chứng minh ý kiến qua đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích

Trước khi bị giam lỏng ở lầu Ngưng Bích với danh nghĩa là để “khóa xuân”, những gì xảy ra với Kiều giống như một cơn ác mộng. Bởi vậy, nàng luôn cảm thấy “bẽ bàng”, tủi hổ. Hơn nữa, ở lầu Ngưng Bích, Kiều luôn cô đơn, lẻ bóng, thui thủi một mình. Đây chính là hoàn cảnh để nhân vật bộc lộ nội tâm một cách rõ nét.

– Tài năng của Nguyễn Du trước hết là để Kiều nhớ Kim Trọng trước nhớ cha mẹ sau rất hợp tâm lí của con người, hợp lô gic tình cảm.

– Cùng là nỗi nhớ nhưng cách nhớ khác nhau với những lí do khác nhau nên cách thể hiện cũng khác nhau. Nỗi nhớ Kim Trọng chủ yếu là liên tưởng, hình dung và tưởng tượng. Nhớ cha mẹ chủ yếu là xót xa, lo lắng, thể hiện trách nhiệm và bổn phận của đạo làm con.

* Miêu tả nội tâm gián tiếp qua cảnh vật thiên nhiên (bút pháp tả cảnh ngụ tình)

– Cảnh thiên nhiên mênh mông hoang vắng và rợn ngợp qua sáu câu đầu thể hiện nỗi buồn và cô đơn của Kiều.

– Cảnh thiên nhiên trong tám câu cuối thực sự là khung cảnh của bi kịch nội tâm. Mỗi cảnh vật thiên nhiên gợi những tâm trạng khác nhau trong lòng Kiều. Bức tranh thiên nhiên cũng là bức tranh tâm trạng.

Qua miêu tả nội tâm nhân vật, Nguyễn Du đã làm toát lên vẻ đẹp của lòng hiếu thảo, thủy chung, ý thức về danh dự phẩm hạnh và thân phận cô đơn, hoảng sợ của Kiều trước một tương lai đầy cạm bẫy.

c. Đánh giá

Thành công trong việc miêu tả nội tâm nhân vật Thúy Kiều đã làm nên sức sống cho hình tượng nhân vật, ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng người đọc về một người con gái tài sắc vẹn toàn, hồng nhan bạc phận trong xã hội phong kiến bất công, tàn bạo. Có lẽ Truyện Kiều sống mãi một phần cũng nhờ vào nghệ thuật miêu tả nội tâm nhân vật sâu sắc của Nguyễn Du. Đó cũng chính là một phương diện để thể hiện tài năng của ông.

3. Kết bài 

Khẳng định lại vấn đề, suy nghĩ của bản thân,…

Exit mobile version