Site icon Lớp Văn Cô Thu

[Học văn 8] Phân tích đoạn trích “Tức nước vỡ bờ”- Kiểu bài chứng minh nhận định

Đề bài:

Có ý kiến cho rằng: “Văn học chẳng những giúp ta nhận ra cái thiện và cái ác, cái đúng và cái sai ở đời, mà còn khơi dậy ở ta những tình cảm thẩm mĩ phong phú, đa dạng”.

Em hãy làm sáng tỏ ý kiến trên qua việc phân tích đoạn trích “Tức nước vỡ bờ” (“Tắt đèn”-Ngô Tất Tố).

HƯỚNG DẪN LÀM BÀI

I. Mở bài

II. Thân bài

  1. Giải thích và bàn luận ý kiến.

+ Văn học chẳng những giúp ta nhận ra cái thiện và cái ác ,cái đúng và cái sai ở đời: văn học đáp ứng nhu cầu hiểu biết của con người, văn học thực sự trở thành “ cuốn sách giáo khoa của cuộc sống”, đồng thời có tác dụng rất lớn trong việc xây dựng nhân cách, giáo dục con người.  Qua các tác phẩm, người đọc hiểu đời, hiểu người thêm và làm phong phú thêm kinh nghiệm sống phong phú của mình.

+ Văn học còn khơi dậy ở ta những tình cảm thấm mĩ phong phú, đa dạng: nhờ có văn học mà đời sống tình cảm của con người ngày càng tinh tế, sâu sắc hơn.  Cái hay, cái đẹp trong văn học tạo ra trong lòng người đọc những rung động thẩm mĩ, tình yêu đối với cái đẹp, thậm chí còn khơi dậy, kích thích năng lực sáng tạo, khám phá của mỗi người.

Như vậy văn chương nghệ thuật luôn giữ gìn và bồi dưỡng chất nhân văn, chất người cho con người, giúp con người hiểu biết mình hơn, thông cảm với người khác, có một cuộc sống phong phú, tinh tế, có ý nghĩa.

=> Văn học nghệ thuật vừa phản ánh hiện thực khách quan, vừa có tác dụng soi sáng, mở rộng sự hiểu biết cho con người.  Văn học đưa ta tới những chân trời hiểu biết mới, giúp ta hiểu hơn về cuộc sống con người ở mọi không gian và thời gian.  Từ đó giúp ta soi chiếu, liên hệ, nhận thức về chính bản thân mình.

  1. Chứng minh qua đoạn trích “Tức nước vỡ bờ” – Ngô Tất Tố.

2.1. Giới thiệu tác giả, văn bản.

– Ngô Tất Tố (1893 – 1954), quê ở làng Lộc Hà, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, nay thuộc Đông Anh -Hà Nội; là một nhà Nho sống ở nông thôn có vốn hiểu biết Hán học khá sâu rộng, ông nổi tiếng trên lĩnh vực báo chí và văn chương trong giai đoạn đầu thế kỉ XX.  “Tắt đèn” là tác phẩm tiêu biểu trong sự nghiệp sáng tác của Ngô Tất Tố và trong trào lưu văn học hiện thực trước Cách mạng tháng Tám 1945.

– “Tức nước vỡ bờ” là chương thứ XVIII trong tổng số 26 chương của “Tắt đèn”.  Qua đoạn trích, tác giả Ngô Tất Tố đã lên án gay gắt cái xã hội thực dân nửa phong kiến tàn ác, dã man; bày tỏ một sự cảm thông sâu sắc chân thành với số phận cùng quẫn, bi thương của người nông dần đồng thời đề cao, ca ngợi những nhân phẩm cao quý của họ.

2.2. Chứng minh.

Luận điếm 1: Bức tranh hiện thực xã hội và số phận người nông dân trong xã hội cũ giúp ta “nhận ra cái thiện và cái ác, cái đúng và cái sai ở đời”.

* Nỗi khổ cực của gia đình chị Dậu:

– Vì sưu thuế, chị Dậu đã trở thành trụ cột bất đắc dĩ của cái gia đình đang quẫn bách khốn khổ.  Chồng bị đánh đập, gông cùm.  Trong nhà không còn lấy một hạt gạo.  Một tay chị chèo chống, chạy vạy, phải bán tất cả những gì có thổ bán được, kể cả đứa con gái đầu lòng ngoan ngoãn, hiếu thảo mà chị thương đứt ruột để lấy tiền nộp sưu, cứu chồng khỏi vòng tù tội.

+ Chị đã phải đổ bao mồ hôi nước mắt để anh Dậu được trả tự do trong tình trạng tưởng như chỉ còn là một cái xác không hồn.  Giữa lúc anh Dậu  vừa bưng bát cháo kề vào miệng thì cai lệ và người nhà lí trưởng đã sầm sập sấn vào với những roi song, tay thươc và dây thừng, hò hét bắt anh phải nộp tiền sưu.  Quá khiếp đảm, anh Dậu đã lăn đùng ra không nói được câu gì, chỉ còn chị Dậu một mình đối phó với lũ ác nhân.

– Cho dù chị hết sức van xin, nói lí bọn tay sai vẫn nhất quyết đòi bắt trói anh Dậu; Chẳng những thế, chị còn bị chúng “bịch luôn mấy bịch” vào ngực đến mức không chịu nổi phải vùng dậy phản kháng, đánh ngã Cai lệ và người nhà lí trưởng, cho dù chị biết kết cục của hành động đó là “phải tù phải tội”.

* Sự tàn ác của chế độ thực dân nửa phong kiến:

Chế độ thực dân nửa phong kiến hiện lên trong “Tức nước vỡ bờ” một cách tàn ác bất nhân, luôn chà đạp lên số phận của người nông dân, coi mạng người như cỏ rác, chúng ra sức bóc lột người dân xô đẩy người nông dân tới cảnh đường cùng.  Đại diện cho chế độ đó không ai khác, chính là nhân vật cai lệ:

– Ngay ở đầu đoạn trích, hắn xuất hiện là cùng với roi da, tay thước, dây thừng và “thét bằng giọng khàn khàn của người hút nhiều xái cũ”.  Anh Dậu mới từ hôm qua về còn đang ốm nặng nằm liệt dường hắn cũng trông thấy mà còn thét lớn bắt anh nộp tiền hết sưu hết sức vô nhân đạo.  Khi chị Dậu run run xin cho chồng, cai lệ lại càng phách lối vô cảm khi chị chưa nói hết câu đã trợn ngược hai mắt mà quát lớn bằng từ ngữ vô cùng tục tĩu, xúc phạm: “- Mày định nói cho cha mày nghe đấy à? Sưu của nhà nước mà mở mồm xin khất!”.

– Cai lệ chỉ là một tên tay sai của lí trưởng nhưng cũng chính là một chức quan nhỏ, là đại diện của pháp luật, của nhà nước, vậy mà hắn xuất hiện với tất cả sự cô lương, vô văn hóa, thô lỗ,…và hắn còn là một con người tàn bạo khi hắn “ bịch luôn vào ngực chị Dậu mấy bịch rồi sấn sổ trong tư thế bạo tàn đến để trói anh Dậu trong khi anh còn đang ốm liệt giường. Chân dung cai lệ hiện lên thạt tàn bạo, xấu xa, độc ác y như một tên bạo chúa đáng ghê tởm.

– Khi hắn không nể tình anh Dậu bị ốm vẫn nhảy vào cạnh anh để trói mang đi thì chị Dậu đã không thể nhịn được, chị đã ấn dúi hắn ra cửa, hắn “ngã chỏng quèo trên mặt đất, miệng vẫn nham nhảm thét trói vợ chồng kẻ thiếu sưu”.  Những từ ngữ như “lẻo khoẻo”. “ngã chỏng quèo” đã phần nào giúp ta hình dung về chân dung méo mó đê tiện của cai lệ trong trận đấu với chị Dậu.

– Cai lệ rõ ràng là một tên yếu đuối, chỉ dám phách lối nhờ quyền hạn để đàn áp người dân còn bên trong thực chất chẳng có gì.  Đây cũng chính là chân dung méo mó của gần như tất cả những quan sai bóc lột nói chung.  Tất cả chúng đều tàn bạo, vô lương, phác lối, vô văn hóa nhưng lại vô cùng hèn kém và đáng khinh khi.

=> Bằng ngòi bút hiện thực sinh động, Ngô Tất Tố đã cho chúng ta thấy được nỗi cơ cực của người dân lương thiện sống trong cảnh áp bức, lầm than một cổ hai tròng, cũng giúp chúng ta thấy được bộ mặt bất nhân, tàn bạo của chế độ đương thời.  Ta thông cảm với hoàn cảnh của gia đình chị Dậu bao nhiêu, lại càng căm phẫn với chế độ đương thời bấy nhiêu.  Rõ ràng, qua những trang viết của mình, nhà văn đã giúp người đọc “thấy được cái thiện và cái ác, cái đúng và cái sai ở đời”.

Luận điểm 2: “Tức nước vỡ bờ” ca ngợi những vẻ đẹp tiềm ẩn của người nông dân, người phụ nữ, giúp ta thêm trân trọng, tin yêu cuộc sống.

* Vẻ đẹp của nhân vật bà cụ hàng xóm:

Bà cụ hàng xóm chỉ xuất hiện trong chốc lát, nhưng đủ để giúp người đọc nhận ra vẻ đẹp của người nông dân trong xã hội cũ:

+ Nghe tin anh Dậu đã về nhà, bà lão lật đật chạy sang hỏi thăm sức khoẻ, đó là biểu hiện của sự quan tâm chân thành của những người hàng xóm láng giềng.

+ Biết nhà chị Dậu đã hết gạo, cụ đã mang sang nắm gạo để chị Dậu nấu cháo cho chồng.  Tinh thần nhường cơm sẻ áo đó là nét đẹp trong truyền thống của dân tộc ta.

+ Lo lắng cho sức khoẻ anh Dậu, bà cụ đã bày tỏ sự lo lắng, an ủi chị Dậu.  Cả khi ra về, cụ cũng “trở về với vẻ mặt băn khoăn”.

Có thể thấy được tình nghĩa xóm làng thân thiết, sự quan tâm, thương yêu nhau chân thành từ lời nói, hành động của bà cụ.

* Vẻ đẹp của nhân vật chị Dậu:

– Chị là người yêu chồng, thương con tha thiết:

+ Anh Dậu vừa được thả về, chị Dậu được bà cụ hàng xóm cho ít gạo, chị nấu cháo cho cả nhà ăn.

+ Cháo nguội chị mang đến một bát lớn đến chỗ chồng, dùng những lời lẽ thật dịu dàng động viên anh Dậu: “Thầy em hãy cố ngồi dậy húp hít cháo cho đỡ xót ruột” rồi cố nán lại xem chồng ăn có ngon miệng hay không.  Rõ ràng chị đã tận tụy, hết lòng chăm sóc chồng.

+ Chị sẵn sàng van xin, cãi lí và thậm chí vùng lên đánh nhau với Cai lệ và người nhà lí trưởng để bảo vệ chồng.

Tất cả việc làm của chị xuất phát từ lòng yêu thương chân thành sâu sắc của người vợ.

– Chị Dậu còn là một người có sức phản kháng và sức sống tiềm tàng mãnh liệt:

+ Khi anh Dậu đang run rẩy bê bát cháo lên thì bọn cai lệ và người nhà lí trưởng đã rầm rập tiến vào với những roi song, tay thước, dây thừng.  Chúng chưa hành hung nhưng mồm vẫn còn chửi bới mỉa mai.  Đối phó với hoàn cảnh bất ngờ đó, thái độ ban đầu của chị Dậu hoàn toàn bị động, chị run run van xin đến thiết tha nài nỉ: “Khốn nạn nhà cháu đã không có, dẫu ông có chửi mắng cũng thế thôi, xin ông trông lại”.  Chị đã hạ mình nhẫn nhục khi xưng hô ông – cháu để bảo vệ tính mạng của chồng.

– Chị Dậu còn là một người có sức phản kháng và sức sống tiềm tàng mãnh liệt:

+ Khi anh Dậu đang run rẩy bê bát cháo lên thì bọn cai lệ và người nhà lí trưởng đã rầm rập tiến vào với những roi song, tay thước, dây thừng.  Chúng chưa hành hung nhưng mồm vẫn còn chửi bới mỉa mai.  Đối phó với hoàn cảnh bất ngờ đó, thái độ ban đầu của chị Dậu hoàn toàn bị động, chị run run van xin đến thiết tha nài nỉ: “Khốn nạn nhà cháu đã không có, dẫu ông có chửi mắng cũng thế thôi, xin ông trông lại”.  Chị đã hạ mình nhẫn nhục khi xưng hô ông – cháu để bảo vệ tính mạng của chồng.

+ Nhưng chúng nào có nghe, bọn tay sai vẫn hung hăng xông tới.  Bọn chúng giật phắt dậy thừng, đùng đùng chạy sầm sập đến chỗ anh Dậu.  Đến giờ phút này, chị đã chủ động đấu tranh chống lại kẻ thù.  Tinh thần phản kháng biểụ hiện ở thái độ và hành động.  Chị xám mặt lại và cách xưng hô cũng thay đổi.  Lần cuối, chị không gọi chúng bằng ông và xưng con, cháu nữa, mà là mày với bà, chị đã tự đặt minh trên kẻ thù và giành thế chủ động: “Mày trói ngay chồng bà đi, bà cho mày xem”.  Hành động của chị quyết liệt và nhanh như cắt chị nắm ngay gậy của hắn, túm tóc lẳng cho một cái ngã nhào ra thềm.  Câu nói đầy vẻ thách thức cùng với hành động quyết liệt cho thấy sự dũng cảm, tinh thần đấu tranh quyết liệt của chị.

+ Câu nói đầy khí phách của chị Dậu “Thà ngồi tù chứ đề cho bọn chúng làm tĩnh làm tội mãi thế tôi không chịu được” biểu hiện mãnh liệt sức phản kháng, lòng căm thù giai cấp chất chứa từ lâu.  Bao nhiêu nỗi tủi nhục bấy lâu chị cam chịu, giờ đây không dằn được nữa, nhất là chúng đã cố tình hành hạ anh Dậu.  Chị đã lấy thân che chờ cho chồng mà cũng không yên, cuối cùng chị đã vùng lên đấu tranh chống lại áp bức với một sức mạnh quật khởi của lòng căm thù.

-> Nhà văn đã xây dựng một nhân vật chị Dậu điển hình, là tượng trưng cho tất cả những người phụ nữ nông dân với những phẩm chất cao đẹp, đáng quý.  Giúp người đọc không chỉ thấy yêu quý trân trọng chị Dậu mà còn yêu quý, trân trọng vẻ đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam với sự đảm đang, bất khuất.

  1. Đánh giá, mở rộng:

– Đoạn trích “Tức nước vỡ bờ” thành công ở nghệ thuật xây dựng truyện.  Tình huống truyện giàu kịch tính, được đẩy lên cao trào.  Chính những xung đột mâu thuẫn đã làm cho tính cách mỗi nhân vật được bộc lộ.  Đoạn trích cũng rất thành công ở nghệ thuật xây dựng nhân vật đặc sắc, ngôn ngữ truyện giàu chất hiện thực, giản dị, dễ hiểu, mang hơi thở thời đại.

Đoạn trích là minh chứng rõ ràng cho ý kiến “Văn học chẳng những giúp ta nhận ra cái thiện và cái ác, cái đúng và cái sai ở đời, mà còn khơi dậy ở ta những tình cảm thẩm mĩ phong phú, đa dạng”.  Bởi lẽ tác giả đã cho thấy cuộc sống của người dân dưới chế độ thực dân nửa phong kiến.  Lên án những kẻ cầm quyền độc ác, nhẫn tâm đàn áp, áp bức nhân dân đến bước đường cùng.  Đằng sau đó còn là thái độ yêu thương, cảm thông cho những số phận bất hạnh và trân trọng ngợi ca vẻ đẹp phẩm chất của người nông dân.  Từ đó, chứng ta biết trân trọng, tin yêu hơn vẻ đẹp của người phụ nữ nông dân nói riêng, tin yêu những điều tốt đẹp trong cuộc sống nói chung.

III. Kết bài : Khẳng định lại vấn đề nghị luận

Exit mobile version