[Học văn 8] Cảm nghĩ của em về nhân vật ông giáo trong truyện “Lão Hạc”
– Đọc truyện “Lão Hạc” ta bắt gặp bao con người, bao số phận, bao mảnh đời đáng thương, bao tấm lòng đáng trọng. Giữa bóng tối cuộc đời cùng quẫn sau luỹ tre làng, ta vẫn tìm thấy ít nhiều ánh sáng tâm hồn nhân hậu, chứa chan yêu thương. Bên cạnh lão Hạc, nhân vật ông giáo để lại bao ấn tượng dối với mỗi chúng ta về người trí thức nghèo trong xã hội.
– Không rõ tên họ là gì. Hai tiếng “ông giáo” đã khẳng định vị thế con người giữa làng quê trước năm 1945 “nhièu chữ nghĩa, nhiều lí luận, người ta kiêng nể”. Hai tiếng “ông giáo” từ miệng lão Hạc nói ra lúc nào cũng đượm vẻ thân tình, cung kính, trọng vọng: “Cậu Vàng đi đời rồi ông giáo ạ!”; “Vâng ông giáo dạy phải…”
– Con người “nhiều chữ nghĩa” ấy lại nghèo. (Sau một trận ốm nặng ở Sài Gòn về quần áo bán gần hết, chỉ còn một va li sách. Nếu lão Hạc quí cậu Vàng bao nhiêu thì ông giáo quí những quyển sách của mình bấy nhiêu. Cái nghèo cứ đeo đẳng mãi. “Đời người ta không chỉ khổ một lần”. Quí sách là vậy mà ông giáo cứ phải bán sách dần đi, cuối cùng chỉ còn lại 5 quyển với lời nguyền: “dù có phải chết cũng không bán”. Thế rồi, như một kẻ cùng đường phải bán máu. Đứa con thơ bị chứng kiết lị gần kiệt sức, ông giáo phải bán nốt đi 5 quyển sách, gia tài cuối cùng của người trí thức nghèo “Lão Hạc ơi! Ta có quyền giữ cho ta một tí gì đâu?” . Lời than ấy cất lên nghe thật não nuột, thể hiện một nhân cách đẹp trước sự khốn cùng: biết sống, dám hi sinh vì cuộc sống!
– Ông giáo là người có trái tim nhân hậu đáng quí. Ông là chỗ dựa tinh thần, là niềm an ủi, tin cậy của lão Hạc. Ông giáo là nơi để lão Hạc san sẻ bao nỗi đau, nỗi buồn. Nhờ đọc hộ một lá thư, nhờ viết hộ một lá thư cho đứa con trai đi phu đồn điền. Tâm sự về mảnh vườn và chuyện đứa con trai “phẫn chi” không lấy được vợ. San sẻ nỗi đau buồn sau khi bán cậu Vàng cho thằng Mục, thằng Xiên… Có lúc là điếu thuốc lào, một bát nước chè xanh, một củ khoai lang… Ông giáo đã đồng cảm, chia sẻ với lão Hạc với tất cả tình người.
– Ông giáo còn ngấm ngầm giúp đỡ lão Hạc khi biết lão Hạc đã nhiều ngày ăn rau, ăn khoai, ăn củ ráy… Trong lúc đàn con của ông giáo cũng đang đói, cái nghĩa cử “lá lành đùm lá rách” ấy mới cao đẹp biết bao!
– Ông giáo nghèo mà đức độ, là người để lão Hạc “chọn mặt gửi vàng”. Trước khi tìm đến với cái chết lão Hạc đã tin cậy nhờ vả ông giáo: trông nom mảnh vườn cho con trai, cầm giúp 30 đồng bạc để phòng khi lão chết “gọi là của lão có tí chút…”
– Trước cái chết dữ dội của lão Hạc, ông giáo xót xa, khẽ cất lời than trước vong linh người láng giềng hiền lành, tội nghiệp: “Lão Hạc ơi! Lão Hạc ơi! Lão hãy yên lòng mà nhắm mắt! Lão đừng lo gì cho cái vườn của lão. Tôi sẽ cố giữ gìn cho lão. Đến khi con trai lão về, tôi sẽ trao lại cho hắn và bảo hắn: Đây là cái vườn mà ông cụ thân sinh ra anh đã cố để lại cho anh trọn vẹn, cụ thà chết chứ không chịu bán đi một sào…”. Lời hứa của ông giáo và những giọt lệ xót xa của ông chứng tỏ một nhân cách cao đẹp, đáng trọng.
Có thể coi hình tượng ông giáo chính là dáng dấp hình bóng của nhà văn Nam Cao . Nhân vật ông giáo là chiếc gương soi sáng cuộc đời và tâm hồn lão Hạc, đã góp phần tô đậm giá trị nhân đạo của truyện ngắn đặc sắc này.