Site icon Lớp Văn Cô Thu

[HỌC VĂN 7] Chứng minh nhân dân ta luôn sống theo đạo lí “Uống nước nhớ nguồn”

Chứng minh nhân dân ta từ xưa đến nay luôn luôn sống theo đạo lí “    “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây – Uống nước nhớ nguồn”.

            Lòng  biết ơn là một đạo lý tốt đẹp của dân tộc ta hàng ngàn đời nay. Ông cha ta đã luôn nhắc nhở, dạy bảo con cháu phải sống ân nghĩa thủy chung, ghi nhớ công lao của người đã tạo ra thành quả để ta hưởng thụ. Truyền thống đó đã được thể hiện rõ nét qua câu tục ngữ: “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây – Uống nước nhớ nguồn”.

Thật vậy, câu tục ngữ đã cho ta một lời giáo huấn vô cùng sâu sắc. Khi ta ăn những trái cây chín mọng với hương vị ngọt ngào, ta phải nhớ tới công lao vun xới, chăm bón của người trồng. Khi ta uống ngụm nước mát trong thì ta phải nhớ tới người đã khơi nguồn, đào giếng. Từ hình ảnh ấy, người xưa luôn nhắc ta một vấn đề đạo đức sâu xa:  trân trọng, biết ơn những người đi trước tạo ra những thành quả tốt đẹp mà ta đang được hưởng thụ.

Tại sao như vậy? Bởi vì tất cả thành quả lao động từ vật chất đến tinh thần mà chúng ta thụ hưởng không phải tự nhiên mà có được. Bộ quần áo chúng ta mặc phải nhờ bàn tay lao động của người trồng dâu, kéo sợi, dệt vải. Tay ta bưng bát cơm đầy là  nhờ công lao của người nông dân dãi nắng dầm mưa trên ruộng đồng hôm sớm. Chúng ta được sống trong hòa bình hôm nay là nhờ biết bao chiến sĩ không tiếc máu xương mình cho nền độc lập tự do của Tổ quốc. Lòng biết ơn là một truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Từ xưa ,dân tộc Việt Nam đã luôn nhớ đến cội nguồn, luôn luôn biết ơn những người đã cho mình được hưởng thành quả, những niềm hạnh phúc, vui sướng trong cuộc sống. Trong phạm vi gia đình, người dân Việt Nam từ lâu đã có truyền thống lập bàn thờ cúng tổ tiên vào dịp lễ tết để ghi nhớ công ơn những người đã khuất; rất nhiều câu ca dao, tục ngữ dân gian là những bài học đạo đức về truyền thống tốt đẹp này ví như:

“Mùng một  tết cha, mùng hai tết mẹ, mùng ba tết thầy”

hay

“ Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Một lòng thờ mẹ kính cha

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.”

 

Ở phạm vi làng, xã và cả tầm quốc gia , nhân dân ta có tục thờ cúng Thành hoàng làng – những người có công với làng, xã.  Xây dựng các đền thờ tưởng niệm, ghi nhớ công ơn những anh hùng đã hi sinh để bảo vệ đất nước: đền thờ Bà Trưng, Bà Triệu, Lê Lợi, tượng đài Lý Thái Tổ, … Dù có đi đâu, về đâu, con cháu  đất Việt  vẫn luôn cúi đầu nhớ ngày giỗ Tổ Hùng Vương:

Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày giỗ tổ mùng mười tháng ba

Dùa ai buôn bán gần xa

Nhớ ngày giỗ tổ tháng ba mồng mười.”

Cho đến nay, đạo lí ấy vẫn được những con người Việt Nam của thời hiện đại tiếp tục phát huy.  Các hoạt động như đền ơn đáp nghĩa, xây dựng nhà tình thương, chăm sóc mẹ Việt Nam anh hùng, các gia đình thương binh liệt sĩ, đặt tên những anh hùng ngã xuống để bảo vệ đất nước cho phố, trường đều là những hình ảnh tiêu biểu nhất cho điều này. Hàng năm các cấp ủy Đảng, Chính Phủ luôn tổ chức lễ tưởng niệm ngày thương binh liệt sĩ 27-7 để tưởng nhớ công ơn những người anh hùng đã cống hiến đời mình vì nền hòa bình, đôc lập của đất nước. Các trường học đều tổ chức ngày lễ hiến chương các nhà giáo để các thế hệ học sinh bày tỏ lòng biết ơn đến các thầy cô giáo- những người ngày đêm miệt mài chèo lái con thuyền tri thức.  Việc đền ơn đáp nghĩa này đã trở thành một bài học giáo dục thiết thực về đạo lý làm người.

Tóm lại, hai câu tục ngữ trên giúp chúng ta  hiểu rõ đạo lý làm người. Lòng biết ơn là tình cảm cao quý và cần phải có trong mỗi người. Vì vậy, học sinh chúng ta phải luôn trau dồi phẩm chất cao quý đó, nhất là đối với cha mẹ, thầy cô, với những người đã tạo nên thành quả cho ta hưởng thụ. Câu tục ngữ có giá trị và tác dụng vô cùng to lớn trong việc giáo dục nhân cách, tâm hồn mỗi người.

Exit mobile version