Site icon Lớp Văn Cô Thu

[Học văn 6] Ôn tập văn bản: Con hổ có nghĩa

TRẮC NGHIỆM

Đọc kĩ truyện dưới đây, sau đó trả lời các câu hỏi trắc nghiệm bằng cách khoanh tròn vào chữ cái đầu tiên của mỗi câu trả lời đúng.

Bà đỡ Trần là người huyện Đông Triều. Một đem nọ nghe tiếng gõ cửa, bà mở cửa nhìn thì chẳng thấy ai, một lát, có con hổ chợt lao tơi cõng bà đi. Ban đầu, bà sợ đến chết khiếp, khi tỉnh, thấy hổ dùng một chân ôm lấy bà chạy như bay, hễ gặp bụi rậm, gai góc thì dùng chân trước rẽ lối chạy vào rừng sâu. Tới nơi, hổ thả bà xuống. Thấy một con hổ cái đang lăn lộn, cào đất, bà cho là hổ định ăn thịt mình, run sợ không dám nhúc nhích. Lúc sau hổ đực cầm tay bà nhìn hổ cái, nhỏ nước mắt. Bà nhìn kĩ bụng hổ cái như có cái gì động đậy, biết ngay là hổ sắp đẻ. Sẵn có thuốc mang theo trong túi, bà liền hòa với nước suối cho uống, lại xoa bóp bụng hổ. Lát sau, hổ đẻ được. Hổ đực mừng rỡ đùa giỡn với con, còn hổ cái thì nằm phục xuống, dáng mỏi mệt lắm. Rồi hổ đực quỳ xuống bên một gốc cây, lấy chân đào lên một cục bạc. Bà đỡ biết hổ tặng mình, cầm lấy. Hổ đực đứng dậy đi, quay nhìn bà, bà theo hổ ra khỏi rừng. Được mấy bước, trời sắp sáng, bà giơ tay nói: “Xin chúa rừng quay về”. Hổ cúi đầu vẫy đuôi, làm ra vẻ tiễn biệt. Bà đi khá xa, hổ liền gầm lên một tiếng rồi bỏ đi. Bà về đến nhà, cân bạc được hơn mười lạng. Năm ấy mất mùa, đói kém, nhờ có số bạc ấy bà mới sống qua được.

Người kiếm củi tên Mỗ ở huyện Lạng Giang, đang bổ củi ở sườn núi, thấy dưới thung lũng phía xa, cỏ cây lay động không ngớt mới vác búa đến xem, thấy một con hổ trán trắng, cúi đầu đào bới đất, nhảy lên, vật xuống, thỉnh thoảng lấy chân móc họng, mở miệng nhe cái răng, máu me, nhớt dãi trào ra. Nhìn kĩ miệng hổ thấy có khúc xương mắc ngang họng, bàn chân hổ thì to, càng móc, khúc xương càng vào sâu. Bác tiều uống rượu say, mạnh bạo trèo lên cây kêu lên: “Cổ họng ngươi đau phải không, đừng cắn ta, ta sẽ lấy xương ra cho”. Hổ nghe thấy, nằm phục xuống, há miệng nhìn bác tiều ra dáng cầu cứu. Bác tiều trèo xuống lấy tay thò vào cổ họng hổ, lấy ra một chiếc xương bò, to như cánh tay. Hổ liếm mép, nhìn bác tiều phu rồi bỏ đi. Bac tiều nói to: “Nhà ta ở thôn Mỗ, hễ được miếng gì lạ thì nhớ nhau nhé”. Sau đó, bác tiều ra về. Một đêm nọ, nghe cửa ngoài có tiếng gầm dài mà sắc. Sớm hôm sau, có một con nai chết ở đó. Hơn mười năm sau, bác tiều già rồi chết. Khi chôn cất, hổ bỗng nhiên đến trước mộ nhảy nhót. Những người đưa đám bỏ chạy cả. Từ xa, nhìn thấy hổ dùng đầu dụi vào quan tài, gầm lên, chạy quanh quan tài vài vòng rồi đi. Từ đó về sau, mỗi dịp ngày giỗ bác tiều, hổ lại đưa dê hoặc lợn đến để ở ngoài cửa nhà bác tiều.

  1. Truyện Con hổ có nghĩa thuộc thể loại:

A. Truyện cổ tích dân gian Việt Nam.

B. Truyện Trung đại Việt Nam.

C. Truyện cười dân gian Việt Nam.

D. Truyện ngụ ngôn.

2. Trong truyện Con hổ có nghĩa, tại sao con hổ lại cõng bà đỡ Trần đi?

A. Vì con hổ muốn ăn thịt bà đỡ Trần.

B. Vì con hổ muốn bà đỡ Trần vào rừng sâu sinh sống.

C. Vì có một người ở trong rừng cần sự giúp đỡ của bà đỡ Trần.

D. Vì con hổ muốn bà đỡ Trần đỡ đẻ giúp cho vợ nó.

3. Sau đó con hổ đã trả nghĩa bà đỡ Trần như thế nào?

A. Hổ đực đào lên từ gốc cây một thỏi bạc và tặng bà đỡ.

B. Hai vợ chồng hổ thường mang tặng bà đỡ một vài con nai.

C. Hổ đực dẫn bà đỡ ra khỏi rừng.

D. Hổ đực tặng bà đỡ một thùng vàng to.

4. Vật con hổ tặng đã giúp được gì cho bà đỡ?

A. Chữa khỏi bệnh cho con bà đỡ.

B. Giúp bà sắm một số vật dụng trong nhà.

C. Giúp bà cầm cự qua một năm mất mùa, đói kém.

D. Giúp bà làm nghề tốt hơn.

5. Truyện Con hổ có nghĩa là loại truyện:

A. Có thật.

B. Vừa có thật, vừa hư cấu.

C. Hư cấu.

D. Miêu tả.

6. Truyện Con hổ có nghĩa đã:

A. Mượn chuyện loài vật để nói chuyện con người.

B. Mượn chuyện con người để nói chuyện con người.

C. Mượn chuyện loài vật để nói chuyện loài vật.

D. Mượn chuyện con người để nói chuyện loài vật.

7. Truyện Con hổ có nghĩa có mấy phần?

A. Một phần.

B. Hai phần.

C. Ba phần.

D. Bốn phần.

8. Ý nghĩa của truyện Con hổ có nghĩa là gì?

A. Đề cao tính thông minh của loài vật.

B. Đề cao tình cảm gia đình, tình yêu quê hương, đất nước.

C. Đề cao ân nghĩa, trọng đạo làm người.

D. Khuyên con người phải biết quý trọng và thương yêu loài vật.

9. Trong truyện, khi được bác tiều phu cứu sống, con hổ trắng đã tạ ơn bác bằng cách nào?

A. Con hổ chỉ cho bác tiều phu những nơi nhiều củi.

B. Hổ đem dê lợn đến để ngoài cửa nhà bác tiều.

C. Con hổ tặng cho bác tiều phu một thỏi bạc trắng.

D. Con hổ tặng cho bác tiều phu một con nai.

10. Truyện Con hổ có nghĩa khuyên chúng ta điều gì?

A. Sống phải biết yêu thương và quan tâm lẫn nhau.

B. Trong cuộc sống cần đề cao ân nghĩa, coi trọng đạo làm người.

C. Biết quý trọng những ai đã có công sinh thành và nuôi dưỡng mình.

D. Phải biết ơn thầy cô, cha mẹ, ông bà;

II. TỰ LUẬN

Thệ nào là Truyện trung đại? Nội dung của truyện Con hổ có nghĩa.

Gợi ý trả lời:

Thời kì từ thế kỉ X cho đến cuối thế kỉ XIX trong lịch sử Việt Nam được xem là thời trung đại. Thời kì này văn xuôi chữ Hán ra đời với nội dung phong phú và thường mang tính chất giáo huấn, có cách viết không giống với các thể loại truyện hiện đại. Để phân biệt, người ta gọi là truyện trung đại. Đây là loại truyện vừa mang tính chất hư cấu (tưởng tượng nghệ thuật), vừa có truyện gần với kí (ghi chép sự việc), cũng có truyện mang tính chất lịch sử (ghi chép chuyện thật). Cốt truyện hầu hết còn đơn giản, nhân vật được khắc họa trực tiếp qua ngôn ngữ người kể chuyện, qua hành động và ngôn ngữ đối thoại của nhân vật. Trong chương trình Ngữ văn 6, chúng ta sẽ làm quen với hai truyện thuộc thể loại này là truyện Con hổ có nghĩa và Thầy thuốc giỏi cốt nhất ở tấm lòng. Riêng truyện Mẹ hiền dạy con ra đời ở Trung Quốc cũng được xếp vào thể loại này vì có cách viết tương tự.

Truyện con hổ có nghĩa gồm hai câu chuyện kể về hai tình huống khác nhau nhưng có chung một nội dung.

Chuyện thứ nhất kể về việc bà đỡ Trần giúp hổ cái hạ sinh một hổ con và được trả ơn bằng cục bạc. Nhờ cục bạc đó mà bà sống được qua một năm mất mùa, đói kém.

Chuyện thứ hai kể về bác tiều ở huyện Lạng Giang giúp con hổ lấy khúc xương trong miệng. Để tạ ơn, hổ biếu bác một con nai. Sau đó, hổ còn viếng khi bác tiều mất và đến ngày giỗ của bác, hổ còn mang dê và lợn đến cúng.

Cả hai chuyện đều sử dụng biện pháp nhân hóa, mượn câu chuyện của loài hổ để nói chuyện người nhằm đề cao ân nghĩa và tình người trong cuộc sống.

 

Exit mobile version