PHẦN I. TÌM HIỂU CHUNG
- Hoàn cảnh sáng tác.
Sau hàng nghìn năm sống dưới chế độ quân chủ, hàng trăm năm sống dưới chế độ thực dân, năm năm sống dưới chế độ Phát Xít, mùa thu năm 1945 nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng Cộng Sản đã làm cuộc tổng khởi khĩa tháng 8 thắng lợi, nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời. Tuy nhiên chính quyền non trẻ của chúng ta đang bị âm mưu quay trở lại xâm lược lần hai của thực dân Pháp. Quay trở lại xâm lược nước ta lần này, thực dân Pháp dùng chiêu bài lừa bịp công luận Quốc tế. Một là, chúng có công bảo hộ, khai hoá văn minh nước Việt Nam ngót một thế kỉ qua. Hai là, trong cuộc chiến tranh thế giới lần thứ II, thực dân Pháp đã đứng về quân Đồng Minh Liên Xô để chống lại Phát Xít Nhật trên chiến trường Đông Dương. Vì vậy thực dân Pháp có quyền quay trở lại thu hồi mảnh đất Việt Nam – một mảnh đất đã từng nằm trong tay Phát Xít.
Đứng trước tình hình ấy, ngày 13/8/1945 Nhật đầu hàng quân Đồng Minh Liên Xô vô điều kiện cũng là ngày Đảng ta chớp thời cơ ngàn năm có một làm cuộc tổng khởi nghĩa tháng Tám thắng lợi. Ngày 19/8/1945, Chính quyền về tay nhân dân Hà Nội. 26/8/1945, ta giải phóng Huế Sài Gòn và đây cũng là ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bản “Tuyên ngôn độc lập” tại số nhà 48 Hàng Ngang, Hà Nội, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Với tác phẩm Tuyên ngôn độc lập, HCM một mặt tuyên bố quyền độc lập trước toàn thể nhân dân Việt Nam và công luận Quốc tế, đồng thời xé toang hai chiêu bài của thực dân Pháp trên trường Quốc tế. Bản tuyên ngôn đã được Bác đọc tại quảng trường Ba Đình lịch sử 2/9/1945 trước hơn 50 vạn đồng bào cả nước với một xúc cảm đặc biệt. Giọng của người là giọng của non sông thấm vào con tim khối óc của mỗi con người Việt Nam. Tố Hữu trong bài thơ “Sáng tháng Năm” đã ghi lại xúc cảm khi nghe người đọc bản tuyên ngôn :
“Giọng của người đâu phải sấm trên cao,
Ấm từng tiếng thấm vào lòng mong ước,
Con nghe Bác tưởng nghe lời non nước,
Tiếng ngày xưa và cả tiếng mai sau.”
- Giá trị của bản tuyên ngôn.
Nếu đứng từ góc độ pháp lí, “Tuyên ngôn độc lập” là văn kiện pháp lí đầu tiên khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hoà trên trường Quốc tế. Đồng thời, nó còn được xem như một văn bản pháp luật quốc tế nhằm tuyên bố thoát li mọi sự lệ thuộc của Việt Nam với thực dân Pháp và xóa bỏ tất cả những hiệp ước Pháp đã kí về Việt Nam. Còn đứng từ góc độ ngoại giao thì đây là văn bản đầu tiên đặt nền móng quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với các nước trên thế giới. Tuy nhiên nếu ta nhìn bản tuyên ngôn dưới chiều dài lịch sử của dân tộc Việt Nam thì đây có thể coi là bản tuyên ngôn lần thứ ba của dân tộc. Bản tuyên ngôn đầu tiên là bài thơ thần“Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt :
“Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.”
Bản tuyên ngôn lần thứ hai của dân tộc ta là “Đại cáo bình Ngô” của Nguyễn Trãi với lời khẳng định:
“Như nước Đại Việt ta từ trước,
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu :
Núi sông, bờ cõi đã chia,
Phong tục Bắc, Nam cũng khác.”
“Tuyên ngôn độc lập” của Hồ Chí Minh kế thừa tinh thần yêu nước và cảm hứng nhân văn của hai bản tuyên ngôn trên. Đồng thời mở ra một kỉ nguyên mới là kỉ nguyên độc lập dân tộc của một dân tộc thuộc địa như Việt Nam lần đầu tiên vùng dậy chặt đứt mọi xiềng xích của thực dân giành quyền giải phóng cho mình. Nói như Nguyễn Đình Thi trong bài thơ “Đất nước”.
“Xiềng xích chúng bay không khóa được
Trời đầy chim và đất đầy hoa
Súng đạn chúng bay không bắn được
Lòng dân ta yêu nước thương nhà”
Đó là một dân tộc lầm than, một dân tộc mà cũng chính Nguyễn Đình Thi viết
“Nước VN từ máu lửa
Rũ bùn đứng dậy sáng loà”
Tuy nhiên, đứng từ góc độ văn chương nghệ thuật để thẩm thấu thì “Tuyên ngôn độc lập” là đỉnh cao của văn chương chính luận nước nhà đạt đến trình độ mẫu mực cả về nội dung và nghệ thuật.
- Nguồn cảm hứng.
Khi viết TNĐL, Bác viết dưới hai nguồn cảm hứng chính do là cảm hứng yêu nước và cảm hứng nhân văn. Cảm hứng yêu nước là tiếng nói của một nhà ái quốc vĩ đại đã hi sinh cả cuộc đời mình để đi tìm hình hài của Tổ quốc. Cảm hứng ấy như một sợi chỉ đỏ xuyên suốt 3 phần của bản tuyên ngôn.
- Ý nghĩa lịch sử.
TNĐL là một văn kiện có giá trị lịch sử to lớn: tuyên bố chấm dứt chế độ thực dân, phong kiến ở nước ta và mở ra một kỉ nguyên mới cho đất nước: kỉ nguyên của Độc lập, Tự do và Chủ nghĩa xã hội. TNĐL là một bài văn chính luận ngắn gọn, súc tích, lập luận chặt chẽ, đanh thép, lời lẽ hùng hồn và đầy sức thuyết phục.
TNĐL được công bố trong một hoàn cảnh lịch sử đặc biệt: nhân dân ta vừa tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi, lập nên một nước Việt Nam mới, đế quốc, thực dân lại đang âm mưu tái chiếm nước ta. Chúng nấp sau quân Đồng Minh vào tước khí giới quân đội Nhật: tiến vào từ phía Bắc là quân đội Quốc dân đảng Trung Quốc, đằng sau là đế quốc Mỹ; tiến vào từ phía Nam là quân đội Anh, đằng sau là lính viễn chính Pháp. Thực dân Pháp lại trắng trợn tuyên bố: Đông Dương là đất “bảo hộ” của người Pháp bị Nhật xâm chiếm, nay Nhật đã đầu hàng, vậy Đông Dương đương nhiên phải thuộc quyền của người Pháp. Trong bối cảnh đó TNĐL không phải chỉ được đọc trước quốc dân đồng bào mà còn để nói với thế giới, đặc biệt là với bọn đế quốc, thực dân nhằm bác bỏ dứt khoát những luận điệu đó.
TNĐL ngày 2-9-1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự nối tiếp – nâng cao của lịch sử dân tộc trong thời đại mới: không chỉ giải quyết được yêu cầu Độc lập cho dân tộc như hai bản tuyên ngôn thời kì phong kiến (Thơ thần ở thế kỉ XI và Bình Ngô đại cáo ở thế kỉ XV) mà còn giải quyết thêm một yêu cầu nữa hết sức quan trọng là Dân chủ cho nhân dân. Tuyên ngôn Độc lập ngày 2-9-1945 đã khẳng định một sự thật lịch sử chưa từng có của Cách mạng Việt Nam: “Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỉ mà lập nên chế độ Dân chủ Cộng hòa”. Như vậy, cũng có nghĩa là cùng với chữ Độc lập, Tuyên ngôn đã có thêm chữ Tự do. Đó là tư tưởng lớn, chân lí của thời đại mà sau này Bác đã đúc kết trong câu nổi nổi tiếng; “Không có gì quý hơn Độc lập Tự do”.
TNĐL phản ánh khát vọng, sức mạnh và ý chí quyết tâm giành và giữ vững Độc lập, Tự do của dân tộc Việt Nam. Nó là áng thiên cổ hùng văn của thời đại mới.