- MB
Nếu Chí Phèo đi vào trong tác phẩm của Nam Cao với dáng ngật ngưỡng của kẻ say và tiếng chửi đời đầy chua chát. Thì nhân vật Tràng cũng bước vào trang văn của Kim Lân với cái lưng to như lưng gấu và dáng đi lững thững đầy mỏi mệt, cái mắt nhỏ tí gà gà đắm vào bóng chiều. Nhưng trước cách mạng, Nam Cao đã bất lực nhìn Chí Phèo chết mà không thể đưa tay cứu vì hạn chế của lịch sử. Còn Kim Lân viết về anh cu Tràng sau cách mạng thành công nên nhân vật đã được dắt tay đến ánh sáng của cách mạng, tìm đường tới tự do. Con đường ấy chông gai, và thách thức như thế nào trong thiên truyện ngắn Vợ nhặt, Kim Lân đã vẽ lại con đường ấy bằng ngòi bút chân thực, sống động khi miêu tả nhân vật Tràng, một nhân vật chính của truyện với sự cảm thông và lòng nhân đạo sâu sắc.
- TB.
2.1.Lai lịch, ngoại hình:
a, Lai lịch:
Dân ta ngày xưa sống trong thuần hậu của làng quê mà lúc đó là “phép vua còn thua lệ làng”. Văn hóa làng xã phát triển đến ăn sâu trog tiềm thức của con. Vậy mà Tràng lại là dân ngụ cư, một gã trai nghèo khổ, làm nghề đẩy xe bò thuê, nuôi mẹ già. Dân ngụ cư là nhưng người vốn từ nơi khác đến. Vì thế, họ không có ruộng đất, những thứ vô cùng quan trọng đối với người nông dân thời xưa. Đã vậy, họ còn bị phân biệt đối xử, thường phải ở nơi bìa làng, hoặc ở chỗ hẻo lánh. Nhà cửa của anh ta, cái được gọi là “nhà” thì luôn vắng teo đứng rúm ró trên mảnh vườn mọc lổn nhổn những búi cỏ dại. Hơn nữa, vì là dân ngụ cư, Tràng bị coi khinh, chẳng mấy ai thèm nói chuyện, trừ lũ trẻ hay chọc ghẹo khi anh ta đi làm về.
b, Ngoại hình.
Tràng xấu xí, thô kệch. Mỗi buổi chiều về, hắn bước ngật ngưỡng trên con đuờng khẳng khiu luồn qua cái xóm chợ của những người ngụ cư vào bên trong bến. Hắn vừa đi vừa tủm tỉm cười, hai con mắt nhỏ tí, gà gà đắm vào bóng chiều, hai bên quai hàm bạnh ra, rung rung làm cho cái bộ mặt thô kệch của hắn lúc nào cũng nhấp nhỉnh những ý nghĩ vừa lý thú vừa dữ tợn… Còn đầu của Tràng thì cạo trọc nhẵn, cái lưng to rộng như lưng gấu, ngay cả cái cuời cũng lạ, cứ phải ngửa mặt lên cười hềnh hệch.
Với lai lịch là dân ngụ cư nghèo, lại có ngoại hình xấu trai như vậy cũng đủ anh Tràng khó lấy được vợ nếu không muốn nói là ế vợ. Nhưng ẩn chứa bên trong nét ngoại hình xấu xí ấy là tâm hồn của một con người luôn vươn tới những khao khát sống đẹp. Và điều này một phần được thể hiện thông qua tính cách của nhân vật.
2.2.Tính cách:
a, Con người vô tư, nông cạn nhưng đầy tình thương
Tràng hầu như không tính toán, không ý thức hết hoàn cảnh của mình, không vướng bận những lo toan của cuộc sống cơm áo, gạo tiền. Anh ta thích chơi với trẻ con và chẳng khác chúng là mấy. Mỗi lần Tràng đi làm về, trẻ con trong xóm cứ thấy cái thân hình to lớn, vập vạp của hắn từ dốc chợ đi xuống là ùa ra vây lấy hắn, reo cười váng lên. Rồi chúng, đứa túm đằng trước, đứa túm đằng sau, đứa cù, đứa kéo, đứa lôi chân không cho đi. Khi ấy, Tràng chỉ ngửa mặt lên cười hềnh hệch. Anh với lũ trẻ con như anh em, bè bạn và cái xóm ngụ cư ấy mỗi chiều lại xôn xao lên được một chút.
Ngay cả chuyện quan trọng cả một đời như lấy vợ, bất cứ ai cũng phải lựa chọn, cân nhắc kĩ càng nhưng Tràng thì ngược lại. Tràng cũng chỉ đưa ra quyết định trong chốc lát, nhanh chóng đến bản thân anh ta còn không tin nổi. Thật ra, ban đầu Tràng không chủ tâm tìm vợ. Tràng cũng thừa biết, người như hắn thì không thể có vợ. Đó là lần gò lưng kéo cái xe thóc vào dốc tỉnh, Tràng hò một câu chơi cho đỡ nhọc. Chủ tâm của anh ta là vui đùa chứ đâu có chòng ghẹo cô nào.
Muốn ăm cơm trắng với giò!
Lại đây mà đẩy xe bò với anh, nì!
Nhưng không hiểu sao những cô kia lại đẩy Thị ra với hắn. Thế rồi, một người đàn bà đang đói bám lấy để được ăn, Tràng cũng vui vẻ chấp nhận, cười tít mắt và cùng đẩy xe bò. Nhưng Tràng cảm thấy hạnh phúc biết bao khi gặp được cái “cười tít mắt của thị” bởi “từ xưa đến giờ có ai cười với hắn một cách tình tứ như vậy đâu”. Cái cười của Tràng làm ta nhớ đến giây phút mà Chí Phèo không quên và đầy xúc cảm trào dâng như khi nhận bát cháo hành từ trên tay Thị Nở, vì từ xưa đến nay có ai cho hắn cái gì, muốn có ăn thì phải cướp, giật, dọa nạt. Một sự bố thí nhỏ nhoi của số phận cũng làm cho con người trào dâng niếm hạnh phúc. Ấy chính là tinh thần nhân đạo của nhà văn.
Vì đùa nên Tràng quên ngay nhưng thị thì nhớ như in và tới ăn vạ. Lơ ngơ giây lát nhưng khi nhận ra Tràng nhanh chóng gật đầu. Lần thứ hai gặp lại là Khi Tràng đang ngồi nghỉ trước cổng chợ tỉnh thì bất ngờ người đàn bà sầm sập chạy đến, cong cớn, sưng sỉa với hắn “Điêu, người thế mà điêu. Bữa trước hẹn thế mà mất mặt”. Tràng không nhận ra người đàn bà hôm trước đẩy xe cho mình. Trước mặt hắn là một người đàn bà thảm hại đã bị cái đói tàn phá cả nhân hình lẫn phẩm cách. Thị gầy sọp hẳn đi, quần áo rách như tổ đỉa, ngực gầy lép, trên khuôn mặt lưỡi cày xám xịt chỉ còn hai con mắt. Thấy người đàn bà đói, rách rưới, thảm hại. Tràng động lòng thương. Có ai ngờ được rằng trong con người thô kệch ấy lại có một tấm lòng thương người cao cả đến thế bởi chính Tràng lúc này cũng bị cái đói bủa vây, cũng thảm hại đáng thương như người phụ nữ kia. Thế nhưng Tràng đã quên đi cái nghèo khổ của mình, chỉ còn lòng thương, một lòng thương người đầy đủ giành cho người đàn bà. Tràng cho thị ăn, ăn rất nhiều ” bốn bát bánh đúc” – bởi giữa lúc tao đoạn ấy thì “một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Miếng ăn ấy có thể cứu sống một con người. Đó chính là lòng thương một con người đói khát hơn mình chứ Tràng không hề có ý định lợi dụng hoặc chòng ghẹo. Một phẩm chất cao cả, một tâm hồn đẹp ẩn bên trong một ngoại hình thô kệch, xấu xí. Một lòng thương người bao la giữa cái đói cái chết đang cận kề. Đó là phẩm chất tốt đẹp trong con người lao động nghèo khổ Việt Nam mà Kim Lân đã dày công kiếm tìm và ca ngợi.
b, Khát khao hạnh phúc gia đình.
Vốn tính hay đùa, khi thị lo lắng hụt tiền bị vợ mắng, Tràng lại tầm phơ tầm phào “Nói đùa chứ có về với tớ thì ra khuân đồ lên xe rồi về”. Nói đùa thế thôi, ai ngờ thị về thật. Lúc đầu Tràng phảng phất lo sợ về cái đói và cái chết. Mới đầu anh cũng chợn, nghĩ: “thóc gạo này đến cái thân mình cũng chả biết có nuôi nổi không, lại còn đèo bòng”. Đó là nỗi sợ hãi có thật, nhất lại là thời điểm đói kém như thế. Một thoáng trong óc Tràng, nỗi ám ảnh của cái đói, cái chết hiện về đầy đủ và chân thật nhất. Nó là hiện thực khắc nghiệt mà không một lí trí nào đủ mạnh mẽ để làm ngơ. Nhưng có lẽ tình thương người và khát vọng hạnh phúc đã lớn hơn nỗi sợ hãi nên sau đó anh chặc lưỡi “Chậc kệ!”
Chỉ một từ “chậc kệ” thôi, Tràng như đã bỏ lại sau lưng mình tất cả nỗi sợ hãi, mọi lo nghĩ để vun vén cho cái hạnh phúc của mình. Tràng và người đàn bà kia như hai cành củi khô nhưng họ đã chụm vào nhau để nhen lên ngọn lửa sự sống. Tội nghiệp thay, người này thì cần hạnh phúc còn người kia thì lại cần chỗ dựa. Một người vì khát khao hạnh phúc gia đình, người kia vì miếng ăn. Nói tóm lại là họ đánh liều với số phận, với sự sống, nhưng cái liều của họ làm người ta bật khóc. Bởi sống giữa cuộc đời mà ngay khi cái đói, cái chết cận kề, họ không nghĩ đến cái đói, cái chết mà lại hướng tới sự sống, khát khao hạnh phúc. Đó là vẻ đẹp, nghị lực sống phi thường của người nông dân nghèo. Bấy giờ thì họ là người dũng cảm, dũng cảm bởi vì họ dám nắm tay nhau để bước qua ranh giới mong manh của sự sống và cái chết. Họ làm ta khâm phục và kính trọng, phải chăng hai con người khốn khổ ấy là niềm tin của Kim Lân về một giống nòi sẽ tiếp nối sẽ sinh sôi khi mà cả dân tộc đang đứng trước sự diệt vong của nạn đói? Tất cả dồn tụ, lắng đọng lại trong chi tiết nhặt vợ thật nhanh chóng của Tràng!
c, Tràng là người đàn ông nhân hậu phóng khoáng.
Khi người phụ nữ chấp nhận làm vợ, Tràng đã có ý thức chăm sóc: hắn đưa thị vào chợ tỉnh bỏ tiền ra mua cho thị cái thúng con đựng vài thứ lặt vặt và ra hàng cơm đánh một bữa no nê… Anh còn mua 2 hào dầu để thắp sáng, để vợ mới vợ miếc cũng phải cho nó sáng sủa một tí. Đó có vẻ như là sự chi tiêu phóng khoáng thậm chí là cố gắng quá mức của Tràng trong lúc đói khát, thóc cao gạo kém này. Nhưng cũng rất dễ hiểu vì Tràng sắp được làm chồng.
Không phải vì vợ nhặt mà Tràng coi thường, không trân trọng mà ngược lại, hắn yêu thương và nâng niu chút hạnh phúc lớn lao bỗng nhiên hắn có được. Trên đường về, khác với anh Tràng hôm qua buồn bã, cúi mặt lo âu nghĩ ngợi, hôm nay Tràng có niềm vui lạ, một niềm hạnh phúc tràn ngập khiến mặt Tràng cứ “phớn phở khác thường”. Thỉnh thoảng lại còn cười nụ một mình. Lúc thì hắn đi sát người đàn bà, lúc lại lùi ra sau một tí, hai tay cứ xoa vào vai nọ vai kia, muốn nói đùa một câu, lại cứ thấy ngường ngượng. Kim Lân đã làm người đọc thấy được sự thay đổi về tâm lí của Tràng. Tràng thật sự đã đổi khác. Trong lòng Tràng tràn ngập niềm vui sướng miên man khiến “Trong một lúc Tràng hình như quên hết những cảnh sống ê chề, tăm tối hằng ngày, quên cả cái đói khát ghê gớm đang đe dọa, quên cả những tháng ngày trước mặt. Trong lòng hắn bây giờ chỉ còn tình nghĩa giữa hắn với người đàn bà đi bên. Một cái gì mới mẻ, lạ lắm, chưa từng thấy ở người đàn ông nghèo khổ ấy, nó ôm ấp, mơn man khắp da thịt Tràng, tựa hồ như có bàn tay vuốt nhẹ dọc sống lưng”. Thế là rõ rồi: Tình yêu, hạnh phúc gia đình luôn đủ sức mạnh khiến con người ta thay đổi.
d, Biết đến những lo âu chính đáng.
Khi về đến nhà, lúc đầu Tràng thấy “ngượng nghịu” rồi cứ thế “đứng tây ngây ra giữa nhà, chợt hắn thấy sờ sợ”. Nhưng đó chỉ là cảm giác thoáng qua thôi. Hạnh phúc lớn lao quá khiến Tràng lại lấy lại được thăng bằng nhanh chóng. Lúc sau Tràng tủm tỉm cười một mình với ý nghĩ có phần ngạc nhiên sửng sốt, không dám tin đó là sự thật: “hắn vẫn còn ngờ ngợ như không phải thế. Ra hắn đã có vợ rồi đấy ư ?”. Đó là sự ngạc nhiên trong sung sướng. Không chỉ có bản thân Tràng thấy bất ngờ về việc mình bỗng nhiên có vợ, mà tất cả những người dân trong xóm ngụ cư đều không tin được. Bởi đây là một việc như từ trên trời rơi xuống. Cái đói cướp đi cả mạng sống của con người thì có hạnh phúc nào nó có thể ban cho con người? Vậy mà Tràng lại nhặt được hạnh phúc ngay lúc sự sống chênh vênh nhất, không biết nên mừng hay tủi, vui hay buồn, hạnh phúc hay âu lo? Nhưng đã vượt qua tất cả hiện thực khắc nghiệt, Tràng đón nhận niềm vui của hạnh phúc nhỏ nhoi, bất ngờ của mình.
Lúc chờ đợi Mẹ về: Tràng nóng ruột, đi đi lại lại. Chưa bao giờ người ta thấy hắn nôn nóng như thế- hắn biết lo toan, như mốc đánh dấu sự trưởng thành của một con người. Vì sao? Bởi hắn lo mẹ không đồng ý, và nếu như vậy thì niềm hạnh phúc hắn đang có sẽ bị mất đi. Khi mẹ về, hắn mừng rỡ, rối rít như trẻ con vì dù sao Tràng vẫn còn có mẹ – đó là đấng tối cao của Tràng vì chỉ có mẹ mới quyết định được hạnh phúc của hắn. Tràng nóng lòng thưa chuyện với mẹ. Bắt mẹ ngồi lên giường để thưa chuyện, như thế ta mới thấy hết Tràng cũng ý thức được mình lấy vợ là một việc vô cùng hệ trọng. Có gì đó như sự đổi thay ghê gớm. Trên chợ tỉnh mới trước đó ít phút, lời rủ thị về đích thực là một câu đùa thì với hành động mời mẹ ngồi lên ghế chĩnh chện để thưa chuyện thì đó lại là việc hệ trọng cả một đời. Một chàng trai đã lớn, đến tuổi dựng vợ, gả chồng mà khi thưa chuyện vợ con với mẹ Tràng vẫn còn ngượng nghịu, chút ngượng ngịu đầy trân trọng của chàng trai nghèo trước hạnh phúc bất ngờ. Niềm vui, sự ngượng nghịu hoàn toàn đối lập với sự ủ rũ của cậu con trai Lão Hạc khi bị phụ tình, vì nghèo mà mất đi tình yêu đầy chua xót. Hai phận nghèo nhưng lại là hai kết thúc khác nhau trước hạnh phúc gia đình. Nên người đọc hoàn toàn có thể hiểu và cảm thông cho niềm vui của Tràng. Khi được mẹ đồng ý, Tràng thở đánh phào một cái nhẹ cả người. Thế là Tràng đã có gia đình, có vợ, không tốn tiền cưới hỏi, Tràng lấy được vợ thật hiển hách.
Lo lắng của Tràng hoàn toàn có cơ sở, lo cho hạnh phúc mong manh kia có thể bị mất đi bất cứ lúc nào. Lo cái đói sẽ hủy hoại tất cả, lo sợ mẹ không đồng ý…Tất cả đều chính đáng bởi hạnh phúc gia đình là khao khát, là mưu cầu của mỗi con người. Chân lí ấy Nam Cao đã nói trong truyện ngắn Chí Phèo: người ta không sợ đói rét, ốm đau, bệnh tật bằng sợ sự cô đơn. Phải chăng cũng khi nhận ra hạnh phúc của mình đang hiện hữu cũng là lúc Tràng lo sợ nhất mất đi hạnh phúc ấy, và rồi Tràng lại cô đơn một mình với cái đói, cái nghèo. Có lẽ lúc này cô đơn cũng là điều Tràng lo sợ nhất. Một lo âu, trăn trở mang đầy tính nhân bản, nhân văn trong nhân vật.
e, Sau khi lấy vợ, Tràng trở thành một người sống có trách nhiệm.
Sau khi lấy vợ, Tràng trở thành một người sống có trách nhiệm, biết suy nghĩ chín chắn. Nhà văn đã mang đến cho người đọc hơi thở mới cho Tràng sau đêm tân hôn. Tràng thức dậy, đầu tiên đó là một cảm giác dễ chịu “Trong người êm ái lửng lơ như người vừa ở trong giấc mơ đi ra”. Đó là tâm trạng lâng lâng trong hạnh phúc. Việc Tràng có vợ thì có khác gì một giấc mơ. Tràng nhận thấy xung quanh mình có thứ gì vừa thay đổi, mới mẻ, khác lạ: Nhà cửa, sân bãi được quét tước, thu dọn sạch sẽ, gọn gàng, quần áo được thu dọn, hai cái ang đã được đổ đầy nước… Tràng cảm động khi thấy mẹ và vợ dọn dẹp lại nhà cửa nhất là khi nghe tiếng chổi tre quét từng nhát sàn sạt trên sân. Một nỗi lòng yêu thương, một nguồn vui sướng, phấn chấn đột ngột tràn ngập trong lòng “Bỗng nhiên hắn thấy hắn thương yêu gắn bó với cái nhà của hắn lạ lùng. Hắn đã có một gia đình. Hắn sẽ cùng vợ sinh con đẻ cái ở đấy. Cái nhà như cái tổ ấm che mưa che nắng”. Không hiểu sao khi đọc những câu văn, những dòng trải lòng của nhân vật hay cũng chính là của tác giả cứ làm tôi nhớ đến những câu thơ trong bài thơ “Đợi” của Vũ Quần Phương:
Anh đứng trên cầu đợi em
Đứng một ngày đất lạ thành quen
Đứng một đời đất quen thành lạ
Nước chảy… kìa em, anh đợi em.
Ngôi nhà của Tràng đã sống bao ngày, hôm nay khi Tràng nhìn nó qua lăng kính tình yêu hắn bỗng nhiên thấy nó vừa lạ lẫm, vừa thân quen như Chế Lan Viên từng nói: Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương. Tình yêu chính là chất keo gắn kết của các thành viên trong gia đình để Tràng thêm yêu thương và gắn bó với cái nhà của hắn. Để rồi Tràng khẳng định một điều hoàn toàn mới mẻ: Hắn đã có một gia đình. Hai từ gia đình ở đây cần được hiểu theo nghĩa trọn vẹn và đầy đủ nhất. Trước đây Tràng và mẹ vẫn sống trong ngôi nhà này nhưng từ sáng đến tối không hề gặp mặt. Ngôi nhà như một chỗ trú chân, không ai quan tâm ai. Nhưng giờ đây khi Tràng đã có vợ thì có sợi dây vô hình gắn kết các thành viên trong gia đình. Và đó mới là gia đình thật sự. Gia đình ai cũng có, nhưng gia đình như tổ ấm thì không nên nhà văn để cho Tràng khẳng định lại: Cái nhà như cái tổ ấm che mưa che nắng. Đó là tổ ấm của hạnh phúc chứ không phải cái tổ lạnh băng không tình cảm. Vì thế nên Tràng ý thức được trách nhiệm của mình khi nhìn về tương lai: Hắn sẽ cùng vợ sinh con đẻ cái ở đấy. Điều đó sẽ càng làm tăng thêm không khí ấm cúng của một gia đình. Gia đình đấy cần một trụ cột, và Tràng sẽ làm trụ cột, làm chỗ dựa và có bổn phận lo lắng cho vợ con sau này. Từ ý thức, trách nhiệm dâng cao đã thôi thúc Tràng bắt tay vào hành động: xăm xăm chạy ra sân, muốn làm một việc gì để dự phần tu sửa lại căn nhà. Vậy là Tràng đã trưởng thành, một người đàn ông với vai trò trụ cột gia đình. Có ý thức, trách nhiệm. Luôn muốn làm tròn bổn phận của mình.
Từ một anh phu xe cục mịch, sống vô tư, chỉ biết việc trước mắt, Tràng đã quan tâm đến những chuyện ngoài xã hội và khao khát sự đổi thay. Cái ao đời bằng phẳng của Tràng và mẹ vẫn sống cho qua ngày, nay bỗng thị bước vào như ném một viên sỏi, sóng sánh, đổi thay thấu đáy. Khi tiếng trống thúc thuế ngoài đình vang lên vội vã, dồn dập, Tràng đã thần mặt ra nghĩ ngợi, đây là điều hiếm có đối với Tràng xưa nay bởi trước kia Tràng sống rất nông cạn và hời hợt, không nghĩ sâu sắc một điều gì, ngay cả việc lấy vợ. Trong ý nghĩ của hắn vụt hiện ra cảnh những người nghèo đói ầm ầm kéo nhau đi trên đê Sộp để cướp kho thóc của Nhật và đằng trước là lá cờ đỏ. Tràng nhớ tới cảnh ấy và lòng ân hận, tiếc rẻ và trong óc vẫn thấy đám người đói và lá cờ bay phấp phới… Phải chăng Tràng đã thức tỉnh, đã hiểu được chân giá trị của sự sống: Khi cái đói, cái chết còn kề cận thì hạnh phúc là thứ mong manh, khó nắm giữ, nên để hạnh phúc ấy trọn vẹn thì đầu tiên phải tìm về được với sự sống chân chính. Và chỉ có cách mạng, đến với cách mạng thì con người mới tìm ra lối thoát cho cuộc đời mình. Giá trị nhân đạo là khi tác giả mở ra con đường sống cho những con người đang đứng bên bờ vực của cái chết. Tràng đã mở đầu cho câu chuyện Vợ nhặt bằng những bước ngật ngưỡng trên con đường khẳng khiu luồn qua cái xóm chợ của những người ngụ cư vào buổi chiều chạng vạng mặt người và cũng chính anh đã kết thúc câu chuyện ấy vào buổi sớm mai với một hình ảnh mới lạ về đoàn người nghèo đói vùng lên dưới lá cờ đỏ đang phấp phới tung bay.
2. 3. Số phận:
Tràng tiêu biểu cho số phận của người dân nghèo trước cách mạng tháng Tám. Khi thì nghèo đến nỗi không lấy nổi vợ như con trai lão Hạc, phẫn chí mà bỏ đi làm mộ phu. Còn như Tràng, trong nạn đói lại nhặt được vợ nhưng niềm hạnh phúc đan xen với lo âu, sự sống lại cần kề với cái chết. Cuộc đời của những người như Tràng nếu không có một sự thay đổi mang tính đột biến của cả xã hội sẽ sống mãi trong sự tăm tối, đói khát. Ở Tràng, tuy chưa có được sự thay đổi đó, nhưng cuộc sống đã hé mở cho anh một hướng đi. Đó là con đường đến với cách mạng tự nhiên và tất yếu mà những người như Tràng sẽ đi. Họ sẽ đến với chân trời tự do làm chủ cuộc đời và nắm giữ được hạnh phúc.
2.4 . Nghệ thuật xây dựng nhân vật của nhà văn
Kim Lân đã khắc hoạ nhân vật Tràng với đầy đủ diện mạo, ngôn ngữ, hành động, đặc biệt là diễn biến tâm trạng của Tràng bằng ngòi bút sắc sảo. Anh chàng phu xe cục mịch nhưng có một đời sống tâm lý sống động, khi hãnh diện cái mặt vênh vênh tự đắc với mình bởi vừa mới nhặt được vợ, lúc lật đật chạy theo người đàn bà, như người xấu hổ chạy trốn, hay lúng túng, tay nọ xoa xoa vào vai kia, cũng có khi lòng quên hết những cảnh sống ê chề, tăm tối hằng ngày, chỉ còn tình nghĩa. Anh thô kệch nhưng không sỗ sàng, trái lại biết ngượng nghiụ, biết sợ, nhất là biết lo nghĩ cho cuộc sống về sau.
3.Kết bài.
Có lẽ đọc xong tác phẩm, khi gấp lại trang truyện ta vẫn hình dung cái lưng to bè như lưng gấu, nhưng không phải với bước chân nặng nề của anh cu Tràng như đầu thiên truyện. Sức ám ảnh của nhân vật này chính là khát khao sự sống, khao khát đổi thay. Tràng sẽ hòa vào dòng người theo cách mạng đi tìm ánh sáng cho cuộc đời tăm tối của chính mình. Hình ảnh ấy cứ gieo vào lòng người đọc một niềm tin, niềm vui bất tận.