Site icon Lớp Văn Cô Thu

[HỌC VĂN 12] Phân tích 18 dòng thơ đầu trong bài thơ “Đàn ghi-ta của Lor-ca” của Thanh Thảo

  1. Lập dàn ý :

I/ Mở bài : Giới thiệu Thanh Thảo dẫn vào bài thơ “Đàn ghi-ta của Lor-ca”. Nêu vấn đề : Bài thơ có giá trị sâu sắc về nội dung và nghệ thuật, tiêu biểu là đoạn thơ sau : ( chép đoạn thơ vào)

II/ Thân bài :

1/ Khái quát về bài thơ, đoạn thơ :

            – Giới thiệu vài nét về Lor-ca…

-Nêu hoàn cảnh sáng tác, nội dung, bố cục vị trí đoạn thơ ở đề bài.

2/ Phân tích nội dung, nghệ thuật đoạn thơ :

a/ Khổ thơ đầu giới thiệu về Lor-ca ( trích thơ)

– “Tây-ban-nha áo choàng đỏ gắt” là biểu tượng của đất nước Tây Ban Nha

– “Những tiếng đàn bọt nước…trên yên ngựa mỏi mòn”và âm thanh tiếng đàn là biểu tượng về Lor-ca cùng cây đàn với cuộc đấu tranh giữa khát vọng dân chủ với nền chính trị độc tài, khát vọng cách tân nghệ thuật già nua, ở góc độ nào cũng thấy Lor-ca mong manh, đơn độc.

    b/ Khổ thơ thứ hai diễn tả cái chết của Lor-ca. Trích thơ, phân tích các ý:

– “Tây Ban Nha, hát nghêu ngao ” là biểu tượng Lor-ca, người nghệ sĩ tự do.

– Hình ảnh Lor-ca bị sát hại được diễn tả ấn tượng “áo choàng bê bết đỏ…như người mộng du”, cụm từ “bỗng kinh hoàng”chỉ cái chết đến với Lor-ca thật bất ngờ

   c/ Khổ thơ cuối vẫn là hình ảnh Lor-ca bị sát hại được diễn tả ấn tượng theo lối tượng trưng. Trích thơ, phân tích các ý

“Tiếng ghi ta nâu…lá xanh”là biểu tượng tâm hồn nghệ sĩ với tình yêu tha thiết,yêu đời, gắn bó với thiên nhiên, đất nước, thiên nhiên.

– “Tiếng ghi ta bọt nước…máu chảy” là hình ảnh Lor-ca bị huỷ diệt

– Điệp ngữ “tiếng ghi ta” là cảm xúc nghẹn ngào của nhà thơ Thanh Thảo.

III/ Kết bài : Kết luận chung về hình tượng Lor-ca, cảm nghĩ về bài thơ.

BÀI VIẾT THAM KHẢO

Thanh Thảo là nhà thơ trẻ tài hoa, khẳng định tài năng từ trong kháng chiến chống Mĩ. Sau 1975, nhất là trong thời kỳ đổi mới văn học, ông có  nhiều nỗ lực trong cách tân thơ Việt với xu hướng đào sâu vào cái tôi nội cảm qua hình thức thơ tự do, hiện đại bằng những hình ảnh và ngôn từ mới mẻ. Bài thơ “Đàn ghi ta của Lor-ca” là một tiêu biểu mà nổi bật là mười tám dòng thơ đầu trong bài thơ:

những tiếng đàn bọt nước
Tây-ban-nha áo choàng đỏ gắt
li-la li-la li-la
đi lang thang về miền đơn độc
với vầng trăng chếnh choáng
trên yên ngựa mỏi mòn

Tây-ban-nha
hát nghêu ngao
bỗng kinh hoàngáo choàng bê bết đỏ
Lorca bị điệu về bãi bắn
chàng đi như người mộng du

tiếng ghi-ta nâu
bầu trời cô gái ấy
tiếng ghi-ta lá xanh biết mấy
tiếng ghi-ta tròn bọt nước vỡ tan
tiếng ghi-ta ròng ròng
máu chảy

Lor-ca không chỉ là một nhà thơ, nhạc sĩ, kịch tác gia thiên tài mà còn là nhà chống phát xít kiên cường. Ông bị sát hại năm 1936. Thanh Thảo là một nhà thơ có mối quan tâm đặc biệt đối với những con người có nhân cách và nghĩa khí dù số phận có thể ngang trái. Trong mạch cảm hứng ấy, trường hợp Lor-ca  được xem là thành công hơn cả, mà ngay mười hai dòng đầu của bài thơ cũng đã rất đặc sắc

Bài thơ lấy cảm hứng từ những giây phút bi phẫn trong cuộc đời của Lor-ca và câu nói  “khi tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn” (Ghi nhớ – Lor-ca) để sáng tác bài thơ này. Bài thơ in trong tập “Khối vuông Ru-bích”(1985). Bài thơ diễn tả hình ảnh Lor-ca và tâm trạng của nhà thơ Thanh Thảo trước cái chết bi thảm của nhà thơ thiên tài Tây Ban Nha. Bài thơ gồm hai phần với sáu khổ thơ và một câu kết. Đoạn thơ trên là ba khổ đầu của bài thơ.

Khổ thơ đầu là những lời tự sự kể lại cuộc đời Lorca mà Thanh Thảo là nhà chép sử cần mẫn và đầy nhạy cảm. Mỗi chi tiết trong bài thơ đều gợi lại hình ảnh của Lorca, chàng nghệ  sĩ, người chiến sĩ cách mạng có lí tưởng cao đẹp nhưng số phận bất hạnh:

những tiếng đàn bọt nước

Tây Ban Nha áo choàng đỏ gắt

li-la li-la li-la

Bài thơ mở ra với hình ảnh “những tiếng đàn bọt nước ngay lập tức gợi một cái gì đó mong manh, chông chênh và vụn vỡ. Phải chăng đó là cuộc đời mong manh, bạc mệnh của Lorca ? Câu thơ mở đầu gợi cảm giác mỏng manh, xót thương để rồi theo người đọc suốt cả bài thơ. Nếu như trước đây, câu thơ “tiếng đàn xưa đứt ngang dây” của Tố Hữu viết về Nguyễn Du vốn đã tội nghiệp thì đến đây, những tiếng đàn bọt nước” của Thanh Thảo viết về Lorca lại càng tội nghiệp hơn. Câu thơ đọc lên nghe mà xót xa! Cả sự hẫng hụt nữa!

Tiếp đó, tác giả giới thiệu về Lorca trên nền văn hóa rộng lớn của đất nước Tây Ban Nha với những hình ảnh tiêu biểu: áo choàng đỏ gắt, hoa li-la. “Áo choàng đỏ gắt” gợi ta nhớ đến môn đấu bò tót, một hoạt động văn hóa rất đặc trưng của Tây Ban Nha. Đó là những trận đấu bò tót mà ở đó luôn hiển hiện tấm “áo choàng đỏ gắt” của người hiệp sĩ đấu bò để kích thích sự hung hăng của những con bò tót, nghĩa là tăng thêm phần kịch tính. Khi bước vào đấu trường, người hiệp sĩ đã chuẩn bị tinh thần cho cái chết có thể xảy đến bất cứ lúc nào.

Trong không gian văn hóa Tây Ban Nha ấy, ta thấy như hiện lên những cuộc chiến đấu khác. Cũng tấm áo choàng ấy, cũng tinh thần ấy, người hiệp sĩ Lorca bước ra đấu trường với một quyết tâm cao dù là trong cuộc chiến không cân sức với bọn phát xít Phrang-cô; còn trên đấu trường nghệ thuật thì đó là cuộc chiến giữa nhà cách tân vĩ đại Lorca với nền nghệ thuật cũ kĩ, lạc hậu, già nua. Cả hai cuộc chiến đều rất cao cả, rất vĩ đại, khiến ta không khỏi cảm phục và thương mến.

Chưa hết, Lor-ca còn nổi lên như một ca sĩ dân gian đơn độc, một kị sĩ lãng du phóng khoáng yêu tự do nhưng thầm lặng:

đi lang thang về miền đơn độc

với vầng trăng chếch choáng

trên yên ngựa mỏi mòn…

Hàng loạt hình ảnh: hát nghêu ngao, đi lang thang về miền đơn độc, với vầng trăng chếnh choáng, trên yên ngựa mỏi mòn… là những hình ảnh lãng mạn, tượng trưng vừa làm nổi bật hình tượng nghệ sĩ Lor-ca vừa gợi sự mòn mỏi, cô độc trong tâm hồn con người ấy. Câu thơ chậm lại với tiếng lila lila lila mang âm hưởng dân ca Tây Ban Nha vang về đâu đó trong kí ức, nghe tha thiết, dìu dặt, mà đau đớn, xót thương.

Chỉ với sáu câu thơ đầu, bằng bút pháp tự sự, hình ảnh thơ tượng trưng, Thanh Thảo đã mang đến cho chúng ta những liên tưởng gián đoạn nhưng rõ nét về Ph.G. Lorca, một chiến sĩ yêu tự do, một nghệ sĩ dũng cảm, cách tân nghệ thuật trong khung cảnh chính trị và nghệ thuật Tây Ban Nha. Đoạn thơ với những sáng tạo độc đáo, giàu chất nhạc và chất họa còn cho thấy cả những nỗ lực đổi mới thơ ca của Thanh Thảo, một con người cũng rất tâm huyết với thơ ca.

Sang khổ thơ thứ hai, nhà thơ Thanh Thảo đã tập trung khắc họa đậm nét ấn tượng về cái chết đầy bi phẫn của Lor-ca, người nghệ sĩ đấu tranh cho tự do đã bị bọn phát xít Phrăng-cô dẫn ra pháp trường sát hại:

Tây Ban Nha  

…………………………

chàng đi như người mộng du

Chàng nghệ sĩ yêu đời, yêu tự do ấy rong ruổi trên những nẻo đường cất lên lời ca tiếng hát nghêu ngao giữa thiên nhiên Tây Ban Nha thì bỗng kinh hoàng, áo choàng bê bết đỏ, Lorca bị  điệu về bãi bắn, chàng đi như người mộng du” giữa bầy ác quỹ. Thể chế độc tài Phrăng-cô đã bí mật bắt và điệu chàng về bãi bắn để phi tang một con người với tư tưởng tiến bộ vì lo sợ những ảnh hưởng của Lor-ca.

Cụm từ bỗng kinh hoàngdiễn tả sự bất ngờ đột ngột. Cái chết đã ập đến quá nhanh và phũ phàng, giữa lúc Lor-ca không ngờ tới. Nên áo choàng không còn màu đỏ gắt mà chuyển thành bê bết đỏ”, hình ảnh hoán dụ  nhằm khắc họa hiện thực đẫm máu về cái chết bi thảm của Lor-ca. Người nghệ sĩ tài hoa ấy chết khi mới 38 tuổi, độ tuổi hứa hẹn nhiều thành công.

Lorca lúc nào cũng bị ám ảnh bởi cái chết. Điều ấy tràn cả vào thơ ông. Ông đã từng kêu lên thảng thốt: Tôi không muốn nhìn thấy máu. Nhưng rồi, vào cái ngày định mệnh 19-8-1936, máu đã chảy tràn khắp đất nước Tây Ban Nha. Và máu ấy lại là máu của đứa con trung thành và vĩ đại của xứ bò tót dũng mãnh. Nhưng Lorca chấp nhận như người cách mạng đã chấp nhận “Dấn thân vô là phải chịu tù đày/ Gươm kề cổ súng kề tai/ Là thân sống chỉ coi còn một nửa”( Tố Hữu ). Tâm hồn và tinh thần của Lorca đã gửi tất cả vào cuộc tranh đấu và vì thế bước chân mộng du đã hóa thành những bước chân anh hùng. Càng tiếc thương chàng nghệ sĩ bao nhiêu chúng ta lại càng căm phẫn tội ác bấy nhiêu.

Cái chết của chàng nghệ sĩ có đôi mắt sáng ngời như sao trời, mái tóc xanh mướt cỏ thảo nguyên cùng cây đàn ghi ta mang khát vọng dân chủ, mang niềm vui nỗi buồn của đất nước mình không chỉ là nỗi đau bàng hoàng đối với Tây Ban Nha mà còn là nỗi ám ảnh đối với toàn thế giới, trong lòng nhân dân Việt Nam và của nhà thơ Thanh Thảo.  Cái chết bất ngờ đến với Lor-ca. Một con người trong sạch và vô tội, dù luôn bị ám ảnh về cái chết của chính mình, vẫn không thể nghĩ là nó lại đến sớm thế và đến vào lúc chàng không ngờ nhất. Cảnh Lor-ca bị hành hình với những diễn biến phũ phàng, thảm khốc ấy tạo ra cú sốc dây chuyền được diễn tả theo lối tượng trưng, liên tục chuyển đổi cảm giác, qua hệ thống những âm thanh vỡ tan ra thành màu sắc, thành hình khối, thành dòng máu chảy:

tiếng ghi-ta nâu

…………………….

máu chảy

Sự chuyển đổi cảm giác mang đến sự linh hoạt khi miêu tả tiếng đàn. “màu nâu xuất hiện suy tư, trầm tĩnh đến lạ thường. Đó là màu nâu của cây đàn, màu nâu của đất đai, màu nâu của làn da rám nắng trên thân hình những vũ nữ Di-gan bốc lửa. Và trước giây phút từ li, chàng đã ngước nhìn lên bầu trời xanh tha thiết ”bầu trời cô gái ấy”. Đó là bầu trời của khát vọng, bầu trời yêu thương nơi có bóng hình nàng Ma-ri-a thủy chung. Đối lập với màu nâu trầm tĩnh là màu xanh của “tiếng ghita lá xanh biết mấy”. “Màu xanh là sự hóa thân của Lorca và tiếng đàn vào thiên nhiên mang sức sống cỏ cây. Màu xanh của những vườn cam, màu xanh của thảo nguyên và những rặng ô-liu hay hàng bạch dương nơi Lor-ca đang yên nghỉ. Hai tiếng “biết mấy nằm ở cuối câu vừa là sự tha thiết trong tình cảm của người nghệ sĩ Thanh Thảo vừa để tôn thêm vẻ đẹp của tuổi trẻ Lor-ca – vẻ đẹp của người chiến sĩ suốt đời hi sinh vì lí tưởng.

Điệp khúc dồn dập qua nhịp thơ Thanh Thảo như đã lột tả được cái bàng hoàng căm phẫn trong bản ghi ta bi tráng! Đây là khúc biến tấu của tiếng đàn. Nó thay màu chuyển gam rất lẹ, biến ảo không ngừng và đặc biệt luôn sinh sôi nảy nở, giọt này vỡ đi, giọt kia lại trào ra không dứt. Đó chính là sức sống! Tiếng đàn không chỉ mang sắc màu biến tấu mà còn mang hình khối, đường nét như hình hài của sinh mệnh. Nó cũng tức tưởi vỡ òa, cũng biết nói tiếng nói của sự căm phẫn bạo tàn. Hai tiếng vỡ tan vừa là sự vỡ ra của bọt nước vừa là sự phập phồng thổn thức của tiếng đàn. Nó đã cất lên lời ca tranh đấu lên án bè lũ phát xít đã hủy diệt cái tài, hủy diệt cái đẹp. Và vì thế bản ghi-ta bi tráng đẩy đến độ cao trào của sự bi phẫn, nó ròng ròng máu chảy, nó uất nghẹn, tức tưởi đến bật máu thành từng dòng đau thương trong một bản đàn giao hưởng hào sảng. Nỗi đau của tiếng đàn cũng là nỗi đau của người nghệ sĩ khi khát vọng chưa thành.

Tóm lại, đoạn thơ đã xây dựng được hình tượng Lor-ca vừa đẹp, vừa cảm động với những khía cạnh khác nhau: một nghệ sĩ tự do và cô đơn, một cái chết oan khốc, bi phẫn bởi những thế lực tàn ác, một tâm hồn nghệ sĩ bất diệt. Nói khác hơn, Lor-ca là một hình tượng bi tráng về người nghệ sĩ chân chính trong một môi trường bạo lực thống trị đã sống và chết rất cao đẹp. Qua việc thể hiện cái chết đau xót của Lor-ca, bài thơ còn là tiếng nói tri âm của Thanh Thảo với nghệ thuật chân chính và nghệ sĩ Lor-ca. Thái độ ngưỡng mộ người nghệ sĩ đại diện cho tinh thần tự do và khát vọng cách tân nghệ thuật của thế kỉ XX bị giết hại một cách phủ phàng dược biểu đạt bằng hình thức nghệ thuật độc đáo: kết hợp hai yếu tố thơ và nhạc về kết cấu; Bài thơ có phong cách tượng trưng pha màu sắc siêu thực rất gần gũi với phong cách thơ Lor-ca; Hình ảnh thơ phong phú, ngôn từ mới mẻ góp phần làm nên diện mạo phong phú của thơ ca Việt Nam sau 1975.

Exit mobile version