Chi tiết đôi bàn tay Tnú trong truyện ngắn Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành.
Bén duyên văn tự với mảnh đất Tây Nguyên, nhà văn đất Quảng đã viết Rừng xà nu như một lần nữa khẳng định với người đọc: ông là nhà văn của mảnh đất Tây Nguyên. Khơi nguồn cho xúc cảm của người nghệ sĩ, bên cạnh hình tượng xà nu, đôi bàn tay T nú cũng lấp lánh sắc màu ý nghĩa.
Đôi bàn tay T nú xuất hiện khá nhiều lần trong Rừng xà nu như hình ảnh hoán dụ nói cùng ta số phận và phẩm chất của người anh hùng Tnú. Đôi bàn tay Tnú dắt Mai lên rẫy trồng tỉa, xách xà lét giấu gạo cơm nuôi giấu cán bộ, bàn tay mang đá trắng ba ngày từ đỉnh núi Ngọc Lĩnh trở về, bàn tay lấy đá tự đập vào đầu mình trừng phạt vì học mãi không được cái chữ của cụ Hồ…Đôi bàn tay ấy thể hiện con người có ý chí, gan góc, một lòng trung thành với Đảng, với Cách mạng.
Đó còn là đôi bàn tay chở che, yêu thương mẹ con Mai, bàn tay gắn bó máu thịt với quê hương xứ sở. Sau 3 năm đi lực lượng, về đến con suối đầu làng, chính đôi bàn tay ấy đã vục dòng nước mát quê hương để rửa mặt, để xúc động trong hoài niêm.
Bàn tay T nú còn là bàn tay tín nghĩa không biết phản bội. Sa vào tay giặc khi còn là cậu bé liên lạc, đôi bàn tay ấy đặt lên bụng mà chắc nịch khẳng định: “ cộng sản ở đây” Đôi bàn tay ấy đã thể hiện sâu sắc một lòng tín nghĩa, chí tình với cách mạng.
Nhưng bàn tay T nú xuất hiện trong tác phẩm đâu chỉ trong hình hài lành lặn, đôi bàn tay đau thương đầy ám ảnh. Ai đọc Rừng xà nu dù một lần thì chắc khó có thể quên hình ảnh mười ngón tay Tnu rừng rực cháy lửa xà nu như mười ngọn đuốc. “ Anh không cảm thấy lửa cháy ở mười đầu ngón tay. Anh nghe lửa cháy trong lồng ngực, trong bụng mình”. Diệu kì thay, chính trong thử thách đau thương ấy lại tỏa sáng mạnh mẽ ý chí, nghị lực phi thương, sự
gan góc kiên cường của người anh hùng. Bàn tay đau thương ấy trở thành vết thương chưa khi nào liền miệng, là bằng chứng tội ác của kẻ thù, nó cũng trở thành mối di hận cả đời Tnú mang theo.
Bàn tay ấy còn tỏa sáng chân lí của thời đại cách mạng mà nhà văn muốn gửi gắm: Tnú và người dân quê anh thất bại trước Mĩ Diệm bởi bàn tay anh và họ chỉ có tay không và đơn thương độc mã. Đau thương là kết cục tất yếu khi kẻ thù cầm súng ta chưa cầm giáo mác. Và khi có giáo mác trong tay, sức sống tinh thần quật cường trong Tnú cũng dân làng lại bừng dậy. Xác mười tên giặc ngổn ngang quanh đống lửa xà nu. Rồi Tnú đi lực lượng và với chính bàn tay tật nguyền ấy, anh đã bóp chết tên tướng chỉ huy trong hầm cố thủ. Bàn tay Tnú vì thế còn là biểu tượng cho sức mạnh quật cường của người Tây Nguyên: từ trong đau thương mà mạnh mẽ vừng lên, vươn dậy.
Xây dựng chi tiết đôi bàn tay Tnú, Nguyễn Trung Thành tha thiết ngợi ca phẩm chất cao quý của người anh hùng và cũng là của chính người dân Tây Nguyên ông từng tha thiết yêu thương và gắn bó. Bàn tay Tnu có thể xem là một điển hình nghệ thuật độc đáo kết tinh tài năng, tâm huyết của người con Tây Nguyên – Nguyễn Trung Thành.
“Ở truyện ngắn, mỗi chi tiết đều có vai trò quan trọng như một chữ trong một bài thơ tứ tuyệt. Trong đó, có những chữ đóng vai trò đặc biệt như nhãn tự trong thơ vậy” ( Nguyễn Đăng Mạnh). Bàn tay T nú hẳn cũng là nhãn tự đặc biệt để ta trông nhìn soi chiếu phẩm chất người anh hùng.