Đề bài : Phân tích nhân vật Đan Thiềm trong đoạn trích “Vĩnh biệt Cửu trùng đài” (trích vở kịch “Vũ Như Tô”) của Nguyễn Huy Tưởng.
I/ MỞ BÀI:
– Giới thiệu Nguyễn Huy Tưởng và vở kịch Vũ Như Tô:Nguyễn Huy Tưởng là một nhà văn yêu nước. Cảm hứng chủ đạo trong sáng tác của ông là cảm hứng lịch sử, vừa đậm chất bi kịch, vừa giàu chất lãng mạn. Ông khát khao và có thiên hướng sáng tác những tác phẩm có quy mô lớn dựng lên những hình tượng hoành tráng để phản ánh lịch sử bi hùng của dân tộc. Ông sáng tác ở nhiều thể loại, nhưng có nhiều đóng góp nổi bật ở thể loại kịch và tiểu thuyết. “Vũ Như Tô”là vở kịch lịch sử có qui mô hoành tráng xuất sắc của Nguyễn Huy Tưởng và của nền kịch nói Việt Nam hiện đại. Tác phẩm được sáng tác vào năm 1941 và được tác giả viết thêm lời tựa năm 1942. Vở kịch được viết dựa trên một sự kiện lịch sử xảy ra ở kinh thành Thăng Long vào thời hậu Lê và gồm 5 hồi. Đoạn trích “Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài” là hồi 5, hồi cuối của vở kịch.
– Giới thiệu nhân vật Đan Thiềm: Tạo nên thành công cho tác phẩm không chỉ qua nhân vật chính Vũ Như Tô mà còn phải nhắc đến nhân vật Đan Thiềm- một cung nữ có cái nhìn tỉnh táo, thức thời và đặc biệt nhưng quan trọng hơn là có một tình yêu mãnh liệt dành cho cái đẹp.
II/ THÂN BÀI
1/ Khái quát
a/ Bối cảnh nhân vật xuất hiện:
Bối cảnh của vở kịch cũng như bối cảnh xuất hiện của nhân vật là nước Việt Nam thời trung đại, vua quan ăn chơi hưởng lạc, nhân dân rơi vào cảnh lầm than. Khi được Lê Tương Dực mời làm kiến trúc sư xây dựng Cửu Trùng Đài thì ban đầu Vũ Như Tô không chịu hợp tác. Bản thân ông cũng căm ghét Lê Tương Dực vì đây là một tên vua quen ăn chơi hưởng lạc. Khi bị Lê Tương Dực đe dọa giết cả gia đình, ông cũng không đồng ý. Vũ Như Tô đã nhờ Đan Thiềm mách đường chạy trốn, nhưng vì say mê và thương tiếc cái tài, cái đẹp mà Đan Thiềm đã khuyên Vũ Như Tô hãy lợi dụng tiền bạc của Lê Tương Dực để thi thố tài năng, thực hiện khát vọng nghệ thuật của mình. Và Vũ Như Tô đã nghe theo lời khuyên của Đan Thiềm nhận lời xây dựng Cửu Trùng Đài và cũng chính bà là người khuyên Vũ Như Tô đi trốn.
b/ Giới thiệu nhân vật:
– Đan Thiềm không phải là nhân vật trung tâm của tác phẩm nhưng có vai trò làm nổi bật nhân vật chính Vũ Như Tô và giúp chúng ta hiểu rõ hơn tư tưởng chủ đạo của tác phẩm.
– Đan Thiềm là một cung nữ say mê cái đẹp, trân trọng người tài, có con mắt nhìn đời nhưng trong tác phẩm nhân vật cũng rơi vào những bi kịch đau đớn. “Bệnh Đan Thiềm” (như chữ của Nguyễn Huy Tưởng) là bệnh mê đắm người tài hoa, hay bệnh của kẻ “biệt nhỡn liên tài” (như chữ của Nguyễn Tuân). Nhưng cái tài ở đây không phải cái tài nói chung mà là một tài năng nổi bật, siêu đẳng. Tìm hiểu sẽ thấy ở nhân vật có những nét đẹp đáng quý, đáng trân trọng mà ít người có được.
2/ Diễn biến tâm trạng và tính cách Đan Thiềm
2.1. Đan Thiềm là tri âm, tri kỉ nhưng cũng là người gây ra bi kịch của Vũ Như Tô
– Trong vở kịch, Đan Thiềm là tri kỉ, tri âm của Vũ Như Tô. Nếu Vũ Như Tô là người có tài, khao khát được thi thố tài năng thì Đan Thiềm là người say mê cái tài, cái đẹp, mê đắm những người có tài năng siêu việt. Không chỉ đam mê, tôn thờ cái tài, cái đẹp mà Đan Thiềm còn là người luôn khích lệ, động viên, thậm chí sẵn sàng hi sinh để bảo vệ cái tài cái đẹp. Dù chỉ là một cung nữ nhưng nàng luôn mang một nỗi ưu tư về cái tài, cái đẹp và những giá trị cao đẹp ở trên đời. Tình yêu của Đan Thiềm với cái đẹp và người tài xuất phát từ tấm lòng của một người con yêu nước có tinh thần tự tôn dân tộc, muốn hoàn thành công trình nghệ thuật kì vĩ, hoành tráng để điểm tô đất nước.
– Sự tri âm tri kỉ của của Đan Thiềm với Vũ Như Tô được thể hiện rõ:
+ Đối với Đan Thiềm, Vũ Như Tô là một viên ngọc quý, là người có trí sáng như vầng nhật nguyệt. Nàng thể hiện sự đề cao, tôn thờ và gọi ông là ông Cả.
+ Khi Vũ Như Tô nhờ Đan Thiềm mách đường chạy trốn thì chính Đan Thiềm là người đã thuyết phục Vũ Như Tô lợi dụng tiền bạc, quyền lực của vua trổ để hết tài năng để xây dựng Cửu Trùng Đài, để sáng tạo nghệ thuật tạo nên một tác phẩm nghệ thuật vĩ đại “bền như sao trăng” có thể “tranh tinh xảo với hóa công” để điểm tô cho đất nước và cho “dân ta nghìn thu còn hãnh diện”.
+ Khi đám thợ thuyền cùng đám tạo phản làm loạn, Đan Thiềm“hớt hơ hớt hải, mặt bà cắt không còn hột máu” truy tìm bằng được Vũ Như Tô, nhanh chóng báo tin và khẩn khoản khuyên Vũ Như Tô hãy bỏ trốn bởi nếu Vũ Như Tô bị giết chết thì tài năng của ông sẽ bị bỏ phí. Trong tâm trạng hoảng hốt, Đan Thiềm hết lời khuyên nhủ, thậm chí van nài thúc giục Vũ Như Tô cầu xin ông hãy trốn đi nếu không bọn chúng bắt được thì nguy. Khi bị bắt cô sẵn sàng quỳ gối cầu xin bọn chúng tha chết cho ông, sẵn sàng đem thân mình để chết thay cho Vũ Như Tô. Hiếm có một người nào lại sẵn lòng hi sinh mạng sống của mình cho người khác như thế.
Nhưng cũng chính Đan Thiềm là người đã tạo nên bi kịch của Vũ Như Tô và Cửu Trùng Đài. Đan Thiềm chỉ nhìn thấy lợi ích của nghệ thuật mà chưa thấu tỏ nỗi khổ của nhân dân. Nghệ thuật mà Đan Thiềm đang hướng đến là nghệ thuật vị nghệ thuật. Mà nghệ thuật mà không xuất phát từ cuộc đời, vì cuộc đời thì nó cũng chết yểu mà thôi. Vì nghe theo lời khuyên của Đan Thiềm mà Vũ Như Tô đã nhận lời xây dựng Cửu Trùng Đài, để rồi bi kịch của ông cũng bắt đầu từ đó. Xây dựng Cửu Trùng Đài vô hình chung Vũ Như Tô trở thành kẻ cũng phe với Lê Tương Dực và đối nghịch, gây đau khổ cho nhân dân. Để xây dựng Cửu đài, triều đình đã ra lệnh tăng sưu thuế, bắt thêm thợ giỏi, tróc nã, hành hạ những người chống đối. Dân căm phẫn vua làm cho dân cùng nước kiệt, thợ oán Vũ Như Tô vì nhiều người chết vì tai nạn, vì ông cho chém những kẻ bỏ trốn để giữ kỉ luật công trường. Nhân dân căm giận bạo chúa, đồng thời cũng oán hận, nguyền rủa Vũ Như Tô. Mâu thuẫn đỉnh điểm khi Trịnh Duy Sản phát động nổi loạn. Quần chúng nổi loạn giết chết tên hôn quân Lê Tương Dực, đốt phá Cửu Trùng Đài và giết cả Vũ Như Tô để rửa hận.
2.2. Đan Thiềm là người tỉnh táo, sáng suốt, ứng xử mềm mại, uyển chuyển
– Đan Thiềm tôn thờ cái đẹp một cách tỉnh táo chứ không hề mù quáng như Vũ Như Tô. Điều này được thể hiện rõ ngay cả ở khi nàng khuyên Vũ Như Tô lợi dụng Lê Tương Dực để xây dựng Cửu Trùng Đài. Nàng thấy Vũ Như Tô là một người yêu nghệ thuật, sẵn sàng sống chết vì nghệ thuật, tôn thờ nghệ thuật. Nếu một người tha thiết cống hiến cho đời một kiệt tác của cái đẹp như Vũ Như Tô nhưng lại không có điều kiện thực hiện thì chính bản thân người đó cũng như đã chết. Thấu hiểu lẽ đó hơn ai hết, Đan Thiềm mới khuyên Vũ Như Tô xây Cửu Trùng Đài. Mặt khác, Vũ Như Tô từ chối quyết không xây Cửu Trùng Đài thì sớm muộn cũng bị vua ép vào tội làm phản và bị giết chết. Vậy sao không nhân cơ hội khuyên ông Tô xây dựng công trình ấy để vừa bảo vệ được mạng sống vừa thi thố được tài năng.
– Đan Thiềm cũng là người thích ứng với hoàn cảnh xung quanh và đặc biệt nhạy cảm với bi kịch của người có tài. Nếu Vũ Tô đam mê sáng tạo đến mức không chú ý, không cần biết gì đến xung quanh thì Đan Thiềm lại rất nhạy bén. Đan Thiềm nhìn thấy nguyên nhân vì sao nhân dân căm ghét Vũ Như Tô và Cửu Trùng Đài. Theo Đan Thiềm “ai ai cũng cho ông là thủ phạm. Vua xa xỉ là vì ông, công khố hao hụt là vì ông, dân gian lầm than là vì ông, man di oán hận là vì ông, thần nhân trách móc là vì ông”. Đan Thiềm cũng đau đớn nhận ra thất bại của giấc “mộng lớn” xây Cửu Trùng Đài, nhưng nhạy bén, sớm sủa, kịp thời hơn Vũ Như Tô. Vậy nên, tâm trí của nàng giờ đây không còn hướng vào thành bại của việc xây Cửu Trùng Đài, mà hướng vào sự sống còn của Vũ Như Tô, người nghệ sĩ tài ba “ngàn năm chưa dễ có một”.
– Bên cạnh đó, Đan Thiềm cũng suy nghĩ thấu đáo và nhận thức rõ được thời thế, có cách ứng xử rất linh hoạt và uyển chuyển. Nàng chỉ ra nguyên nhân và một mực khuyên ngăn Vũ Như Tô bỏ trốn, chờ cơ hội khác vì đại sự vỡ rồi “Khi trước trốn đi thì ông nguy, giờ trốn đi thì ông sống”. Đan Thiềm nhận thức được tình cảnh nguy nan “Ông mà có mệnh hệ nào thì nước ta không còn ai điểm tô nữa”. Nàng nhận rõ thời thế đại sự đã hỏng chỉ mong Vũ Như Tô bỏ trốn chờ cơ hội khác, “Đợi chờ là thượng sách đừng để phí tài trời”. Khi Vũ Như Tô vẫn một lòng sống chết cùng Cửu Trùng Đài quyết không chịu chạy trốn thì Đan Thiềm rơi vào tâm trạng đau đớn và thất vọng.
– Đan Thiềm có thể quên mình để khích lệ, bảo vệ cái tài, dám mạnh miệng buông lời khuyên Ngô Hạch và xin được chết thay: “Tướng quân hãy nghe tôi đừng phạm vào tội ác. Đừng giết ông cả. Kẻo tướng quân mang hận về muôn đời! Tha cho ông cả. Tôi xin chịu chết”. hoặc “Bao nhiêu tội tôi xin chịu hết. Nhưng xin tướng quân tha cho Ông Cả. Ông ấy là một người tài”. Tấm lòng của người cung nữ thật bao la rộng lớn, sẵn sàng hi sinh mạng sống để bảo vệ cái đẹp.
3/ Bi kịch của Đan Thiềm
Đến lúc nhận ra việc đổi mạng sống của mình để cứu Vũ Như Tô cũng không được nữa thì Đan Thiềm như đã thấy bi kịch sẽ xảy ra. Nàng đành buông lời vĩnh biệt tất cả “Đài lớn tan tành! Ông Cả ơi! Xin cùng ông vĩnh biệt!” Đó là lời vĩnh biệt với Vũ Như Tô, người kiến trúc sư tài năng nhưng cũng là lời vĩnh biệt với Cửu Trùng Đài, vĩnh biệt một “giấc mộng lớn” trong máu và nước mắt. Cuối cùng, Đan Thiềm bị áp giải đi tàn nhẫn rồi bị giết chết, cái đẹp Đan Thiềm tôn thờ và người tài đều bị hủy diệt bởi bọn gian tà hung bạo. Bao nhiêu tâm huyết của người tài và người cung nữ say mê cái đẹp cùng biết bao mồ hôi, công sức, xương máu, của cải của nhân dân đổ xuống sông xuống biển, chỉ còn lại đống tro tàn và thây xác bao người bỏ mạng vì nó.
Vũ Như Tô và Đan Thiềm không chỉ là tri âm tri kỉ trong khát vọng mà còn tri âm tri kỉ trong nỗi đau. Có thể nói nhân vật bi kịch trong tác phẩm không chỉ có Vũ Như Tô mà bao gồm cả Đan Thiềm. Nếu bi kịch của Vũ Như Tô là bi kịch của tài năng và khát vọng thì bi kịch của Đan Thiềm là bi kịch hồng nhan bạc mệnh, khổ lụy vì tài. Đan Thiềm cũng phải nhận lấy cái bi kịch vỡ mộng giống như Vũ Như Tô. Yêu cái tài, cái đẹp nhưng không bảo vệ được, khích lệ cái tài, cái đẹp nhưng lại chứng kiến người tài bị giết. Có lẽ đây chính là bi kịch đau đớn nhất của Đan Thiềm. Bi kịch của Đan Thiềm còn là bi kịch nhan sắc, bởi Đan Thiềm vốn là một cung nữ tài sắc vẹn toàn nhưng bị ruồng bỏ, gần 20 năm bị giam lỏng, hầu hạ cho vua, phải đành ngậm ngùi chôn vùi tuổi xuân của mình. Thậm chí, nàng còn bị khinh miệt, xem thường, phải nhận tiếng oan khó gột rửa là “gian phu dâm phụ”, là người phụ nữ không đoan chính, trên mê hoặc vua dưới thì gian díu với Vũ Như Tô.
III. KẾT BÀI
1/ Nghệ thuật
Với tài năng trong cách xây dựng nhân vật, nghệ thuật miêu tả diễn biến tâm lý nhân vật một cách chân thuực, xúc động, ngôn ngữ nhân vật giàu tính cá thể, ngôn ngữ tính tổng hợp cao, đặt nhân vật trong nhiều mối quan hệ: với Vũ Như Tô thì tri kỉ, với cung nữ thì bị ghen ghét, tác giả đã thể hiện được sâu sắc tính cách của nhân vật Đan Thiềm trong tác phẩm. Nhân vật mang một tính cách riêng, điển hình đã làm nên thành công của một tác phẩm nghệ thuật.
2/ Nội dung
Tác phẩm đã thể hiện được chân dung người cung nữ có tấm lòng yêu mến, say mê cái đẹp, biết trân trọng người tài nhưng lại không may mắn gặp phải bi kịch. Thông qua nhân vật Đan Thiềm, tác giả bộc lộ khát khao của người nghệ sĩ trong đời cần có kẻ tri âm, tri kỷ trong hành trình sáng tạo nghệ thuật đầy cô đơn.
🔻 Xem thêm: