I/ MỞ BÀI
Cao Bá Quát tự là Chu Thần là người nổi tiếng học rộng, tài cao và viết chữ Hán rất đẹp. Ông được người đời tôn vinh là thánh “Thần Siêu, thánh Quát”, ca ngợi văn chương của ông “Văn như Siêu, Quát vô tiền Hán”. Có người cho rằng hình tượng nhân vật Huấn Cao trong truyện ngắn “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân có nguyên mẫu là Cao Bá Quát. Tài năng, khí phách, bản lĩnh và hoài bão lớn lao nhưng con đường công danh của ông lại rất lận đận. Trong bối cảnh chính quyền phong kiến hà khắc, hủ bại, ông thể hiện rõ sự bất mãn, thái độ phê phán và phản ánh nhu cầu đổi mới xã hội. Bài thơ “Bài ca ngắn đi trên bãi cát” chỉ là một trong nhiều bài thơ thể hiện rõ những tâm tư, tình cảm ấy của ông.
II/ THÂN BÀI
1/ Khái quát
1.1. Thể loại:
Bài thơ “Bài ca ngắn đi trên bãi cát” của Cao Bá Quát được viết theo thể hành còn gọi là ca hành. Đây là một thể thơ cổ, có tính chất tự do, phóng khoáng, không gò bó về số câu, độ dài của câu, niêm luật, bằng trắc, vần điệu. Có lẽ chính vì thế mà nó đã giúp nhà thơ bộc lộ hết được những suy tư, trăn trở trước thời cuộc và chính cuộc đời mình.
1.2. Hoàn cảnh ra đời:
– Cao Bá Quát sống ở giai đoạn nửa đầu thế kỉ XIX, khi nhà Nguyễn đã tiêu diệt Tây Sơn, thiết lập một chính quyền phong kiến chuyên chế hà khắc, sưu cao thuế nặng, không coi trọng tầng lớp trí thức Bắc Hà. Đây là thời kì có nhiều cuộc nổi dậy của nông dân nổ ra, mà sau này chính ông cũng tham gia khởi nghĩa Mĩ Lương chống lại triều đình nhà Nguyễn rồi bị khép vào tội chết.
– Năm 1831, Cao Bá Quát đỗ cử nhân tại trường thi Hà Nội. Sau đó nhiều lần ông vào kinh đô Huế đi thi nhưng không đỗ. “Bài ca ngắn đi trên bãi cát” có thể được hình thành trong những lần Cao Bá Quát đi thi hội qua các tỉnh miền Trung đầy cát trắng như Quảng Bình, Quảng Trị.
1.3. Nội dung chính:
Hình ảnh những bãi cát trắng chạy dọc các tỉnh miền Trung khiến tác giả liên tưởng và hình dung ra con đường danh lợi nhọc nhằn đáng ghét mà ông buộc phải theo đuổi. Từ đó, bài thơ phản ánh tình cảnh tù túng, không lối thoát của tầng lớp trí thức trong thời kì khủng hoảng của chế độ phong kiến. Đồng thời thể hiện niềm bi phẫn trước thực trạng xã hội, thái độ khinh bỉ phường danh lợi và khát khao của những kẻ sĩ chân chính muốn sống một cuộc sống thực sự có ý nghĩa.
2/ Phân tích
2.1. Hình ảnh con đường cát
Bài thơ được mở ra bằng hình ảnh một bãi cát dài, trắng mênh mông, vô tận:
Bãi cát dài lại bãi cát dài,
Đi một bước như lùi một bước.
Hình ảnh bãi cát dài là hình ảnh độc đáo, mang tính sáng tạo bởi nó được lấy từ hiện thực là những cồn cát trắng hoang vu, rợn ngợp mà tác giả đã từng vượt qua nhiều lần trên con đường vào kinh ứng thí chứ không phải được vay mượn từ văn học Trung Quốc như nhiều hình tượng thơ khác. Dải đất miền Trung, đặc biệt là hai tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị bề ngang rất hẹp, phía Tây là dãy Trường Sơn, phía Đông là biển. Trước mắt người đi đường chỉ thấy cát, núi và sóng biển. Và hình ảnh in đậm nhất trong tâm trí Cao Bá Quát là hình ảnh những con đường cát.
Cụm từ “bãi cát” được lặp lại hai lần cũng cách diễn đạt “lại bãi cát dài” làm hiện lên trước mắt người đọc là những bãi cát trắng nối tiếp nhau ngút ngàn tầm mắt mà không biết điểm kết thúc, không có một phương hướng hay chỉ đường. Những bãi cát không chỉ nối tiếp dài dằng dặc mà còn là con đường đi đầy khó nhọc, đi một bước như lùi một bước. Hình ảnh con đường cát ở đây trở thành biểu tượng cho con đường đời, con đường công danh, con đường hành đạo mịt mù, xa tít mà những trí thức đương thời vẫn theo đuổi. Con đường này khiến những người muốn tìm thấy chân lí đích thực của cuộc đời phải trải qua biết bao gian nan, cực khổ mà vẫn khó tìm thấy đích.
2.2. Hình ảnh người đi trên cát
Giữa mênh mông biển cát, có một người lữ khách đang mải miết bước đi. Lữ khách bước đi đầy khó nhọc và đi mãi mà chưa thấy điểm dừng chân. Mặt trời đã về núi, vậy mà người người khách đường xa kia vẫn chưa thể dừng bước, bởi vì trước mắt vẫn là những bãi cát dài vô tận. Hình ảnh người đi đường thật cô đơn, nhỏ bé giữa không gian bao la, rộng lớn, như lạc lõng không xác định được hướng đi giữa miền cát sa mạc. Không biết bao giờ mới đến đích, không thể rời bỏ, cũng không có chỗ nghỉ chân đêm nay cho nên người lữ khách kia chỉ biết rơi nước mắt, đau khổ khôn cùng “nước mắt lã chã rơi”:
Mặt trời đã lặn chưa dừng được,
Lữ khách trên đường nước mắt rơi.
Hình ảnh lữ khách bước đi trên cát cũng chính là Cao Bá Quát cùng nhiều chí sĩ đương thời trên con đường công danh, hành đạo đầy mệt nhọc. Đối với các nho sĩ ngày xưa con đường học hành, thi cử để đỗ đạt làm quan là con đường đầy khó khăn vất vả và hầu như cũng là con đường duy nhất để họ thể hiện chí làm trai, lập công, lập danh. Bản thân Cao Bá Quát cũng nếm đủ mùi cay đắng trên con đường ấy. Ông đi thi từ năm 13 tuổi (1822), đến lần thứ tư (1831) mới đậu cử nhân, lại bị đánh tụt xuống tận chót bảng. Sau đó ông còn lận đận thêm ba lần thi Hội nữa mà vẫn không đỗ. Ông đã phải cô đơn, đau khổ, chán ghét, lạc lõng, vô phương hướng, mệt mỏi tới cùng cực trên con đường tìm kiếm công danh phù phiếm. Không phải vì ông không đủ phẩm chất mà vì một người tài năng, ngay thẳng như ông không phù hợp với môi trường xã hội phong kiến hủ bại.
2.3. Hai câu thơ 5,6
Không học được tiên ông phép ngủ
Trèo non, lội suối, giận khôn vơi!
Người đi trên bãi cát ở đây lòng đầy ai oán vì con đường công danh của mình mãi chưa tới đích. Ai oán là thế, nhưng người lữ khách Cao Bá Quát lại không thể rời bỏ con đường mưu cầu danh lợi mà mình chán ghét được. Bởi vậy, trên hành trình đầy gian nan phải trèo non, lội suối cực nhọc ông khao khát muốn được như tiên ngủ Hạ Hầu Ấn có thể vừa ngủ vừa đi, vừa nhắm mắt ngủ say mà vẫn bước đi đều đặn, ước ao tai không nghe, mắt không thấy những điều xấu xa, phi lý trong xã hội đương thời. Tuy nhiên không có phép màu nào, không có lối thoát nào để nhanh chóng vượt qua con đường ấy, để có thể nhắm mắt làm ngơ trước sự đời, cho nên trên con đường ấy lữ khách thể hiện thái độ chán ghét “giận khôn vơi!”
2.4. Bốn câu thơ (từ 7-11)
Những câu thơ tiếp theo phần nào giải thích lí do vì sao người ta dù khó nhọc, chán ghét mà cứ phải trèo non, lội suối:
Xưa nay, phường danh lợi,
Tất tả trên đường đời.
Đầu gió hơi men thơm quán rượu,
Người say vô số, tỉnh bao người?
Đó chính là do cái bả công danh cám dỗ, vì công danh mà phải cố bước. Bởi công danh như hơi men rượu, lôi cuốn, hấp dẫn, mê hoặc người ta, đủ làm người ta say sưa trong mê muội. Vô số người không thể cưỡng được hương thơm của rượu ngon nơi “đầu gió”, bị rượu hấp dẫn mà tìm đến rượu rồi say trong đó không biết lối ra. Tương tự như vậy, những kẻ ham danh lợi xưa nay thấy mùi lợi lộc đều lao vào như con thiêu thân, đều “tất tả”, vội vã, bon chen, chạy ngược chạy xuôi để tìm kiếm danh lợi. Trên đời, có mấy ai tỉnh táo để thoát khỏi sự cám dỗ của rượu, thoát khỏi sự mê hoặc của bả công danh. Cách nói “phường danh lợi” cho thấy Cao Bá Quát tỏ rõ thái độ khinh rẻ những kẻ chỉ biết say sưa với bả vinh hoa phú quý và cũng cho thấy ông đã bắt đầu nhận ra sự vô nghĩa, phù phiếm của con đựờng khoa cử, khi mà người tài lại chẳng được trọng dụng, chẳng thể giúp đổi mới cho một xã hội bảo thủ, trì trệ.
Câu hỏi “Người say vô số, tỉnh bao người?” còn như là lời tự hỏi chính bản thân mình của Cao Bá Quát. Liệu ông có phải là người “tỉnh” trong “quán rượu” ngon kia chăng? Hay ông cũng chỉ là một trong vô số những người đang say trong hương rượu nồng? Câu hỏi cũng như lời tự than bất lực của ông trước vòng xoáy danh lợi ông đang theo đuổi, bất lực trước cả thời cuộc, xã hội nữa.
2.5. Ba câu thơ tiếp theo (từ 12-14)
Những câu thơ tiếp theo cho thấy cái nhìn của Cao Bá Quát về thực trạng xã hội về sự mệt mỏi, chán chường của ông trước cuộc đời như thế nào. Dù đã nhận ra sự vô nghĩa, phù phiếm của con đường khoa cử nhưng ông vẫn không thôi băn khoăn, day dứt khi phải lựa chọn:
Bãi cát dài, bãi cát dài ơi!
Tính sao đây? Đường bằng mờ mịt
Đường ghê sợ còn nhiều, đâu ít?
Hình ảnh “bãi cát dài” lại một lần nữa được nhắc tới và lặp lại hai lần trong một câu thơ. Vẫn là tiếng thở dài đầy ngao ngán trước cuộc đời, trước con đường mình đã chọn đang mờ mịt không có lối ra. Người lữ khách loay hoay, cô độc và tự hỏi chính mình “tính sao đây?”, phải tính sao trước con đường đầy khó khăn, chán chường, bế tắc này? Đường đi “bằng” phẳng thì “mờ mịt”, không thấy hướng, còn những con đường gập ghềnh “ghê sợ” thì cũng “đâu ít”. Đường công danh là thế, biết bao chông gai, cạm bẫy luôn rình rập. Ở đây chính là Cao Bá Quát đang tự hỏi mình, phải “tính sao” trước thời cuộc này, trước sự bế tắc của xã hội này.
2.6. Bốn câu thơ cuối (15-18)
Nhưng câu hỏi “tính sao đây?” là một câu hỏi khó trả lời nên một cảm giác tuyệt vọng, bất lực trào dâng trong lòng người khách độc hành. Lữ khách chỉ còn biết cất lên khúc hát “đường cùng” để bày tỏ tâm trạng:
Hãy nghe ta hát khúc “đường cùng”,
Phía bắc núi Bắc, núi muôn trùng,
Phía nam trời Nam, sóng dào dạt.
Khúc hát đường cùng là khúc ca đầy bi phẫn về sự chán chường, mệt mỏi và tuyệt vọng khi đột nhiên nhìn lại và nhận ra mình đã dành cả một đời để theo đuổi con đường công danh đáng chán ghét, ghê sợ. Người lữ khách Cao Bá Quát đứng giữa bãi cát mênh mông nhìn ra xung quanh bốn phía. Trước mắt là một khung cảnh thiên nhiên đẹp và hùng vĩ nhưng lại nguy hiểm, trắc trở vô cùng. Phía Bắc là núi non trùng trùng điệp điệp, phía Nam là sóng cao biển sâu, chẳng hướng nào có thể vượt qua được.
Hình ảnh “núi muôn trùng” và “sóng dào dạt” tượng trưng cho những khó khăn, chông gai phía trước. Vậy nên đi tiếp hay dừng lại? Người lữ khách chơi vơi giữa bãi cát mênh mông ấy chẳng thể tiến, chẳng thể lùi, chẳng biết nên đi về hướng nào. Đi tiếp cũng không được mà từ bỏ cũng không được vậy nên lữ khách chỉ còn biết đứng như trời trồng trên bãi cát và tự hỏi một câu đầy đau đớn, nhức nhối “Anh còn đứng làm chi trên bãi cát?”. Rốt cuộc, ông đứng đây để làm chi, để chờ đợi điều gì? Câu hỏi ấy không chỉ thể hiện sự bi phẫn, tuyệt vọng mà còn là dự báo cho sự thay đổi, dứt khoát lựa chọn rời khỏi đường công danh, để lựa chọn một con đường, một lí tưởng cho riêng mình.
Một đời Cao Bá Quát đã muốn cống hiến tài năng của mình cho đất nước nhưng rồi ông đã nhận ra rằng con đường học hành, thi cử làm quan để hành đạo giúp đời như các nhà nho xưa, trong bối cảnh xã hội đương thời là không điều hề dễ dàng và tốt đẹp như ông tưởng. Ông dường như nhìn đã thấy nhu cầu đổi mới của xã hội và hình thành tư tưởng khai sáng. Về điều này, GS. Thanh Lãng nhận xét: “Tư tưởng độc lập của Cao Bá Quát khác với cái chí nam nhi của Nguyễn Công Trứ. Ông Trứ lập nghiệp là để giúp vua, để chu toàn quân thần; còn ông Quát mang cái mộng thay đổi thời cuộc và chuyển vần số mệnh”. Chính vì vậy mà cuối cùng người chí sĩ yêu nước ấy chọn cho mình con đường từ bỏ cái lạc hậu, lỗi thời để đi theo tư tưởng khai sáng, canh tân đất nước. Sau này ông cùng với các sĩ phu yêu nước tổ chức cuộc khởi nghĩa Mỹ Lương ở vùng Sơn Tây chống lại triều đình và đã hi sinh. Và như vậy, Cao Bá Quát và tư tưởng đổi mới của ông ở Việt Nam nửa đầu thế kỉ XIX khiến ta liên tưởng đến hình ảnh người dẫn đường như “những con chim ưng”, “con chim báo bão” hay “Trái tim Đan-kô” trong sáng tác của M. Goocki, khiến người đời sau mãi mãi phải khâm phục.
III. KẾT LUẬN
Về nghệ thuật, bài thơ được viết theo thể hành, khá tự do, phóng khoáng, tự do về kết cấu, vần, nhịp điệu; có sử dụng những hình ảnh có tính biểu tượng; nhiều câu thơ có ngữ điệu cảm thán, ngữ điệu hỏi, sử dụng các điển tích, điển cố để diễn giải ý một cách tinh tế… Tất cả nhằm thể hiện hình ảnh con đường gập ghềnh, khó nhọc và phù hợp với việc thể hiện tâm trạng chán chường, bế tắc. Bài thơ “Bài ca ngắn đi trên bãi cát” như là lợi tự bạch đầy chán ghét, tuyệt vọng của Cao Bá Quát trước con đường danh lợi tầm thường mà ông buộc phải theo đuổi, xen lẫn trong đó là sự bất lực, là khao khát được thay đổi cuộc sống trong bối cảnh xã hội phong kiến triều Nguyễn bảo thủ, trì trệ, ngột ngạt, tù túng không lối thoát.