Site icon Lớp Văn Cô Thu

[Học văn 11] Chứng minh: Nguyễn Khuyến là nhà thơ của làng cảnh Việt Nam

Đề bài : Nhà thơ Xuân Diệu viết: Nguyễn Khuyến là nhà thơ của làng cảnh Việt Nam. Qua chùm thơ thu của Nguyễn Khuyến, hãy làm sáng tỏ nhận định trên.

HƯỚNG DẪN LÀM BÀI

  1. Mở bài
  2.  Thân bài

a) Giải thích ý kiến: Nguyễn Khuyến là nhà thơ của làng cảnh Việt Nam

– Điều đầu tiên ta thấy trước hết là hình ảnh mùa thu trong ba bài thơ đều được diễn ra trên nền của không gian làng quê. Đó là những hình ảnh mùa thu diễn ra trên làng quê.

+ Mùa thu rất quen thuộc trong thơ ca từ cổ chí kim, vốn là đề tài muôn thưở gần gũi và quen thuộc của các thi nhân. Mùa thu là mùa đẹp gợi cảm hứng cho các nhà thơ thổ lộ tâm tình của mình.

+ Trước Nguyễn Khuyến, cảnh thôn quê đã từng xuất hiện ít nhiều trong thơ Nguyễn Trãi:

“Ao cạn, vớt bèo cấy muống

Đìa thanh phát cỏ ương sen”.

Nhưng chỉ đến Nguyễn Khuyến, văn học mới thực sự trở về làng quê, về với người dân nơi thôn dã.

+ Nguyễn Khuyến “nổi tiếng nhất trong văn học Việt Nam là thơ Nôm” (Xuân Diệu). Ba bài “Thu Điếu”, “Thu Vịnh”, “Thu ẩm” thể hiện tập trung nhất sự đa dạng và tinh tế của tác giả. Mỗi bài thơ thu của Nguyễn Khuyến miêu tả, cảm nhận mùa thu ở một không gian, thời gian không giống nhau nhưng tất cả đó đều là những cảnh vật rất thật của nông thôn vùng đồng bằng Bắc Bộ. Ở đây, không hề có những ước lệ vốn đã thành quen thuộc trong thơ cổ. Một bầu trời xanh ngắt, ao thu trong veo, một cần trúc hắt hiu trong gió, một ngõ xóm quanh co, mấy gian nhà tranh mái rạ, một hàng giậu phất phơ bóng khói ban chiều… đó đều là những cảnh rất thân thuộc của làng quê Việt Nam. Nó yên ả thanh bình như vốn có tự ngàn đời chứ chưa hề động gót giày của quân xâm lược Pháp. Nó gợi trong ta cái tình quê, hồn quê sâu thẳm.

b) Phân tích ý kiến

b.1 . Hình ảnh thôn quê hiện lên trong cả ba bài về mùa thu của Nguyễn Khuyến.

  – Bài thơ không tả mùa thu từ một nơi, trong một lúc mà là bức tranh tổng hợp, khá hoàn chỉnh về mùa thu. Ở đây hầu như có đủ những hình ảnh đặc trưng cho mùa thu ở thôn quê Việt Nam( bầu trời cao xanh, cần trúc mảnh mai, gió thu nhẹ, mặt nước biếc phu sương khói, ánh trăng trong, chùm hoa trước giậu…). Chỉ bằng mấy nét chấm phá, Nguyễn Khuyến đã gợi được cái hồn thu nơi từng cảnh vật.  Cảm nhận tinh tế của thi nhân được thể hiện rõ qua cách dùng từ:

“Trời thu xanh ngắt mấy từng cao

Cần trúc lơ phơ gió hắt hiu

Nước biếc trông như tầng khói phủ

Song thưa để mặc bóng trăng vào…”

Cảnh mùa thu trong Thu vịnh thật thanh khiết, tĩnh lặng. Từ đường nét đến màu sắc, từ âm thanh đến vận động… cái gì ở đây cũng dịu, cũng nhẹ. Ấy cũng là đặc điểm tâm hồn Nguyễn Khuyến. Ông không hợp với những gì ồn ào, xô bồ, rực rỡ. Tâm hồn ông dễ xúc động với những vẻ đẹp thanh tao, uyển chuyển, những sắc màu sáng trong, dịu mát. Tâm hồn ấy cùng thường phả vào cảnh vật một chút hắt hiu, buồn rầu.

Không khí làng quê mùa thu ở Thu vịnh im ắng và phảng phất nỗi u hoài. Không gian và thời gian trở nên mông lung, không xác định trong tâm trạng bâng khuâng buồn của thi nhân:

Mấy chùm trước giận hoa năm ngoái

Một tiếng trên không ngỗng nước nào…

Thế giới thiên nhiên này gợi lên cảm giác yên tĩnh trong trẻo và ngưng lọng ngàn đời. Trước những biến động ngang trái của cuộc đời, Nguyễn Khuyến muốn được mãi mãi ở trong vẻ đẹp thanh tĩnh của làng quê.

– Bài thơ cảm nhận mùa thu từ một không gian xinh xắn, thơ mộng, từ điểm nhìn của một người câu cá. Mở đầu bằng một cảnh thu bình dị rất riêng của làng, quê đồng bằng Bắc Bộ: ao thu. Một thế giới tĩnh lặng, trong suốt mà trong đó mọi vật hài hòa nhẹ nhõm:

“Ao thu lạnh lẽo nước trong veo

  Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.”

– Những chuyển động, âm thanh trong thế giới thu này thật nhẹ nhàng và chỉ càng gây ấn tượng về sự đọng kết, sự tĩnh lặng. Làn sóng biếc chỉ “gợn tí”. Lá vàng cũng “khẽ đưa vèo trong gió thu… Hai câu thực tả cảnh gần, hai câu luận tả canh cao, cảnh xa để hợp tạo thành bức tranh thu yên ả, đượm buồn. Chỉ ở mùa thu mới có “Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt” ấy (ba  lần trong ba bài thơ thu đều xuất hiện bầu trời xanh ngắt). Cũng chỉ ở làng quê xứ Bắc đang độ thu mới có “Ngõ trúc quanh co khách vắng teo” ấy!

– Trong bức tranh thu ở Thu điếu hiện lên hình ảnh con người đang ngồi câu cá nơi ao thu lạnh lẽo”. Song con người này cũng chẳng hề đánh động thêm gì cho bức tranh. Trái lại, tư thế và tâm tưởng của con người chỉ tạo thêm ấn tượng về sự ngưng đọng mà thôi.

– Đây là mùa thu được cảm nhận bằng tâm trạng của một người ngồi uống rượu. Lúc này, cảnh thu sẽ mang các ấn tượng nỗi niềm riêng – dường như cũng chập chờn, mờ ảo. Có lẽ vì thế mà bài thơ có nhiều từ lấp láy và dùng vần “oe”.

Thu ẩm không miêu tả riêng một cảnh thu ở một thời điểm nào mà là sự “tổng hợp nhiều cảnh thu ở nhiều thời điểm” (Xuân Diệu). Bài thơ cũng không hề có một chữ “thu” (khác với “trời thu” ở Thu vịnh và “ao thu” ở Thu điếu). Vậy mà đọc lên ta nhận ra chính xác cảnh sắc thu quen thuộc của làng quê Việt Nam. Đây là một mái nhà tranh bình dị trong ngõ tối vào đêm sâu lập lòe những con đom đóm:

Năm gian nhà cỏ thấp le te.

Ngõ tối đèm sâu đóm lập lòe.

–  Phải là “ngõ tối”, “đêm sâu” thì mới có thể thấy “đóm lập lòe”; ngược lại, cái lập lòe của con đom đóm ấy lại càng khiến cho ngõ tối bỗng tối hơn, đêm sâu thành sâu hơn… Đây là cảnh của buổi sáng sớm (hay buổi chiều) với khói nhạt phất phơ nơi lưng giậu. Rồi lại cảnh đêm trăng với mặt ao lóng lánh:

Lưng giậu phất phơ màu khói nhạt

Làn áo lóng lánh, bóng trăng loe.

Lại một một bầu trời trong suốt ở buổi ban trưa hay ban chiều với màu xanh thăm thẳm:

Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt.

Bài thơ tạo trong ta ấn tượng “phi thời gian” nhưng cũng gợi rất sâu vào không khí tĩnh mịch, trong lành vô cùng thân thuộc của thôn quê Việt Nam.

b.2. Hình ảnh con người – nhân vật trữ tình:

– Trong chùm thơ thu Nguyễn Khuyến ta không chỉ bắt gặp cảnh mà còn bắt gặp hình ảnh con người thi nhân. Nếu trong thơ ca trước đó, tính ước lệ, quy phạm khiến cho hình ảnh của tác giả thường mờ nhạt, khó có thể cụ thể giọng điệu cảm xúc thì ở chùm thơ thu này, hình ảnh Nguyễn Khuyến hiện lên rất rõ. Đó là hình ảnh của một con người luôn nghĩ về thời thế:

– Trong “Thu điếu” ta thấy dáng ngồi câu cá “tựa gối ôm cần” thú vui câu cá tao nhã của thi nhân:

Tựa gối ôm cần lâu chẳng được

Cá đâu đớp động dưới chân bèo”. 

Tiếng cá kia cũng chỉ tồn tại trong sự liên tưởng mà thôi chứ thực chất bức tranh mùa thu tĩnh lặng tuyệt đối, cái giật mình là giật mình của một tâm trạng chưa bao giờ yên cả.

– Trong “Thu Vịnh” tác giả cảm thấy “thẹn”, cái thẹn đó có thể là thẹn về nhân cách hay về tài thơ so với Đào Tiềm. Phải chăng đó chỉ là cái cớ cho một nỗi thẹn thường trực của thi nhân với non sông đất nước?

“Nhân hứng cũng vừa toan cất bút

 Nghĩ ra lại thẹn với ông Đào”

– Và đến “Thu ẩm” thì nỗi đau, nỗi cô đơn đã hiện ra cả hành động. Đó là hành động mượn rượu giải sầu:

  “Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt

 Mắt lão không ầy cũng đỏ hoe”

Điều đó đã cho thấy cảm giác của nỗi khôn nguôi, nỗi cô đơn, của một thân phận cô độc trong thời tao loạn, lủi thủi sống nơi thôn quê. Ông day dứt về quê hương đất nước, mặc cảm cứ tự trách mình hổ thẹn với non sông:

“Ơn vua chưa chút báo đền,

Cúi trông thẹn đất, ngửa trông thẹn trời”

(“Di chúc”)

Ba bài thơ tuy giống nhau về diểm nhìn của tác giả, hệ thống các phương thức biểu hiện. Nhưng mỗi bài lại mang một nét độc đáo của thơ Nguyễn Khuyến. Làng cảnh Việt Nam đặc sắc, quen thuộc, đơn sơ, dung dị, đáng yêu. Cái hồn của quê hương hiện lên thật rõ ràng. Nó rất tiêu biểu cho thơ trữ tình của Nguyễn Khuyến về quê hương thanh đạm, tinh tế, vài nét chấm phá mà vẫn hội tụ được nhiều vẻ đẹp .

c) Bình luận

– Đây là ý kiến đúng: Ba bài thơ mỗi bài có những vẻ đẹp khác nhau song hội tụ lại đều nói về cảnh thu, hồn thu về làng cảnh, cuộc sống, phong tục, con người. Trong thơ Nguyễn Khuyến phảng phất một cái buồn lặng lẽ như chính tâm hồn của nhà thơ. Mọi cảnh vật đều đẹp, thanh sơ mang màu sắc của vùng quê đồng bằng Bắc Bộ với một bầu trời thu xanh cao, một không khí bảng lảng sương khói, một làn gió thu se lạnh, một ao bèo, một thuyền câu,… những hình ảnh này không chỉ là các chi tiết về vùng quê mà nó còn chứa đựng cả tâm hồn nhà thơ.

– Đến với chùm ba bài thơ thu của Nguyền Khuyến, ta bắt gặp những cảnh sắc không thể lẫn của mùa thu vùng nông thôn đồng bằng Bắc Bộ. Những bức tranh thu ấy được vẽ nên bằng tấm lòng yêu mến quê hương mình, bằng tình yêu cuộc sống thanh cao, tĩnh lặng chốn thôn quê của cụ Tam nguyên Yên Đổ. Thành công của những bài thơ thu này cũng chứng tỏ tâm hồn tinh tế, ngòi bút tài hoa của Nguyễn Khuyến. Chúng đưa ông lên địa vị danh dự trong các thi nhân viết về mùa thu, trong những nhà thơ của làng cảnh Việt Nam.

d) Mở rộng

 Đối với người đọc, cần trân trọng tài năng của tác giả trong việc tả cảnh vật thân thuộc, đơn sơ mà dung dị, đáng yêu của làng cảnh Việt Nam. Cái nhìn trên bề mặt cùng cái hồn đồng quê hiện lên rất rõ trong từng câu, từng chữ. Đồng thời cũng đồng cảm với cái tình của nhà thơ vô cùng đằm thắm và tinh tế. Từ đó bồi đắp thêm tình yêu đối với quê hương, đất nước.       

3. Kết bài

Exit mobile version