Đề bài: “Bài ca ngất ngưởng” là bức chân dung tự họa về con người Nguyễn Công Trứ. Em hãy phân tích bài thơ để làm sáng tỏ ý kiến trên.
Bài làm
Trong văn học, đã có nhiều bậc thi sĩ từng thể hiện cái tôi ngang tàng, ngạo nghễ. Thông thường thì điều này xuất phát từ bản năng kiêu căng, tự mãn với đời. Nhưng trong bài thơ “Bài ca ngất ngưỡng”, tác giả dù cũng bộc lộ bản năng “xấu xí” ấy, nhưng đào sâu vào bài đọc thì điều đó đã thể hiện tính tự do tự tại, toát ra sự phóng khoáng trong cả tài năng, trí tuệ lần cốt cách của ông, đấy được gọi là phong thái sống “ngất ngưỡng”. Nhân vật đó chính là Nguyễn Công Trứ – một thi sĩ nhưng đã kinh qua bao thăng trầm trên con đường quan lại.
“Bài ca ngất ngưỡng” được sáng tác vào năm 1848, khi Nguyễn Công Trứ đã giã từ việc làm quan triều Nguyễn và trở về quê nhà. Ròng rã ba mươi năm trong triều đình, Nguyễn Công Trứ lúc làm lính thú, lúc cầm quân chinh chiến, khi lại làm đại quan. Và khi được giải phóng khỏi những ràng buộc về luật lệ cũng như những lễ nghi thì cũng là lúc ông thể hiện phong thái sống “ngất ngưỡng” của mình. Có thể nói, “Bài ca ngất ngưỡng” vang lên như một lời tự thuật về cuộc đời, nơi tác giả Nguyễn Công Trứ tự hào về tài năng, đức độ và công danh của mình, biểu lộ cá tính, phong cách sống tài tử, phóng khoáng.
Nghe qua từ láy “ngất ngưởng”, ta có thể hiểu ngay rằng đấy là từ diễn tả trạng thái cao chót vót, trong tư thế nghiêng ngã, nhưng chỉ chực đổ chứ không đổ. Ta cũng có thể hiểu hai từ “ngất ngưỡng” như lối sống hay cách hành xử gây khó chịu cho người xung quanh, hay thậm chí là như trêu ngươi, như chọc tức họ vậy. Tính cả trong nhan đề lẫn tác phẩm thì đã có năm lần chúng ta nhìn thấy hai chữ “ngất ngưỡng” rồi, qua đó thể hiện sự nhất quán trong phong cách sống của Nguyễn Công Trứ khi làm quan (xử thế) hay cả lúc về hưu (xuất thế). Đó là phong cách sống đã cho thấy ông tôn trọng bản tính trung thực, khát khao thể hiện cá tính của riêng mình, không chấp nhận sự uốn mình, ràng buộc của lễ giáo “khắc kỉ, phục lễ” đến nhường nào.
Thoạt đầu bài thơ, ông đã thể hiện phong thái sống “ngất ngưởng” của mình ngay từ những năm tháng còn trong triều đình:
“Vũ trụ nội mạc phi phận sự.Ông Hi Văn tài bộ đã vào lồng
Khi thủ khoa, khi Tham tán, khi Tổng đốc Đông
Gồm thao lược đã nên tay ngất ngưởng.
Lúc bình Tây, cờ đại tướng,
Có khi về Phủ doãn Thừa Thiên.”
Bài thơ mở đầu bằng câu thơ “Vũ trụ nội mạc phi phận sự”, một câu thơ chữ Hán đầy trang trọng gợi nét nghĩa rằng : mọi việc trong vũ trụ chẳng có việc nào là không có phận sự của ta, cũng có thể được hiểu là mình luôn có mặt và quan trọng trong mọi việc trên đời. Đây chính là sự khẳng định về tài cán và vai trò lớn lao của bản thân ông, khẳng định ta đây có tài ở gần như mọi mặt trong cuộc sống và hoàn toàn có thể đảm đương chúng. Ở đây, chí làm trai của ông đã được thể hiện theo quan niệm sống chính là hành động, không bao giờ rời bỏ trách nhiệm cả. Nhà thơ đã tự tôn rằng mình là một “tài năng lỗi lạc xuất chúng”, qua cái nghệ danh “ông Hi Văn”, nhưng “tài năng” ấy lại phải chui “vào lồng”, tức rằng đời làm quan trong triều bị giam hãm trong lồng gò bó, mất tự do, đặc biệt là mất khả năng thể hiện cái tài của ông.
Là một người có kinh nghiệm làm quan trên 30 năm, tác giả với tâm trạng đầy tự hào và giàu lòng kiêu hãnh đã thuật lại những năm tháng trên đỉnh cao, tung hoành khắp nơi, bao gồm: “Thủ khoa, Tham tán, Tổng đốc Đông…”. Phép liệt kê trên được dùng kèm với điệp ngữ “khi” đã nhấn mạnh về những chức danh và địa vị của bản thân. Có lẽ phải tài giỏi và có trí tuệ hơn người thì Nguyễn Công Trứ mới được giao cho nhiều trọng trách như vậy. Thời loạn thì xông pha trận mạc, giữ trọng trách: “Bình Tây cờ Đại tướng”, thời bình thì giúp nước giúp vua, làm “Phủ doãn Thừa Thiên”. Những đóng góp lớn lao như thế chính là chứng cứ xác thực nhất để thể hiện sự đại tài cũng như tầm quan trọng của tác giả với đất nước. Chính vì thế, sự ngất ngưỡng của tác giả ở đây hoàn toàn biệt lập với tính khoe khoang, hợm hĩnh. Đấy là sự tự tin đến cao độ, phong cách tài tử của Nguyễn Công Trứ cũng như thể hiện bản lĩnh và sự kiên trì trong lý tưởng sống của ông.
Trở về cuộc sống thường ngày sau ba mươi năm làm quan, tác giả tiếp tục bộc lộ tâm hồn tự do tự tại, và rõ nét hơn ở sự phóng túng của mình:
“Đô môn giải tổ chi niên
Đạc ngựa bò vàng đeo ngất ngưởng
Kìa núi nọ phau phau mây trắng
Tay kiếm cung mà nên dạng từ bi
Gót tiên theo đủng đỉnh một đôi dì
Bụt cũng nực cười ông ngất ngưởng.
Được mất dương dương người thái thượng
Khen chê phơi phới ngọn đông phong
Khi ca, khi tửu, khi cắc, khi tùng
Không Phật, không Tiên, không vướng tục.”
Sau khi cáo quan, người ta thường tổ chức một buổi lễ trịnh trọng hay ban thưởng cho những đóng góp của vị quan ấy cho đất nước. Thế nhưng, thay vì đi theo những lễ nghi truyền thống ấy thì ông lại bắt đầu thể hiện sự trái khoáy, ngược đời thời hậu quan. Hình ảnh “đạc ngựa bò vàng đeo ngất ngưởng” đã cho thấy thái độ giễu cợt của tác giả đối với cuộc đời. Người ta ai ai cũng cưỡi bằng những chú ngựa đầy trang nghiêm nhưng ông lại cưỡi con bò vàng, là một loài vật thấp kém, mà còn dùng những chiếc đạc ngựa cao quý trang bị cho con bò vàng. Sự trái khoáy còn tiếp tục được thể hiện khi ông lại đeo mo cau cho bò vàng, cho thấy sự khinh thường của Nguyễn Công Trứ với những định kiến ngoài xã hội.
Từ giã cuộc đời làm quan, trở về với cuộc sống bình thường giản dị nhưng lối sống của Nguyễn Công Trứ lại không tầm thường một chút nào. Hình ảnh “Tay kiếm cung mà nên dạng từ bi” như cho thấy một sự chuyển giao toàn diện, nhà thơ trước sống ở nơi quan trường đầy mưu mẹo, nắm quyền sinh quyền sát trong tay nay trở về cuộc sống thường dân bỗng cảm thấy mình thật “từ bi”, mang dáng vẻ của một nhà tu hành đầy nhân hậu. Nguyễn Công Trứ ngay cả việc đi lễ chùa cũng phải “Gót tiên theo đủng đỉnh một đôi dì” thay vì phải trang nghiêm, thanh tịnh như bao người khác. Quả thật, ông là một con người sống vô cùng phóng túng, sống hết mình nhưng chơi cũng hết mình. Ông luôn tỏ một thái độ hiên ngang, giễu cợt trước cuộc đời, làm cho cả Bụt cũng phải bật cười trước sự “ngất ngưỡng” của riêng ông.
Nhà thơ đến lúc này đã thoát khỏi cái vòng danh lợi luẩn quẩn, để được thỏa sức vẫy vùng khắp bốn phương. Do đó, ở trong môi trường không xiềng xích này, ông có thể vui chơi, đàn hát, uống rượu để có được một cuộc sống tự do, tự tại hơn bao giờ hết. Trải qua bao thời kỳ ràng buộc, thăng trầm để cống hiến và phụng sự cho triều Nguyễn, tác giả cuối cùng cũng được tận hưởng trọn vẹn cuộc sống của riêng mình một cách “ngất ngưỡng” nhất. Sự “ngất ngưỡng” đấy, không gì khác, chính là lối sống ham hưởng thụ, đối lập với xã hội phong kiến đầy cổ hủ và giả tạo để rồi chỉ mãi sống trong sự trói buộc mà thôi.
Ba câu thơ cuối, nhà thơ đã nêu lên được quan niệm và thái độ sống của riêng mình:
“Chẳng Trái, Nhạc cũng vào phường Hàn, Phú
Nghĩa vua tôi cho vẹn đạo sơ chung
Trong triều ai ngất ngưởng như ông!”
Nguyễn Công Trứ khẳng định chắc nịch rằng ông là một vị trung thần đại tài bằng lối so sánh với những bậc anh hùng như Trái Tuân, Nhạc Phi, Hàn Kì, Phú Bật… của đời Hán, Tống bên Trung Quốc. Nguyễn Công Trứ đã thể hiện được tài năng của bản thân khi thực hiện lí tưởng trung quân ái quốc, hành đạo cứu đời, và quan trọng nhất là dù thái độ sống đầy ngạo nghễ ông vẫn giữ được cốt cách bề tôi trung thành với vua và với đất nước. Giọng văn đĩnh đạc, hào hùng như là lời tuyên bố đầy tự hào của tác giả về bản thân: “Trong triều ai ngất ngưởng như ông!” Câu thơ cuối cùng nói lên nội dung của toàn bài, là sự lí giải về quan niệm làm một đấng nam nhi của nhà thơ. Ông muốn gửi tới những bậc nam nhi trong thiên hạ rằng phải biết trách nhiệm của mình đối với trời đất, “trị quốc bình thiên hạ” là phận sự của mỗi người. Lời khẳng định tuy ngắn gọn mà xúc tích, bày tỏ sự chắc chắn trong chí hướng của một người đã có những đóng góp to lớn cho dân, cho nước.
Toàn bộ bài thơ với nội dung mà nó truyền tải, người đọc chắc chắn sẽ hiểu được cái “ngất ngưởng” trong con người của Nguyễn Công Trứ. Bằng việc áp dụng thể hát nói tài tình, tác giả đã khiến cho mọi người ý thức hơn về trách nhiệm của mỗi con người đối với cuộc đời. Như vậy, cái tôi “ngất ngưởng” của nhà thơ không phải là một thái độ tiêu cực mà là sự khẳng định bản thân của mình, là bản lĩnh dám sống ở đời, và một phong cách sống tài hoa, tài tử.
Chỉ qua một bài thơ ngắn mà tác giả đã gửi gắm được toàn bộ lối sống và cái nhìn của mình trước cuộc đời. Thể thơ Nôm độc đáo với nhịp điệu rõ ràng, nhấn mạnh được phong thái hơn người của Nguyễn Công Trứ. Đọc bài thơ, ta thấy thêm cảm phục những người nam nhi đã cống hiến hết mình cho đất nước trong thời kì phong kiến và cũng thấy trân trọng thêm thái độ và tinh thần của tác giả đối với cuộc đời.