Site icon Lớp Văn Cô Thu

Đoạn văn tổng – phân – hợp cảm nhận về hình ảnh người bà trong bài thơ “Bếp lửa”

Đoạn văn tổng – phân – hợp khoảng 12 câu nêu cảm nhận về hình ảnh người bà trong bài thơ “Bếp lửa”

Đoạn văn tổng – phân – hợp khoảng 12 câu nêu cảm nhận về hình ảnh người bà trong bài thơ “Bếp lửa”

(1)Bài thơ “Bếp lửa” của nhà thơ Bằng Việt đã xây dựng thành công hình tượng người bà với những vẻ đẹp vô cùng đáng quý. (2) Trước hết, ta thấy được ở bà là một người phụ nữ chịu thương, chịu khó, giàu đức hi sinh với tình yêu thương bao la dành cho cháu. (3) Cuộc đời của bà đã trải qua biết bao mưa nắng, nhiều vất vả gian truân, sớm hôm lận đận. (4) Điều ấy được thể hiện rõ ràng qua những lời thơ bày tỏ trực tiếp nỗi niềm thuơng xót của cháu dành cho bà: “Cháu thương bà biết mấy nắng mưa” rồi “Lận đận đời bà biết mấy nắng mưa”. (5) Không phải ngẫu nhiên cụm từ “biết mấy nắng mưa” được lặp lại nhiều lần như vậy, nhà thơ như cố ý tô đậm, khơi sâu nỗi vất vả, cực nhọc trong cuộc đời bà cũng như tấm lòng đồng cảm, thấu hiểu, trân trọng, biết ơn bà vô bờ bến. (6) Suốt những năm tháng kháng chiến, bố mẹ cháu làm nhiệm vụ cách mạng, bà chính là điểm tựa bình yên nhất cho cháu. (7) Bà đã thay cha,thay mẹ, thay thầy nuôi cháu lớn khôn, dạy bảo cháu nên người: “Cháu ở cùng bà, bà bảo cháu nghe/ Bà dạy cháu làm , bà chăm cháu học”. (8) Các từ “bà bảo”, “bà dạy”, “bà chăm” và điệp từ “bà”, “cháu” được lặp lại nhiều lần đã cụ thể hoá sự chăm sóc, cưu mang của bà dành cho cháu và cả tình bà cháu quấn quýt, yêu thương. (9) Không chỉ có thế, ở bà, ta còn thấy sáng ngời phẩm chất kiên cường, bản lĩnh, là hậu phương vững chắc cho tiền tuyến. (10) Giặc đến đốt làng, tàn phá quê hương, mái nhà tranh che mưa che nắng của hai bà cháu không còn, mất đi cả cơ nghiệp, ấy vậy nhưng bà vẫn “vững lòng” mà dặn cháu “đinh ninh”, vẫn bảo nhà bình yên để người nơi xa yên tâm công tác. (11)Một mình bà gánh vác tất cả, vừa là chỗ dựa cho cháu, cho cháu tình thương ấp ủ lại vừa là hậu phương vững chắc làm điểm tựa cho tiền tuyến thêm sức mạnh đấu tranh. (12)Có thể thấy, bằng lời thơ sâu lắng, nhẹ nhàng, tình cảm chân thành đằm thắm, qua dòng hồi ức của người cháu nay đã trưởng thành, bài thơ đã làm toát lên hình ảnh bà thật đẹp, khơi gợi những rung động thẩm mĩ trong lòng mỗi chúng ta.

🔻 Xem thêm:

Exit mobile version