BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
ĐỀ THI THAM KHẢO
KỲ THI TỐT NGHIỆP TRUNG HỌC PHỔ THÔNG NĂM 2023
Bài thi: NGỮ VĂN
Thời gian làm bài: 120 phút, không kể thời gian phát đề
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích:
chính mẹ đẻ anh hùng và truyền thuyết
từ túp lều lợp lá lợp tranh
cắt cuống nhau bằng lưỡi liềm
bàn chân thô quanh năm bùn lấm
chưa một lần ướm qua sử sách
tập con bước vịn vào ca dao tục ngữ
dù uống nước đâu lòng vẫn nhớ nguồn
thương từ cái kiến con ong
tím ruột bầm gan thù bọn ác
dân tộc tôi khi đứng dậy làm người
là đứng theo dáng mẹ
“đòn gánh tre chín dạn hai vai” (1)
mùa hạ gió Lào quăng quật
mùa đông sắt se gió bấc
dân tộc tôi khi đứng dậy làm người
mồ hôi vã một trời sao trên đất
trời sao lặn hóa thành muôn mạch nước
chảy âm thầm chảy dọc thời gian
(1) Câu thơ của Nguyễn Du.
(Trích Những người đi tới biển, Thanh Thảo, NXB Quân đội Nhân dân, 2004, tr. 53-54)
Thực hiện các yêu cầu sau:
Câu 1. Xác định thể thơ của đoạn trích.
Câu 2. Chỉ ra những từ ngữ diễn tả đời sống nghèo khó, vất vả của người mẹ trong đoạn thơ:
chính mẹ đẻ anh hùng và truyền thuyết
từ túp lều lợp lá lợp tranh
cắt cuống nhau bằng lưỡi liềm
bàn chân thô quanh năm bùn lấm
chưa một lần ướm qua sử sách
Câu 3. Nêu nội dung của hai dòng thơ:
tập con bước vịn vào ca dao tục ngữ
dù uống nước đâu lòng vẫn nhớ nguồn
Câu 4. Nhận xét về hình ảnh dân tộc Việt Nam được thể hiện trong đoạn trích.
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1 (2.0 điểm)
Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về sức mạnh của tinh thần vượt khó trong cuộc sống.
Câu 2 (5,0 điểm)
Trong Việt Bắc, nhà thơ Tố Hữu viết:
Ta về, mình có nhớ ta
Ta về, ta nhớ những hoa cùng người.
Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng.
Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang.
Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình
Rừng thu trăng rọi hòa bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung.
(Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2020, tr. 111)
Anh/Chị hãy phân tích đoạn trích trên; từ đó, nhận xét về lẽ sống ân nghĩa được thể hiện trong đoạn trích.
-HẾT-
GỢI Ý
1. Xác định thể thơ: Tự do.
Hướng dẫn chấm:
– Học sinh trả lời chính xác như đáp án: 0,75 điểm.
– Học sinh không trả lời hoặc trả lời sai: 0 điểm.
2. Từ ngữ diễn tả đời sống nghèo khó của mẹ: túp lều, lợp lá lợp tranh, lưỡi liềm, bàn chân thô, bùn lấm.
Hướng dẫn chấm:
– Trả lời được những ý trên: 0,75 điểm.
– Trả lời được 3 ý: 0,5 điểm.
– Trả lời được 1-2 ý: 0,5 điểm.
– Học sinh không trả lời hoặc trả lời sai điểm 0
3. Nội dung:
Hai câu thơ như một lời nhắc nhở thế hệ sau phải biết giữ gìn những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc; ghi nhớ, biết ơn và trân trọng, bảo vệ những giá trị, công lao mà thế hệ đi trước đã để lại cho đời sau.
Hướng dẫn chấm:
– Học sinh trả lời được 2 ý: 1,0 điểm.
– Học sinh trả lời được 1 trong 2 ý: 0,75 điểm.
– Học sinh trả lời khác nhưng có nghĩa tương tự: 0,25-0,5 điểm.
– Học sinh không trả lời hoặc trả lời sai điểm 0
4.
Nhận xét hình ảnh dân tộc Việt Nam:
– Con người Việt Nam sống trong gian khổ, khó khăn, vất vả.
– Kiên cường, bản lĩnh, yêu nước, căm thù giặc sâu sắc.
Hướng dẫn chấm:
– Học sinh trình bày thuyết phục: 0,5 điểm.
– Học sinh trình bày chưa thuyết phục: 0,25 điểm.
– Học sinh không trả lời hoặc trả lời sai điểm 0
II. Làm văn (7,0 điểm)
Câu 1. Viết đoạn văn về Sức mạnh của tinh thần vượt khó trong cuộc sống.
a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn:
Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Sức mạnh của tinh thần vượt khó trong cuộc sống.
c. Triển khai vấn đề cần nghị luận
Thí sinh có thể vận dụng các thao tác lập luận khác nhau để triển khai vấn đề cần nghị luận nhưng phải làm rõ giá trị của sự chân thật trọng cuộc sống. Có thể theo định hướng:
– Tinh thần vượt khó là tinh thần sẵn sàng đối mặt với khó khăn, thử thách trong cuộc sống, không chùn bước khi gặp thất bại.
– Người có tinh thần vượt khó sẽ không dễ dàng buông xuôi khi gặp khó khăn. Họ sẽ tìm cách giải quyết vấn đề, biến nguy thành cơ, biến khó khăn thành động lực để hướng đến thành công.
– Người có tinh thần vượt khó cũng sẽ là tấm gương sáng, truyền cảm hứng đến những người xung quanh.
– Phê phán những người không có tinh thần vươn lên trong gian khổ, khó khăn.
Hướng dẫn chấm:
– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục (1,0 điểm)
– Lập luận chưa thật chặt chẽ, thuyết phục, lí lẽ xác đáng nhưng không có dẫn chứng hoặc dẫn chứng không tiêu biểu (0,5 – 0,75 điểm).
– Lập luận không chặt chẽ, thiếu thuyết phục, lí lẽ không xác đáng, không liên quan mật thiết đến vấn đề nghị luận, không có dẫn chứng hoặc dẫn chứng không phù hợp (0,25 điểm).
Học sinh có thể bày tỏ suy nghĩ, quan điểm riêng nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
d. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu
Hướng dẫn chấm: Không cho điểm nếu bài làm có quá nhiều lỗi chính tả, ngữ pháp.
e. Sáng tạo: Cách diễn đạt sáng tạo, suy nghĩ mới mẻ về vấn đề cần nghị luận.
Hướng dẫn chấm: Học sinh huy động được kiến thức và trải nghiệm của bản thân để bàn luận vấn đề; có cách nhìn riêng, mới mẻ; có sáng tạo trong viết câu, dựng đoạn, làm cho lời văn có giọng điệu, hình ảnh.
Câu 2. Phân tích đoạn thơ Việt Bắc của Tố Hữu
“Ta về, mình có nhớ ta
……………………………………………
Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung
a. Đảm bảo cấu trúc của một bài văn nghị luận
Trình bày đầy đủ các phần Mở bài, Thân bài, Kết bài. Phần Mở bài biết dẫn dắt hợp lý và nêu được vấn đề; phần Thân bài biết tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau cùng làm sáng tỏ vấn đề; phần Kết bài khái quát được vấn đề, thể hiện được cảm xúc cá nhân.
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: Đoạn thơ là dòng hoài niệm sâu sắc về cảnh và người. Qua đó, khẳng định lòng thủy chung sắt son đối với Việt Bắc của người về xuôi.
Hướng dẫn chấm:
– Học sinh xác định đúng vấn đề cần nghị luận: 0,5 điểm.
– Học sinh xác định chưa đầy đủ vấn đề nghị luận: 0,25 điểm.
c. Triển khai hợp lí nội dung bài văn: Vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ với dẫn chứng. Học sinh có thể triển khai bài viết theo nhiều cách khác nhau, đảm bảo những nội dung chính sau:
*Giới thiệu khái quát về tác giả Tố Hữu, tác phẩm “Việt Bắc” và đoạn trích
*Cảm nhận về đoạn trích
– Nội dung:
+ Đoạn thơ trước hết gợi lên một bức tranh tứ bình đẹp về thiên nhiên núi rừng Việt Bắc. Bức tranh bốn mùa xuân – hạ – thu – đông trở thành bức tranh của nỗi nhớ. Đoạn thơ tràn ngập màu sắc với màu đỏ rực của hoa chuối mùa đông giữa nền rừng xanh mênh mông, với màu trắng tinh khiết của hoa mơ mùa xuân, với ánh vàng của rừng phách vào hè và mùa thu huyền ảo với ánh trăng soi.
+ Đan xen vẻ đẹp của thiên nhiên là vẻ đẹp của con người. Xen giữa một câu lục tả cảnh là một câu bát tả người – hình ảnh con người trong lao động và sinh hoạt (Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng; Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang; Nhớ cô em gái hái măng một mình; Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung). Sự đan xen giữa người và cảnh tạo nên sự hài hòa, quấn quýt, gợi tình cảm nhớ thương da diết.
+ Âm hưởng chung của đoạn thơ là nỗi nhớ thương tha thiết. Nhịp thơ lục bát nhịp nhàng, uyển chuyển, bâng khuâng, êm đềm như khúc hát.
– Nghệ thuật: thể thơ lục bát giàu tính dân tộc, bút pháp trùng điệp của ca dao, giọng điệu tha thiết ngọt ngào, ngôn ngữ gần gũi giàu sắc thái biểu cảm…diễn tả những nghĩa tình sâu sắc, đậm đà của người về xuôi đối với người ở lại.
Hướng dẫn chấm:
– Học sinh phân tích đầy đủ, sâu sắc (cả nội dung và nghệ thuật): 2,5 điểm.
– Học sinh phân tích chưa đầy đủ hoặc chưa sâu sắc (cả nội dung và nghệ thuật): 1,75 điểm – 2,25 điểm.
– Học sinh phân tích chung chung, chưa rõ các biểu hiện: 1,0 điểm – 1,5 điểm.
– Học sinh phân tích sơ lược, không rõ các biểu hiện: 0,25 điểm – 0,75 điểm.
*Nhận xét về lẽ sống ân nghĩa được thể hiện trong đoạn trích.
– Lẽ sống ân nghĩa được thể hiện thông qua nỗi nhớ, sự lưu luyến, bịn rịn trong giây phút chia tay giữa đồng bào miền núi và các cán cán bộ khi trở về Hà Nội.
– Lẽ sống ân nghĩa còn được thể hiện thông qua sự mường tượng của tác giả về những kỉ niệm, sự gắn bó, giúp đỡ của những đồng bào trong suốt quá trình sống và chiến đấu của các chiến sĩ ở chiến khu Việt Bắc.
– Lẽ sống ân nghĩa chính là một nét đẹp truyền thống của nhân dân ta, nó tạo nên sự liên kết giữa con người với con người, góp phần gây dựng nên mạnh đại đoàn kết toàn dân.
Hướng dẫn chấm:
– Học sinh trình bày được 2 ý: 0,5 điểm.
– Học sinh trình bày được 1 ý: 0,25 điểm.
d. Chính tả: Đảm bảo những quy tắc về chính tả, dùng từ, đặt câu.
Hướng dẫn chấm: Không cho điểm nếu bài làm mắc quá nhiều lỗi chính tả, ngữ pháp.
e. Sáng tạo: Cách diễn đạt độc đáo, có suy nghĩ riêng về vấn đề nghị luận.
Hướng dẫn chấm: Học sinh biết vận dụng lí luận văn học trong quá trình phân tích, đánh giá; biết so sánh với các tác phẩm khác để làm nổi bật nét đặc sắc phong cách Tố Hữu; biết liên hệ vấn đề nghị luận với thực tiễn đời sống; văn viết giàu hình ảnh, cảm xúc.
– Đáp ứng được 2 yêu cầu trở lên: 0,5 điểm.
– Đáp ứng được 1 yêu cầu: 0,25 điểm.