Site icon Lớp Văn Cô Thu

Dẫn chứng NLXH từ những câu truyện ngụ ngôn ý nghĩa

Dẫn chứng NLXH từ những câu chuyện ngụ ngôn ý nghĩa

Dẫn chứng NLXH từ những câu chuyện ngụ ngôn ý nghĩa

1. Câu chuyện về chiếc tách:

Từ một nhúm đất sét màu đỏ, chiếc tách bị nhào nặn trong đau đớn, bị xoay đến chóng mặt, bị nung đến tưởng như rạn nứt, rồi tiếp tục phải khoác lên mình cái mùi men khó chịu, và phải chịu tiếp một lượt nung với sức nóng còn cao hơn nhiều lần nung đầu… trước khi nó có thể đường hoàng được trưng bày trên những kệ sang trọng dưới ánh sáng lấp lánh. Chiếc tách phải hiểu rằng nó có thể bị đau đớn khi nhào nặn, nhưng nếu không, nó sẽ ngày một khô héo đi; nó có thể chóng mặt khi bị đặt lên bàn xoay, nhưng nếu nó bỏ cuộc thì nó sẽ méo mó và bị vỡ vụn; trong lò nung rất nóng và khó chịu, nhưng nếu không làm như thế, cái tách có thể dễ dàng vỡ nát; nếu không chịu đựng được mùi sơn và mùi men kinh khủng kia, nó sẽ trở nên mờ nhạt với cuộc đời, và nếu nó không vượt qua được thử thách lửa đốt lần thứ hai, nó sẽ không tồn tại được lâu bởi vì không giữ được độ rắn chắc. Trải qua biết bao thử thách và đau đớn, nhưng biết nhẫn nại và vượt lên trên những cơn đau ấy chiếc tách đã trở nên đẹp đẽ, có giá trị, và xứng đáng được bày trong tủ kính trong sự ngưỡng mộ và nâng niu của mọi người.

2. Bài học từ những chú hươu cao cổ

Khy sinh con, hươu mẹ không nằm mà lại đứng, như vậy hươu con chào đời bằng một cú rơi hơn 3m xuống đất và nằm ngay dưới đó. Sau vài phút, hươu mẹ làm một việc hết sức kỳ lạ, đó là đá vào người con mình cho đến khi nào nó chịu đứng dậy mới thôi. Khi hươu con mỏi chân và nằm, hươu mẹ lại thúc chú đứng lên. Cho đến khi thực sự đứng được, hươu mẹ lại đẩy chú ngã xuống để hươu con phải nỗ lực tự mình đứng dậy trên đôi chân còn non nớt của chính mình. Nếu không “tàn nhẫn” như thế, hươu con sẽ không tự rèn cho mình đôi chân cứng cáp, cơ thể khoẻ mạnh để nhanh chóng thích nghi với cuộc sống.
– Khó khăn thử thách là để tôi luyện chúng ta, trải qua điều đó bằng chính nỗ lực của bản thân sẽ giúp chúng ta có được những thành quả xứng đáng.

3. Câu chuyện của ốc sên

Ốc sên con ngày nọ hỏi mẹ: “Mẹ ơi! Tại sao chúng ta từ khy sinh ra phải đeo cái bình vừa nặng vừa cứng trên lưng như thế? Thật mệt chết đi được!” “Vì cơ thể chúng ta không có xương để chống đỡ, chỉ có thể bò, mà bò cũng không nhanh” – Ốc sên mẹ nói.

“Chị sâu róm không có xương cũng bò chẳng nhanh, tại sao chị ấy không đeo cái bình vừa nặng vừa cứng đó?” “Vì chị sâu róm sẽ biến thành bướm, bầu trời sẽ bảo vệ chị ấy”.
“Nhưng em giun đất cũng không có xương, cũng bò chẳng nhanh, cũng không biến hoá được, tại sao em ấy không đeo cái bình vừa nặng vừa cứng đó?”
“Vì em giun đất sẽ chui xuống đất, lòng đất sẽ bảo vệ em ấy”.
Ốc sên con bật khóc, nói: “Chúng ta thật đáng thương, bàu trời không bảo vệ chúng ta, lòng đất cũng chẳng che chở chúng ta”. “Vì vậy mà chúng có cái bình!”
– Ốc sên mẹ an ủi con – “Chúng ta không dựa vào trời, cũng chẳng dựa vào đất, chúng ta dựa vào chính bản thân chúng ta”.
– Sinh ra trên đời không phải ai cũng được may mắn, ngay cả những người may mắn cũng luôn gặp phải những điều khó khăn trong cuộc sống. Điều quan trọng là phải biết dựa vào chính bản thân mình, nỗ lực vượt qua những khó khăn ấy chứ không phải trông chờ, ỷ lại vào người khác. Cái vỏ ốc trong mắt ốc sên con là những gì nặng nề vướng víu và bất hạnh, nhưng theo lời mẹ dạy, đó lại là cái có thể bảo vệ cho ốc.
-Sức mạnh nằm ngay bên trong chúng ta, hãy biết biến khó khăn của hoàn cảnh thành cơ hội, thành lợi thế của bản thân mình.

4. Kim cuong và than chì:

Đều hình thành từ nguyên tố Cacbon, nhưng tại sao, kim cương vô giá còn than chì gần như thứ bỏ đi, kim cương đẹp lộng lẫy, lấp lánh còn than chì đen đúa, lem luốc…. Vì kim cương bị nén ở độ sâu hơn 1000km, chịu áp suất 900 Giapascal, còn than chì bị thiêu rụi trong ngọn lửa với nhiệt độ vài trăm độ vì cấu trúc bên trong của kim cương là cấu trúc vững chắc và hoàn hảo, còn than chì thì ngược lại
– Khó khăn, thử thách là môi trường tôi luyện nên ý chí, bản lĩnh của mỗi người. Mỗi lần vấp ngã là một lần trưởng thành, là một lần mạnh mẽ hơn.

5. Chuyện con sâu

Mỗi một con sâu khi muốn trở thành con bướm xinh đẹp với đôi cánh tự do, lộng lẫy và mềm mại đều phải nhẫn nại trải qua thời gian chịu đựng khổ sở trong cái kén bé nhỏ và sự đau đớn tưởng như không vượt qua nổi khi tách cái kén để chui ra. Nếu nó không dùng sức lực của chính mình để vượt qua những thử thách ấy, đôi cánh của nó sẽ sưng phồng lên và èo uột, không thể cứng cáp khoẻ mạnh, đầy đủ sắc màu lộng lẫy và sống một cuộc sống tự do bay lượn như nó hằng mơ ước.

6. Câu chuyện về phần thưởng đặc biệt

Có một vị vua nọ cố ý sai người đặt một hòn đá to giữa đường đi lại của mọi người và nấp ở một chỗ quan sát. Đã rất nhiều người qua lại và bực mình vì sự bất tiện mà tảng đá mang lại nhưng không ai dừng lại để “dọn” tảng đá đi mà chỉ tìm cách đi vòng qua nó. Có một người nông dân gánh rau củ ra chợ bán nhìn thấy tảng đá như vậy đã đặt gánh hàng của mình xuống và cố gắng đến toát cả mồ hôi để đẩy tảng đá vào bên vệ đường. Khi anh ta quay trở lại chỗ gánh rau của mình thì nhặt được một túi tiền có ghi là “phần thưởng dành cho người không chỉ nghĩ cho bản thân”. Có lẽ ngoài ý nghĩa như mảnh giấy đã ghi trên túi tiền, chúng ta nên hiểu rằng: mọi nỗ lực đều được trả công xứng đáng và đằng sau khó khăn bao giờ cũng là một cơ hội – món quà quý giá.

7. Chuyện con voi

Nhìn những con voi ở rạp xiếc, chắc hẳn chúng ta sẽ có thắc mắc trong đầu “tại sao con voi to lớn là thế mà phải chịu trói buộc bằng sợi xích sắt quá bé nhỏ so với nó, sao phải chịu sự điều khiển của roi điện”. Nó hoàn toàn có thể dùng sức mình để thoát ra. Là bởi vì ngay từ khi chúng còn nhỏ, chưa thể phản kháng, chúng đã chịu sự kìm hãm của dây xích, đã chịu sự điều khiển của roi vọt. Đối với chúng đó là những thứ chúng không thể tự mình vượt qua được, và rồi năm tháng qua đi, vẫn với suy nghĩ đó chúng không thể nào thoát ra, trong khi chúng không biết rằng chúng hoàn toàn có thể làm điều đó.
Mặc cảm và nỗi sợ hãi trong quá khứ, không thể chiến thắng được bản thân đã khiến voi kia suốt đời chịu sự điều khiển, giam hãm của người khác, không được sống là mình.

8. Chuyện con bọ chét

Các nhà khoa học khi nghiên cứu về thói quen của bọ chét đã nhốt chúng trong một cái hộp trong suốt có đậy nắp. Ban đầu những con bọ này nhảy rất mạnh, chúng đập đầu vào nắp hộp và đau điếng. Những lần nhảy sau, chúng cố điều chỉnh để nhảy thấp hơn so với lần trước, giảm đi lực va chạm với nắp hộp. Kết quả là cứ thế cho đến một lúc nào đó, các nhà khoa học mở nắp hộp, những con bọ này cũng không thể bay, nhảy ra ngoài được nữa.
– Niềm tin “đau lắm, mình không thể làm được”, sự sợ hãi khó khăn khiến chúng ta ngại dấn thân, ngại cố gắng, lâu dần cái suy nghĩ muốn thoát ra, muốn thực hiện mục tiêu của mình cũng sẽ không còn nữa.

9. Câu chuyện về hai người con

Người cha nọ nghiện rượu nặng và có hai cậu con trai. Khi lớn lên, người anh là phiên bản thứ hai của ông bố, còn người em lại đi đầu trong phong trào tuyên truyền tác hại của bia rượu. Kỳ lạ là khi được hỏi “điều gì khiến anh thành như ngày hôm nay” thì cả hai đều chung một câu trả lời “có một người bố như thế thì tất nhiên tôi phải trở thành thế này rồi”
– Hoàn cảnh không phải là cái cớ để chúng ta vin vào đó bào chữa cho sự hèn nhát của bản thân mà chúng ta phải biết vượt lên trên hoàn cảnh vốn có của mình, chiến thắng nó. Đây cũng là một ví dụ cho việc làm chủ bản thân, làm chủ cuộc sống của mình. “Tôi chỉ có thể trở thành người do chính tôi tạo ra”

10. Câu chuyện con bồ nông

Con bồ nông mẹ bay về tổ sau một ngày đi kiếm ăn nhọc nhằn. Trời mưa gió. Hôm nay, trong cái diều to của nó chẳng có gì. Nó không tìm được chút thức ăn nào để đem về cho những con bồ nông con. Nó đang bay ngược gió. Nó kiệt sức, nhưng nó vẫn cố tìm về tổ, về với các con. Khi bồ nông mẹ về đến nhà, những con bồ nông con nháo nhác vươn cổ lên, đưa mỏ của mình lấy mồi trong diều của mẹ. Bồ nông con được no bụng nhưng chúng không biết rằng đấy là bữa ăn cuối cùng mẹ có thể dành cho chúng.
– Sự hy sinh cao cả của mẹ bồ nông cho các con nhưng qua đó cũng thể hiện sự vô tâm của lũ trẻ. Chúng coi rằng việc mẹ mang thức ăn về cho mình là hiển nhiên và không màng gì đến dáng vẻ nhọc nhằn, mệt mỏi của mẹ. Và chúng phải trả giá vì sự vô tâm ấy.

11. Có một người con gái khi không thể chịu được những lời trách mắng của mẹ, đã giận dữ bỏ nhà đi. Một ngày kia khi cô không thể đi được nữa, trong lòng nhớ mẹ và ân hận vô cùng, cô đã tìm về nhà. Hoảng hốt khi từ xa thấy nhà không khoá cửa, đã khuya mà đèn vẫn sáng, cô sợ có điều gì không lành liền vừa chạy về nhà mình vừa khóc gọi mẹ…Khi thấy mẹ, cô oà khóc nức nở và ôm chặt lấy mẹ. Khi đã bớt xúc động, cô hỏi mẹ vì sao lại để cửa mở như thế làm cô lo lắng, và người mẹ trả lời “từ khi con đi, ngày nào mẹ cũng mở cửa và để đèn sáng mong con trở về”.
– Câu chuyện về cậu bé với ông lão ăn xin: trước mặt người ăn xin già nua, khắc khổ, rách rưới, cậu bé đã lục hết túi này đến túi khác mà không có lấy một xu lẻ, cậu bối rối nắm tay ông “Xin lỗi cháu không có gì cho ông cả”, ông lão mỉm cười “Cảm ơn cháu, như vậy là cháu đã cho lão nhiều lắm rồi”. Cả ông lão ăn xin và cậu bé đều cảm thấy mình đã nhận được một điều quý giá.
– Hãy cho nhau yêu thương, sự đồng cảm, chia sẻ điều đó còn hơn hết thảy mọi thứ vật chất trên
thế gian.

12. Bài học từ loài chim đại bàng

Đại Bàng là loài chim có tuổi thọ cao nhất trong chủng loại của mình. Chúng có thể sống tới 70 tuổi. Nhưng để sống được tới tuổi này, chúng phải trải qua một quyết định khó khăn vào năm 40 tuổi. Khi đó, những móng vuốt dài và linh hoạt không còn đủ sức tóm giữ con mồi làm thức ăn. Chiếc mỏ dài và sắc nhọn trở nên cong yếu. Đôi cánh nặng nề và già cỗi, do bộ lông dày, trở nên dính chặt vào ngực và khiến cho chúng khó bay lượn. Vì thế, đại bàng chỉ còn hai sự lựa chọn: chết hoặc trải qua một quá trình thay đổi đau đớn kéo dài 150 ngày. Quá trình này đòi hỏi đại bàng bay lên đỉnh núi và ngồi trên tổ của mình. Tại đây đại bàng sẽ đập mỏ vào đá cho đến khi mỏ gãy rời. Sau khi mỏ gãy, đại bàng sẽ đợi cho mỏ mới mọc ra rồi sau đó bẻ gãy hết các móng vuốt của mình. Khi những móng vuốt mới mọc lại, đại bàng bắt đầu nhổ hết những chiếc lông cũ già cỗi. Và sau 5 tháng, đại bàng lại có thể tiếp tục những chuyến bay lượn tuyệt vời của sự hồi sinh và sống thêm 30 năm nữa.

– Hãy trở nên thật dũng cảm và kiên cường để trải qua một giai đoạn thay đổi đầy khó khăn, chịu đựng nhiều đau khổ và thử thách để được hồi sinh và tiếp tục bay cao, bay xa hơn nữa

14. Viết trên cát và khắc trên đá

Có hai người bạn đang cùng nhau trải qua một chuyến đi dài. Trên đường đi qua sa mạc, hai người đã có một cuộc tranh cãi gay gắt. Không giữ được bình tĩnh, một người đã tát người bạn của mình. Người kia rất đau nhưng không nói gì. Anh chỉ lặng lẽ viết lên cát rằng: “Hôm nay, bạn tốt nhất của tôi đã tát vào mặt tôi.” Họ tiếp tục bước đi cho tới khi nhìn thấy một ốc đảo, nơi họ quyết định sẽ dừng chân và tắm mát. Người bạn vừa bị tát do sơ ý bị trượt chân xuống một bãi lầy và ngày càng lún sâu xuống. Nhưng người bạn kia đã kịp thời cứu anh. Ngay sau khi hồi phục, người bạn suýt chết đuối khắc lên tảng đá dòng chữ: “Hôm nay, bạn tốt nhất của tôi đã cứu sống tôi.” Người bạn kia hết sức ngạc nhiên bèn hỏi: “Tại sao khi tớ làm cậu đau, cậu lại viết lên cát còn bây giờ lại là một tảng đá?” Và câu trả lời anh nhận được là: “Khi ai đó làm chúng ta đau đớn, chúng ta nên viết điều đó lên cát nơi những cơn gió của sự thứ tha sẽ xóa tan những nỗi trách hờn. Nhưng khi chúng ta nhận được điều tốt đẹp từ người khác, chúng ta phải ghi khắc chuyện ấy, lên đá nơi không cơn gió nào có thể cuốn bay đi.”
– Bài học về lòng khoan dung và sự biết ơn

15. Giữ những giận dữ, oán hận trong lòng cũng giống như bỏ đầy muối vào một cốc nước, nước sẽ mặn chát mà cơn giận dữ ấy cũng không nguôi ngoai bớt. Nhưng cũng ngần ấy muối, nếu chúng ta mang bỏ xuống một cái hồ thì nước trong hồ vẫn trong xanh và dịu mát, muối lại có thể tan đi.
– Tha thứ khoan dung làm cho ta thấy nhẹ nhõm, dễ chịu hơn.

16. Cậu bé và món cà ri

Có một cậu bé hay nghịch ngợm, một chiều nọ khi ông của cậu đang ngủ, cậu liền nghĩ ra trò lấy cà ri bôi lên râu của ông. Đối với một số người, cà ri là món khoái khẩu, nhưng cũng có rất nhiều người thấy khó chịu với mùi này. Khi ông của cậu bé thức dậy, ông lập tức đã cau mày và mũi đánh hơi thấy một mùi mà ông không ưa, ông lão cho rằng căn phòng hôm nay có một thứ mùi rất khó chịu, liền mở cửa đi ra ngoài. Nhưng kỳ lạ, ông đi đến đâu cũng thấy mùi đó, càng đi lại càng ngửi thấy rõ rệt, ông càng tức giận và gắt lên rằng “tại sao thế giới này lại nhiều những điều kinh tởm như thế!”, nào ông có biết cái “điều kinh tởm” ấy lại từ chính ông mà ra
– Đôi lúc chúng ta chỉ biết than thở và đổ lỗi cho hoàn cảnh nhưng không biết rằng chính bản
thân mình mới là nguyên nhân gây ra những điều không tốt.

17. Tái ông thất mã

– Câu chuyện dân gian nổi tiếng Trung Quốc: Một ông lão ở gần biên giới giáp với nước Hồ phía Bắc nước Tàu, gần Trường thành, có nuôi một con ngựa. Một hôm con của ông lão dẫn ngựa ra gần biên giới cho ăn cỏ, vì lơ đễnh nên con ngựa vọt chạy qua nước Hồ mất dạng. Những người trong xóm nghe tin đến chia buồn với ông lão. Ông lão là người thông hiểu việc đời nên rất bình tĩnh
nói:
– Biết đâu con ngựa chạy mất ấy đem lại điều tốt cho tôi.
Vài tháng sau, con ngựa chạy mất ấy quay trở về, dẫn theo một con ngựa của nước Hồ, cao lớn và mạnh mẽ. Người trong xóm hay tin liền đến chúc mừng ông lão, và nhắc lại lời ông lão đã nói trước đây. Ông lão không có vẻ gì vui mừng, nói:
– Biết đâu việc được ngựa Hồ này sẽ dẫn đến tai họa cho tôi.
Con trai của ông lão rất thích cỡi ngựa, thấy con ngựa Hồ cao lớn mạnh mẽ thì thích lắm, liền nhảy lên lưng cỡi nó chạy đi. Con ngựa Hồ chưa thuần nết nên nhảy loạn lên. Có lần con ông lão không cẩn thận để ngựa Hồ hất xuống, té gãy xương đùi, khiến con ông lão bị què chân, tật nguyền. Người trong xóm vội đến chia buồn với ông lão, thật không ngờ con ngựa không tốn tiền mua nay lại gây ra tai họa cho con trai của ông lão như thế. Ông lão thản nhiên nói:
– Xin các vị chớ lo lắng cho tôi, con tôi bị ngã gãy chân, tuy bất hạnh đó, nhưng biết đâu nhờ họa nay mà được phúc.
Một năm sau, nước Hồ kéo quân sang xâm lấn Trung nguyên. Các trai tráng trong vùng biên giới đều phải sung vào quân ngũ chống ngăn giặc Hồ. Quân Hồ thiện chiến, đánh tan đạo quân mới gọi nhập ngũ, các trai tráng đều tử trận, riêng con trai ông lão vì bị què chân nên miễn đi lính, được sống sót ở gia đình.” Người đời sau lập ra thành ngữ: Tái ông thất mã, ân tri họa phúc. Nghĩa là: ông lão ở biên giới mất ngựa, biết đâu là họa hay là phúc.
– Nên giữ cho mình thái độ thản nhiên, điềm tĩnh trước mọi thăng trầm của cuộc sống, không nên cực đoan bởi lẽ chúng ta không biết được điều gì đang đợi mình ở phía trước.

18. Một con ếch khi được thả vào nước nóng 100 % nó sẽ lập tức nhảy ra và sống sót, nhưng nếu thả nó vào nước lạnh và đun nóng từ từ, nó sẽ không hay biết gì và rồi chết nóng.
– Đôi khi trong cuộc sống chúng ta rất dễ bị “đánh lừa”, thiếu tỉnh táo, dễ bị thay đổi theo môi trường và đánh mất mình từ lúc nào không hay.

19. Chim ưng, con diều và đàn bồ câu

Sự xuất hiện thường xuyên của một con diều làm cho đàn bồ câu rất hoảng sợ nên chúng đã gọi chim ưng đến bảo vệ cho mình.
Đàn bồ câu nói:
– Ngài là người duy nhất chúng tôi quen biết, chỉ có ngài mới có thể bảo vệ chúng tôi khỏi nanh vuốt của kẻ thù. Nếu ngài bảo vệ chúng tôi, chúng tôi sẽ cảm thấy thật an toàn.
Chim ưng đồng ý ngay lập tức và chuyển đến sống trong chuồng chim bồ câu. Nhưng khi đàn bồ câu để chim ưng vào ở chung với mình thì chúng nhận thấy rằng số chim bồ câu bị chim ưng giết chết trong một ngày còn nhiều hơn số chim bồ câu bị con diều kia nhào trúng trong một năm. Khi gặp rắc rối, chúng ta không được quên rằng có những mối nguy hiểm khác còn ghê gớm hơn những gì chúng ta đang phải đối mặt.

20. Bài học từ loài kiến

– Thứ nhất: Kiến không bỏ cuộc. Đó là một triết lý đơn giản nhưng rất hữu hiệu. Nếu một con kiến đang đi về một hướng nào đó, và chúng ta tìm cách chặn đường chúng, Kiến sẽ tức thì tìm cho mình một con đường khác. Chúng trèo qua chướng ngại, chui xuống dưới hoặc chui vòng sang bên hông. Chúng không ngừng tìm kiếm một giải pháp khác để vượt qua chướng ngại vật phía trước. Quả là một triết lý gọn gàng và đơn giản: không ngừng tìm kiếm hết cách này đến cách khác để tiến đến mục tiêu mà chúng ta nhắm tới.
– Thứ hai, Kiến luôn chuẩn bị cho mùa đông trong suốt mùa hè. Đó là một góc nhìn nhận quan trọng. Bạn không thể quá ngây ngô tin rằng nắng ấm sẽ kéo dài mãi mãi. Vì vậy Kiến làm việc chăm chỉ để tích lũy thức ăn cho mùa đông trong mùa hè. Một lời khuyên từ xa xưa đã dạy: “Đừng xây nhà trên cát vào mùa hè!” Tại sao chúng ta lại cần lời khuyên này? Đơn giản là vì chúng ta cần tiên liệu trước.
Trong mùa hè nắng ấm, bạn phải tiên liệu được giá lạnh và mưa bão mùa đông!
– Thứ ba, Kiến luôn tin vào mùa hè trong suốt mùa đông! Điều này rất quan trọng. Trong suốt mua đông giá rét, Kiến tự nhắc mình: “Mọi thứ sẽ sớm qua thôi, và chúng ta sẽ không phải cầm cự quá lâu!. Và ngày nắng ấm đầu tiên, những con Kiến lại lên đường. Nếu trời lạnh trở lại, chúng sẽ lại chui vào hang, nhưng chúng sẽ quay trở lại ngay khi trời trở ấm! Chúng không thể đợi để lại được làm việc! – Cuối cùng, Kiến sẽ tích lũy bao nhiêu lương thực trong mùa hè để chuẩn bị cho mùa đông? trả lời là “nhiều hết ga có thể”. Đây là một triết lý tuyệt vời, “nhiều hết ga có thể”! Hãy học hỏi loài Kiến trong lần tiếp theo nếu bạn tự hỏi mình: Tôi nên đọc bao nhiêu cuốn sách? Tôi nên chạy bao xa? Tôi nên làm việc đến mức nào? Tôi nên yêu thương đến mức nào? Câu trả lời luôn là: “Nhiều hết ga có thể!”

21. Câu chuyện về con ốc sên

Ốc sên con ngày nọ hỏi mẹ của nó: “Mẹ ơi ! Tại sao chúng ta từ khi sinh ra phải đeo cái bình vừa nặng vừa cứng trên lưng như thế? Thật mệt chết đi được !”.
“Vì cơ thể chúng ta không có xương để chống đỡ, chỉ có thể bò, mà bò cũng không nhanh” – Mẹ nói.
“Chị sâu róm không có xương cũng bò chẳng nhanh, tại sao chị ấy không cần đeo cái bình vừa nặng vừa cứng đó?”.
“Vì chị sâu róm sẽ biến thành bướm, bầu trời sẽ bảo vệ chị ấy”.
“Nhưng em giun đất cũng không có xương và cũng bò chẳng nhanh, cũng không biến hóa được tại sao em ấy không đeo cái bình vừa nặng vừa cứng đó?”.
“Vì em giun đất sẽ chui xuống đất, lòng đất sẽ bảo vệ em ấy”.
Ốc sên con bật khóc, nói: “Chúng ta thật đáng thương, bầu trời không bảo vệ chúng ta, lòng đất cũng không che chở chúng ta”.
“Vì vậy mà chúng ta có cái bình ! – ốc sên mẹ an ủi con – Chúng ta không dựa vào trời, cũng chẳng dựa vào đất, chúng ta phải dựa vào chính bản thân chúng ta”.
– Hãy tự đi trên đôi chân của mình. Chỉ khi chúng ta tự tin về chính mình thì không thành công nào chúng ta không trả qua.

22. Hai biển hồ:

Đất nước Palestin có 2 biển hồ: biển Chết và biển Galile cùng xuất phát từ sông Jordan. Nước sông Jordan chảy vào biển Chết. Biển Chết đón nhận và giữ lại riêng cho mình mà không chia sẻ, nên nước trong biển Chết trở nên mặn chát. Biển hồ Galilê cũng đón nhận nguồn nước từ sông Jordan rồi từ đó mà tràn qua các các hồ nhỏ và sông lạch, nhờ vậy nước trong biển hồ này luôn sạch và mang lại sự sống cho cây cối, muông thú và con người.

– Chia sẻ những gì mình có, giúp đỡ mọi người sẽ làm cho chính bản thân chúng ta trở nên hoàn thiện hơn, chúng ta cảm nhận được cuộc sống một cách ý nghĩa, lạc quan; còn sự ích kỷ chỉ khiến mình ngày trở nên cô đơn và cằn cỗi.

23. Bài học của Lincoln

Vào thời gian đầu trong cuộc nội chiến ở Hoa Kỳ, người cố vấn của Lincoln khuyên ông nên từ bỏ trang trại Fort Sumter và mọi tài sản khác thuộc các bang miền Nam, vì sợ những tài sản này sẽ khiến mọi người nghi ngờ lý tưởng giải phóng nô lệ của ông.
Khi nhận được lời khuyên ấy, ông chỉ cười mà trả lời người cố vấn của mình bằng một câu chuyện ngụ ngôn:
“Anh có biết câu chuyện ngụ ngôn về sư tử và con gái người thợ rừng không?” – Lincoln hỏi người cố vấn. – “Aesop kể rằng, trong một khu rừng nọ có một con sư tử đem lòng yêu con gái của người thợ rừng. Một hôm, nó quyết định đánh bạo đến gặp cha của cô gái để xin hỏi cưới cô. Khi sự tử đến, cha- cô gái nói rằng ông không thể đồng ý vì rằng nanh của sư tử dài quá, có thể làm tổn hại đến con gái ông. Thế là ngay tức thì, sư tử chạy đến chỗ nha sĩ và mài mòn toàn bộ hàm răng của nó.
Quay trở lại, sư tử cầu hôn cô gái lần nữa. Nhưng người thợ rừng lại bảo móng vuốt của nó dài quá, ông không muốn con gái mình bị đau. Thế là sư tử tìm đến chỗ vị y sĩ và nhổ hết móng vuốt của mình đi rồi quay lại nhà người thợ rừng. Nhưng người thợ rừng thấy rằng sư tử giờ đây đã hoàn toàn vô hại nên đã lập tức giết chết nó.” Lincoln ngừng một lát rồi nói tiếp: “Chẳng phải số phận tôi cũng sẽ giống như con sư tử đó nếu từ bỏ mọi thứ như lời anh khuyên?”.

Hãy giữ vững lập trường và niềm tin vào chính bản thân của bạn, điều đó sẽ giúp các bạn thành công trên con đường mà mình đã chọn.

Exit mobile version