Site icon Lớp Văn Cô Thu

Cảm nhận về vẻ đẹp con người Việt Nam qua 2 đoạn thơ “Đoàn thuyền đánh cá” và “Mùa xuân nho nhỏ” (dàn bài chi tiết)

Cảm nhận về vẻ đẹp con người Việt Nam qua 2 đoạn thơ "Đoàn thuyền đánh cá" và "Mùa xuân nho nhỏ" (dàn bài chi tiết)

Cảm nhận về vẻ đẹp con người Việt Nam qua 2 đoạn thơ "Đoàn thuyền đánh cá" và "Mùa xuân nho nhỏ" (dàn bài chi tiết)

Đề: Viết bài văn trình bày cảm nhận của em về vẻ đẹp con người Việt Nam trong hai đoạn thơ sau:

Thuyền ta lái gió với buồm trăng

Lướt giữa mây cao với biển bằng,

Ra đậu dặm xa dò bụng biển,

Dàn đan thế trận lưới vây giăng.

(Huy Cận, Đoàn thuyền đánh cá, Ngữ văn 9, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2019, tr. 140)

Ta làm con chim hót

Ta làm một cành hoa

Ta nhập vào hòa ca

Một nốt trầm xao xuyến.

(Thanh Hải, Mùa xuân nho nhỏ, Ngữ văn 9, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2019, tr. 56)

I – Mở bài:

+ Giới thiệu về chủ đề là: Vẻ đẹp của con người Việt Nam.

+ Dẫn ra hai khổ thơ thuộc hai bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” và “Mùa xuân nho nhỏ”

II – Thân bài:

a. Vẻ đẹp con người Việt Nam qua bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” của Huy Cận.

“Thuyền ta lái gió với buồm trăng

Lướt giữa mây cao với biển bằng,

Ra đậu dặm xa dò bụng biển,

Dàn đan thế trận lưới vây giăng”

+ Giữa biển khơi bao la, con người với tư thế hiên ngang, chủ động “dò bụng bể”. Con thuyền đánh cá hay chính là những con người lao động vốn nhỏ bé trước biển cả bao la giờ đây qua cái nhìn của nhà thơ trở nên lớn lao, kỳ vĩ và ngang tầm vũ trụ. Một con thuyền đặc biệt có gió là người cầm lái, trăng là cánh buồm. Hình ảnh thơ gợi sự nhịp nhàng, hoà quyện của đoàn thuyền với biển trời.

+ Con thuyền băng băng lướt sóng ra khơi để dò bụng biển. Công việc đánh cá được dàn đan như một thế trận hào hùng. Ý thơ gợi sự khéo léo như nghệ sĩ của người dân chài và tâm hồn phóng khoáng, dũng cảm chinh phục biển cả.

+ Ở đây, tầm vóc của con người và đoàn thuyền đó được nâng lên, hòa nhập vào kích thước của thiên nhiên vũ trụ. Không còn cảm giác nhỏ bé lẻ loi khi con người đối diện với trời rộng, sông dài như trong thơ Huy Cận trước cách mạng. Hình ảnh thơ thật lãng mạn, bay bổng và con người có tâm hồn cũng thật vui vẻ, phơi phới.

b. Vẻ đẹp của con người Việt Nam trong khổ thơ thuộc bài “Mùa xuân nho nhỏ” của Thanh Hải.

Trước mùa xuân của đất nước, nhà thơ tâm niệm về mùa xuân riêng của mỗi cuộc đời và dạt dào một khát vọng hiến dâng:

Ta làm con chim hót

Ta làm một canh hoa

Ta nhập vào hoà ca

Một nốt trầm xao xuyến

Nếu ở đầu bài thơ tác giả miêu tả những hình ảnh làm đẹp thêm, tô điểm thêm cho mùa xuân là âm thanh náo nức vang trời của tiếng chim chiền chiện và sắc màu tím biếc dịu dàng của cánh lục bình nhỏ trên sông thì ở đây tứ thơ được lặp lại, tạo ra sự đối ứng chặt chẽ. Tác giả mong muốn được làm bông hoa toả ngát hương, con chim mang tiếng hót và nốt trầm xao xuyến để hiến dâng nhưng không làm mất đi nét riêng của mỗi người. Đó thực sự là lời tâm niệm chân thành, tha thiết, khiêm nhường và khát khao được cống hiến phần tinh tuý nhất của mình làm đẹp thêm mùa xuân của quê hương, xứ sở.

c. Đánh giá chung vẻ đẹp con người Việt Nam trong hai khổ.

– Biển cả và con người muôn đời là bạn. Người ngư dân xem biển là ngôi nhà chung, là nguồn sống bất tận, là sức mạnh chở che. Qua bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá”, người đọc thấy rõ tâm thế đầy tin yêu của con người khi đến với biển trong cuộc sống lao động mưu sinh.

– Còn đến với “Mùa xuân nho nhỏ” con người Việt Nam hiện lên qua việc tác giả muốn trở thành con chim hót để gọi mùa xuân về, để mang tiếng hót trong trẻo, hạnh phúc để tô điểm thêm cho núi sông. Tác giả cũng muốn làm một” nốt trầm xao xuyến” trong bản hòa ca vĩ đại của dân tộc để động viên và khích lệ tinh thần nhân dân. Chữ “ta” thể hiện tinh thần hào sảng, đầy hứng khởi và cảm xúc đang hòa mình vào cuộc sống tươi đẹp của mọi người trong tiết trời xuân đầy ấm áp, hạnh phúc.

III. Kết bài

+Khẳng định lại vấn đề: Vẻ đẹp con người Việt Nam.

+ Liên hệ bản thân về trách nhiệm với đất nước.

Bài văn tham khảo

Huy Cận và Thanh Hải đều là một trong những cây bút tiêu biểu của nền thơ ca hiện đại Việt Nam. Các ông đã để lại cho đời nhiều tác phẩm vô giá nhưng ấn tượng nhất có lẽ là “Đoàn thuyền đánh cá” và “Mùa xuân nho nhỏ”. Hai thi phẩm mà đặc biệt là các khổ thơ “Thuyền ta…vây giăng” và “Ta làm…xao xuyến” đã thể hiện rõ nét vẻ đẹp con người Việt Nam.

Trước hết, khổ thơ “Thuyền ta… vây giăng” đã họa lên một hình ảnh tuyệt đẹp về con người Việt Nam với tư thế làm chủ thiên nhiên, đất nước. Hai dòng đầu như gợi tả vẻ đẹp của đoàn thuyền đang lướt sóng ra khơi giữa bao la trời biển. Hai câu thơ được coi là hay nhất trong toàn bài đã vẽ lại hình ảnh kì vĩ và thơ mộng ấy bằng trùng điệp các hình ảnh ẩn dụ đầy sáng tạo:

“Thuyền ta lái gió với buồm trăng

Lướt giữa mây cao với biển bằng”

Cả vũ trụ, từ trăng gió, mây trời đến mặt biển đều bị cuốn vào con thuyền. Gió làm lái, trăng làm buồm , trời và biển làm không gian… Trước mắt chúng ta là hình ảnh đoàn thuyền chạy nhanh như được chèo lái bằng sức mạnh của thần gió. Cánh buồm căng dưới ánh trăng đêm bỗng như hóa thành một vầng trăng trên mặt biển. Điều này tạo một ấn tượng về sức mạnh khác thường, mang tầm vóc vũ trụ của đoàn thuyền. Câu thơ thứ hai như vẽ lại một con thuyền đi giữa thực và mộng, đẹp như con thuyền thần kì.

Ở hai dòng thơ sau, khoảnh khắc thả neo thật mạnh mẽ, khẩn trương:

“Ra đậu dặm xa dò bụng biển,

Dàn đan thế trận lưới vây giăng.”

Nếu như hai dòng đầu thiên về tạo hình ảnh kì vĩ thơ mộng thì hai dòng sau gợi động tác, không khí lao động mạnh mẽ, khẩn trương. Các động từ : đậu , dò , dàn đan , vây giăng được dùng chính xác, kết hợp nhịp thơ và vần điệu trắc khỏe … đã dựng lại được không khí một trận đánh lớn.

Con người Việt Nam không chỉ hiên ngang, làm chủ thiên nhiên mà còn mang trong mình ước muốn hòa nhập, cống hiến cho đất nước:

“Ta làm con chim hót

Ta làm một cành hoa

Ta nhập vào hòa ca

Một nốt trầm xao xuyến.”

Hình ảnh “con chim hót”, “một nhành hoa”, “một nốt trầm” đều là những hình ảnh nhỏ bé, tượng trưng cho tài năng đức độ của nhà thơ. Bên cạnh đó, chủ thể “tôi” trữ tình ở đầu khổ thơ đã chuyển thành “ta” kết hợp với động từ “làm”, “nhập” thể hiện sự hóa thân kì diệu của nhà thơ. Đại từ “ta” chỉ tất cả mọi người trong đó có tác giả. Cái “ta” đã bao trùm lên cả cái “tôi”. Cái “ta” là tiếng lòng của tất cả mọi người. Tất cả đều là một ước mơ nho nhỏ, chân tình và không cao siêu, vĩ đại. Đối với bạn đọc, điều này đã làm nên sự gần gũi, khiêm tốn và đáng yêu cho đoạn thơ.

Thật vậy, hai bài thơ là tiếng lòng của các nhà thơ. Lời thơ trong sáng, giọng thơ nhẹ nhàng tươi vui sâu lắng. Các hình ảnh chọn lọc, cảm xúc chân thành. Bài thơ đã thức dậy trong em tình yêu quê hương đất nước, yêu mùa xuân, yêu con người, đất nước Việt Nam và xác định cho mình một lẽ sống đẹp. Sống là cống hiến cho quê hương, Tổ quốc; sống với lẽ sống “Mình vì mọi người”.

🔻 Xem thêm:

Exit mobile version