Site icon Lớp Văn Cô Thu

Cảm nhận về đoạn thơ mở đầu trong bài thơ “Việt Bắc” của Tố Hữu

Cảm nhận của anh/chị về đoạn thơ sau trong bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu

Mình về mình có nhớ ta

Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng

……..

Mình đi mình lại nhớ mình

Nguồn bao nhiêu nước, nghĩa tình bấy nhiêu”

Bài làm

I. Mở bài:

Việt Bắc là đầu não của cuộc kháng chiến chống Pháp, đây chính là căn cứ địa vững chắc của trung ương Đảng và Chính phủ trong suốt 15 năm thuở còn kháng Nhật. Nơi đây, đồng bào các dân tộc Việt Bắc đã cưu mang, che chở cho Đảng, Chính phủ và bộ đội những ngày kháng chiến vô cùng gian khó.

Tháng 10 năm 1954, những người kháng chiến từ căn cứ Việt Bắc trở về xuôi, Trung ương Đảng và Chính phủ về Hà Nội. Liệu những người chiến thắng có giữ tấm lòng thuỷ chung, ân nghĩa với mảnh đát đã từng cưu mang gắn bó hay không? Đấy là vấn đề tư tường lớn đặt ra chó các cán bộ và chiến sĩ. Tố Hữu viết bài thơ Việt Bắc để đáp lại nỗi niềm ấy. Việt Bắc là đỉnh cảo của thơ Tố Hữu và cũng là thi phẩm xuất sắc của văn học Việt Nam thời kì kháng chiến chống Pháp; là khúc tình ca, anh hùng ca về cách mạng, về cuộc kháng chiến, về con người kháng chiến, mà cội nguồn sâu xa của nó là tình yêu quê hương đất nước; là niềm tự hào về sức mạnh nhân dân, là truyền thống ân nghĩa, đạo lí thuỷ chung của dân tộc Việt Nam.

Một trong những đoạn gây xúc động lòng người là phần đầu bài thơ, tái hiện một giai đoạn lịch sử gian khổ vẻ vang của cách mạng và kháng chiến ở chến khu Việt Bắc, nay đã trở thành kỉ niệm sâu nặng của những người kháng chiến.

II. Thân bài

  1. Luận điểm 1: Phân tích cấu tứ của đoạn thơ

Đoạn thơ nằm trong cấu tứ chung của cả bài thơ, đó là tâm trạng đầy xúc động bâng khuâng của người đi kẻ ở, cả hai từng sống và gắn bó suốt mười lăm năm, có biết bao kỉ niệm ân tình ân nghĩa, sẻ chia đắng cay ngọt bùi trong cuộc kháng chiến đầy gian khổ.

Tố Hữu đã rất khéo léo thể hiện ân tình ân nghĩa ấy dưới hình thức đối đáp của hai nhân vật trữ tình mình – ta trong ca dao truyền thống tưởng như rất riêng của tình yêu đối lứa những lại hoá thành một vấn đề lớn trong mối quan hệ của tình đồng chí đồng bào, của tình yêu quê hương đất nước. Lời đối đáp giao hoà đồng vọng trong tầm hồn mỗi người vì cả hai đều là người kháng chiến.

Nhà thơ sử dụng sáng tạo hai đại từ mình – ta là thủ pháp nghệ thuật độc đáo, tài hoa góp phần vào sự phân đôi và thống nhất của chủ thể trữ tình. Mình là ta, ta là mình; là những người kháng chiến, là đồng bào Việt Bắc, là nhà thơ. Tất cả thâm nhập, chuyển hoá vào lời độc thoại, đối thoại, diễn tả chung tâm trạng, tâm tư tình cảm của nhà thơ và của những người tham gia kháng chiến. Họ đã sống gắn bó, tình nghĩa, sướng khổ có nhau; cùng chung kỉ niệm mong ước, cùng chung cảm xúc buổi phân li; cùng xúc động băn khoăn, dằn vặt giữa cái đã qua và cái sắp tới; giữa phần đi và phần ở lại trong mỗi con người.

2. Luận điểm 2: Tình cảm bâng khuâng lưu luyến của người ở – người đi trong buổi chia tay

Lời người ở lại hỏi người ra đi:

Mình về mình có nhớ ta

Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng

Mình về mình có nhớ không

Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn?

Người ở lại nhạy cảm với hoàn cảnh đổi thay, dường như gợi nhắc cho người ra đi những kỉ niệm gắn bó suốt mười lăm năm biết bao gian khó, hi sinh mà thiết tha mặn nồng… nay trở về xuôi liệu có nhớ không? Các điệp ngữ mình có nhớ ta, mình có nhớ không với giọng điệu lưu luyến da diết khôn nguôi về một thời cách mạng, nhắc nhớ người ra đi đạo lí uống nước nhớ nguồn.

Tế nhị và sâu sắc biết bao, người ra đi chỉ biết cầm tay nghẹn ngào khó nói:

Tiếng ai tha thiết bên cồn

Bâng khuâng trong dạ, bồn chồn bước đi

Áo chàm đưa buổi phân li

Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay

    Nghe tiếng ai tha thiết mà trong lòng bâng khuâng, bước chân bồn chồn, dùng dằng chưa muốn cất bước. Làm sao có thể ra đi mà quên cội nguồn “Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng“. Người ra đi không nói thành lời nhưng biết bao ngậm ngùi, thương nhớ qua cái “Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay”. Cái cầm tay không lời mà chất chứa bao nỗi niềm người đi. Nhịp thơ lục bát nhẹ nhàng, diễn tả thần tình một thoáng ngập ngừng của tình cảm. Chút ngập ngừng tạo ra một phút lặng cho chuỗi câu hỏi tiếp theo được vang lên dồn dập tha thiết hơn.

Luận điểm 3: Lời người ở hỏi người đi có nhớ về một chiến khu gian khó mà thuỷ chung

Mình đi có nhớ những ngày

Mưa nguồn suối lũ, những mây cùng mù?

Mình về, có nhớ chiến khu

 Miếng cơm chấm muối, mối thù nặng vai?

Mình về, rừng núi nhớ ai

Trám bùi để rụng, măng mai để già

Mình đi, có nhớ những nhà

Hắt hiu lau xám, đậm đà lòng son

Mình về, còn nhớ núi non

Nhớ khi kháng Nhật, thuở còn Việt Minh

Mình đi, mình có nhớ mình

 Tân Trào, Hồng Thái, mái đình cây đa?

Mười hai dòng thơ nhắc nhở những ngày tháng gian khó ở chiến khu Việt Bắc; mười hai dòng thơ tạo thành sau câu hỏi như khơi sâu vào những kỉ niệm:

+ Mình đi có nhớ những ngày: Mưa nguồn suối lũ những mây cùng mù, đó là đặc trưng của thiên nhiên Việt Bắc trong những ngày khắc nghiệt, gợi ra những gian nan vất vả của những ngày kháng chiến.

+ Mình về có nhớ những con người Việt Bắc nghèo mà thuỷ chung, tình nghĩa, đồng cam cộng khổ cùng kháng chiến : Miếng cơm chấm muối mối thù nặng vai, Hắt hiu lau xám đậm đà lòng son?

+ Mình về có nhớ mảnh đất chiến khu từ khi kháng Nhật thuở còn Việt Minh, nơi ấy là căn cứ địa vững chắc cho kháng chiến với những địa danh như Tân Trào, Hồng Thái, và những kỉ niệm mái đình, cây đa?

Thiên nhiên, mảnh đất, con người biết bao ân tình, ân nghĩa, người đi sao có thể lãng quên.

4. Luận điểm 4: Lời khẳng định của người ra đi

               Ta với mình, mình với ta

               Lòng  ta sau trước mặn mà đinh ninh

              Mình đi, mình lại nhớ mình

               Nguồn bao nhiêu nước nghĩa tình bấy nhiêu…

Ta – mình; mình – ta quấn quýt, quyện hoà, ta với mình là một, lòng ta sau trước mặn mà đinh ninh. Đinh ninh là sự khẳng định chắc chắn, mãi mãi mặn mà, gắn bó thuỷ chung với Việt Bắc. Việt Bắc là cái nôi cội nguồn cách mạng làm sao có thể quên. Sự so sánh Nguồn bao nhiêu nước nghĩa tình bấy nhiêu khẳng định sự thuỷ chung sắt son với Việt Bắc như tình yêu đôi lứa bền chặt, mãi mãi không bao giờ cạn như nguồn nước kia.

5. Luận điểm 5: Đánh giá về nghệ thuật

Các câu lục bát mang âm hưởng của ca dạo tạo nên âm hưởng ngân nga réo rắt, trầm ổng và thấm sâu và hồn người đọc

Sử dụng khéo léo cách xưng hô mình – ta tạo nên cuộc đối đáp trong buổi chia li đầy nghĩa tình. Mình là ta mà ta cũng là mình, đi hay về rồi tất cả cùng hướng đến người về xuôi.

Những hình ảnh hoán dụ, câu hỏi tu từ khiến cho tình cảm của người ở người đi càng trở nên sâu sắc, gắn bó, lưu luyến mà không nỡ dời xa.

III. Kết bài

Đoạn thơ là khúc hát ân tình, ân nghĩa của người ra đi và người ở lại. Là tình cảm thắm thiết sâu nặng của những người kháng chiến dù ở trong niềm vui hiện tại vẫn không quên cội nguồn của thắng lợi. Đó là truyền thống đạo lí đẹp đẽ của của dân tộc Việt Nam. Đoạn thơ mang đậm phong cách trữ tình – chính trị. Nhà thơ nói về vấn đề lớn của dân tộc nhưng được diễn tả qua ngôn ngữ mềm mại, giản dị, chí nghĩa, chí tình, nên thơ, nên nhạc gây ấn tượng sâu đậm trong tâm trí người đọc.

Exit mobile version