Site icon Lớp Văn Cô Thu

Cảm nhận về đoạn thơ “Con ong làm mật yêu hoa …. một đốm lửa tàn mà thôi”

Cảm nhận về đoạn thơ "Con ong làm mật yêu hoa .... một đốm lửa tàn mà thôi"

Cảm nhận về đoạn thơ "Con ong làm mật yêu hoa .... một đốm lửa tàn mà thôi"

Đề: Em hãy viết bài văn trình bày cảm nhận của mình về đoạn thơ sau:

“Con ong làm mật, yêu hoa

Con cá bơi, yêu nước; con chim ca, yêu trời

Con người muốn sống, con ơi

Phải yêu đồng chí, yêu người anh em.

Một ngôi sao chẳng sáng đêm

Một thân lúa chín, chẳng nên mùa vàng

Một người – đâu phải nhân gian

Sống chăng, một đốm lửa tàn mà thôi!….”

( Trích Tiếng ru – Tố Hữu)

I. Mở bài

– Giới thiệu tác giả, tác phẩm

– Dẫn dắt và nêu vấn đề cần bàn luận

II. Thân bài

*Nội dung của đoạn thơ:

Đoạn thơ là lời giáo dục, là triết lí nhẹ nhàng, sâu sắc và thấm thía về lẽ sống đẹp cho mỗi con người trong cuộc đời mà nhà thơ Tố Hữu muốn gửi đến chúng ta. Sống có lý tường, có mục đích và được cống hiến sẽ mang lại ý nghĩa cao đẹp cho cuộc đời.

*Nghệ thuật:

– Thể thơ lục bát,

– Cách gieo vần điệu dễ nhớ

– Ngôn từ giản dị

– Biện pháp so sánh đối lập và ví von…

*Đánh giá:

Từ đoạn thơ, mỗi người phải ý thức được trách nhiệm của mình trong xã hội:

+ Lẽ sống đẹp của con người trong xã hội: sống để yêu thương, dâng hiến, cá nhân tự nguyện gắn bó với cộng đồng mới hình thành môi trường sống rộng lớn, giàu tính nhân văn, sống cho những điều lớn lao của xã hội và đất nước.
+ Đây là vấn đề có ý nghĩa xã hội, thời sự và ý nghĩa nhân sinh sâu sắc, liên quan tới nhận thức, lối sống và hành động của con người. Đặc biệt là thời kinh tế thị trường, khi mà những giá trị tình cảm cùa con người với con người trong xã hội đang có những thay đổi.

III. Kết bài

– Khẳng định lại vấn đề

Bài văn tham khảo

Tố Hữu là một nhà thơ lớn trong nền thơ ca Việt Nam hiện đại. Thơ ông tỏa sáng đến mọi tâm hồn vì dạt dào lòng nhân ái, vì chan chứa tình yêu thương giữa con người với con người mà tiêu biểu là đoạn thơ mở đầu trong bài Tiếng ru.

Mở đầu bài thơ là những hình ảnh thiên nhiên gần gũi:

Con ong làm mật, yêu hoa

Con cá bơi, yêu nước; con chim ca, yêu trời.

Con người muốn sống, con ơi

Phải yêu đồng chí, yêu người anh em.

Ở đây, tác giả đã sử dụng biện pháp liệt kê “Con ong”, “Con cá”, “con chim” cùng cách ngắt nhịp 4/2 và 4/4. Khổ thơ đã cho thấy mối quan hệ mật thiết giữa những sinh thể trong tự nhiên với môi trường sống. Hoa dành mật ngọt để ong chắt chiu tháng ngày, sóng nước bao la là nơi vẫy vùng của cá, trời xanh cao rộng để chim cất tiếng hót líu lo. Tố Hữu đã dùng con mắt quan sát tinh tế, trí tưởng tượng phong phú để tạo ra những câu thơ giàu hình ảnh, biểu tượng cho triết lí sống của con người. Cũng giống như vạn vật trong tự nhiên, con người cá nhân cũng là một phần của tập thể. Chính vì thế mà ta “Phải yêu đồng chí, yêu người anh em”. Tình đoàn kết, sự gắn bó giữa người với người là yếu tố tạo nên ý nghĩa cho cuộc sống. Cách gọi “con ơi” tạo nên âm điệu dìu dặt, thiết tha như một lời tâm tình. Điệp từ “yêu” được lặp lại bốn lần trong khổ thơ như một điệp khúc trữ tình trong bài hát ca ngợi cuộc sống, con người.

Tiếp nối mạch cảm xúc ấy, ở khổ thơ thứ hai, tác giả vẫn sử dụng những hình ảnh thiên nhiên bình dị mà giàu sức gợi để thể hiện tâm tư, tình cảm:

Một ngôi sao chẳng sáng đêm

Một thân lúa chín, chẳng nên mùa vàng

Một người – đâu phải nhân gian?

Sống chăng, một đốm lửa tàn mà thôi!

Một ngôi sao không thể tạo nên ánh sáng của trời đêm. Một cây lúa chín không thể trở thành mùa vàng bội thu và con người, nếu chỉ tồn tại một mình thì cũng chỉ leo lét như “đốm lửa tàn” giữa thế gian rộng lớn. Điệp từ “Một” được nhắc lại bốn lần trong khổ thơ, nhấn mạnh sự cô đơn của cá nhân khi đối diện với sự miên viễn của đất trời. Câu hỏi tu từ “Một người – đâu phải nhân gian?” như một lời tự vấn mà tác giả đặt ra cho mỗi chúng ta, khiến người đọc phải trăn trở về sứ mệnh của mình giữa cõi đời này.

Như vậy, bằng thể thơ lục bát truyền thống, hệ thống hình ảnh có ý nghĩa ẩn dụ tượng trưng, ngôn ngữ trong sáng giản dị mà vẫn giàu sức gợi, Tố Hữu đã thể hiện quan niệm sống thật đẹp về sự cống hiến và tình đoàn kết. Thơ ông nói về những vấn đề vừa gần gũi mà cũng rất lớn lao, có vai trò chính trị quan trọng nhưng không rơi vào con đường khuôn sáo, cứng nhắc.

Exit mobile version