Site icon Lớp Văn Cô Thu

Cảm nhận về bài thơ “Làm ruộng” của Nguyễn Khuyến (sách KNTT)

Cảm nhận về bài thơ "Làm ruộng" của Nguyễn Khuyến (sách KNTT)

Cảm nhận về bài thơ "Làm ruộng" của Nguyễn Khuyến (sách KNTT)

I. Mở bài

– Giới thiệu tác giả, tác phẩm

– Dẫn dắt và nêu vấn đề cần bàn luận

II. Thân bài

*Nội dung của đoạn thơ:

Làm ruộng đã phản ánh thật chân thật cảnh sống của người nông dân, qua đó tố cáo thâm trầm nhưng sâu cay chế độ tàn ác của thực dân phong kiến. Đồng thời thể hiện nỗi day dứt, khát vọng thay đổi chính quyền của nhà thơ.

Bài thơ có ý nghĩa về mặt nghệ thuật và lịch sử, góp phần phản ánh tâm trạng yêu nước của nhà thơ và người dân Việt Nam thời bấy giờ.

*Nghệ thuật:

– Thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật

– Cách gieo luật vần bằng, vần chân, niêm luật

– Sử dụng thi liệu quen thuộc, bình dị

– Biện pháp tu từ điệp ngữ được sử dụng linh hoạt

– Phép đối, từ láy….

– Cảm hứng sáng tác được khơi nguồn từ chính cuộc sống của nhà thơ, từ tình cảm dành cho những người nông dân nghèo dưới chế độ thực dân và phong kiến.

*Đánh giá:

– Chỉ với mấy câu thơ ngắn ngủi, nhà thơ Nguyễn Khuyến đã vạch trần được sự tàn ác của thực dân Pháp, phơi bày cuộc sống khốn cùng, khổ cực của người nông dân thời bấy giờ. Mặc dù nhà thơ đồng cảm với người dân nhưng lại bất lực trước hiện thực, những câu hỏi đặt ra chỉ để lửng mà chẳng có lời đáp.

– Nhà thơ không chỉ là một tâm hồn Việt Nam tiêu biểu. Ông còn được coi là một nhân cách Việt Nam tiêu biểu thời bấy giờ, cái thời đại mất nước, con người dân tộc Việt Nam bị chà đạp, đói rét, lầm than. Về ở ẩn nơi làng quê nhưng ông vẫn giữ được cái gọi là khí tiết, phẩm chất của một người yêu nước chân chính và hòa mình cùng với nhân dân.

Ông là một trong những nhà thờ đau với nỗi đau của nhân dân, ông buồn vì sự nghèo đói của họ, nhưng ông càng đau đớn hơn khi nhìn thấy cảnh đất nước bị dày xéo và cảm thấy day dứt nỗi đau của một người ưu thời mẫn thế.

III. Kết bài

– Khẳng định lại vấn đề

Tham khảo bài làm của học sinh

Là một nhà thơ gần gũi với quần chúng nhân dân, dường như Nguyễn Khuyến sinh ra là để nói lên những nguyện vọng, những tâm tư tình cảm và kể cả nỗi khổ cực của những con người đầu tắt mặt tối mà suốt đời vẫn lầm lụi đi trong bóng đêm của sự nghèo nàn, túng quẫn.

Nhịp thơ ấy cũng đều đặn gõ vào thiên nhiên làng cảnh tạo nên những bức tranh thần tình có sức sống mãnh liệt và lay động lòng người. Những bài thơ của ông viết về cuộc sống đồng ruộng của những người dân chân lấm tay bùn cứ như là một cuốn nhật ký sống, một bức tranh hiện thực sinh động vô cùng mà cũng xót xa vô cùng: “Thơ Nguyễn Khuyến là nỗi lòng đồng cảm đối với cảnh sống khó khăn khổ cực của người dân, thơ ông thấm đượm cái vị chua mặn của mồ hôi, vị cay đắng của sự cơ cực, và cả cái bề bộn, bức bối của công việc đồng áng quanh năm” (Nguyễn Khuyến).

Người nông dân trong thơ ông hiện lên thật tất bật. Ấy vậy mà cuộc đời cũng có khá lên được đâu, hỏa hoạn này đến hỏa hoạn khác cứ kéo nhau ập lên đôi vai đã quá mệt nhọc, vất vả của họ. Cụ thể, trong bài Chốn quê (làm ruộng), tác giả viết:

Mấy năm làm ruộng vẫn chân thua,
Chiêm mất đằng chiêm, mùa mất mùa.
Phần thuế quan Tây, phần trả nợ,
Nửa công đứa ở, nửa thuê bò.
Sớm trưa dưa muối cho qua bữa,
Chợ búa trầu chè chẳng dám mua.
Cần kiệm thế mà không khá nhỉ,
Bao giờ cho biết khỏi đường lo?

Cả bài thơ là một bức tranh hiện thực, trần trụi đến não lòng. Quanh năm, cứ năm này qua năm khác, mùa này qua mùa khác nối nhau, người dân phải “bán mặt cho đất”, “bán lưng cho trời” thế mà vẫn không thể nào ngóc đầu, khấm khá lên được. Họ cật lực lao động đâu phải chỉ để có miếng cơm nuôi miệng, mà còn phải trang trải bao nhiêu thứ nữa, nào là thuế quan, nào là đứa ở, trả nợ.

Tằn tiện quá rồi, không dám ăn thế mà vẫn đói, vẫn khổ. Cuộc sông của họ cứ quẩn quanh mùa này qua mùa khác và rất có thể là cả cuộc đời như thế, một cuộc đời chỉ lo miếng cơm manh áo mà đủ mệt. Không đủ ăn chẳng phải là họ lười biếng, bê trễ công việc mà là bởi:

Tị trước tị này chục lẻ ba
Thuận dòng nước cũ lại bao la
Bóng thuyền thấp thoáng dờn trên vách
Tiếng sóng long bong lượn khắp nhà.
(Lụt)

Đói kém thiếu ăn còn vì cả:
Quan mễ Thanh Liêm đã lỡ rồi
Vùng ta nay cũng lụt mà thôi
Gạo năm ba bát cơ còn két
Thuế một hai nguyên dáng chửi đời.
(Lụt Hà Nam)

Không biết rằng từ lúc Nguyễn Khuyến cáo quan về ở ẩn thì đã có bao nhiêu năm đói kém, mất mùa mà lúc nào trong thơ ông cũng thấy vọng lại cái âm thanh lo sợ, cay đắng của những hình ảnh ấy. Những hình ảnh thật thương tâm và đau lòng. Có thấm thía, thông cảm và hiểu được một cách cặn kẽ sâu sắc cuộc sống đó thì ông mới có thể nói lên được những điều tâm huyết như vậy.

Cái khổ sở của người nông dân nếu chỉ do thiên tai gây ra thì không đến nỗi, đằng này lại còn phải nộp thuế cho quan Tây. Bọn thực dân kiếm ăn trên mồ hôi nước mắt, vơ vét đến kiệt cùng sức lao động của nhân dân. Chúng cưỡi lên đầu lên cổ của kẻ khác để kiếm lợi lộc mà không một chút thương tâm, không một chút chạnh lòng nghĩ tới số phận nhỏ nhoi của những con người hiền lành, chất phác.

Đáng quý biết bao khi cuộc sống của chính nhà thơ cũng có tươi sáng gì cho cam, vẫn là “sớm trưa dưa muối cho qua bữa”, vậy nhưng trong hoàn cảnh ấy cái nhìn của ông vẫn hướng những điều lạc quan, lạc quan cho mình và cho tất cả mọi người. Phải chăng cuộc sống dù là trăm đắng ngàn cay như thế đấy nhưng nó vẫn đẹp, vẫn có ý nghĩa nếu như ta biết yêu mến cuộc sống và quý trọng những thành quả lao động.

Với nghệ thuật sử dụng hình ảnh giản dị, gần như thoát khỏi hệ thông tượng trưng ước lệ của thi pháp trung đại cùng với tấm lòng nhân hậu bao dung của ông, Nguyễn Khuyến đã dựng nên những bức tranh chân thực về cuộc sống khổ cực của người nông dân, chân quê. Ông xứng đáng với danh hiệu là “nhà thơ của dân tình làng cảnh”.

Exit mobile version