Sống sau lũy tre xanh, cuộc đời người nông dân xưa không chỉ khổ vì nỗi vất vả cơ cực trong lao động, mà còn khổ vì những ràng buộc của lễ giáo phong kiến, của định kiến xã hội. Nỗi niềm đau khổ, than thân trách phận được gửi vào điệu buồn của bài ca dao .
Thân em như tấm lụa đào Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai? |
Bài ca dao mở đầu bằng hai tiếng ‘Thân em” dịu dàng, ngọt ngào, đằm thắm, tạo sự chú ý đối với người nghe.
Nét riêng bắt đầu từ hình ảnh so sánh. Bài ca dao gợi lên một hình ảnh đẹp. Cô gái có ý thức cá nhân cao, nhận ra vẻ đẹp, giá trị của mình. Lụa đào rất đẹp, rất quý, hơn hẳn các loại vải thô khác. Lụa đào tôn lên vẻ đẹp của má hồng! Nhưng tấm lụa đào này không được trưng bày nơi trang trọng, mà lại để “phất phơ giữa chợ”, một phiên chợ quê bình dị. Cô gái thốt ra lời than này hẳn không phải là cành vàng lá ngọc để được gả vào chốn giàu sang, môn đăng hộ đối, để biết trước đời mình như hạt mưa vào nơi đài các, không phải rơi xuống ruộng cày. Cô chân quê, hồn hậu, đảm đang buôn bán nên mới có cách so sánh thân mình như tấm lụa. Tấm lụa đào ấy chẳng biết rồi sẽ vào tay ai. Hạnh phúc cuộc đời không do cô định đoạt, mà phụ thuộc vào người khác. Bài ca dao thể hiện sắc thái tình cảm riêng. Đó là sự đối lập giữa sắc đẹp, giá trị của người phụ nữ với số phận của họ. Tấm lụa đào đẹp bao nhiêu thì thân phận giữa chợ của họ lại càng đau xót, ngậm ngùi bấy nhiêu! Nỗi đau của nhận vật trữ tình trong bài ca dao chính là ở chỗ : khi người con gái bước vào cái tuổi đẹp nhất, hạnh phúc nhất, ý thức được sắc đẹp, tuổi xuân và giá trị của mình ( như tấm lụa đào) thì nỗi lo về thân phận lại ập đến ngay với họ. Bởi sắc đẹp đó thật chông chênh không có gì đảm bảo, có khác gì một món hàng mua bán? |
Bài ca dao chỉ 14 tiếng, viết theo thể lục bát truyền thống. Mở đầu là hai tiếng “Thân em” quen thuộc, thường lặp đi lặp lại ở nhiều bài ca dao khác (Thân em như giếng giữa đàng…). Biện pháp tu từ so sánh, hoán dụ, ẩn dụ, câu hỏi tu từ được sử dụng khéo léo. Hình ảnh ca dao gần gũi, từ láy gợi hình cũng là gợi thân phận của cô gái ngày xưa |
Tóm lại, bài ca dao đề cao vẻ đẹp, phẩm giá, diễn tả những băn khoăn đau khổ của người phụ nữ thể hiện giá trị nhân văn sâu sắc, khơi nguồn cảm hứng cho tiếng nói đề cao, bênh vực người phụ nữ trong văn học trung đại, làm phong phú thêm cho truyền thống nhân đạo trong văn học Việt Nam từ xưa đến nay. |