I. Mở bài
Bác để tình thương cho chúng con
Một đời thanh bạch, chẳng vàng son
Mong manh áo vải hồn muôn trượng
Hơn tượng đồng phơi những lối mòn.
(Tố Hữu)
Vâng, Bác của chúng ta là như vậy đấy, một cuộc đời thanh bạch, một cuộc đời đáng kính, đáng yêu. Nhà thơ Tố Hữu đã thay lời muôn triệu con dân Việt Nam bày tỏ lòng kính yêu, biết ơn Bác – người cha già kính yêu của dân tộc. Cũng trong mạch nguồn cảm xúc ấy, nhà thơ Viễn Phương – một người con từ miền Nam xa xôi đã bộc lộ niềm thành kính thiêng liêng, lòng biết ơn chân thành với Bác qua thi phẩm “Viếng lăng Bác” chứa chan xúc động. Đọc bài thơ, để lại nhiều ấn tượng cho người đọc hơn cả chính là những vần thơ nói lên nỗi xót xa, tiếc thương vô hạn của nhà thơ khi đứng trước di hài của Bác:
Bác nằm trong giấc ngủ bình yên
Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền
Vẫn biết trời xanh là mãi mãi
Mà sao nghe nhói ở trong tim!
II. Thân bài
1. Khái quát chung về tác phẩm
Sau 30 năm chiến tranh gian khổ, đất nước được giải phóng và thống nhất, Bắc Nam liền một dải, non sông thu về một mối. Tháng 4/1976, lăng Bác được khánh thành, thoả long mong mỏi của muôn triệu con dân đất Việt được ra thăm viếng Bác. Từ miền Nam xa xôi, Viễn Phương cùng đồng bào miền Nam ra thăm lăng Bác. Trong cảm xúc tự hào, biết ơn xen lẫn cả nỗi xót xa, thương tiếc, nhà thơ Viễn Phương đã sáng tác bài thơ “Viếng lăng Bác” tựa như đoá hoa thơm kính dâng lên Người. Sau những nỗi niềm tự hào, biết ơn khi ngắm nhìn quang cảnh bên ngoài lăng Bác, hoà cùng dòng người vào lăng viếng Bác, nhà thơ Viễn Phương không thể giấu nổi nỗi đau xót, ngậm ngùi khi vào trong lắng, đứng trước di hài của Người.
Theo dòng người chậm rãi bước vào trong lăng, cảm xúc đầu tiên mà Viễn Phương nhận thấy chính là một không gian như ngưng đọng lại tất cả:
“Bác nằm trong giấc ngủ bình yên
Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền”
Dù Bác đã đi rồi nhưng tác giả không tin đó là sự thật, trong tâm khảm của nhà thơ, Bác chỉ đang nằm trong giấc ngủ, ngủ sau một chặng đời dài bảy chín mùa xuân cống hiến, xây dựng cho quê hương, đất nước. Hình ảnh “vầng trăng sáng” hiện lên thật đẹp thật dịu hiền, nó vừa diễn tả ánh sáng dịu nhẹ trong trẻo trong lăng, vừa khiến ta nghĩ đến tâm hồn cao đẹp trong sáng của Người. Nhắc đến trăng, ta chợt nhớ Bác rất yêu trăng. Trăng đã từng đến với Bác giữa chốn tù đày, giữa “cảnh khuya” của rừng núi Việt Bắc, trăng khi đi thuyền trên sông Đáy, khi trung thu trăng sáng như gương: “ Rằm xuân lồng lộng trăng soi”… Nhưng có bao giờ Bác được một lúc lòng trí thảnh thơi để thật sự đến cùng trăng. Bởi khi thì: “ Trong tù không rượu cũng không hoa”, khi thì “ việc quân đang bận”, khi thì “nhớ thương nhi đồng”… Chỉ có bây giờ, trong giấc ngủ bình yên, Bác mới thật sự đến cùng trăng. Một lần nữa hình ảnh vầng trăng là biểu tượng của tâm hồn cao đẹp, của sức sống bất diệt Hồ Chí Minh.
Bác nằm đó, nhưng không ai tin, ta phải tự an ủi mình bằng lẽ trường cửu của cuộc đời nhưng trong lòng vẫn không khỏi đau nhói:
“Vẫn biết trời xanh là mãi mãi
Ma sao nghe nhói ở trong tim”
Dù Bác đã đi xa nhưng Bác mãi là “trời xanh” của dân tộc, sẽ còn mãi với thời gian với dân tộc Việt Nam, sự vĩnh hằng của Bác nhà thơ Tố Hữu đã khái quát:
“Bác sống như trời đất của ta
Yêu từng ngọn lúa, mỗi cành hoa”
(Bác ơi)
Bác thực sự đã hóa thân vào thiên nhiên đất nước Việt Nam. Bác sẽ còn mãi với chúng ta, với quê hương đất nước. Thế nhưng, cấu trúc câu thơ “Vẫn biết… mà…” lại cho ta thấy một sự tương phản xót đau giữa lý trí và tình cảm. Tình cảm thì cho rằng Bác vẫn còn sống mãi, cuộc đời và sự nghiệp của Bác đã hoá thân vĩnh viễn vào trời xanh của dân tộc. Nhưng lí trí lại phải thừa nhận một điều là Bác đã đi xa, Bác không còn nữa. Một cảm giác đau nhói dâng lên trong lòng nhà thơ cũng như bao người con dân tộc. “Nghe nhói” – nỗi đau không chỉ cảm thấy được mà còn nghe thấy được, nỗi đau buốt nhói như hàng ngàn mũi kim đâm vào trái tim thổn thức, nỗi đau ấy biết làm sao để xoa dịu được.
2. Đánh giá chung
Để nói lên thấm thía nỗi lòng của mình cũng như muôn triệu tấm lòng con dân Việt Nam dành cho Bác, nhà thơ đã sử dụng rất thành công các biện pháp tu từ nghệ thuật, ngôn từ giản dị, tự nhiên, giọng điệu chân thành, sâu lắng,… Những yếu tố ngôn từ ấy đã diễn tả đầy đủ và trọn vẹn nỗi niềm xúc động, nghẹn ngào của nhà thơ khi được vào lăng viếng Bác và sự đau đớn xót xa khi Bác đã ra đi. Những cảm xúc ấy chính là minh chứng cho lòng yêu mến và sự biết ơn vô hạn của nhà thơ dành cho vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam.
III. Kết bài
Tuy Bác đã đi xa, ta chỉ còn nhìn thấy hình hài của Bác trong lồng kính nhỏ với chiếc áo đơn sơ, giản dị, hiền hoà nơi lăng Bác trang nghiêm, thanh tịnh thế nhưng cuộc đời Bác, sự nghiệp của Bác vẫn đồng hành cùng muôn dân ta trên mọi nẻo đường. Trang thơ khép lại nhưng lòng ta lại mở ra với bao tình cảm cao đẹp, lòng kính yêu và biết ơn Bác, thấu hiểu cuộc đời hi sinh và tấm lòng bao la của Bác giúp ta thêm yêu cuộc sống, yêu con người, sống cuộc đời đẹp và có ích.
🔻 Xem thêm:
- Cảm nhận khổ 2, 3 bài thơ “Viếng lăng Bác” – Viễn Phương
- Phân tích 2 khổ đầu bài thơ Viếng lăng Bác của Viễn Phương – Dàn bài chi tiết
- Cảm nhận về bài thơ “Viếng lăng Bác” – Viễn Phương
- Cảm nhận 2 khổ thơ cuối bài Viếng lăng Bác của Viễn Phương – Dàn ý chi tiết
- Cảm nhận ước nguyện của nhà thơ trong “Mùa xuân nho nhỏ” và “Viếng lăng Bác”
- Cảm nhận về khổ đầu bài thơ Viếng lăng Bác của Viễn Phương.
- Cảm nhận khổ thơ thứ hai bài “Viếng lăng Bác”
- Câu hỏi đọc hiểu bài “Viếng lăng Bác”
- Tìm hiểu bài thơ “Viếng lăng Bác” của Viễn Phương