Site icon Lớp Văn Cô Thu

Cảm nhận đoạn trích “Xuân về” của Nguyễn Bính (sách Cánh Diều)

Cảm nhận đoạn trích "Xuân về" của Nguyễn Bính (sách Cánh Diều)

Cảm nhận đoạn trích "Xuân về" của Nguyễn Bính (sách Cánh Diều)

Đề: Trình bày cảm nhận của anh/ chị về đoạn thơ sau.

“…Thong thả, dân gian nghỉ việc đồng,

Lúa thì con gái mượt như nhung

Đầy vườn hoa bưởi hoa cam rụng,

Ngào ngạt hương bay, bướm vẽ vòng.

Trên đường cát mịn, một đôi cô,

Yếm đỏ, khăn thâm, trẩy hội chùa.

Gậy trúc dắt bà già tóc bạc,

Lần lần tràng hạt niệm nam vô.”

(Trích Xuân về – Nguyễn Bính)

I – Mở bài

– Giới thiệu khái quát về tác giả Nguyễn Bính, tác phẩm Xuân về và đoạn thơ

II – Thân bài

Cảm nhận về đoạn thơ

– Vẻ đẹp đồng quê xuân về:

Giêng hai là thời gian nông nhàn, bà con dân cày, ai nấy đều tíu tít trong lễ hội mùa xuân; Cánh đồng làng bát ngát vườn tược, xóm thôn nở trắng màu hoa cam, hoa bưởi; Mùi thơm nồng nàn, quấn quít …

→ Cảnh đồng xuân, vườn xuân thật trữ tình nên thơ, tràn đầy sức sống dưới con mắt yêu yêu đời của nhà thơ.

– Cảnh đi trẩy hội mùa xuân:

“Một đôi cô” duyên dáng, tươi xinh trong bộ đồ dân tộc đi trẩy hội chùa; Các cụ già, bà già “tóc bạc” lưng còng, tay chống gậy trúc, vừa đi vừa lần tràng hạt, miệng lầm rầm tụng nam mô…

→ Cảnh trẩy hội xuân vừa tưng bừng náo nhiệt, vừa dân dã hồn hậu đáng yêu.

Đánh giá chung về nội dung và nghệ thuật. Có thể theo hướng:

– Nghệ thuật: Hình ảnh thơ tươi sáng, gần gũi; ngôn ngữ giản dị, mộc mạc, gợi cảm…

– Đoạn thơ là bức tranh đồng quê vào xuân bình dị, tươi sáng, tràn đầy sức sống, cảnh hội xuân tưng bừng, đậm đà truyền thống văn hóa dân tộc; Qua đó, ta thấy tấm lòng tha thiết với thiên nhiên, con người của tác giả, ông luôn yêu và muốn níu giữ bản sắc văn hóa dân tộc.

III – Kết bài

– Khẳng định lại vấn đề

Bài văn tham khảo: Cảm nhận bài thơ Xuân về của Nguyễn Bính

Nhắc đến mùa xuân là nhắc đến sự sinh sôi, “thay da đổi thịt” của vạn vật. Đó là thời khắc mở đầu cho một năm, đánh dấu biết bao điều mới mẻ, hạnh phúc. Mùa xuân, với sự bừng nảy và thay đổi của mọi vật, luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho thơ ca và văn chương của nhiều thế hệ. Xuân Diệu với “Vội vàng”, Tố Hữu với “Xuân sớm”, Thanh Hải với “Mùa xuân nho nhỏ” – đó là những bài thơ mang đậm hương xuân. Trong số đó, “Xuân về” của Nguyễn Bính nổi bật với sự gần gũi, thân thuộc với làng quê.

“Xuân về” đã vẽ nên một bức tranh của làng quê và con người Việt Nam thơ mộng trong giai đoạn bắt đầu một năm mới. Qua từng dòng thơ, ta được thấy cảm hứng trữ tình cùng sự phấn khích, niềm vui của tác giả khi chứng kiến sự thay đổi của thời gian.

Từ đầu, thiên nhiên trong tác phẩm hiện lên rất tươi đẹp và đầy sức sống. Tiếng gió xuân mang theo một chút ấm áp dịu dàng: “Thấy xuân về cùng cơn gió đông”. Cơn gió “đến rồi lại đi”, làm đỏ gò má của cô gái trẻ. Nó mang theo cả những cơn mưa phùn lạnh giá, để lại bầu trời trong lành và tia nắng Mặt Trời. Toàn bộ khung cảnh trở nên tươi sáng qua “ánh nắng mới rọi”. Ánh nắng khiến lớp nước trên cỏ lá trở nên lấp lánh như “được tráng bạc”. Đây là một cách so sánh độc đáo mà tác giả sử dụng. Các cây non đua nhau mọc chồi, mang thêm sự sống vào cảnh thiên nhiên rộng lớn. Không chỉ có thế, cả làng quê Việt Nam cũng mang trên mình vẻ đẹp mới:

“Lúa thì con gái mượt như nhung

Đầy vườn hoa bưởi hoa cam rụng

Ngào ngạt hương bay, bướm vẽ vòng”.

Có cánh đồng lúa xanh mướt, vườn hoa bưởi, hoa cam phô diễn hương thơm dịu dàng. Chúng thu hút ong bướm, tô điểm không gian với sắc màu rực rỡ. Tất cả tái hiện thành công bức tranh làng quê Việt Nam dưới trời xuân tươi đẹp và đầy sức sống.

Ngoài ra, hình ảnh con người cũng được nhà thơ mô tả một cách tài tình. Các cô gái xuất hiện từ khổ thơ đầu tiên với hơi thở của cơn gió xuân. Có cô “gái chưa chồng” má hồng hào, là “cô hàng xóm” đôi mắt nhìn lên trời. Dù chỉ đơn giản nhưng đó lại là điểm nhấn, chấm phá cho cảnh xuân thơ mộng. Tiếp theo, ta thấy “Từng đàn con trẻ chạy xun xoe”. Đây là biểu hiện niềm vui, sự háo hức của đứa trẻ khi Tết đến, xuân về, cũng như là cảm xúc và tâm hồn của tác giả được thể hiện qua từng câu chữ. Nông dân giờ đây có thể tạm thời gác lại công việc nặng nhọc, “thong thả” thưởng thức tiết trời trong lành của đầu xuân. Họ mặc áo quần mới, trẩy hội vui đùa. Từ những cô gái trẻ với yếm đỏ, khăn thâm, đến những bà lão tóc bạc chống gậy trúc, ai ai cũng nô nức, vui vẻ tham gia “trẩy hội chùa”. Tất cả hòa quyện lại, tái hiện trước mắt người đọc không gian làng quê Việt Nam dưới trời xuân tươi đẹp, sôi động nhưng vẫn gìn giữ nét dân dã, ấm áp.

Với “Xuân về”, nhà thơ Nguyễn Bính đã thành công về cả nội dung lẫn nghệ thuật. Bằng hình ảnh giản dị, gần gũi và ngôn ngữ thơ trong sáng, mộc mạc, tác giả đã tả nét đẹp đặc trưng của mùa xuân nơi làng quê Việt Nam. Từng dòng thơ chậm rãi, cách ngắt nghỉ nhịp nhàng tạo nên cảm giác thư thái. Điều đó giúp người đọc cảm nhận rõ nét không khí yên bình của chốn làng quê. Ngoài ra, tác giả còn thành công trong việc sử dụng các biện pháp tu từ như so sánh: “…mượt như nhung”, ẩn dụ: “lúa thì con gái”, hay cả đảo ngữ, hoán dụ. Điều này đã góp phần nâng cảm xúc của bài thơ, khiến vẻ đẹp của thiên nhiên và con người càng được nhấn mạnh hơn. Và đó cũng chính là nét đặc trưng của thơ Nguyễn Bính, đồng thời thể hiện chính con người tác giả. Với danh hiệu “nhà thơ của làng quê Việt Nam”, ông đã rất thành công mang đến cho độc giả bức tranh chân thật và đẹp đẽ, thơ mộng nhất bằng ngòi bút tài hoa, dân dã của mình.

Nhìn chung, đề tài mùa xuân đã không còn quá xa lạ trong văn học nước nhà nói riêng và thế giới nói chung. Tuy nhiên qua bàn tay nhào nặn của từng tác giả khác nhau, ta sẽ nhận được những thành phẩm độc đáo, riêng biệt mà vẫn mang đầy ý nghĩa. Với “Xuân về”, Nguyễn Bính đã đem đến cho độc giả mùa xuân thật dân dã, gần gũi ở làng quê Việt Nam thân thuộc. Tác phẩm sẽ luôn là một trong những bài thơ tiêu biểu và ý nghĩa nhất viết về chủ đề này.

Exit mobile version