Site icon Lớp Văn Cô Thu

Cảm nhận bài thơ “Từ ấy” của Tố Hữu (sách KNTT)

Cảm nhận bài thơ "Từ ấy" của Tố Hữu (sách KNTT)

Cảm nhận bài thơ "Từ ấy" của Tố Hữu (sách KNTT)

I. Mở bài

– Giới thiệu tác giả, tác phẩm

– Dẫn dắt và nêu vấn đề cần bàn luận

II. Thân bài

*Nội dung của đoạn thơ:

Tâm nguyện cao đẹp của người thanh niên trẻ trung nhiệt tình cách mạng: Niềm say mê mãnh liệt và vui sướng tràn trề cùng với nhận thức mới về lẽ sống, sự chuyển biến sâu sắc trong tâm hồn khi gặp gỡ và được giác ngộ lí tưởng cộng sản.

Khổ 1: Diễn tả niềm vui sướng, say mê khi gặp lí tưởng của Đảng

– Hai câu đầu viết theo bút pháp tự sự, Hai câu thơ sau của khổ thơ đầu, chợt vụt thoát bay bổng, dạt dào cảm hứng lãng mạn.

– Đón nhận ánh sáng cách mạng là Tố Hữu đã đón nhận một con đường thênh thang tươi sáng cho cuộc đời, cho hồn thơ: một cuộc đời có ý nghĩa thiêng liêng, to lớn, một hồn thơ bát ngát tình yêu cách mạng, yêu đồng bào.

Khổ 2: Biểu hiện những nhận thức về lẽ sống

– Hai dòng đầu: nhà thơ khẳng định quan niệm mới mẻ về lẽ sống là sự gắn bó hài hòa giữa “cái tôi” cá nhân với “cái ta” chung của mọi người.

– Hai dòng thơ sau bộc lộ tình yêu thương con người bằng tình yêu giai cấp rõ ràng. “.

– Tố Hữu đã khẳng định mối liên hệ sâu sắc giữa văn học và đời sống, mà chủ yếu là cuộc sống của quần chúng nhân dân.

Khổ 3: Sự chuyển biến sâu sắc trong tâm hồn nhà thơ

– Trước khi gặp cách mạng, Tố Hữu là một thanh niên tiểu tư sản. Khi ánh sáng cách mạng như “Mặt trời chân lí chói qua tim”, đã giúp nhà thơ vượt qua những tầm thường ích kỉ trong đời sống tâm hồn chật hẹp để vươn đến một tình yêu “vẹn tròn to lớn”.

– Nhà thơ tự nhận mình “là con của vạn nhà” trong nghĩa đồng bào thiêng liêng nhất; là em của “vạn kiếp phôi pha” gần gũi bằng tình cảm xót thương những kiếp đời lao khổ, bất hạnh, những kiếp sống mòn mỏi, đáng thương; là anh của “vạn đầu em nhỏ” “cù bất cù bơ”. Từ những cảm nhận ấy đã giúp nhà thơ say mê hoạt động cách mạng với những thiết tha cao đẹp công hiến đời mình góp phần giải phóng đất nước, giải phóng những kiếp lầm than trong xã hội tăm tối dưới bóng thù xâm lược.

* Đặc sắc nghệ thuật

– Sử dụng biện pháp tu từ : ẩn dụ, so sánh

– Ngôn ngữ giàu hình ảnh, nhịp điệu

– Sự đa dạng của bút pháp tự sự, lãng mạn, trữ tình.

*Đánh giá:

– Bài thơ đã thể hiện được một cách sâu sắc, tinh tế sự thay đổi nhận thức, tư tưởng, tình cảm của một thanh niên ưu tú khi được giác ngộ lí tưởng cách mạng và được vinh dự đứng trong hàng ngũ lãnh đạo của Đảng. Bài thơ cũng thể hiện những nhận thức mới về lẽ sống, đó là lẽ sống gắn bó hài hòa giữa cái tôi riêng với cái ta chung của mọi người. Cũng như sự chuyển biến sâu sắc của nhà thơ, bài thơ cũng có ý nghĩa mở đầu cho con đường cách mạng, con đường thơ ca của Tố Hữu. Nó là tuyên ngôn về lẽ sống của người chiến sĩ cách mạng và cũng là tuyên ngôn của nhà thơ chiến sĩ. Bài thơ cũng tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật thơ Tố Hữu, có sự kết hợp hài hòa giữa trữ tình và chính trị, sử dụng nhuần nhuyễn các thủ pháp nghệ thuật quen thuộc của thơ ca truyền thống nhưng giàu hình ảnh và giàu nhịp điệu lời thơ giản dị khiến nó dễ đi vào lòng người đọc.

III. Kết bài

– Khẳng định lại vấn đề

– Khẳng định sự đúng đắn của lí tưởng Đảng mà tác giả nói riêng hay thanh niên Việt ta thời bấy giờ lựa chọn.

Bài văn tham khảo

Trong nền văn học hiện đại Việt Nam, Tố Hữu là một trong những cây bút tiêu biểu với tiếng thơ trữ tình – chính trị. Thơ ông có sự gắn bó chặt chẽ với chặng đường đấu tranh của dân tộc với những biến động trong đại trong lịch sử chống xâm lược. Tác phẩm “Từ ấy” ra đời vào tháng 7-1938 đã đánh dấu mốc son chói lọi trong cuộc đời tác giả khi bắt gặp lí tưởng cách mạng.

Bài thơ được gợi mở bằng những cảm xúc về niềm vui sướng hân hoan của nhà thơ khi vừa được kết nạp vào Đảng:

“Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lý chói qua tim
Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim…”

“Từ ấy” là khoảng thời gian phiếm chỉ gợi nhiều cảm xúc, đó là sự nghẹn ngào, hân hoan vui sướng ngập tràn trong tâm hồn nhà thơ. Đồng thời, đánh dấu, nhấn mạnh cột mốc quan trọng trong cuộc đời nhà thơ khi bắt gặp lí tưởng cộng sản. Tác giả đã sử dụng hình ảnh “nắng hạ” – ánh nắng mùa hè rực sáng , thiêu đốt để ẩn dụ cho ánh sáng cách mạng đang bừng lên rực rỡ, bùng cháy trong lí trí của tác giả. Hình ảnh ẩn dụ “mặt trời chân lí” đã khẳng định sức mạnh soi sáng của Đảng. Nếu mặt trời thiên nhiên đem đến ánh sáng, sự sống cho muôn loài thì ánh sáng của Đảng chiếu rọi tâm tưởng, trái tim, tạo nên niềm hạnh phúc của nhà thơ. Như vậy, “Từ ấy” trở thành tiếng reo ca đầy hân hoan, sôi nổi của con người đang “Bâng khuâng đi kiếm lẽ ở đời” để rồi bắt gặp được lí tưởng cách mạng. Tác giả đã sử dụng những động từ mạnh như “bừng”, “chói” để khẳng định sức ảnh hưởng lớn lao cùng sức mạnh của lí tưởng, ánh sáng cách mạng. Ở hai câu thơ tiếp theo, chúng ta có thể thấy được cảm xúc hân hoan, vui sướng đến tột cùng thông qua biện pháp nghệ thuật so sánh: “Hồn tôi là một vườn hoa lá”. Tâm hồn nhà thơ ngập tràn hương thơm hoa lá và rộn ràng tiếng chim, thể hiện trạng thái sôi nổi của bản thân khi nhận ra ánh sáng, lí tưởng của Đảng. Trong niềm hân hoan đó, tác giả đã tìm thấy lẽ sống cao cả của đời mình:

“Tôi buộc lòng tôi với mọi người
Để tình trang trải với trăm nơi
Để hồn tôi với bao hồn khổ
Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời”

Tác giả đã sử dụng đại từ xưng hô “tôi”, nhưng không phải là cái “tôi” của cá nhân riêng tư mà là cái “tôi” gắn bó với mọi người. Điệp ngữ “để” được nhắc lại hai lần ở mỗi câu thơ tạo nên hình thức thơ vắt dòng, nhấn mạnh nhấn mạnh ý thức tự nguyện gắn bó cuộc đời mình với cuộc đời của dân tộc, nhân dân từ khi giác ngộ lí tưởng cách mạng. Đồng thời, hàng loạt động từ “buộc”, “trang trải”, “gần gũi” đã thể hiện tình cảm gắn bó với nhân dân và sự nghiệp cách mạng một cách dứt khoát của người chiến sĩ, người thanh niên yêu nước đã tìm thấy lẽ sống, lí tưởng cao cả của cuộc đời mình. Như vậy, qua giọng thơ sảng khoái, hân hoan, cái “tôi” của tác giả đã hòa chung với cái “ta”, cá nhân hòa chung cộng đồng một cách tự nguyện, quyết liệt và dứt khoát để “mạnh khối đời” – khối đại đoàn kết dân tộc. Đó cũng chính là phẩm chất cao đẹp của người chiến sĩ cách mạng. Bài thơ khép lại bằng sự chuyển biến về tình cảm của tác giả:

“Tôi đã là con của vạn nhà
Là em của vạn kiếp phôi pha
Là anh của vạn đầu em nhỏ
Không áo cơm, cù bất cù bơ…”

Bằng điệp cấu trúc “đã là/ là”, tác giả đã nêu lên một chân lí, khẳng định sự chuyển biến lớn trong tình cảm của mình và vị trí của trách nhiệm cá nhân đối với cộng đồng. Những danh từ: “con”, “em”, “anh” gợi ra mối quan hệ ruột thịt đối với “vạn nhà, vạn kiếp phôi pha, vạn đầu em nhỏ” thể hiện sự gắn bó máu thịt của tác giả đối với đông đảo quần chúng nhân dân. Câu thơ đã nêu cao trách nhiệm chia sẻ, dẫn dắt, định hướng đối với những kiếp người khốn khổ, với mầm non của đất nước. Qua đó, chúng ta có thể thấy được tình hữu ái giai cấp, lòng nhân ái và sự đoàn kết dân tộc giữa những con người cùng mang trong mình dòng máu Lạc Hồng. Như vậy, bằng tinh thần nhiệt huyết tuổi trẻ, Tố Hữu đã nêu cao chân lí của người chiến sĩ cách mạng, phải lo lắng, chăm lo đối với vận mệnh của nhân dân, dân tộc dưới ánh sáng soi chiếu của Đảng. Vì thế, bài thơ được xem là lời tuyên ngôn về lẽ sống đối với thanh niên Việt Nam qua nhiều thế hệ.

Bằng việc sử dụng thành công các biện pháp nghệ thuật so sánh, ẩn dụ, điệp ngữ, hệ thống ngôn ngữ gợi cảm, giàu nhạc điệu, giọng thơ sảng khoái, hân hoan, tác giả Tố Hữu đã ngợi ca lí tưởng cách mạng của Đảng; đồng thời thể hiện lẽ sống lớn hòa nhập, cống hiến. Tất cả những yếu tố trên đã làm nổi bật tiếng thơ trữ tình – chính trị và phẩm chất cách mạng của nhà thơ Tố Hữu.

Exit mobile version