I. Mở bài
Tình cảm gia đình, tình yêu quê hương mãi luôn là dòng suối nguồn yêu thương để các thi nhân chắp bút viết nên những vần thơ tuyệt diệu. Ta đã từng biết đến trang thơ tựa như tấm vải thổ cẩm của nhà thơ Y Phương – người con của mảnh đất Cao Bằng qua thi phẩm “Nói với con”. Ta cũng lại biết đến những vần thơ trong trẻo, dạt dào, mang đậm tính suy tư của nhà thơ Viễn Phương qua “Con cò” – khúc hát ru con lắng đọng bao cảm xúc. Và với người yêu thơ, chắc hẳn không ai là không nhớ bài thơ “Bếp lửa” của Bằng Việt – nơi gửi gắm bao tình cảm mến thương của cháu gửi về bà. Đọc bài thơ, có lẽ người đọc ấn tượng nhất chính là những dòng tình cảm của người cháu phương xa dành cho bà kính yêu trong hai khổ thơ cuối:
Lận đận đời bà biết mấy nắng mưa
Mấy chục năm rồi, đến tận bây giờ
Bà vẫn giữ thói quen dậy sớm
Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm,
Nhóm niềm yêu thương, khoai sắn ngọt bùi,
Nhóm niềm xôi gạo mới, sẻ chung vui,
Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ…
Ôi kỳ lạ và thiêng liêng – bếp lửa!
Giờ cháu đã đi xa. Có ngọn khói trăm tàu,
Có lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả,
Nhưng vẫn chẳng lúc nào quên nhắc nhở:
– Sớm mai này, bà nhóm bếp lên chưa?…
II. Thân bài
1. Khái quát về tác giả, tác phẩm
Bằng Việt là một trong những gương mặt tiêu biểu thuộc thế hệ những nhà thơ trẻ trưởng thành trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Thơ Bằng Việt trong trẻo, thường khai thác những kỉ niệm trong sáng thủa thiếu thời và khơi gợi ước mơ tuổi trẻ. “Bếp lửa” là một trong những tác phẩm đầu tay của Bằng Việt được sáng tác năm 1963, khi tác giả đang là sinh viên học ngành luật của trường Đại học Tổng hợp Kiev – Liên Xô. Tác phẩm viết theo thể thơ tự do và được đưa vào tập thơ “Hương cây – Bếp lửa”, tập thơ đầu tay của Bằng Việt và Lưu Quang Vũ. Bằng sự kết hợp hài hòa giữa biểu cảm với tự sự, miêu tả và nghị luận, bài thơ đã xây dựng hình ảnh bếp lửa gắn liền với hình ảnh người bà và là điểm tựa khơi gợi mọi cảm xúc và suy nghĩ về tình bà cháu. Trong đó, hai đoạn thơ cuối của bài là những suy ngẫm về bà và bếp lửa của nhà thơ.
2. Khái quát nội dung của những đoạn thơ trước.
Ở những khổ thơ đầu, Bằng Việt đã đưa người đọc đến với những kỉ niệm của ông trong những năm tháng sống bên bà để từ đó bộc lộ tình cảm yêu thương, thấu hiểu cho những vất vả nhọc nhằn mà bà phải trải qua đồng thời bộc lộ lòng biết ơn bởi những gì mà bà đã làm cho cháu. Và tình cảm ấy tiếp tục được bộc lộ ở hai khổ thơ cuối khi nhà thơ bộc bạch những suy ngẫm về cuộc đời của bà.
3. Phân tích đoạn thơ
Cuộc đời bà là cuộc đời của những vất vả, gian lao. Bà cần mẫn lo toan, chịu thương chịu khó, thức khuya dậy sớm vì bát cơm, manh áo của con cháu trong gia đình. Để rồi mỗi khi nhớ lại, cháu vô cùng cảm phục và biết ơn bà:
Lận đận đời bà biết mấy nắng mưa
Mấy chục năm rồi, đến tận bây giờ
Bà vẫn giữ thói quen dậy sớm
Nghệ thuật đảo ngữ đưa từ láy “ lận đận” lên đầu câu, kết hợp với cụm từ “ đời bà”, “ mấy chục năm rồi” và hình ảnh ẩn dụ “ nắng mưa” đã diễn tả một cách sâu sắc và trọn vẹn về cuộc đời đầy những lận đận, gian nan, vất vả của bà. Đồng thời thể hiện sự thấu hiểu một cách sâu sắc trong tình cảm của cháu. Phó từ “ vẫn” đã khẳng định thói quen không bao giờ thay đổi của bà, ấy là “thói quen dậy sớm’ để làm công việc nhóm lửa, nhóm lên niềm tin, tình yêu thương cho cháu.Có thể nói, tình thương yêu tác giả dành cho bà được thể hiện trong từng câu chữ. Tình cảm ấy giản dị, chân thành mà sâu nặng, thiết tha.
Bà không chỉ nhóm lửa bằng đôi tay khẳng khiu, gầy guộc mà còn bằng tất cả tấm lòng đôn hậu đối với con cháu, với xóm làng:
Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm
Nhóm niềm yêu thương khoai sắn ngọt bùi
Nhóm nồi xôi gạo mới sẻ chung vui
Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ
Điệp ngữ “nhóm”được nhắc lại bốn lần mang đến nhiều liên tưởng: “Nhóm bếp lửa”, “nhóm nồi xôi gạo” là hình ảnh tả thực công việc nhóm bếp, nhóm lửa của bà. “Nhóm niềm yêu thương”, “nhóm dậy cả những tâm tình” là hình ảnh ẩn dụ về công việc thiêng liêng và cao quý: bà đã khơi dậy trong tâm hồn cháu và những người xung quanh niềm yêu thương, chia sẻ.
Chính từ đó mà, theo mạch suy ngẫm, nhà thơ đi lên khái quát rất tự nhiên và hợp lý:
“Ôi kỳ lạ và thiêng liêng – bếp lửa”.
Từ cảm thán “Ôi” đã bộc lộ sự ngạc nhiên, bất ngờ của tác giả khi nhận ra một điều kì diệu. Bếp lửa thật giản dị , bình thường và phổ biến trong mọi gia đình Việt Nam, nhưng bếp lửa cũng thật cao quý, kỳ diệu và thiêng liêng vì nó luôn gắn liền với bà – người giữ lửa, nhóm lửa, truyền lửa, người tạo nên tuổi thơ của cháu. Bếp lửa trở thành một mảnh tâm hồn, một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của cháu.
Có thể nói, cảm xúc của nhà thơ như dâng trào khi suy ngẫm về bà và bếp lửa. Khổ thơ như một sự tổng kết để ngợi ca, khẳng định về bà: bà là người phụ nữ tần tảo, giàu đức hi sinh, luôn chăm lo cho mọi người.
Bốn câu kết thể hiện một cách đằm thắm tình thương nhớ, lòng kính yêu và biết ơn của đứa cháu bé bỏng nay đã đi xa:
Giờ cháu đã đi xa. Có ngọn khói trăm tàu
Có lửa trăm nhà , niềm vui trăm ngả
Nhưng vẫn chẳng lúc nào quên nhắc nhở
– Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa?
Dấu chấm giữa dòng thơ ngắt câu thơ thành hai câu tự sự để gợi sự chảy trôi của thời gian, sự biến đổi của không gian và vẽ lên một thực tại: người cháu năm xưa giờ đã lớn khôn, trưởng thành, đã được chắp cánh bay xa, được làm quen với những chân trời rộng mở. Phép điệp ngữ và số từ ước lệ “trăm” đã mở ra một thế giới rộng lớn với bao điều mới mẻ. Thủ pháp liệt kê và câu hỏi tu từ cuối câu cho thấy người cháu có những thay đổi lớn trong cuộc đời, đã tìm được bao niềm vui mới, khẳng định đứa cháu không thể quên được ngọn lửa của bà, ngọn lửa ấy đã thành kỉ niệm, niềm tin nâng bước người cháu trên suốt chặng đường dài.
Như vậy, bằng biện pháp tu từ ẩn dụ, điệp ngữ và các từ ngữ, hình ảnh chọn lọc, hai khổ thơ cuối của bài thơ “Bếp lửa” đã giúp người đọc cảm nhận được trọn vẹn những suy nghĩ của cháu về cuộc đời bà để từ đó bộc lộ nỗi nhớ thương bà da diết. Đọc những vẫn thơ ấy, ta nhận ra ở nhà thơ Bằng Việt là tình yêu thương, sự thấu hiểu và lòng biết ơn vô tận của nhà thơ đối với bà và cũng là đối với quê hương đất nước. Tình cảm ấy thật đáng trân trọng biết bao.
III. Kết bài
Qua dòng hồi tưởng của người cháu đã trưởng thành, nhớ lại những kỉ niệm đầy xúc động về người bà và bếp lửa, nhà thơ đã bộc lộ những tình cảm thiêng liêng, sâu nặng đối với gia đình, quê hương, đất nước. Khổ thơ chứa đựng đạo lí thủy chung, cao đẹp bao đời của người Việt: “ uống nước nhớ nguồn”, ân nghĩa thuỷ chung. Đạo lí ấy được nuôi dưỡng ở mỗi tâm hồn con người từ ấu thơ, để rồi như chắp cánh cho mỗi người bay cao, bay xa trên mọi hành trình cuộc đời dài rộng.
🔻 Xem thêm:
- Cảm nhận khổ thơ 3,4 và khổ thơ cuối bài “Bếp lửa”
- Phân tích đoạn thơ đầu bài thơ “Bếp lửa” – Bằng Việt
- Cảm nhận của em về tình bà cháu và bếp lửa trong bài thơ ” Bếp lửa” của Bằng Việt.
- Cảm nhận khổ 4,5 bài thơ “Bếp lửa”
- Phân tích bài thơ “Bếp lửa” của nhà thơ Bằng Việt
- Hình ảnh người bà trong bài thơ “Bếp lửa”
- Cảm nhận khổ 5,6 bài thơ “Bếp lửa” của Bằng Việt
- Đạo lí ân nghĩa, thủy chung của con người Việt Nam qua ” Ánh trăng” và “Bếp lửa”
- “Bếp lửa” – kỉ niệm thân thiết của tuổi thơ…
- Chứng minh: “Bếp lửa” gây cho ta những tình cảm ta chưa có…
- “Bếp lửa” – Tình cảm gia đình, tình yêu quê hương hòa quện
- Cảm nhận về bài thơ Bếp lửa – Bằng Việt