I – Mở bài
– Giới thiệu vấn đề: tiền là thước đo năng lực, tiền phản ánh giá trị sống của con người
– Thái độ người viết về quan niệm trên
II – Thân bài
Gồm các ý chính (từ 2 luận điểm trở lên)
– Nhận thức, phân tích về vai trò của đồng tiền
+ Hiểu đúng: là phương tiện của cuộc sống, mỗi người cần làm ra tiền tự nuôi sống bản thân, giúp đỡ gia đình…
+Tác hại của việc hiểu chưa đúng: coi tiền là mục đích sống → dễ dẫn đến sai lầm, hy sinh sức khỏe, hạnh phúc,…
– Nêu ngắn gọn quan điểm của bản thân và đề xuất sự điều chỉnh quan niệm và hành động sống…
III – Kết bài
– Khẳng định vai trò của quan niệm sống đúng, phù hợp với thời đại
– Nhận thức, lựa chọn lối sống, hành động của bản thân…
Bài văn tham khảo 1
Đã bao giờ bạn tự hỏi “Hạnh phúc là gì hay chưa?” mà người ta cứ mãi kiếm tìm nó trong cuộc sống. Có những người coi hạnh phúc chỉ là những điều rất bình dị nhỏ nhoi. Có những người cho nó là công to việc lớn, là thứ gì đó thật vĩ đại trong đời. Cũng có không ít người định nghĩa hạnh phúc bằng tiền bạc. Tiền bạc và hạnh phúc có liên quan gì đến nhau?
Tiền bạc là những tài sản vật chất trong cuộc sống, phục vụ cho những nhu cầu tiêu dùng thường ngày của con người. Nó có thể bao gồm tiền, nhà cửa, hay tài sản cá nhân. Hạnh phúc là sự thỏa mãn, hài lòng khi đạt được điều mình mong muốn, thường là những giá trị tinh thần trong cuộc sống. Tiền bạc và hạnh phúc đều là những nhu cầu của con người, tồn tại bên ngoài và trong chính con người.
Tiền bạc và hạnh phúc đều là những thứ có ý nghĩa trong cuộc sống của chúng ta. Tiền để chi tiêu cho sinh hoạt, cho những nhu cầu thiết yếu về ăn ở, đi lại hay những lúc ốm đau cần chữa trị, chăm sóc bản thân. Hạnh phúc với nhiều người chính là có cơm ăn có quần áo mặc, không phải lang bạt khắp nơi. Nhưng tiền không phải là hạnh phúc. Những người giàu có sung túc không phải luôn luôn hạnh phúc, những người nghèo khó cơ cực không phải không bao giờ hạnh phúc.
Những đứa trẻ sống trong gia đình nghèo, phải sống cuộc sống khó khăn kham khổ nhưng có cha mẹ hết mực yêu thương chắc chắn sẽ hạnh phúc hơn những đứa trẻ sống trong gia đình giàu có nhưng cha mẹ bận rộn không quan tâm, chăm sóc. Một doanh nhân thành đạt nhưng mắc phải căn bệnh ung thư có lẽ còn không hạnh phúc bằng một người công nhân nghèo, vất vả nuôi con đến khi về già được con cái chăm lo.
Tiền bạc không phải là tất cả, nó có thể mua được nhiều thứ nhưng không mua được sức khỏe, không mua được đạo đức và hạnh phúc. Tiền bạc đôi khi còn khiến người ta bị cuốn vào những vòng xoáy dơ bẩn, bán rẻ nhân cách và hạnh phúc của chính mình. Có rất nhiều câu chuyện thật nói về cái giá phải trả cho việc coi trọng đồng tiền. Những người tham lam, nghèo nhưng không biết vươn lên, đi vào con đường cướp bóc giết người để nhận lại những bán án đau thương, bỏ lại tương lai sau song sắt nhà tù, bỏ lại cả người cha người mẹ với mái đầu bạc cả đời ngóng trông con. Hạnh phúc bởi vì đồng tiền mà tan biến hư vô, chỉ còn lại sự xót xa và bế tắc đến cuối cuộc đời.
Tuy vậy, không thể sống mà coi thường tiền bạc. Cơm áo gạo tiền và gánh nặng mưu sinh đều cần đến tiền, những mảnh đời bất hạnh, những con người cả đời chăm chỉ vất vả nhưng cuộc sống không khá giả hơn cũng sẽ không bao giờ cảm thấy hạnh phúc. Người cha người mẹ có yêu thương tự hào về con mình đến đâu, khi không lo cho con được bằng bạn bằng bè cũng sẽ cảm thấy không vui vẻ vì bản thân, vì con.
Tiền bạc và hạnh phúc là những giá trị trung hòa trong cuộc sống của mỗi người. Không phải ai có tiền cũng sẽ hạnh phúc và cũng không ai có thể hạnh phúc suốt đời nếu không coi trọng tiền bạc. Bản thân mỗi người cần nhận thức rõ ràng về giá trị của tiền bạc và hạnh phúc. Chúng ta có thể cố gắng học tập, rèn luyện để trở nên thành đạt, giỏi giang và giàu có nhưng đồng thời cũng cần trân trọng những giá trị tốt đẹp khác bên cạnh tiền bạc, thậm chí cao hơn tiền bạc, ví dụ như tình yêu thương.
Đừng bao giờ để tiền bạc và những thứ vật chất là lu mờ bản thân, hãy sống tốt đẹp và chan hòa, trân trọng những mối quan hệ và biết yêu thương nhiều hơn. Trước những bàn tay cầu xin sự giúp đỡ đừng ngại ngần tiếc rẻ tiền bạc mà từ chối, biết đâu bởi vì sự từ chối của bạn, người ta có lẽ sẽ không bao giờ có cơ hội làm lại nữa. Mỗi chúng ta cũng nên trân trọng những gì mình đang có, trân trọng những thứ hạnh phúc nhỏ nhoi như tình yêu thương của cha mẹ hay chỉ đơn giản là có cha có mẹ. Nghe lời cha mẹ và yêu thương cha mẹ nhiều hơn, đừng mải mê chạy theo vòng xoáy, mải mê kiếm tiền để mong ước cuộc sống giàu sang mà trở nên thờ ơ, lạnh lùng.
Hạnh phúc đôi khi không phải thứ gì đó quá xa xôi mà ở gần ngay cạnh chúng ta, tiền bạc cần thiết cho cuộc sống nhưng không phải tất cả. Sống để bản thân và gia đình cảm thấy thoải mái nhất, bạn sẽ thấy hạnh phúc. Hãy cân bằng cuộc sống của chính mình để tìm thấy hạnh phúc thực sự.
Bài văn tham khảo 2
Trong xã hội hiện đại, tiền bạc đã trở thành một yếu tố quan trọng để đo lường năng lực và giá trị sống của con người. Tuy nhiên, tôi tin rằng quan niệm này là không chính xác và cần được điều chỉnh. Tiền bạc không phải là thước đo duy nhất để đánh giá năng lực và giá trị sống của con người.
Trước hết, năng lực của con người không chỉ được đo lường bằng số tiền mà họ kiếm được. Năng lực của con người còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như trí thông minh, sự sáng tạo, tài năng, kỹ năng làm việc, sức khỏe và nhiều yếu tố khác. Những yếu tố này không thể được đo lường bằng tiền bạc.
Thứ hai, giá trị sống của con người không chỉ phản ánh bằng số tiền mà họ có được. Sự hạnh phúc, sự hài lòng và sự thành công trong cuộc sống không phải chỉ phụ thuộc vào số tiền có được. Có rất nhiều người giàu có nhưng vẫn cảm thấy không hạnh phúc và không thành công trong cuộc sống. Ngược lại, có rất nhiều người nghèo nhưng vẫn cảm thấy hạnh phúc và thành công trong cuộc sống vì họ có những giá trị khác như tình yêu, sự hỗ trợ của gia đình, bạn bè và cộng đồng.
Cuối cùng, việc đo lường năng lực và giá trị sống của con người chỉ bằng tiền bạc sẽ dẫn đến sự bất bình đẳng và phi lý. Nếu xã hội chỉ đánh giá con người bằng số tiền mà họ kiếm được, thì sẽ có rất nhiều người bị đánh giá thấp và bị bỏ lại phía sau. Điều này sẽ gây ra sự bất bình đẳng và ảnh hưởng đến tinh thần của con người.
Vì vậy, tôi tin rằng chúng ta cần điều chỉnh quan niệm về tiền bạc là thước đo năng lực và giá trị sống của con người. Chúng ta cần đánh giá con người bằng nhiều yếu tố khác nhau và coi trọng những giá trị khác như tình yêu, sự hỗ trợ gia đình và cộng đồng để đạt được sự bình đẳng và phi lý trong xã hội.