Site icon Lớp Văn Cô Thu

Bài luận thể hiện suy nghĩ về hiện tượng bẫy chim trời hiện nay

Bài luận thể hiện suy nghĩ về hiện tượng bẫy chim trời hiện nay

Bài luận thể hiện suy nghĩ về hiện tượng bẫy chim trời hiện nay

I – Mở bài

– Giới thiệu hiện tượng bẫy chim trời hiện nay

– Thể hiện thái độ của người viết đối với hiện tượng

II – Thân bài

Gồm 2 luận điểm trở lên

– Làm rõ thực trạng của hiện tượng

– Các góc nhìn về hiện tượng

+ Tác hại của hiện tượng bẫy chim trời đối với môi trường, gây mất cân bằng sinh thái (lí lẽ, dẫn chứng)

+ Những hành động dã man đối với động vật (khâu mắt)

– Mở rộng vấn đề: Hành động của con người với động vật hoang dã…

– Thái độ, quan điểm của người viết đối với hiện tượng: phản đối; lên án…

– Đề xuất giải pháp ngăn chặn (tuyên truyền, xử phạt; hỗ trợ để người dân tăng thu nhập bằng nghề nghiệp khác…)

III – Kết bài

– Khẳng định tác hại của việc bẫy chim trời hiện nay (khái quát)

– Nhận thức và hành động cá nhân…

Bài văn tham khảo

Hàng ngày, em vẫn được hay tin về việc nhiều người dân giữ thói quen săn bắn các loài chim trời. Hành động này đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về công tác bảo tồn đa dạng sinh học. Em cho rằng, hiện tượng này cần phải loại bỏ, lên án.

Cứ vào thời điểm đầu Đông, nhiều loài chim vội vã tìm nơi tránh rét. Đây được coi là dịp thuận lợi để một số người dân săn bắt, mua bán chim hoang dã. Tình trạng săn bắt chim trời ở làng quê Việt Nam trong nhiều năm qua là nguyên nhân sâu xa dẫn đến việc các cánh đồng, khu sinh thái ngày càng vơi dần những tiếng chim hót hay cánh chim chao lượn trên bầu trời.

Theo như những gì chia sẻ với phóng viên, bà Nguyễn Thị Vân Anh – điều phối viên dự án “Tăng cường quan hệ hợp tác nhằm bảo vệ các loài nguy cấp có ý nghĩa toàn cầu tại Việt Nam cho biết: “Việt Nam hiện đã ghi nhận được 918 loài chim, trong đó: 12 loài đặc hữu, 9 loài rất nguy cấp, 17 loài nguy cấp, 21 loài bị tổn thương, 44 loài bị đe dọa đã được ghi nhận trong danh sách đỏ của IUCN (là danh sách toàn diện nhất về tình trạng bảo tồn và đa dạng của các loài động vật và thực vật trên thế giới), bản cập nhật năm 2021, và 40 loài được ghi nhận trong sách đỏ Việt Nam.”. Từ những chia sẻ của bà, em nhận thấy người dân chưa có ý thức bảo vệ các loài động vật, đặc biệt là các loài động vật quý hiếm. Có bao giờ, những người săn bắn chim trời lo sợ hành vi này sẽ làm hao tổn đến phước đức của chính họ cũng như thế hệ mai sau không? Hay họ chỉ nghĩ đến những lợi ích trước mắt mà không để ý tới hậu quả lâu dài?

Càng ngày, số lượng các chợ dân sinh buôn bán chim tự nhiên ngày một tăng lên. Điều này cho thấy, các cấp ban ngành chưa có sự quản lí chặt chẽ đối với hoạt động, hình thức kinh doanh này. Nếu tình trạng ấy cứ diễn ra một cách liên tục, thường xuyên thì chỉ trong một thời gian ngắn nữa, hình ảnh những đàn cò trắng thấp thoáng trên cánh đồng sẽ chỉ còn lại trong các tấm ảnh, tác phẩm văn học xa xưa. Chúng ta sẽ phải trả giá nếu vẫn tiếp tục hủy hoại môi trường.

Theo em, để ngăn chặn hiện tượng này, mỗi người dân cần học cách thay đổi nhận thức; không săn bắn chim trời dưới mọi hình thức. Chính quyền địa phương cũng như các cấp ban ngành cần vào cuộc, kiểm tra sát sao, ngăn chặn những hành vi săn bắn chim hoang dã.

Đối với em, hành động này cần phải được loại bỏ ngay ngày hôm nay. Chúng ta hãy trả lại bầu trời tự do cho loài chim cũng như những loài động vật hoang dã. Sống hòa hợp với thiên nhiên chính là xây dựng, bảo vệ chính mình trong tương lai!

Exit mobile version