Site icon Lớp Văn Cô Thu

Bài dự thi : Em yêu lịch sử Việt Nam

BÀI DỰ THI

EM YÊU LỊCH SỬ VIỆT NAM

 

Câu 1.  Ngày 6 – 12 – 2012, UNESCO đã chính thức công nhận một tín ngưỡng ở Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại. Anh (chị) hãy cho biết đó là tín ngưỡng gì? Nêu những điều mà anh (chị) tâm đắc nhất về thời đại là nguồn gốc hình thành nên tín ngưỡng đó. 

Trả lời

Ngày 6/12/2012, “Tín ngưỡng thờ, cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” đã được UNESCO chính thức công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương có từ thời đại các vua  Hùng , thời kì mở đầu trong lịch sử dựng nước của dân tộc . Theo truyền thuyết kể lại thì mọi người dân sinh sống trên mảnh đất Việt Nam đều có chung một nguồn cội, đều là kết quả của mối lương duyên Tiên-Rồng, là con của mẹ Âu Cơ và cha Lạc Long Quân. Người Việt Nam luôn coi quốc gia – dân tộc như là một gia đình lớn. Thờ cúng Hùng Vương chính là sự tưởng nhớ , biết ơn vị Tổ chung của cả dân tộc.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã thể hiện rất rõ truyền thống đạo lý  “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta đồng thời thể hiện ý chí đoàn kết cộng đồng thành một quốc gia – dân tộc. Đây chính là điều khiến em thật sự tâm đắc và tự hào mình là con dân Đất Việt mang trong mình dòng máu Lạc Hồng.

Câu 2. Anh (chị) hãy nêu cảm nhận của mình về một sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc.

Trả lời

Như một cây cầu nối hai bờ lịch sử, Cách mạng tháng Tám (1945) thành công đã đưa nước ta bước sang một kỉ nguyên mới, ghi vào những trang sử hào hùng của dân tộc một mốc son chói lọi.  Thắng lợi ấy đã đưa nhân dân ta từ thân phận nô lệ lên làm chủ đất nước, đưa nước Việt Nam ta từ từ một nước thuộc địa nửa phong kiến thành một nước độc lập và dân chủ. Thắng lợi vẻ vang ấy không chỉ có ý nghĩa trong nước mà còn có ý nghĩa quốc tế  to lớn bởi nó đã đập tan một mắt xích quan trọng của chủ nghĩa đế quốc, góp phần làm lung lay chủ nghĩa đế quốc trên toàn thế giới, là nguồn động lực động viên tinh thần cho các nước thuộc địa đứng lên giành độc lập.

Nhìn lại những ngày trước khi Ban chấp hành Trung ương Đảng  phát động lệnh tổng khởi nghĩa trong toàn quốc, dân ta phải chịu cảnh “một cổ hai tròng” bởi ách áp bức, bóc lột của thực dân Pháp và Phát xít Nhật đưa dân ta đến một thảm cảnh kinh hoàng: hơn 2 triệu người chết đói. Để dễ bề cai trị, thực dân Pháp đã cho thi hành chính sách “ngu dân” khiến hơn 90% dân số không biết chữ . Trên bản đồ thế giới, nước chúng ta không được đặt tên. Các nước vẫn chỉ coi ta là thuộc địa của Pháp, không công nhận quyền độc lập và quyền tự quyết của dân tộc.  Ấy vậy mà, chỉ trong vòng hai tuần lễ  (15– 30/8/1945) cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền đã diễn ra trên khắp ba miền đất nước và giành thắng lợi hoàn toàn. Thắng lợi này đã thiết lập lại những gì vốn thuộc về ta: nước Việt Nam là một nước tự do và độc lập, dân tộc Việt Nam có quyền được hưởng tự do và độc lập. Còn gì vui sướng và tự hào hơn thế, lịch sử sang trang,  một kỉ nguyên mới được bắt đầu –  kỉ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội.

Câu 3. Trong lịch sử dân tộc Việt Nam, anh (chị) yêu thích nhất nhân vật lịch sử nào? Vì sao? Hãy trình bày hiểu biết của anh (chị) về nhân vật đó.

Trả lời

Lịch sử dân tộc không quên những Con Người đã tạo nên bước chuyển mình thời đại. Với em,người mà em yêu mến và cảm phục nhất là Bác Hồ- một người cha, người bác, người anh của  dân tộc Việt Nam.

Hồ Chí Minh, (19/5/1890 – 2/9/1969) , tên khai sinh là Nguyễn Sinh Sắc , quê ở Làng Sen, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An  trong một gia đình nhà Nho có truyền thống yêu nước và cách mạng. Sinh ra và lớn lên trong bối cảnh đất nước phải oằn mình dưới gót giày quân xâm lược, ở  Người đã sớm hình thành lòng yêu nước và căm thù quân giặc.  Năm 1911, tại bến cảng Nhà Rồng, Người đã ra đi tìm đường cứu nước. Biết bao khó khăn và nguy hiểm cũng không khuất phục nổi ý chí sắt đá của người chiến sĩ yêu nước giàu nhiệt huyết cách mạng. Người đã tìm ra con đường cứu nước cho dân tộc ta đi- con đường Cách mạng vô sản, giải quyết khủng hoảng trong đường lối lãnh đạo Cách mạng Việt Nam cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX.

Năm 1930 Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời do Người chủ trì . Dưới ngọn cờ của Đảng, nhân dân ta đã giành được nhiều thắng lợi to lớn mà mốc son chói lọi nhất là Cách mạng tháng Tám thành công, chính quyền về tay nhân dân, nước Việt Nam hoàn toàn độc lập.  Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Người đã đọc Tuyên ngôn Độc khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và được bầu làm Chủ tịch nước tại Quốc hội khóa đầu tiên (1/ 1946).

Không chỉ là một nhà hoạt động cách mạng tài ba mà Hồ Chủ tịch còn là một người yêu văn thơ và biến văn thơ thành một công cụ đắc lực cho cuộc đấu tranh cách mạng. Người đã sáng tác rất nhiều truyện, kí và thơ trữ tình mà “Nhật kí trong tù” còn được coi là “Viên ngọc quý mà Bác đã vô tình đánh rơi vào kho tàng văn học dân tộc”.

Năm 1987, UNESCO đã tôn vinh Người  là “Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa”  và công nhận những đóng góp to lớn của Người đối với hòa bình và sự tiến bộ của nhân loại.

Câu 4. Ở tỉnh, thành phố quê hương anh (chị) có những di sản văn hóa (vật thể và phi vật thể) tiêu biểu nào? Anh (chị) hãy giới thiệu về một di sản văn hóa của quê hương mà anh (chị) ấn tượng nhất. Theo anh (chị), cần phải làm gì để bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa đó?

Trả lời

Hà Nội ngàn năm văn hiến với nhiều di sản văn hóa được UNESCO công nhận: Hoàng thành Thăng Long, Ca trù, Hội Gióng, Bia tiến sĩ Văn Miếu Quốc Tử Giám đã trở thành niềm tự hào của nhân dân Việt Nam về mảnh đất Thăng Long hồn thiêng đất Việt.

Hoàng thành Thăng Long  là quần thể di tích gắn với lịch sử kinh thành Thăng Long – Hà Nội. Đây là công trình kiến trúc đồ sộ, được các triều vua xây dựng trong nhiều giai đoạn lịch sử và trở thành di tích quan trọng bậc nhất trong hệ thống các di tích Việt Nam.

Năm 2010, Hoàng thành Thăng Long được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Những giá trị nổi bật toàn cầu của khu di sản này được ghi nhận bởi 3 đặc điểm nổi bật: chiều dài lịch sử văn hóa suốt 13 thế kỷ; tính liên tục của di sản với tư cách là một trung tâm quyền lực, và các tầng di tích di vật đa dạng, phong phú.

Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội có diện tích 20ha, bao gồm khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu và các di tích còn sót lại trong khu di tích Thành cổ Hà Nội như Bắc Môn, Đoan Môn, Hậu Lâu, rồng đá điện Kính Thiên, nhà con rồng, nhà D67 và cột cờ Hà Nội.

Các di sản văn hóa có nguy cơ bị xâm hại bởi thời gian và các yếu tố tự nhiên cũng như con người. Để bảo tồn các di sản văn hoá trước hết phải để mọi người hiểu được các giá trị văn hóa lịch sử ở mỗi di sản, có như vậy mới khơi dậy được tình yêu và lòng tự hào của người dân về những di sản quý giá ấy. Việc bảo tồn di sản không phải là trách nhiệm của cá nhân hay tổ chức mà là của toàn dân, do vậy cần phải tuyên truyền để người dân hiểu và có ý thức tự giác trong bảo tồn và tôn tạo di sản.

Để phát huy giá trị các di sản văn hoá cần phải hoàn hiện cơ sở hạ tầng tại các di sản văn hóa; quảng bá rộng rãi trên các phương tiện truyền thông về các di sản văn hoá ; phối hợp chặt chẽ với ngành du lịch tổ chức các chuyến tham quan trật tự, nề nếp, an toàn hấp dẫn du khách và bạn bè quốc tế.

 

   Câu 5.                                   “Dân ta phải biết sử ta,

Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”

Anh (chị) hãy cho biết hai câu thơ trên là của ai. Nêu ý nghĩa của hai câu thơ đó. Theo anh (chị), cần phải làm gì để người học yêu thích môn Lịch sử?

Trả lời

Bác Hồ đã từng dạy ta:

“Dân ta phải biết sử ta

Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”

“Biết” ở đây chính là sự ghi nhớ và tự hào những trang sử hào hùng của dân tộc. Hiểu tường tận về lịch sử nước nhà sẽ hun đúc trong ta một tình yêu lớn – tình yêu đất nước, quê hương và hơn thế nữa nó còn là một vũ khí lợi hại để bảo vệ đất nước trước họa xâm lăng. Có hiểu được tường tận lịch sử dân tộc và mới hiểu được giá trị của cuộc sống ,mới có cái nhìn đúng đắn về cuộc sống hiện tại, đặt cơ sở cho sự phát triển tương lai.

Làm thế nào để nâng cao chất lượng dạy học môn lịch sử trong nhà trường hiện nay là một câu hỏi được cả xã hội quan tâm. Cá nhân em cho rằng, để người học yêu thích môn lịch sử thì cần phải có sự thay đổi về phương pháp dạy học. Giáo viên nên có sự liên hệ giữa bài học với thực tế bằng những hình ảnh trực quan sinh động hoặc những đoạn video clip minh họa cho nội dung bài học. Từ sự thích thú và thoải mái nhất, học sinh sẽ tiếp thu bài học tốt hơn và thêm yêu bộ môn Lịch sử nhiều hơn.

 

Exit mobile version